Bệnh lang ben: nguyên nhân, triệu chứng và thuốc điều trị tận gốc tại nhà
Trungtamthuoc.com - Bệnh lang ben là một bệnh nhiễm nấm da thường gặp, gây ra bởi một loại nấm men gọi là Malassezia. Nấm can thiệp vào sắc tố bình thường của da, tạo thành các mảng nhỏ và đổi màu. Những mảng này có thể có màu sáng hơn hoặc sẫm hơn so với vùng da xung quanh và thường ảnh hưởng đến thân và vai. [1]
1 Bệnh lang ben là gì?
Lang ben (pityriasis versicolor) là bệnh nhiễm nấm phổ biến, lành tính trên bề mặt da khiến các mảng da nhỏ bị bong da và đổi màu. Bệnh thường xuất hiện ở nơi có khí hậu nhiệt đới do nấm phát triển rất tốt ở nơi có thời tiết ấm và ẩm.
Bệnh có thể tìm thấy ở tất cả mọi người, không gây hại và truyền nhiễm nhưng thường thấy hơn ở trẻ đang tuổi thiếu niên.
2 Nguyên nhân bị lang ben?
Lang ben được gây ra bởi một loại nấm men gọi là Malassezia. Đây là một loại nấm men lưỡng hình, còn được gọi là Pityrosporum. Đến nay, 14 loài Malassezia đã được xác định, trong đó bệnh lang ben được gây ra bởi các loài chính gồm Malassezia furfur, Malassezia continosa, Malassezia sympodialis. [2]
Malassezia là một phần của hệ vi sinh vật ở da bình thường. Chúng phụ thuộc vào lipid để tồn tại. Thông thường Malassezia mọc thưa thớt ở các vùng tiết bã (da đầu, mặt và ngực) mà không gây bệnh. Nhưng da sẽ mắc lang ben nếu nấm men này bắt đầu nhân lên nhiều hơn bình thường.
Các loại nấm men này tạo ra các các hạt sắc tố mở rộng trong các tế bào hắc tố cơ bản ở loại bệnh lang ben màu nâu.
Loại bệnh lang ben màu trắng hoặc giảm sắc tố được cho là do một chất hóa học do malassezia tạo ra, nó khuếch tán vào lớp biểu bì và làm suy giảm chức năng của các tế bào hắc tố.
Loại bệnh lang ben đỏ hoặc hồng bị viêm nhẹ, do các chất tạo da do malassezia hoặc các chất chuyển hóa của nó gây ra .
Các yếu tố nguy cơ dẫn đến phát triển bệnh lang ben bao gồm:
- Người sống ở nơi có khí hậu ấm áp và ẩm ướt.
- Những người cơ địa bị đổ mồ hôi nhiều, hoặc ra nhiều mô hôi do chơi thể thao.
- Đối tượng có sử dụng các loại dầu gội hay mỹ phẩm làm tắc nghẽn lỗ chân lông trên da.
- Người có hệ thống miễn dịch suy yếu thường dễ nhiễm trùng hơn, do đó cũng dễ có khả năng mắc bệnh lang ben. [3]
3 Chẩn đoán lang ben như thế nào?
3.1 Chẩn đoán lâm sàng
Trong bệnh lang ben, lúc đầu các mảng da tròn hoặc hình bầu dục nhỏ xuất hiện, sau đó tụ thành các mảng lớn hơn hình dạng không đều. Chúng đặc biệt phổ biến ở lưng, ngực, cổ, hoặc cánh tay. Ở trẻ em thường thấy xuất hiện các mảng da lang ben trên mặt.
Các mảng da có thể sẫm màu hơn hoặc sáng hơn màu da bình thường của bạn hoặc có thể có màu đỏ, nâu hoặc hồng. Chúng có xu hướng phát triển dần dần và có thể liên kết với nhau để tạo thành các mảng lớn hơn theo thời gian. [4] Những mảng da nhiễm bệnh này hầu như không thay đổi màu sắc dưới ánh nắng mặt trời. Một số trường hợp, nơi da bị nhiễm và phát triển bệnh lang ben cũng có thể có vảy, hiếm khi ngứa hoặc chỉ ngứa một chút khi nóng bức.
3.2 Xét nghiệm
- Soi trực tiếp dưới ống kính sẽ thấy các sợi nấm ngắn xen kẽ, có thể loại bỏ bằng băng dính hoặc dao cạo.
- Nuôi cấy trong môi trường phủ dầu do nấm Malassezia ưa phát triển tại đây.
3.3 Chẩn đoán phân biệt
- Chàm khô: những tổn thương màu trắng, vảy phấn, vết tổn thương có kích thước khoảng 2 cm, tại cánh tay, cẳng tay.
