Khái quát về hệ thống phân phối thuốc tự nhũ hóa - SEDDS
Trungtamthuoc.com - Hệ thống phân phối thuốc tự nhũ hóa (SEDDS) là một công nghệ tiên tiến được áp dụng để bào chế, sản xuất thuốc, nhằm cải thiện các nhược điểm tồn tại của các thuốc có Sinh khả dụng kém. Vậy h thống phân phối thuốc tự nhũ hóa (SEDDS) có đặc điểm như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau đây.
1 Hệ thống phân phối thuốc tự nhũ hóa (SEDDS) là gì?
Theo Hệ thống phân loại dược phẩm sinh học (BCS), thuốc được xác định là loại II (độ hòa tan thấp, độ thấm cao) hoặc loại IV (độ hòa tan thấp, độ thấm kém). Để giải quyết tất cả những thách thức này, các công nghệ mới dưới dạng bào chế cải tiến đã được tạo ra.
Hệ thống phân phối thuốc tự nhũ hóa có tên tiếng Anh là Self emulsifying drug delivery system (SEDDS). Đây là một kỹ thuật bào chế hiện đại giúp cải thiện một số vấn đề của thuốc như độ hòa tan, độ ổn định dược chất, tương tác của các thành phần trong thuốc. Từ đó giúp tăng sinh khả dụng của thuốc. Đây cũng được coi là một trong những xu hướng sản xuất hiện nay của ngành Dược.
Dựa vào kích thước giọt phân tán của nhũ tương hình thành, hệ thống Self-Emulsifying Drug Delivery Systems (SEDDS) có thể được phân chia thành hai nhóm chính.
- Hệ tự vi nhũ hóa (SMEDDS) có kích thước giọt phân tán dưới 100 nm
- Hệ tự nano nhũ hóa (SNEDDS) có kích thước giọt phân tán nằm trong khoảng 100-300 nm.
2 Ưu điểm của SEDDS so với nhũ tương thông thường
- Tăng sự hấp thu thuốc ở dạ dày và ruột: SEDDS có thể tăng khả năng hấp thu của dược chất qua đường tiêu hóa do sự tự nhũ hóa trong môi trường nước của dạ dày và ruột.
- Cải thiện khả năng hòa tan thuốc trong ruột: Có nhiều phương pháp khác nhau, chẳng hạn như ổn định trạng thái thuốc siêu bão hòa và điều hòa quá trình phân giải lipid của lipid tiêu hóa, do đó có thể làm tăng khả năng hòa tan trong ruột.[1]
- Ổn định hóa học: Sự tự nhũ hóa của SEDDS giúp duy trì sự ổn định hóa học của dược chất, ngăn chặn sự phân tách và kết tủa
- Cải thiện tính thấm thuốc: Polymer kết dính niêm mạc và Chitosan là một các chất được sử dụng trong việc sản xuất SEDDS, giúp cải thiện tính thấm của thuốc qua biểu mô ruột.
- Đa dạng hóa dạng bào chế: SEDDS cho phép thuốc được bào chế ở nhiều dạng khác nhau, bao gồm cả dạng viên nén, viên nang và thuốc tiêm.
- Cải thiện sinh khả dụng của thuốc: Do công thức SEDDS dựa trên lipid, nó có thể kích thích và tăng cường vận chuyển thuốc qua bạch huyết để tránh chuyển hóa lần đầu qua gan.[2]
3 Thành phần của SEDDS
3.1 Dược chất
Dược chất được sử dụng trong hệ thống Self-Emulsifying Drug Delivery Systems (SEDDS) chủ yếu thuộc nhóm II và IV trong bảng phân loại sinh dược học bào chế (BCS). Đây là nhóm thuốc có đặc điểm khả năng hòa tan kém, liều điều trị thấp, và điểm nóng chảy thấp, đồng thời giá trị logP (>4).
3.2 Pha dầu
Trong hệ thống Self-Emulsifying Drug Delivery Systems (SEDDS), pha dầu đóng vai trò quan trọng. Các thuộc tính lý hóa của pha dầu, bao gồm khối lượng phân tử, độ phân cực và độ nhớt, có tác động đáng kể đến nhiều khía cạnh của quá trình SEDDS. Việc lựa chọn pha dầu đòi hỏi sự cân đối giữa khả năng hòa tan hoạt chất và khả năng tạo thành nhũ tương, đồng thời phải đáp ứng các đặc tính mong muốn của hệ thống SEDDS. Theo nghiên cứu, Capryol 90 đã được xác định là pha dầu có khả năng tạo nhũ tương tốt nhất trong số các dầu được thử nghiệm. Điều này làm rõ tầm quan trọng của việc chọn lựa pha dầu phù hợp để đạt được hiệu suất tối ưu trong quá trình hòa tan và vận chuyển dược chất trong hệ thống SEDDS.
3.3 Chất diện hoạt
Các đặc tính của chất diện hoạt, như hệ số cân bằng dầu-nước (HLB), độ nhớt và tương tác với pha dầu, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống Self-Emulsifying Drug Delivery Systems (SEDDS). Trong số các đặc tính này, hệ số cân bằng dầu-nước (HLB) của chất diện hoạt thể hiện khả năng tự nhũ hóa của SEDDS. Vì vậy, việc chọn lựa chất diện hoạt có HLB phù hợp là yếu tố quan trọng để đảm bảo hiệu suất và ổn định của hệ thống SEDDS.
