Lao màng ngoài tim: triệu chứng, chẩn đoán và phương pháp điều trị
Trungtamthuoc.com - Bệnh nhân lao màng ngoài tim gặp một số tình trạng như đau nặng tức ngực, ho, khó thở dễ thở hơn nếu ngồi, thỉnh thoảng cảm giác nghẹn hay nuốt nghẹn...
1 Lao màng ngoài tim là gì?
Lao màng ngoài tim là tình trạng trực khuẩn lao vào máu đi đến tấn công và gây bệnh ở tim, trong đó đa phần là ảnh hưởng đến màng ngoài tim. Hiện nay, lao màng ngoài tim có 3 dạng là viêm khô, tràn dịch và viêm màng ngoài tim co thắt.
Chúng ta có thể bị lao màng ngoài tim riêng lẻ hoặc mắc cùng lúc với các bệnh lao khác như màng phổi, màng bụng hay các bộ phận khác.
2 Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của lao màng ngoài tim
2.1 Biểu hiện lâm sàng
Người bệnh lao màng ngoài tim cũng có những triệu chứng chung của bệnh lao như sốt cao, đổ mồ hôi nhiều, người mệt mỏi, sụt cân...
Bệnh nhân lao màng ngoài tim gặp một số tình trạng như đau nặng tức ngực, ho, khó thở dễ thở hơn nếu ngồi, thỉnh thoảng cảm giác nghẹn hay nuốt nghẹn...
Khi thăm khám ở những bệnh nhân lao màng ngoài tim cho thấy mạch nhanh và nghịch, tiếng tim mờ, gan to, bụng báng, nổi tĩnh mạch cổ...[1]
2.2 Các xét nghiệm cận lâm sàng
Khi làm các xét nghiệm ở những bệnh nhân lao màng ngoài tim có biểu hiện sau:
X-quang lồng ngực thấy bóng tim lớn, một số có thâm nhiễm ở phổi, tràn dịch màng phổi.
ECG thấy nhịp nhanh, thay đổi ST-T không đặc hiệu, đoạn PR, ST thay đổi, và có hiện tượng so le điện thế...
Siêu âm tim để biết được mức độ tràn dịch màng tim, sự chèn ép tim, độ dày màng ngoài tim, và sự giảm phân xuất tống máu (EF) ở tim.
Chụp CT Scan hay MRI ngực cho biết tình trạng tràn dịch và dày màng ngoài tim, sự bất thường của hạch trung thất.
Chọc rút dịch màng ngoài tim để chẩn đoán hiện tượng tràn dịch khi kết quả siêu âm thấy mức độ dịch từ trung bình đến nặng. Đồng thời, khi làm như vậy, người bệnh lao màng ngoài tim sẽ được giải áp chèn ép tìm cấp. Đồng thời, lúc này bệnh nhân được làm xét nghiệm soi, đếm tế bào, cấy để tìm AFB, PCR lao, ADA.
Ngoài ra, bệnh nhân lao màng ngoài tim có thể làm sinh thiết màng, soi và cấy để tìm BK trong đờm, IDR...
3 Chẩn đoán lao màng ngoài tim như thế nào?
Người bệnh viêm màng ngoài tim với dịch màng tim là dịch tiết, nếu có tối thiểu 1 trong 3 tiêu chuẩn: Protein dịch/huyết thanh trên 0,5 hoặc LDH dịch/huyết thanh lớn hơn 0,6 hoặc LDH dịch lớn hơn 2/3 giới hạn trên LDH huyết thanh bình thường.
3.1 Lao màng ngoài tim xác định
Bệnh nhân được chẩn đoán lao màng ngoài tim nếu có tối thiểu 1 trong 2 điều kiện sau:
- Người bệnh cho kết quả AFB dương tính khi soi hoặc cấy dịch màng tim.
- AFB dương tính hoặc u hạt bã đậu và đại bào Langhans khi sinh thiết màng ngoài tim.
3.2 Có thể lao màng ngoài tim
Bệnh nhân có thể bị lao màng ngoài tim nếu có tổi thiểu 1 trong các tiêu chuẩn sau:
- Người bệnh đã xác định bị lao ở một bộ phận nào đó của cơ thể.
- Kết quả của ADA ở dịch màng tim tăng lên trên 35 U/L và không tìm thấy căn nguyên gây bệnh khác, đồng thời người bệnh cải thiện khi điều trị lao.
3.3 Chẩn đoán chèn ép tim
Người bệnh có tình trạng chèn ép tim sẽ có biểu hiện khó thở, ho, khó nuốt, một số có thể lơ mơ hay bứt rứt, khó chịu.
