1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Kem trộn trắng da cấp tốc - Lợi chưa thấy, hại rõ ràng

Kem trộn trắng da cấp tốc - Lợi chưa thấy, hại rõ ràng

Kem trộn trắng da cấp tốc - Lợi chưa thấy, hại rõ ràng

Trungtamthuoc.com - Làn da trắng hồng là niềm mơ ước của nhiều chị em, đặc biệt là phụ nữ Á Đông khi đa số có làn da vàng hay hơi ngăm ngăm. Khác với quan điểm ngày xưa - “Ngăm ngăm da trâu, nhìn càng lâu càng thấy đẹp” - con gái thời nay rất chuộng làn da “trắng phát sáng”. Tuy nhiên, thay vì kiên trì dưỡng trắng với những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, nhiều chị em lại lựa chọn “lối tắt” là kem trộn mà không biết hậu họa về sau. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn những sự thật về kem trộn.

1 Kem trộn là gì?

Kem trộn là loại kem bôi da giúp làm trắng da nhanh, cấp tốc nhờ khả năng bào mòn da mạnh, chứa corticoid tác dụng mạnh, thường gồm các loại kem trắng da khác, thuốc… được trộn lẫn vào nhau, không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm định về chất lượng cũng như chưa được cấp phép lưu hành.

Việc trộn kem được các chủ shop công khai quy trình 

2 Kem trộn được tạo nên từ đâu?

Kem trộn, đúng với cái tên, được trộn từ nhiều nguyên liệu khác nhau để tạo thành dạng kem lỏng. Thông thường, một kem trộn “hoàn chỉnh” sẽ chứa đủ cả 4 nguyên liệu bên dưới; tuy nhiên, một số loại lại chứa ít hơn.

2.1 Nguyên liệu kem trộn Thái Lan

Nguyên liệu kem trộn Thái Lan là các loại kem trắng da hay các chai/lọ “nước thần” (thực chất là dung dịch chứa corticoid, hương liệu và các tá dược khác) có xuất xứ Thái Lan và có giá thành rất rẻ, được bán tràn lan tại các cửa hàng mỹ phẩm, các shop bán online, thậm chí là có thể mua ở các đại lý, quán tạp hóa, quán cắt tóc gội đầu… Ví dụ như: Kem sâm Thái Lan (nhưng không hề chứa chiết xuất nhân sâm?!), kem cô tiên Thái Lan… 

Với chi phí rẻ, chỉ từ vài ngàn đồng đến vài chục ngàn đồng, bạn có thể sở hữu một hộp kem, thậm chí là cả combo kem, “nước thần”... Các loại kem, serum, nước hoa hồng khác nhau này được trộn đều tạp thành hỗn hợp kem đồng nhất và thường được quảng cáo với cái tên “kem trộn cốt Thái siêu trắng”. 

Các nguyên liệu này thường có đặc điểm chung như sau:

  • Hộp Nhựa nhỏ, có nắp vặn, có chữ Thái Lan, nét chữ rất “dại”, xấu và dễ bong tróc.
  • Chất kem thường đặc, ở dạng nén, màu trắng đến vàng, khi thoa lên da gây nặng da, bết, lộ vân kem rõ ràng.
  • Giá rẻ, rất dễ tìm mua, quảng cáo “lố”, đa năng.
Rất nhiều loại mỹ phẩm được rao bán có xuất xứ Thái Lan với mục đích tạo kem trộn

2.2 Mỹ phẩm trắng da chứa corticoid

Các loại mỹ phẩm trắng da chứa corticoid hiện đang rất phổ biến. Nhiều danh sách kem trộn chứa corticoid đã được đưa ra ánh sáng, để cảnh báo cho người dùng. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều sản phẩm chứa thành phần này. Tác hại của corticoid là rất nhiều, không chỉ gây hại đến da mà còn ảnh hưởng xấu tới sức khỏe, bạn có thể tham khảo ở phần bên dưới. Người tiêu dùng phải lưu ý cẩn thận để không dùng nhầm các sản phẩm này, khiến cho “tiền mất tật mang”. 

