Bệnh lơ xê mi cấp: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
Trungtamthuoc.com - Lơ xê mi cấp là căn bệnh được ghi nhận lần đầu và năm 1827. Hiện nay chưa rõ nguyên nhân gây bệnh, các yếu tố nguy cơ cao gây bệnh này như tia xạ, hóa chất, do yếu tố di truyền, virus,...Cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về căn bệnh này trong bài viết dưới đây nhé!
1 Bệnh lơ xê mi cấp là bệnh gì?
Lơ xê mi cấp hay còn được gọi là ung thư máu cấp tính, nó là một nhóm bệnh do nguyên nhân là sự tăng sinh một loại tế bào non (tế bào máu chưa trưởng thành), có tính chất ác tính (tế bào blast). Các tế bào này có nguồn gốc từ tuỷ xương. Sự tăng sinh các loại tế bào máu ác tính làm ức chế sự hình thành các tế bào máu bình thường trong tủy xương. [1]
Hiện nay chưa rõ nguyên nhân gây nên bệnh lơ xê mi cấp. Trong đó có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng tỷ lệ mắc Lơ xê mi cấp, như:
- Tia xạ: từ tai nạn nhà máy hạt nhân, người đã từng trị liệu ung thư bằng tia xạ.
- Hoá chất: các hóa chất độc hại từ thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ, benzen,...
- Do dùng thuốc: thuốc điều trị ung thư,...
- Do virus HTLV1 (human T cell leukemia virus 1), HTLV2 (human T cell leukemia virus 2),...
- Yếu tố di truyền: đã ghi nhận trường hợp các thành viên trong gia đình.
- Lơ xê mi cấp thứ phát do người bệnh bị hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS).
- Lơ xê mi cấp do nguyên nhân người bệnh bị hội chứng tăng sinh tủy (MPD), suy tủy vô căn.
2 Chẩn đoán lơ xê mi cấp
2.1 Triệu chứng lâm sàng
Hội chứng thiếu máu: mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, chán ăn,...
Hội chứng xuất huyết: nguyên nhân thường do giảm tiểu cầu. Trường hợp xuất huyết nhẹ biểu hiện ở da - niêm mạc, nặng hơn có thể gặp xuất huyết nội tạng (nếu người bệnh bị xuất huyết nội tạng sẽ rất nguy hiểm).
Ngoài ra, có thể gặp đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC), Lơ xê mi cấp thể tiền tủy bào thường gặp triệu chứng này.
Hội chứng nhiễm trùng: Sốt, mệt mỏi, kèm theo viêm loét miệng, viêm họng, viêm phổi, nhiễm trùng da,...
Hội chứng thâm nhiễm: thâm nhiễm da, thâm nhiễm thần kinh trung ương, gan và lách to,...
Có thể có triệu chứng tắc mạch.
Biểu hiện toàn thân do bệnh lý ác tính: Mệt mỏi, sút cân, người gầy gò, suy sụp nhanh.
2.2 Cận lâm sàng
2.2.1 Xét nghiệm tế bào máu ngoại vi
Thiếu máu bình sắc, hồng cầu lưới giảm.
Tế bào non (tế bào blast) - ác tính cao.
Bạch cầu tăng.
Số lượng tiểu cầu giảm.
2.2.2 Xét nghiệm tủy xương
Xét nghiệm tủy đồ cho thấy các tế bào blast chiếm tỷ lệ ≥ 20% các tế bào có nhân trong tủy. Đây là xét nghiệm giúp quyết định trong việc chẩn đoán bệnh lơ xê mi cấp. Các dòng hồng cầu, bạch cầu hạt và tiểu cầu bị lấn át bởi các tế bào non ác tính blast.
Sinh thiết tuỷ xương được chỉ định trong trường hợp chọc hút tuỷ làm xét nghiệm tủy đồ không rõ do tủy nghèo tế bào.
2.3 Xét nghiệm khác
Xét nghiệm dấu ấn miễn dịch của tế bào non - ác tính.
Xét nghiệm nhiễm sắc thể và gen có thể gặp một số bất thường.
2.4 Tiêu chuẩn chẩn đoán
Chẩn đoán xác định:
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng đã kể trên
- Xét nghiệm tuỷ đồ thấy tế bào non ác tính blast chiếm tỷ lệ lớn hơn 20% tế bào có nhân trong tuỷ.
Chẩn đoán phân biệt: Lơ xê mi cấp cần được chẩn đoán phân biệt các bệnh như: ung thư có di căn sang tủy xương, hội chứng rối loạn sinh tủy (MDS), hội chứng tăng sinh tủy mạn ác tính (MPD), phản ứng giả của lơ xê mi cấp gặp trong nhiễm trùng.
3 Điều trị bệnh lơ xê mi cấp
3.1 Cơ sở điều trị
Điều trị Lơ xê mi cấp cần được thực hiện ở các cơ sở chuyên ngành huyết học, do các bác sĩ có chuyên môn thực hiện. Mục đích điều trị bệnh là giảm số lượng bạch cầu và tăng số lượng tiểu cầu cho bệnh nhân (tiêu chuẩn viện ung thư quốc gia Mỹ là số lượng bạch cầu trung tính >1,5G/l, số lượng tiểu cầu >100G/l) đồng thời số lượng các tế bào non giảm xuống dưới 5 %.
Quy trình điều trị lơ xê mi cấp được phân thành: giai đoạn điều trị tấn công (đẩy lui bệnh) và điều trị duy trì củng cố và tái tấn công (đẩy lui bệnh hoàn toàn).
Phác đồ điều trị tấn công thường phối hợp nhiều loại thuốc như: thuốc điều trị ung thư vincristin, asparaginase hoặc cyclophosphamid, anthracyclin và thuốc prednison (thuốc chống viêm). Thời gian điều trị duy trì thường kéo dài 24 - 36 tháng.
Các thuốc sử dụng trong giai đoạn tái tấn công thường là các thuốc đã sử dụng trong điều trị tấn công kết hợp với một số thuốc khác như methotrexat liều cao, etoposid hoặc 6MP,...
3.2 Theo dõi đáp ứng sau điều trị
Tiêu chuẩn lui bệnh về huyết học: 4 tuần sau khi kết thúc điều trị, thực hiện xét nghiệm tủy đồ.
Lui bệnh hoàn toàn: bệnh nhân ở trạng thái ổn định, các chỉ số về bạch cầu, tiểu cầu, tế bào blast như sau: số lượng bạch cầu trung tính > 1,5G/L, số lượng tiểu cầu > 100G/L, tỷ lệ tế bào blast trong tủy xương < 5%.
Lui bệnh không hoàn toàn: Tỷ lệ tế bào blast ở tủy xương giảm, nằm trong khoảng từ 5- 20%.
Không lui bệnh: Tỷ lệ tế bào blast ở tủy xương vẫn lớn hơn 20%. [2]
Tài liệu tham khảo
- ^ Mayo Clinic (Ngày đăng 10 tháng 2 năm 2021). Acute lymphocytic leukemia, Mayo Clinic. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021
- ^ Chủ biên PGS.TS. Nguyễn Thị Xuyên (Ngày đăng 22 tháng 4 năm 2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh lý huyết học, Cục Khám Chữa Bệnh Bộ Y Tế. Truy cập ngày 23 tháng 11 năm 2021