1. Trang chủ
  2. Răng Hàm Mặt
  3. Cao răng (vôi răng) là gì? Tác dụng, tác hại của việc lấy cao răng

Cao răng (vôi răng) là gì? Tác dụng, tác hại của việc lấy cao răng

Cao răng (vôi răng) là gì? Tác dụng, tác hại của việc lấy cao răng

1 Cao răng (vôi răng) là gì?

Cao răng hay vôi răng là sự hình thành của mảng bám sau thời gian dài bị vôi hóa. Mảnh vụn thức ăn thừa cùng với nước bọt, vi khuẩn trong khoang miệng sẽ tạo thành mảng bám trên răng, những mảng bám này nếu không được loại bỏ sẽ trở nên cứng và tạo thành cao răng. Cao răng có thể xuất hiện trên viền đường nướu ở cả mặt trong và mặt ngoài của răng, thường có màu vàng đến vàng sẫm, một số trường hợp cao răng có màu đen.

Cao răng có thể gây ảnh hưởng đến nướu và răng như làm hỏng men răng, tụt lợi, khiến nướu bị tổn thương.

Cao răng được chia thành 3 mức độ, bao gồm:

  • Mức độ 1: Không có quá nhiều mảnh cao răng trên bề mặt răng.
  • Mức độ 2: Lớp cao răng nhiều, dày, một số mảng đã che mất một phần chân răng.
  • Mức độ 3: Mảng cao răng dày, phần lợi có biểu hiện sưng đỏ, một số trường hợp xuất hiện tụt lợi.

Một số người có nguy cơ bị cao răng cao hơn bao gồm:

  • Người vệ sinh răng miệng kém.
  • Người đang niềng răng.
  • Người thường xuyên hút thuốc.
  • Tuổi tác.
  • Thói quen ăn uống: Thường xuyên ăn đồ ngọt, uống bia rượu, nước ngọt làm thay đổi độ pH của nước bọt, tạo điều kiện hình thành mảng bám.
Cao răng (Vôi răng mức độ nặng)
Cao răng (Vôi răng mức độ nặng)

2 Có nên lấy cao răng không? Tác dụng của việc lấy cao răng

Cao răng trước và sau khi lấy
Cao răng trước và sau khi lấy

Mảnh vụn thức ăn thừa có thể được loại bỏ bằng cách vệ sinh răng miệng tại nhà, tuy nhiên, việc loại bỏ cao răng cần có các biện pháp chuyên khoa hơn.

Lấy cao răng thường được tiến hành tại nha khoa, các bác sĩ răng hàm mặt sẽ sử dụng máy móc để loại bỏ các mảng cao răng trên bề mặt răng và nước. Lấy cao răng không chỉ có tác dụng cải thiện tính thẩm mỹ mà còn giúp bệnh nhân ngăn ngừa được một số bệnh lý liên quan đến răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu, hôi miệng, sâu răng,...

Ngay cả khi bạn vệ sinh răng miệng tốt thì vi khuẩn vẫn luôn tồn tại trong khoang miệng của bạn. Sự kết hợp của vi khuẩn với mảnh vụn thức ăn gây nên các mảng bám, theo thời gian, sẽ có ngày càng nhiều mảng bám tích tụ và bị vôi hóa thành cao răng.

Nhiều người đặt câu hỏi ‘Không lấy cao răng có sao không?’ Cao răng tích tụ trên viền nướu không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là nơi sinh sống của nhiều loại vi khuẩn có hại đối với sức khỏe răng miệng. Những mảng bám này có thể gây kích ứng và tổn thương nước dẫn đến viêm lợi, viêm nha chu. Lấy cao răng định kỳ là một phần cần thiết trong thói quen chăm sóc răng miệng vì:

  • Vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng bàn chải đánh răng, tăm chỉ nha khoa, tăm nước, súc miệng,...không thể loại bỏ hết mảng bám trên răng.
  • Cao răng có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi gây ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng cũng như tính thẩm mỹ, gây tự ti cho người bệnh.
  • Việc loại bỏ cao răng có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lý liên quan đến viêm nướu, viêm nha chu, viêm tủy, hôi miệng,...
  • Lấy cao răng định kỳ còn giúp ngăn ngừa các bệnh lý khác của cơ thể như viêm xoang, viêm họng, viêm amidan do vi khuẩn ở khoang miệng lây lan sang các khu vực này của cơ thể.

3 Tác hại của việc lấy cao răng là gì?

Lấy cao răng ngoài việc đem lại tính thẩm mỹ còn giúp ngăn ngừa một số bệnh lý liên quan. Việc lấy cao răng không gây ảnh hưởng đến men răng nếu như bạn lấy cao răng tại các cơ sở uy tín và thực hiện theo đúng hướng dẫn của nha sĩ. Một số người cho rằng, việc loại bỏ cao răng khiến cho răng bị yếu và dễ lung lay hơn. Thực chất, đây là một quan niệm sai lầm, lấy cao răng định kỳ giúp loại bỏ vi khuẩn có hại, bảo vệ chân răng, đem lại tính thẩm mỹ cho người bệnh.