Để tự bảo vệ mình khỏi những hậu quả do sử dụng corticoid kéo dài, mọi người cần phân biệt mỹ phẩm thông thường và mỹ phẩm chứa corticoid. Một số sản phẩm chứa corticoid được rất nhiều người biết đến nhờ sự truyền tai nhau của các chị, các mẹ. 

Phân biệt mỹ phẩm thông thường và mỹ phẩm chứa corticoid
 Mỹ phẩm trắng da thông thườngMỹ phẩm trắng da chứa corticoid
Thành phầnCác hoạt chất giúp trắng da như: niacinamide, arbutin, Glutathione, chiết xuất thảo mộc… với hàm lượng phù hợpChứa corticoid với hàm lượng lớn, tuy nhiên trên bảng thành phần của các sản phẩm này, nhà sản xuất thường “giấu nhẹm” corticoid đi
Dạng bào chếĐa dạng, có thể ở dạng kem lỏng, kem đặc, serum…, rất ít khi có dạng kem nén chặtThường ở dạng kem nén chặt
Bao bì, giá thànhBao bì khá đẹp, chắc chắn, thường giá thành xứng đáng với chất lượng, có thể có nhà phân phối chính hãng hoặc hóa đơn mua hàngBao bì xấu, rẻ tiền, nguồn gốc không rõ ràng, xưởng thủ công, mua đâu cũng được, không giấy tờ

Lưu ý: Hiện nay, một số loại mỹ phẩm chứa corticoid được trá hình dưới mỹ phẩm thông thường, đánh lừa sự cảnh giác của người tiêu dùng, được quảng cáo với những công dụng thần kì với giá thành khá cao, đánh vào tâm lý “tiền nào của nấy” của khách hàng. Tuy nhiên, các sản phẩm “đắt đỏ” này thường không được các “kỹ thuật viên kem trộn” sử dụng trong công thức của mình, họ thường ưu tiên những loại rẻ tiền hơn.

2.3 Kem dưỡng da

Nhiều sản phẩm dưỡng da như kem dưỡng, lotion… cũng được thêm vào “nồi cám heo” kem trộn để tăng cường tác dụng dưỡng da và làm trắng “cấp tốc” cũng như chống nắng. Tuy nhiên, các tác dụng này hết sức “nhạt nhòa” so với sự “càn quét” của corticoid. Một số loại kem dưỡng da được các “chiến thần kem trộn” ưa thích, ví dụ như: Dưỡng thể Vaseline hay kem vitamin E. Phần lớn các loại kem dưỡng da thường khá lành tính và ít gây tác dụng phụ, trừ các trường hợp bị dị ứng với thành phần trong kem dưỡng. Các phản ứng phụ có thể kể đến như ngứa, mẩn đỏ, kích ứng da, lông mọc nhanh hơn[1]… 

2.4 Thuốc 

Các hoạt chất dưới dạng thuốc cũng được thêm vào kem trộn, thường là dưới dạng bột. Người ta cũng có thể nghiền thuốc viên thành bột để tăng hiệu quả của sản phẩm cuối cùng. Một số hoạt chất thường gặp trong kem trộn như:

Arbutin: Là dẫn chất thuộc nhóm Hydroquinon - nổi tiếng với tác dụng làm trắng da. Thông thường, arbutin là một thành phần tích cực trong các sản phẩm chăm sóc da và mỹ phẩm như một chất làm sáng da để ngăn chặn sự hình thành sắc tố melanin trong các tình trạng da khác nhau liên quan đến chứng tăng sắc tố da hoặc chức năng tế bào hắc tố tăng hoạt động. Arbutin được chỉ định để sử dụng không kê đơn cho chứng tăng sắc tố biểu bì trong các tình trạng da khác nhau, chẳng hạn như nám da, các vết tàn nhang và các nốt sần da do tuổi già[2]

Thuốc Alpha Arbutin của Thái Lan được quảng cáo với công dụng kích trắng

Aspirin: Aspirin là dẫn chất của acid salicylic. Acid salicylic có thể loại bỏ dầu thừa và tế bào da chết, giúp làm sạch vết thâm do mụn. Tuy nhiên, sử dụng aspirin tại chỗ thường gây khô da và kích ứng, bong tróc da. Sự thật là không có bằng chứng nào cho thấy aspirin bôi tại chỗ sẽ giúp trị mụn[3]. Các “nhà sản xuất” kem trộn thường sử dụng aspirin pH 8.  