Tĩnh mạch ở cổ của những bệnh nhân này nổi to, hạ huyết áp, mạch nhanh và nghịch, có dấu hiệu Kussmaul, tiếng tim mờ, xa xôi.
Bệnh nhân tim bị chèn ép thấy bóng tim to nếu X-quang ngực thẳng, ECG điện thế thấp, so le điện thế và Echo tim thấy tràn dịch, buồng tim đè sụp.
3.4 Chẩn đoán viêm màng ngoài tim co thắt do lao
Tình trạng màng ngoài tim co thắt thường tiến triển chậm, âm thầm nên rất khó biết ở giai đoạn sớm của bệnh. Lúc này người bệnh thường có các triệu chứng như:
Thường bị ngất xỉu khi đi lại, ban đêm khó thở hơn, có triệu chứng tương tự như suy tim trái.
Nếu bệnh tiến triển nặng, người bệnh có triệu chứng suy tim phải như gan to, báng bụng, phù chân, nổi tĩnh mạch ở cổ, có dấu hiệu Kusmaul.
Ở những bệnh nhân này thấy tiếng tim không rõ, giảm rì rào phế nang giảm do sung huyết phổi hoặc tràn dịch màng phổi.
Khi chụp X-quang ngực thẳng ở những bệnh nhân này thấy có nốt vôi hóa ở màng tim, bóng tim to, có thể có tình trạng dày màng tim trên siêu âm. Cũng có thể phát hiện tình trạng dày màng tim và vôi hóa bằng phương pháp chụp CT và MRI ngực.
Làm kỹ thuật ECG ở lao màng ngoài tim gây co thắt có thể có điện thế thấp, rung nhĩ hoặc dày thất trái.[2]
4 Điều trị lao màng ngoài tim như thế nào?
4.1 Điều trị nội khoa
Do lao màng ngoài tim là do trực khuẩn lao gây ra nên được điều trị lao theo chương trình chống lao quốc gia theo phác đồ II.
Người bện lao màng ngoài tìm có thể được điều trị bằng Corticosteroids để làm giảm tỷ lệ tử vong và giảm tiết dịch, nếu không có chống chỉ định.
Thông thường, người bệnh sử dụng Prednisolone hoặc Methylprednisolone trong vòng 11 tuần.
Người lớn sử dụng thuốc trên trong 4 tuần đầu với liều 60 mg/ngày, giảm xuống còn 1/2 liều ở tuần 5-8, 15 mg/ngày tuần 9 - 10, 5 mg/ngày ở tuần thứ 11.
Trẻ em trong 4 tuần đầu dùng 1mg/kg, cũng giảm liều dần tương tự người lớn.
4.2 Xử trí chèn ép tim
Nếu người bệnh có chèn ép tim cần chọc dẫn lưu dịch bằng siêu âm hay theo phương pháp chọc dò kinh điển.
Nếu chưa chọc hút dịch được cần điều trị tạm thời bằng cách:
Truyền dịch để tăng thể tích tuần hoàn, tránh tình trạng đè sụp các buồng tim.
Dobutamine với liều 250 mg trong 250 ml Glucose 5% truyền tĩnh mạch để tăng co bóp cơ tim và hỗ trợ cơ chế bù trừ.
Không cho người bệnh dùng thuốc làm giảm trước tải như thuốc giãn mạch, thuốc lợi tiểu.
Không làm thông khí cơ học sử dụng áp lực dương do gây giảm cung lượng tim.[3]
4.3 Viêm màng ngoài tim co thắt
Nếu người bệnh dày dính màng ngoài tim dẫn đến viêm màng ngoài tim co thắt thì cần điều trị ngoại khoa càng sớm càng tốt.
Nếu để bệnh tiến triển nặng hơn có thể gây khó khăn cho quá trình phẫu thuật sau này và gây biến chứng suy tim nghiêm trọng hơn nữa.
Hy vọng thông qua bài viết này, bạn đọc phần nào hiểu rõ hơn về bệnh lao màng ngoài tim để điều trị kịp thời và đúng cách.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Dr Joachim Feger (Ngày đăng: ngày 16 tháng 12 năm 2021). Tuberculous pericarditis, Radiopaedia. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: William J Strimel, DO, FACP (Ngày đăng: ngày 28 tháng 11 năm 2018). How is tuberculous pericarditis diagnosed in patients with pericardial effusion?, Medscape. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Godsent Isiguzo, Elsa Du Bruyn, Patrick Howlett và Mpiko Ntsekhe (Ngày đăng: ngày 15 tháng 1 năm 2020). Diagnosis and Management of Tuberculous Pericarditis: What Is New?, NCBI. Truy cập ngày 24 tháng 12 năm 2021.