- Bạch biến: có triệu chứng khá giống lang ben, những mảng trắng đối xứng nhau. Có ở ngón tay, nách, miệng
- Vảy phẩn hồng: tổn thương màu hồng nhưng các gờ cao xung quanh hoặc lõm ở giữa.
- Giang mai thời kỳ II: tổn thương dát trắng đen kèm sưng hạch không đau. Xét nghiệm máu thì cho kết quả dương tính với giang mai.
- Bệnh phong thể 1: các vết dát trắng không có cảm giác.
4 Hình ảnh lang ben
Lang ben đỏ
Lang ben trắng
5 Thuốc trị lang beng tận gốc
Điều trị tại chỗ hiệu quả cho lang ben bao gồm sử dùng thuốc bôi dạng kem, nước thơm và dầu gội. Người bệnh sử dụng hàng ngày hoặc hai lần mỗi ngày trong các khoảng thời gian khác nhau, sẽ giúp cải thiện các triệu chứng lâm sàng. Các phương pháp điều trị tại chỗ không đặc hiệu cho bệnh lang ben không có tác dụng đặc biệt đối với các loài Malassezia. Thay vào đó, người bệnh có thể được loại bỏ vật lý hoặc hóa học các mô bị chết.
Các phương pháp điều trị không đặc hiệu cho thấy có hiệu quả trong điều trị lang ben bao gồm: Kem dưỡng da, dầu gội Ketoconazole hoặc Selenium Sulphide, Kẽm Pyrithione, Propylene glycol và thuốc mỡ Whitfield.
Có nhiều loại thuốc bôi lang ben như Bifonazole, Clotrimazole và Miconazole, Terbinafin có hoạt tính chống nấm trực tiếp và có hiệu quả trong điều trị bệnh lang ben.
Thuốc kháng nấm đường uống hoặc toàn thân có hiệu quả trong điều trị nhiều loại bệnh nhiễm trùng, nhưng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Sử dụng thuốc chống nấm đường uống để điều trị lang được coi là lựa chọn thứ hai và được sử dụng để điều trị tái phát, nhiễm trùng nặng. Hiện nay, ketoconazol đường uống ít được sử dụng hơn do có nguy cơ cao gây độc cho gan. Thay vào đó, người ta sử dụng bằng các thuốc đường uống như: Itraconazole, Fluconazole, Pramiconazole.
5.1 Clotrimazole
Thành phần clotrimazole thuộc nhóm kháng nấm azol có tác dụng điều trị tại chỗ được chỉ định trong nhiều bệnh ngoài da do nấm vi khuẩn như hắc lào, viêm da do nấm, nấm da, lang ben…với bệnh lang ben, thuốc cho tác dụng nhanh chóng với trường hợp nhẹ, giảm ngứa ngáy, mau lành vùng da tổn thương, diệt nấm. Nếu sau khi dùng thấy các triệu chứng như mẩn đỏ, phù, phỏng thì ngưng sử dụng và đi gặp bác sĩ. Lưu ý khi sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú phải tham khảo ý kiến chuyên gia
5.2 Terbinafine
Được sử dụng điều trị lang ben ở dạng viên uống hoặc bôi ngoài da. Ngoài ra cũng dùng cho các bệnh ngoài da về nấm khác như nấm da đầu, nấm móng, nấm chân…
Tùy theo tình trạng bệnh nhân thuốc sẽ được kê đơn theo liều lượng của bác sĩ. Những đối tượng phụ nữ mang thai hoặc bà mẹ cho con bú nên tuyệt đối tuân theo hướng dẫn. Thuốc sử dụng đường bôi thường gây kích ứng tại chỗ, nếu có dấu hiệu nào bất thường dừng thuốc ngày và thăm khám cơ sở y tế gần nhất.
5.3 Fluconazole
Là thuốc chống nấm nhóm azol, thành phần này có công dụng toàn thân trong điều trị bệnh về nấm như nấm chân, nấm tay, nấm mũi, bẹn, hắc lào.. Ngoài ra thuốc cũng hay được bác sĩ kê đơn trong các vết sang thương do lang ben. Thuốc còn được điều trị dự phòng viêm màng não do nấm Candida hoặc ở các bệnh nhân có suy giảm miễn dịch, bị AIDS. Các tác dụng phụ có thẻ gặp khi điều trị bằng hoạt chất này là đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, nhức đầu…Các đối tượng mẫn cảm với thuốc không được sử dụng, và thuốc cần có sự kê đơn của bác sĩ
5.4 Ketoconazole
Ketoconazol là thuốc kháng nấm được sử dụng cả đường bôi và đường uống. Thuốc thường được chỉ định trong các bệnh nấm ngoài da như nấm da đùi, nấm bẹn, nấm bàn chân, hắc lào…Trong điều trị lang ben cũng đem lại hiệu quả rất cao.