Vitamin: Hai loại thuốc vitamin thường được thêm vào kem trộn là vitamin E dưới dạng viên nang mềm và vitamin B1 dưới dạng viên nén. Vitamin B1 khi được bôi trực tiếp lên da giúp ngăn chặn tình trạng lão hóa da, giảm hình thành nếp nhăn và giảm thâm sẹo. Vitamin E có thể được bôi tại chỗ trên khuôn mặt của bạn để giảm viêm và làm cho làn da của bạn trông trẻ hơn. Tuy nhiên, việc sử dụng vitamin B1 để bôi lên da mặt có thể dẫn tới tình trạng kích ứng và chưa có nghiên cứu nào khuyến khích điều này. 

3 Vì sao nhiều chị em lại "dính bẫy" của kem trộn?

3.1 Những lời quảng cáo đầy hứa hẹn

"Sản phẩm này dùng tốt lắm", "Thoa lên vài ngày là thấy trắng liền luôn", "Không trắng chị cứ trả hàng lại cho em".... - Những lời quảng cáo, hứa hẹn và cam kết ngon ngọt của các "phù thủy kem trộn" khiến nhiều chị em tin răm rắp. Đánh vào mong muốn sở hữu làn da trắng bật tone, trắng nhanh chóng của các chị em phụ nữ, các shop bán kem trộn luôn đưa ra những câu slogan rất bắt tai, cuốn hút và có vẻ thuyết phục. Tuy nhiên, tác hại khi dùng kem trộn lâu dài, nhất là khi ngưng dùng thì họ không nói đến. Những người nhẹ dạ cả tin, chưa có nhiều kiến thức, kinh nghiệm làm đẹp sẽ rất dễ sa ngã vào thế giới kem trộn, sẵn sàng bỏ vài trăm ngàn để mua về một hũ kem hỗn lộn, không rõ nguồn gốc xuất xứ. 

3.2 Trắng da "cấp tốc", đơn giản

Các loại kem trộn, nhờ chứa nhiều corticoid và các chất làm trắng, tẩy trắng mạnh, nên thường cho tác dụng nhanh chóng mà mắt thường có thể trông thấy. Đó là trắng da "cấp tốc", và nhiều chị em hài lòng với điều đó, thậm chí là rất vui vẻ mà giới thiệu cho người khác dùng thử. Kem trộn lại có cách dùng hết sức đơn giản, chỉ cần thoa đều lên da sau khi tắm xong, chỉ trong 7-10 ngày sẽ thấy thay đổi rõ rệt. Nhiều chị em dù có nhận thức được tác hại của kem trộn, nhưng vì cái lợi trắng da trước mắt mà "nhắm mắt làm ngơ", "đưa chân làm quàng". Việc tin tưởng và cố chấp sử dụng kem trộn, thậm chí là quảng bá cho kem trộn tới nhiều đối tượng khác, đang gián tiếp giúp ngành công nghiệp kem trộn ngày càng phát triển hơn.

3.3 Sự tin tưởng đối với các nghệ sĩ quảng cáo kem trộn

Rất nhiều các nghệ sĩ, thậm chí cả những nghệ sĩ có tên tuổi, thường xuyên nhận quảng cáo cho những nhãn hàng kem trộn trá hình mỹ phẩm trắng da. Với thù lao cao và số tiền hậu hĩnh, họ sẵn sàng đóng vai người đã từng sử dụng sản phẩm và quảng cáo hết sức nhiệt tình và thật trân, khiến phái nữ, đặc biệt là các bà, các mẹ ở quê, hay xem tivi, youtube... tin tưởng hoàn toàn. Trong khi đó, họ lại chưa từng sử dụng sản phẩm đó, thậm chí là không có hiểu biết, kiến thức gì về thành phần, tác dụng, tác hại... Những hoạt động quảng cáo này cứ thế tiếp diễn, lại chưa có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan chức năng, khiến cho tình trạng pro kem trộn trá hình ngày càng sôi nổi hơn, lại càng có nhiều chị em sa chân vào "vũng bùn" kem trộn hơn.