3.4 Chất đồng diện hoạt
Việc sử dụng các chất đồng diện hoạt trong Self-Emulsifying Drug Delivery Systems (SEDDS) có thể mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện khả năng hòa tan của hoạt chất, điều chỉnh kích thước giọt, và tối ưu hóa thời gian tự nhũ hóa của hệ thống. Các chất diện hoạt như propylen glycol, PEG, diethylene glycol monoethyl ether hay Transcutol P thường được ưa chuộng để cải thiện khả năng hòa tan của hoạt chất và giảm thời gian tự nhũ hóa. Những chất này đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa hiệu suất của hệ thống SEDDS.
4 Nghiên cứu về hệ tự nhũ hoá rắn (S-SEDDS)
Hệ tự nhũ hoá rắn S-SEDDS mang lại nhiều ưu điểm so với hệ tự nhũ hoá lỏng, đặc biệt là khi áp dụng vào các dạng bào chế rắn khác nhau như pellet tự nhũ hoá, viên nén giải phóng có kiểm soát, và viên nang cứng giúp hạn chế tương tác của tá dược với vỏ nang, giảm tác dụng kích ứng của chất diện hoạt trên niêm mạc đường tiêu hoá. hệ tự nhũ hoá rắn (S-SEDDS) gồm các phương pháp Hấp phụ trực tiếp lên chất mang rắn, cất quay, phun sấy, tạo hạt nóng chảy, cất quay nóng chảy. Ngoài ra còn có một số kỹ thuật khác để hóa rắn SEDDS như tạo hạt ướt, đông khô, đùn tạo cầu.
Một số chế phẩm được bào chế dưới dạng S-SEDDS như: Norvir (Ritonavir), Accutan (Isotretinoin), Neoral (Cyclosporin).
5 Ứng dụng của SEDDS trong dược phẩm và mỹ phẩm
5.1 Trong dược phẩm
Các dạng bào chế khác nhau của SEDDS như viêm nang mềm, viên nén, nang cứng, thuốc tiêm.
Đối với viên nang mềm: SEDDS siêu bão hòa được thiết kế đặc biệt, sử dụng một lượng nhỏ Hydroxypropyl Methylcellulose (HPMC) hoặc các polyme khác trong công thức. Mục tiêu là ngăn chặn sự kết tủa của thuốc bằng cách tạo và duy trì trạng thái siêu bão hòa trong đường tiêu hoá.
Đối với viên nén và nang cứng: Viên nén và nang cứng chứa S-SEDDS được thiết kế để đạt được ổn định của thuốc, có khả năng tự hình thành nhũ tương, và cải thiện khả năng hòa tan của các chất có hoạt tính sinh học. S-SEDDS trong viên nén và nang cứng giải quyết một số vấn đề quan trọng liên quan đến kết tủa dược chất và sự di chuyển của các chất hòa tan giữa dịch nhân và vỏ trong viên nang mềm.
Đối với thuốc tiêm: Sử dụng đường tiêm, đặc biệt là đường tiêm tĩnh mạch, các thuốc chứa dược chất thân dầu và kỵ nước thường có độ hấp thu thấp. Vi/nano nhũ tương có kích thước giọt nhỏ, loại bỏ khỏi tuần hoàn chậm hơn so với nhũ tương thô, do đó, kéo dài thời gian lưu thuốc trong máu. SEDDS lỏng được pha loãng ngay trước khi sử dụng với dung dịch pha tiêm để tạo ra vi/nano nhũ tương tiêm giúp giải quyết vấn đề kém hòa tan của thuốc này.
5.2 Trong mỹ phẩm
Trong quá trình bào chế mỹ phẩm, thường sử dụng kỹ thuật tự nhũ hoá để tạo ra vi/nano nhũ tương. Các chất có tác dụng bảo vệ, làm trắng, ngừa thâm nám, chống lão hóa da thường được nghiên cứu để bào chế dưới dạng vi/nano nhũ tương. Các ưu điểm của phương pháp bào chế này bao gồm tối giản hóa quy trình, khả năng kiểm soát kích thước giọt và độ ổn định cao, thường được áp dụng trong các sản phẩm như kem và lotion.
Với quy trình bào chế không quá phức tạp, việc sản xuất và tích hợp vi/nano nhũ tương vào các sản phẩm mỹ phẩm trở nên dễ dàng. Khả năng kiểm soát kích thước giọt giúp tối ưu hóa hiệu suất của sản phẩm và tạo ra các sản phẩm với chất lượng đồng đều. Độ ổn định cao của vi/nano nhũ tương đảm bảo duy trì sự phân tán và hiệu suất mong muốn trong một khoảng thời gian đáng kể.
Với kích thước giọt nhỏ, vi/nano nhũ tương có khả năng tăng diện tích bề mặt, từ đó tăng cường tính thấm vào da. Phương pháp này không chỉ hiệu quả mà còn linh hoạt trong việc nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Ahmad Salawi (Ngày đăng tháng 12 năm 2022), Self-emulsifying drug delivery systems: a novel approach to deliver drugs, NCBI. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023
- ^ Tác giả Phuong Tran & Jeong-Sook Park, Recent trends of self-emulsifying drug delivery system for enhancing the oral bioavailability of poorly water-soluble drugs | Journal of Pharmaceutical Investigation, SpringerLink. Truy cập ngày 19 tháng 12 năm 2023