Với thuốc ketoconazole đường bôi không nên sử dụng ở vùng da nhạy cảm như mắt, miệng và tránh bôi quá liều khuyến cáo của bác sĩ vì thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ tại chỗ như ban đỏ, nóng da…
5.5 Itraconazole
Thuộc nhóm thuốc kháng nấm azol, điều trị các bệnh nhiễm nấm, trong đó có lang ben. Tác dụng không mong muốn của thuốc bao gồm chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, rối loạn tiêu hoá…một vài trường hợp nặng hơn như phù mạch, ban đỏ..
Chống chỉ định cho người mẫn cảm với thành phần thuốc, không kết hợp dùng khi đang sử dụng thuốc terfenadin, cisapride, astemizol, triazolam. Phụ nữ mang thai và cho con bú cũng chống chỉ định. Các thuốc chống hạ lipid, chống loạn nhịp tuyệt đối không dùng chung với Itraconazole.
5.6 Selenium sulfide
Cơ chế của thuốc là chống tăng sinh các tế bào biểu bì và biểu mô nang lông, làm giảm các tế bào sừng hoá. Thuốc được điều trị gàu, viêm da tiết bã và cả lang ben, nhưng hoạt tính chống nấm yếu trên da đối với chủng Pityrosporum orbiculare gây bệnh lang ben. Các chế phẩm selenium sulfide thường bào chế dạng dầu gội đầu trị gàu và nấm da đầu, chống lại tiết bã nhờn tốt.
Thuốc có gây kích ứng tại chỗ, những đối tượng bị mẫn cảm thuốc không nên dùng.
6 Phác đồ hướng dẫn điều trị của Bộ Y tế
6.1 Điều trị tại chỗ
Thường chỉ định các loại kem bôi chống nấm tại chỗ như : ketoconazol (1-2%) hoặc selenium sulfid (2,5%) điều trị liên tục trong 2-4 tuần, bôi 2 lần/tuần và mỗi lần bôi lưu thuốc khoảng 10-15 phút.
6.2 Điều trị toàn thân
Thuốc | Liều lượng | Thời gian sử dụng |
Ketoconazol | 200 mg/ngày | 5-7 ngày |
Itraconazol | 100-200 mg/ngày | 5 ngày |
Fluconazol | 300 mg/tuần | 2 tuần |
6.3 Điều trị dự phòng
Thông thường, bệnh lang ben sẽ tái phát trở lại sau khi điều trị, đặc biệt là vào mùa hè hoặc trong các ngày lễ liên quan nước ấm và ẩm ướt. Tuy nhiên có thể giảm khả năng này bằng cách thường xuyên sử dụng dầu gội chống nấm như trên. Người bệnh có thể sử dụng dầu gội ngày một lần trong một vài ngày có thể giúp ngăn ngừa tái phát bệnh lang ben.
Nếu bị tái phát lang ben một lần nữa sau khi điều trị, có thể thử tự điều trị bằng dầu gội chống nấm, hoặc sử dụng các phương pháp điều trị khác.
- Ketoconazol 400 mg x 1 lần/tháng
- Fluconazol 300 mg x 1 lần/tháng
- Itraconazol 400 mg x 1 lần/tháng
Hoặc dùng dầu gội ketoconazol 1 lần/tuần như xà phòng.
Ngoài ra loại bỏ hết các yếu tố nguy cơ gây bệnh
7 Cách trị lang ben tại nhà nhanh nhất
7.1 Chữa lang ben bằng củ riềng
Củ Riềng không chỉ là gia vị trong các bữa ăn mà còn mang lại tác dụng điều trị bệnh trong y học. Nguyên nhân do củ riềng có tính cay, ấm nên khả năng kháng viêm và giảm đau hiệu quả, từ đó ngăn chặn sự lây lan của lang ben, đồng thời làm hồi phục hệ sắc tố tự nhiên, lành vết thương tại vị trí tổn thương nhanh chóng hơn.
Cách làm:
- Lấy riềng giã nhỏ ngâm với rượu trắng , sau 2-3 ngày chà lên vùng da bị tổn thương
- Nên làm 2 lần/ngày, duy trì làm trong nhiều ngày để đạt hiệu quả tốt nhất
7.2 Trị lang ben bằng chuối xanh
Chuối xanh có nhiều tanin và các chất chống viêm, diệt khuẩn rất tốt. Trong dân gian không chỉ sử dụng chuối ăn trong nấu nướng, đây cũng là dược liệu phổ biến của các bài thuốc y học cổ truyền. Điều trị lang ben sử dụng loại chuối này không những giảm các triệu chứng ngứa ngáy của bệnh mà Nhựa trong chuối giúp đều màu da.