Các nghệ sĩ "thi nhau" quảng bá cho nhãn hàng kem trộn trá hình

4 Tác hại khôn lường của kem trộn

Dùng kem trộn body có tốt không? Có nên dùng kem trộn cho da mặt?...” - Đây là những thắc mắc mà nhiều chị em rất quan tâm đến câu trả lời. Người dùng có thể thấy được cái lợi trước mắt mà quên đi mất hậu quả khi ngưng dùng kem trộn sau một thời gian dài sử dụng.

4.1 Corticoid kéo dài - Con dao hai lưỡi hại nhiều hơn lợi 

Corticoid là thành phần đáng quan tâm trong kem trộn, bởi những lợi ích cũng như mối nguy mà nó đem lại. Trong bất kể sản phẩm nào, nếu có chứa corticoid đều cần phải đặc biệt lưu ý. Mỹ phẩm cũng như vậy, hơn thế nữa đây còn là dùng bôi lên da trực tiếp. Với hàm lượng cao trong kem trộn, corticoid liệu có phát huy được sức mạnh của mình?

Corticoid làm giảm sản xuất sắc tố da melanin, do đó giúp da trắng lên nhanh chóng. Đồng thời, các dẫn chất nhóm này có tác dụng chống viêm mạnh, cải thiện tình trạng mụn. Các loại kem trộn thường thêm một lượng không xác định corticosteroid nhằm mục đích làm trắng da cấp tốc. Sử dụng mỹ phẩm có hàm lượng cao corticoid như kem trộn một cách thường xuyên và kéo dài sẽ dẫn tới tình trạng mỏng da do da bị bào mòn mạnh, đồng thời dễ bị tổn thương da do suy giảm khả năng bảo vệ và phục hồi của da. Quan trọng hơn hết, điều này thường xảy ra khi người ta ngưng dùng, và đó trở thành cái cớ cho việc tiếp diễn sử dụng kem trộn, kiểu: “tôi đang dùng đây, và có thấy hỏng da gì đâu, chỉ thấy trắng thôi”. Quan niệm sai lầm đó chỉ vỡ lẽ khi có những sự thay đổi rõ ràng trên khuôn mặt như da mỏng, dễ bị kích ứng, dễ đỏ rát khi tiếp xúc với ánh nắng, dễ bị sạm nám… Những dấu hiệu trầm trọng hơn như bong tróc, khô căng, nổi mụn nhỏ li ti…  

Lộ mao mạch và kích ứng do dùng kem trộn chứa corticoid

Những phát hiện được trình bày tại Đại hội Nội tiết Châu  u cho thấy rằng những phụ nữ sử dụng các loại kem có chứa corticosteroid hàm lượng cao và thường xuyên để làm trắng da có thể có nguy cơ bị suy tuyến thượng thận với dấu hiệu là ức chế sản xuất cortisol nội sinh. Vì gây ra nhiều tác dụng phụ, nhất là khi dùng kéo dài, corticosteroid tại chỗ thường được kê đơn không quá 1-2 tuần. Ở nhiều quốc gia, corticoid chỉ có thể được mua tại quầy với đơn sẵn có[4]. Sử dụng corticoid trên da kéo dài có liên quan đến các tác dụng phụ do hấp thu toàn thân bao gồm trục hạ đồi-tuyến yên-thượng thận bị gián đoạn, bao gồm hội chứng Cushing, tiểu đường và tăng huyết áp. Các triệu chứng nhãn khoa bao gồm tăng nhãn ápđục thủy tinh thể.

4.2 Độ an toàn của Aspirin pH 8 

“Sử dụng aspirin để điều trị mụn trứng cá là một ý tưởng tồi”, Tiến sĩ Yoram Harth - bác sĩ da liễu, cựu nghiên cứu viên tại Trung tâm Y tế Đại học New York-Presbyterian/Columbia cho biết. “Aspirin là một loại thuốc uống được sử dụng để giảm đau, sốt hoặc viêm. Nó không thể làm thông thoáng lỗ chân lông trên da, không thể giảm bài tiết bã nhờn và không có tác dụng nào được chứng minh trong việc ngăn ngừa mụn trong tương lai.”