Một số đối tượng cần phải lưu ý trước khi muốn lấy cao răng bao gồm:

  • Bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng.
  • Bệnh nhân đang gặp các bệnh lý liên quan đến răng miệng như viêm nướu, viêm lợi,..
  • Bệnh nhân đang gặp các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, khó thở được bằng mũi.
  • Bệnh nhân rối loạn tâm thần, rối loạn đông máu,...
Lợi ích của việc lấy cao răng
Lợi ích của việc lấy cao răng

4 Review quy trình cho người chưa lấy cao răng bao giờ

Chắc hẳn, có nhiều người chưa từng lấy cao răng do nhiều lý do khác nhau. Dưới đây là quy trình lấy cao răng chi tiết tại các phòng khám nha khoa:

4.1 Thăm khám tổng thể

Đầu tiên, các bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám tình trạng răng miệng, kiểm tra mức độ của các mảng bám cao răng. Tùy thuộc và điều kiện sức khỏe, các bệnh lý đi kèm mà các bác sĩ sẽ đưa ra những phương pháp điều trị thích hợp và tư vấn cho bệnh nhân một số vấn đề cần lưu ý sau quá trình cạo vôi răng.

4.2 Tiến hành lấy cao răng

Sau quá trình thăm khám, các bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ là dao siêu âm và dụng cụ hút để lấy cao răng cho người bệnh.

Cơ chế hoạt động của dao siêu âm là sử dụng sóng siêu âm để giúp các mảng bám tách được ra khỏi bề mặt răng, giúp quy trình lấy cao răng trở nên dễ dàng và không gây đau đớn cho người bệnh.

Tuy nhiên, với một số người có mảng bám cao răng nhiều có thể cảm thấy hơi ê buốt nhẹ, tình trạng này thường không quá nguy hiểm và sẽ biến mất sau khoảng vài giờ.

Cao răng sẽ được loại bỏ bắt đầu từ những răng trong cùng sau đó đến những răng bên ngoài, từ hàm dưới lên hàm trên một cách cẩn thận.

Một số người bệnh lo sợ trong quá trình lấy cao răng bị chảy máu, nguyên nhân là do các mảng cao răng đã ăn sâu dưới chân nướu gây tổn thương, khiến cho phần lợi bị chảy máu.

4.3 Tiến hành đánh bóng răng

Sau khi vệ sinh và loại bỏ các mảng cao răng, bác sĩ nha khoa sẽ tiến hành đánh bóng bề mặt răng, giúp răng trắng sáng và bật tông hơn.

Kết thúc quy trình lấy cao răng, bác sĩ sẽ lưu ý lại một số vấn đề trong quy trình chăm sóc răng miệng của bạn hoặc hẹn lịch tái khám nếu có.

4.4 Lưu ý sau khi lấy cao răng

Sau khi lấy cao răng xong, người bệnh có thể cảm thấy ê buốt phần chân răng nhưng cảm giác này thường biến mất sau 1-2 tiếng. Quy trình lấy cao răng thường đơn giản, hàm răng được vệ sinh sạch sẽ và trắng sáng hơn rất nhiều.

Để ngăn ngừa nguy cơ mảng bám xuất hiện thì bạn cần phải lưu ý một số vấn đề sau:

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên.
  • Hạn chế hút thuốc lá, sử dụng đồ ngọt, nước có ga gây hại đến men răng.
  • Khám răng định kỳ tại các cơ sở uy tín.
  • Ăn nhiều thực phẩm có khả năng làm sạch răng tự nhiên như súp lơ, táo, dâu tây,...

Dưới đây là video lấy cao răng:

5 6 cách lấy cao răng tại nhà

Cao răng là những mảng vôi hóa tích tụ lâu ngày trên bề mặt răng, việc loại bỏ tại nhà thường gặp nhiều khó khăn. Dưới đây là 6 cách lấy cao răng tại nhà mà bạn đọc có thể tham khảo:

5.1 Sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch răng

Đánh răng chỉ giúp loại bỏ những mảng bám trên bề mặt răng mà không loại bỏ được những mảnh thức ăn thừa mắc ở các kẽ răng hoặc viền nướu. Do đó, trong quá trình vệ sinh răng miệng đúng cách không thể nào thiếu vệ sinh răng miệng bằng chỉ nha khoa. Chỉ nha khoa có thể giúp loại bỏ những mảng cao răng mới hình thành. Cách thực hiện như sau:

  • Nhẹ nhàng luồn chỉ nha khoa vào kẽ răng và di chuyển chỉ nha khoa qua lại.
  • Uốn cong sợi chỉ theo hình chữ C, dọc theo các cạnh của răng.
  • Lặp lại ở các kẽ răng khác.
  • Nên dùng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng trước khi đánh răng.