Cách làm:
- Chuẩn bị chuối xanh đem rửa sạch, thái lát nhỏ
- Chà xát lên vùng da bị bệnh, duy trì 2-3 lần và kiên trì sau một thời gian để thấy hiệu quả tốt nhất.
7.3 Rau răm trị lang ben
Theo nguyên cứu rau răm được biết đến với tính cay, ấm giúp trừ phong thấp, chống viêm, tỳ vị tốt, nên không chỉ ứng dụng trong các bệnh đường tiêu hoá hiệu quả và điều trị nhiễm khuẩn, nhiễm nấm da cũng cải thiện đáng kể. Giúp giảm triệu chứng ngứa nhanh, hỗ trợ làm lành vết tổn thương trên da. Các tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, giảm thâm và màu da đều màu hơn rõ rệt.
Cách làm: giã nát rồi chà xát rau răm lên vùng da bị tổn thương hoặc có thể kết hợp ngâm trong rượu trắng, sau đó đắp lên vùng lang ben. Kiên trì làm 2-3 lần/ngày , liên tục trong nhiều ngày để được kết quả tốt nhất.
Các biện pháp mang lại hiệu quả với nguyên liệu dễ tìm, dễ kiếm dễ thực hiện ngay tại nhà. Tuy nhiên đây chỉ là phương pháp hỗ trợ điều trị, giảm được bệnh trong trường hợp nhẹ. Nên nếu bị mắc lang ben bạn nên đến thăm khám bác sĩ kết hợp cả đường uống Tây y và phương pháp dân gian sẽ có hiệu quả nhanh nhất.
8 Các câu hỏi thường gặp về bệnh lang ben
8.1 Lang ben có lây không?
Lang ben có thể lây trong những trường hợp sau:
- Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở vùng da mang bệnh.
- Tiếp xúc gián tiếp qua những vật chung gian như dùng chung khăn tắm, sử dụng chung quần áo với người mang bệnh. Điều này tạo cơ hội cho những sợi nấm dính ở quần áo lưu lại trên da và có thể gây ra bệnh.
Khi bị bệnh người bệnh nên đến các cơ sở y tế xác định nguyên nhân và điều trị, sau đó hạn chế tiếp xúc da, dùng chung vật dụng với người lành
8.2 Lang ben có chữa được không?
Bệnh lang ben có thể điều trị khỏi hoàn toàn 100%, tuy nhiên vẫn có tỷ lệ tái nhiễm khi mà đã được điều trị khỏi trước đó. Nguyên nhân có thể do tiếp tục vệ sinh da không tốt, vẫn không loại bỏ được nguồn lây bệnh thì khả năng tái nhiễm cao. Vì vậy trong khi điều trị cần tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ, sử dụng đúng thuốc, đúng liều, đủ thời gian, dù đã giảm hết triệu chứng vẫn nên duy trì dùng trong 20 ngày nữa.
8.3 Lang ben có tự khỏi không?
Bệnh lang ben có tự khỏi hay không là thắc mắc của rất nhiều người. Theo thực thế cho thấy có một số ít những bệnh nhân mắc bệnh này có thể tự khỏi được. Tỷ lệ tự khỏi rất nhỏ, đa phần ở đối tượng bị nhẹ, diện tích sang thương rất nhỏ, kèm theo sức đề kháng tốt nên da có thể tự điều chỉnh và khỏi được.
Đa phần các trường hợp sẽ không tự khỏi, ngày càng lan rộng và còn có thể lây cho người khác nến không chữa trị. Vì vậy dù bị bệnh nhẹ hay nặng cũng phải có sự tham vấn của bác sĩ tránh những biến chứng khó lành về sau
9 Kết luận
Lang ben là bệnh da liễu phổ biến, có thể xảy ra ở mọi đối tượng và hay gặp nhất là thanh thiếu niên. Điều trị bệnh không khó và có thể khỏi hoàn toàn, nhưng cần tuân theo sự tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ. Mong rằng bài viết trên đã cung cấp cho bạn đọc những thông tin hữu ích và cần thiết về bệnh lang beng.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: chuyên gia của Mayoclinic, Tinea versicolor, Mayoclinic. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: Mehdi Karray, William P. McKinney, Tinea Versicolor, NCBI. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: Amanda Oakley, 1997, Pityriasis versicolor, Dermnet NZ. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: chuyên gia của NHS.UK, Pityriasis versicolor, NHS.UK. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021