Bác sĩ Harth cho biết, một trong những ưu điểm chính của axit salicylic trong việc điều trị mụn trứng cá là nó có thể hòa tan trong chất béo, cho phép nó thâm nhập qua da để đến các tuyến dầu của da, nơi nó làm thông thoáng lỗ chân lông và giảm sản xuất dầu.

Khi sử dụng aspirin trức tiếp trên da, nó có thể gây kích ứng và dẫn đến mẩn đỏ và bong tróc da, không thực sự điều trị hoặc ngăn ngừa mụn cũng như dưỡng trắng da. Dưới dạng mặt nạ, aspirin có thể được hấp thụ vào tuần hoàn máu và gây ra tác dụng phụ toàn thân ở những người bị dị ứng với Ibuprofen, hoặc naproxen aspirin có thể gây co thắt phế quản[5].  

Acid salicylic là có lợi, nhưng aspirin thì không. Hơn thế nữa, aspirin thường có trong các sản phẩm kem trộn có pH 8, trong khi da có pH chỉ khoảng giá trị 5. Việc sử dụng hoạt chất quá kiềm sẽ làm mất cân bằng acid - base của da, trở nên khô căng và mất khả năng giữ ẩm.

Bong tróc da do sử dụng kem trộn

4.3 Những thành phần khác liệu có “nhẹ nhàng” hơn?

Ngoài sự tàn phá da nặng nề của tích tụ corticoid, kem trộn còn mang đến những hậu quả khó lường khác. 

Các kem trộn chứa hydroquinon có thể gây ra chứng da dầu ngoại sinh, một chứng tăng sắc tố màu xám xanh do sự lắng đọng của axit homogentisic trong da. Ung thư biểu mô tế bào vảy cũng đã được báo cáo. Hấp thụ toàn thân có thể gây ra bệnh thần kinh ngoại biên, hội chứng mùi cá và thai nhi chậm phát triển.

Đối với các chế phẩm có chứa thủy ngân, những lo ngại có thể bao gồm độc tính đối với hệ thống thần kinh và độc tính trên thận, cũng như viêm phổi, rối loạn sắc tố móng và hội chứng khỉ đầu chó - một tình trạng phát ban hiếm thường gặp ở mông, nách và một số vị trí khác. Hiện tại, thủy ngân đã bị cấm sử dụng trong điều trị bệnh, trừ khi ở dạng amalgam. 

Glutathion đã trở thành mối quan tâm lớn về sức khỏe ở nhiều quốc gia vì những di chứng bất lợi có thể xảy ra. Truyền glutathion được chấp thuận ở Ấn Độ đối với các bệnh gan do rượu khác nhau và ở Philippines để sử dụng như điều trị bổ trợ trong hóa trị liệu cisplatin; tuy nhiên, FDA đã không chấp thuận việc sử dụng nó cho làm trắng da. Các công thức glutathion uống, bôi và tiêm tĩnh mạch đã mở rộng khắp các quốc gia mà không có liều lượng xác định rõ ràng hoặc thời gian dùng thuốc an toàn. Các biến chứng đáng kể, bao gồm nhiễm độc gan, thần kinh và thận, Hội chứng Stevens Johnson và thuyên tắc khí, đã được báo cáo[6]

Bên cạnh đó, các chất tẩy trắng cũng có thể được thêm vào kem trộn mà người dùng không hề hay biết. Khả năng tẩy mạnh cũng khiến làn da của bạn mỏng đi trông thấy. 

Như vậy, kem trộn làm trắng da “cấp tốc” là có cơ sở, nhưng việc bào mòn da, lộ mao mạch, sạm nám, kích ứng và các vấn đề toàn thân là không thể chối cãi. Nếu bạn là người có suy nghĩ, chắc chắn bạn đã có câu trả lời cho câu hỏi ở trên. Sau đây, để giúp ích hơn cho người tiêu dùng, chúng tôi xin tiết lộ cách nhận biết mỹ phẩm là kem trộn.