Ngoài ra, chúng ta có thể sử dụng máy tăm nước để vệ sinh kẽ răng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, các loại máy tăm nước thường có chi phí cao hơn so với chỉ nha khoa.

5.2 Đánh răng đúng cách

Đánh răng 2 lần mỗi ngày là biện pháp đơn giản nhằm loại bỏ các mảng bám trên răng cũng như ngăn ngừa sự hình thành cao răng. Một số lưu ý trong quá trình đánh răng bao gồm:

  • Đặt bàn chải đánh răng nghiêng một góc 45 độ so với đường viền nướu.
  • Đánh răng theo chiều dọc, xoay tròn trên bề mặt răng.
  • Đánh mặt trong, mặt ngoài và mặt nhai của răng.
  • Chải răng nhẹ nhàng, việc chải răng quá mạnh có thể khiến răng ê buốt hoặc tụt lợi.
  • Vệ sinh cả phần răng hàm vì đây là khu vực tiếp xúc với thức ăn nhiều nhất cũng như khó vệ sinh nên nhiều người thường bỏ qua.
  • Làm sạch kẽ răng trước khi đánh răng nhằm loại bỏ tối đa các mảng bám thức ăn còn dư thừa.
  • Thời gian đánh răng nên kéo dài khoảng 2 phút.
  • Đánh răng sau khi ăn khoảng 30 phút, việc đánh răng sớm ngay sau khi ăn có thể làm hỏng men răng do lúc này độ pH trong khoang miệng đang bị thay đổi, việc tác động lên men răng có thể gây mài mòn men răng, khiến răng dễ bị ê buốt.
  • Việc lựa chọn bàn chải đánh răng phù hợp cũng rất quan trọng, cần lưu ý là phải giữ bàn chải ở những nơi sạch sẽ khô thoáng, thay bàn chải sau mỗi 2-3 tháng để đảm bảo vệ sinh.

5.3 Sử dụng nước súc miệng

Ngoài việc sử dụng chỉ nha khoa và đánh răng 2 lần mỗi ngày thì nước súc miệng cũng là một trong số những biện pháp giúp loại bỏ mảng bám trên răng hiệu quả. Ngoài việc làm sạch, trong thành phần của nước súc miệng thường chứa những hoạt chất có tính kháng khuẩn, florua giúp răng chắc khỏe, ngăn ngừa sự hình thành cao răng.

Tuy nhiên, trẻ em dưới 6 tuổi thường không nên sử dụng nước súc miệng có chứa florua trừ khi có khuyến cáo cụ thể.

5.4 Baking soda - biện pháp làm sạch cao răng tại nhà

Sử dụng baking soda đã được phát hiện có khả năng loại bỏ mảng bám trên răng và vi khuẩn trong khoang miệng.

Trộn baking soda với một ít nước ấm sau đó sử dụng bàn chải để chải đều lên răng sau khi đã đánh răng bằng kem đánh răng. Chải răng từ 1-2 phút sau đó súc miệng bằng nước sạch.

Mỗi tuần có thể thực hiện từ 1-2 lần để đảm bảo hiệu quả.

5.5 Muối và chanh giúp làm sạch mảng bám

Chanh có tính acid nhẹ giúp loại bỏ mảng bám một cách nhẹ nhàng, ngoài ra, chanh và muối còn có tác dụng kháng khuẩn, giúp loại bỏ vi khuẩn trong khoang miệng, ngăn ngừa quá trình hình thành mảng bám, giảm tình trạng hôi miệng.

Cách thực hiện cũng tương đối đơn giản, bạn chỉ cần pha chanh với nước ấm, thêm muối, khuấy đều rồi ngậm trong miệng từ 2-3 phút, sau đó súc miệng lại bằng nước sạch.

Do chanh có tính acid nên biện pháp này chỉ nên thực hiện từ 2-3 lần mỗi tuần, tránh tình trạng bào mòn men răng.

Lấy cao răng tại nhà
Lấy cao răng tại nhà

5.6 Dụng cụ lấy cao răng tại nhà

Hiện nay, có rất nhiều dụng cụ lấy cao răng mà mọi người có thể thực hiện tại nhà, dễ dàng tìm mua trên các sàn thương mại điện tử hoặc các cửa hàng thiết bị y tế.

Ưu điểm của các sản phẩm này là thiết kế nhỏ gọn, có thể tự lấy cao răng tại nhà, giúp tiết kiệm chi phí.