5 Cách nhận biết mỹ phẩm là kem trộn

Đây là nội dung rất quan trọng mà các bạn cần ghi nhớ để tránh việc lựa chọn trúng mỹ phẩm là kem trộn dẫn đến tàn phá làn da và ảnh hưởng đến sức khỏe.

5.1 Bao bì, tên sản phẩm

Thiết kế của các sản phẩm kem trộn rất sơ sài, thường có chất liệu là nhựa chất lượng kém hay nhựa tái chế, dễ ảnh hưởng tới chất lượng kem bên trong, gián tiếp gây hại cho da. Một số “nhà sản xuất” lại rất chú trọng đầu tư vào bao bì và nhãn hiệu với những cái tên rất hoa văn và mỹ miều, nghe rất “cuốn”, chẳng hạn như “Kem trộn body siêu trắng”, “Kem trộn cốt Thái nguyên chất siêu trắng nhanh”... Tỷ lệ thành phần in trên bao bì cũng không rõ ràng, sản phẩm không có mã vạch hoặc mã giả.

Tiếng việt thì hay đi kèm với tên của 1 chị nào đó, chẳng hạn như yody white phương anh. Ngoài ra, kem nào có chữ: thảo dược, gia truyền, đông y, rượu thuốc thì nên tránh vì rất dễ dính trộn, quy trình cũng không đảm bảo. Còn nếu là tên Tiếng Anh thì đọc k ra tên luôn, hay cứ thấy chữ "white body, white doctor, top pure, top white" thì cũng nên cẩn thận.

Bao bì xấu xí của kem trộn

5.2 Nguồn gốc, xuất xứ

Một điều chắc chắn là tất cả các kem trộn đều không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Đôi khi, các công ty sản xuất in trên nhãn chỉ là xưởng gia công hoặc “không có thật”. Bên cạnh đó, các nhãn hàng kem trộn phần lớn là chưa được kiểm chứng và chưa nhận được sự công nhận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Có khi lại quảng cáo là các hàng của Hàn, Nhật... nhưng khi tra trên Google thì lại không có kết quả. Bạn có thể tra google để tìm kiếm thông tin về nhà sản xuất, nếu thông tin mơ hồ, không có mã số thuế, địa chỉ cụ thể, trang web chính thức… thì chắc chắn sản phẩm đó là không đáng tin về xuất xứ, do đó chất lượng cũng không thể hy vọng gì.

5.3 Thành phần, dạng bào chế 

Tại sao kem trộn nhanh trắng? Liệu có phải là nhờ bảng thành phần “xịn xò”? Tất nhiên là không phải. Các thành phần trong kem trộn thường là các chất có tác dụng bào mòn da mạnh, như đã trình bày ở trên. Các thành phần được in trên nhãn mác cũng không đáng tin, đôi khi chỉ mang tính chất cho có hoặc để quảng cáo với những thành phần nổi tiếng trong giới làm đẹp da, nghe rất uy tín trong vai trò làm trắng da. Việc nhận biết các thành phần trong kem trộn là khá khó khăn đối với người tiêu dùng. Cách đơn giản hơn là hỏi ý kiến của người có chuyên môn hay xin đánh giá của những người đã trải nghiệm sản phẩm. Nhiều chị em đã áp dụng phương thức này khá tốt, bằng chứng cho thấy là trên google có vô vàn từ khóa kiểu như “sản phẩm abc, xyz… có phải là kem trộn không?” Tuy nhiên, các thông tin trên internet chưa chắc đã chính xác, nên hỏi các chuyên gia để nhận được đáp án và lời khuyên thích hợp. Có một hướng dẫn nhận biết kem trộn bằng nước trên internet dựa vào độ tan của kem: kem bám trên thành - dầu động vật, không tốt; kem nổi trên mặt nước - dầu khoáng, gây lão hóa nhanh; kem chìm - nhiều kim loại nặng.Tuy nhiên, cách thức này chưa được khoa học chứng minh, đồng thời Chỉ Xác định được một số thành phần, các hoạt chất gây hại hơn như corticoid, chất tẩy… thì chưa đề cập đến.

Chất kem trộn thường có màu vàng hay trắng đục, thường hơi sệt, có cảm giác nhớt như xà phòng, thoa lên da sẽ bết dính và khóa chịu, cần massage kỹ càng 3-5 phút mới thẩm thấu hết. Hiện nay, sản xuất kem trộn đã tiến hóa lên một "tầng cao mới" để đánh lừa được nhiều người tiêu dùng hơn, nhất là những người thiếu hiểu biết và mới bước chân vào con đường chăm sóc da và làm đẹp hay các bà các mẹ ở quê. Có nhiều loại kem trộn cao cấp còn có cả sữa rửa mặt, serum, toner...

Chất kem trộn thường thấy

5.4 Giá thành 

Giá bán của các sản phẩm kem trộn là rất khác nhau. Mặc dù nguyên liệu để trộn kem có giá khá rẻ, như đã giới thiệu ở trên, nhưng chi phí cho một hũ kem trộn lại khá cao, đem lại lợi nhuận hấp dẫn. So sánh giữa bao bì, mẫu mã và giá thành thì có vẻ có sự chênh lệch khá lớn. Quan trọng hơn hết, là việc bỏ ra một số tiền có làn da trắng “bạch tạng”, trắng không tì vết, hay sạch bách mụn trong một thời gian ngắn, tưởng chừng như rất “hời” nhưng lại mua về những hậu quả khó lường. Dựa vào mỗi giá bán thì sẽ không thể xác định được sản phẩm nào đó có phải kem trộn hay không, bạn cần kết hợp với các yếu tố khác để có sự nhìn nhận chính xác nhất.

5.5 Nội dung quảng cáo, công dụng

Nội dung quảng cáo chính là tiêu chí nói về hiệu quả tác dụng của sản phẩm. Phần lớn các loại kem trộn được giới thiệu với những công dụng tuyệt vời, cùng các lời hứa hẹn có cánh của người bán, ví dụ như “Không trắng - Hoàn tiền”, “Bật tone chỉ trong 7-10 ngày”, “Trắng thật, không trắng ảo, không lộ vân kem, không bết rít”... Hoặc rất đa năng như làm trắng da, trị mụn, chống nắng…, rất nhiều công dụng trong một hũ kem hỗn lộn?! 

Rồi thì hàng loạt các chiêu trò marketing ảo như đăng lên rất nhiều chứng nhận, bảng khoe thành tích và sở hữu nhiều đại lý, cộng tác viên..., cũng nên xem xét lại. 

Tràn lan các shop bán kem trộn với quảng cáo có cánh

Mọi người lưu ý, nhất là các chị em, các bà, các mẹ, đừng vì những lời “quảng cáo ngọt ngào” mà rước bệnh vào người. Hãy là người tiêu dùng thông thái, luôn luôn có những lựa chọn sáng suốt. Làm trắng da là một hành trình đòi hỏi sự kiên nhẫn, bạn có thể tham khảo các liệu trình làm trắng tại các spa uy tín nếu có tài chính vững, hoặc sử dụng các sản phẩm giúp nâng tone da từ từ nhưng an toàn và lành tính.

5.6 Một số mẹo nhận biết kem trộn nhanh chóng

5.6.1 Phản ứng Corticoid

Kem trộn thì thành phần chính là Corticoid (thuốc giảm sưng, ngứa, dị ứng có thể giúp da trắng nhanh cấp tốc 2-3 ngày). Chị em lấy 1 ít kem bôi lên vùng da bất kỳ (thường là mu bàn tay). Ngay lập tức chỗ đó sẽ dày lên và rất ngứa. Gãi mạnh có thể trầy, chảy máu hoặc chảy dịch vàng. Sau 1 ngày, vùng chàm da sẽ hết và lành ngay. Sau 2-3 ngày, không bôi lên chỗ đó. Nếu ngứa trở lại, da lại dày lên thì đó chính là kem trộn chứa corticoid.