Tuy nhiên, quá trình tự lấy cao răng bằng máy cầm tay tại nhà thường gặp nhiều khó khăn do người dùng chưa quen, chưa điều chỉnh được lực tay, dễ gây nên tình trạng chảy máu chân răng, chảy máu lợi. Bên cạnh đó, các máy lấy cao răng hoặc dụng cụ lấy cao răng bằng tay có thể không loại bỏ được những mảng bám lâu ngày do đó người dùng cần cân nhắc trước khi mua hàng.

5.7 Lưu ý khi lấy cao răng tại nhà

Ưu điểm của các biện pháp lấy cao răng tại nhà là dễ thực hiện, tiết kiệm chi phí nhưng chỉ phù hợp với những người có ít mảng bám. Việc lạm dụng thường xuyên có thể gây ảnh hưởng đến men răng. Do đó, để đảm bảo an toàn, bạn nên thực hiện lấy cao răng tại những phòng khám uy tín, đảm bảo chất lượng.

6 Một số câu hỏi thường gặp

6.1 Giá lấy cao răng (vôi răng) là bao nhiêu?

Chi phí lấy cao răng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ, tình trạng của răng, các bệnh lý răng miệng đi kèm.

Hiện nay, chi phí tại các phòng khám và bệnh viện thường dao động khoảng từ 200.000 đến 500.000 đồng/lần. Đối với những trường hợp cao răng nhiều, mức độ nặng, có thể cần chia thành nhiều lần thì chi phí này có thể cao hơn.

Giá lấy cao răng và tẩy trắng răng cũng phụ thuộc vào mức độ vôi hóa. Chi phí tẩy trắng răng thường dao động từ 1-2 triệu đồng mỗi lần. Tại một số cơ sở, nếu bạn lựa chọn dịch vụ tẩy trắng răng thì có thể được miễn phí cạo cao răng.

6.2 Lấy cao răng có đau không?

Tại các phòng khám nha khoa hoặc khoa răng hàm mặt của bệnh viện, các bác sĩ sẽ sử dụng máy rung siêu âm để loại bỏ các mảng vôi hóa trên bề mặt răng. Quy trình này thường không gây đau đớn, tuy nhiên đối với một số trường hợp cao răng nhiều, đã vôi hóa qua nhiều năm thì có thể xuất hiện tình trạng ê buốt. Trường hợp bệnh nhân đang gặp bệnh lý răng miệng như viêm nha chu thì khi lấy cao răng có thể đau hơn người bình thường. Do đó, sau khi lấy cao răng, bạn nên sử dụng các loại bàn chải có lông đềm để chải răng, sử dụng các loại kem đánh răng dành cho răng nhạy cảm, hạn chế ăn uống những loại thức ăn có thể gây ê buốt như các loại thức ăn quá nóng hoặc quá lạnh.

6.3 Lấy cao răng hết bao nhiêu phút?

Thông thường, quy trình lấy cao răng thường mất từ 15-30 phút cho cả 2 hàm răng tùy theo mức độ nhiều hay ít của các mảng cao răng. 

6.4 Có nên lấy cao răng thường xuyên không?

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe răng miệng của bệnh nhân mà tần suất lấy cao răng có thể khác nhau:

Đối với những người có sức khỏe răng miệng tốt, đánh răng đúng cách, vệ sinh răng miệng thường xuyên, các mảng bám cao răng ít thì nên định kỳ lấy cao răng sau khoảng 6 tháng đến 1 năm.

Đối với những người thường xuyên hút thuốc, ăn đồ ngọt, mảng bám cao răng nhiều thì nên định kỳ lấy cao răng khoảng 3-4 tháng/lần.

7 Kết luận

Lấy cao răng là một trong số những quy trình cần được thực hiện định kỳ giúp hàm răng trắng sáng, ngăn ngừa được các bệnh lý liên quan đến răng miệng.

8 Tài liệu tham khảo

Tác giả Manikandan Dhanasekaran và cộng sự (Ngày đăng tháng 9 năm 2019). An unusual presentation of dental calculus, NCBI. Truy cập ngày 20 tháng 7 năm 2024.


* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    Trẻ mấy tuổi thì đi lấy cao răng được?


    Thích (0) Trả lời 1
    • Không giới hạn độ tuổi ở trẻ nhỏ ạ, nếu trẻ có cao răng thì bố mẹ nên đưa trẻ đi lấy ạ

      Quản trị viên: Dược sĩ Hoàng Mai vào


      Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Cao răng (vôi răng) là gì? Tác dụng, tác hại của việc lấy cao răng 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Cao răng (vôi răng) là gì? Tác dụng, tác hại của việc lấy cao răng
    K
    Điểm đánh giá: 5/5

    bố mình hút thuốc lâu năm, cao răng nhiều, giờ k biết lấy cso ảnh hưởng gì k

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633