5.6.2 Nhận biết bằng nước

Dùng 1 ly nước sạch, 1 chiếc đũa để khuấy. Bỏ 1 ít phấn hoặc kem vào nước khuấy trong 20 giây và quan sát hiện tượng:

  • Nếu kem bám quanh thành ly nước thì trong đó dễ có dầu động vật. Sẽ giúp da đẹp lên nhanh nhưng không sử dụng thì sẽ bị xấu và sưng.
  • Nếu kem nổi trên nước. Loại này chứa nhiều dầu khoáng. Dễ gây tắc bít lỗ chân lông và lão hóa da.
  • Nếu chìm dưới đấy thì chứa nhiều kim loại nặng. Cực kỳ nguy hiểm và độc hại.
  • Tan trong nước: Loại này oke, không kim loại, không dầu, dễ dàng thẩm thấu.

5.6.3 Để kem ngoài không khí

Vì kem trộn được sx nhờ tỉ lệ siêu ngẫu nhiên nên không thể hòa tan với nhau để lâu ngoài không khí sẽ bị ứ đọng nước trên bề mặt. Bạn để ngoài không khí 1 ngày, không đậy nắp ở nhiệt độ thường nhé.

6 Danh sách kem trộn phổ biến hiện nay

Hiện, có rất nhiều nhãn hàng kem trộn trá hình dưới dạng mỹ phẩm trắng da, đi kèm với một loạt giấy chứng nhận "lạ" và đủ kiểu tác dụng. Dưới đây, chúng tôi xin đưa ra danh sách một số brand kem trộn trá hình được phát hiện năm 2021 mà mọi người có thể chưa biết. Nếu bạn đang dùng bất kỳ sản phẩm nào, hãy ngưng dùng và tới khoa da liễu để thăm khám tình trạng da của mình nhé.

  • Mỹ phẩm Linh Hương: Mặc dù có website và thương hiệu đàng hoàng, nhưng Linh Hương đã được kiểm chứng và xác nhận là chứa corticoid có hại.
  • My miu.
  • Thy Thy.
  • SoHerbs (Vsafe beauty).
  • Rossa.
  • Top white.
  • Misswhite.
  • Diamond beauty.
  • Nelly.P.
  • Ruby white.
  • Zoley.
  • Cherry beauty.
  • KB one.
  • LS cosmetic.
  • Tys skin care cosmetic.
  • Luxury girl.
  • Queen perfect.
  • DB – skin care.
  • White pro.
  • Venus white. 
  • S-white.
  • M-white.
  • Coco Skincare
  • Pizu (thương hiệu đa cấp mạnh, nhiều dòng mỹ phẩm khác nhau)
  • Collagen White
  • Dr. Mai: được quảng cáo là trị mụn trắng da, dùng xong bao đẹp da, tuy nhiên chứa nhiều corticoid và nhiều trường hợp bị nhiễm corticoid nặng nề đã được báo cáo.
  • Mocha Beauty
  • Pure White
  • CC White
  • 24k Gold Collagen
  • Sắc Ngọc Hương
  • Bạch Ngọc Liên: được bán tràn lan trên thị trường với công dụng trắng da thần kỳ.
  • Thanh Hiền: là nguyên liệu tuyệt vời của nhiều loại kem trộn với giá giật mình, chỉ 5-10k/hộp?!
  • Rượu thuốc: Đây là loại kem trộn gây ra nhiều "cái kết tan nát" cho chị em, da mỏng, lộ mao mạch, kích ứng, đỏ rát, bong tróc... Thường để bôi cho da mặt với công dụng trị mụn, trắng sáng da vì chứa nhiều corticoid.
Nhiều thương hiệu kem trộn "xâm chiếm" thị trường làm đẹp

Trên đây là danh sách kem trộn được Bộ Y tế công bố năm 2021. Và còn rất rất nhiều hãng kem trộn trá hình mỹ phẩm khác, các chị em cần lưu ý kỹ cách nhận biết để tránh dùng trúng kem trộn.

7 Cách nhận biết và khắc phục da nhiễm corticoid sau dùng kem trộn 

7.1 Làm thế nào để bạn biết da của mình nhiễm corticoid?

Mặc dù các dấu hiệu có thể khác nhau ở mỗi người, các phản ứng phổ biến nhất bao gồm đỏ, rát và châm chích trên da. Các dấu hiệu này có thể bắt đầu khi bạn vẫn đang sử dụng kem trộn chứa corticoid tại chỗ, hoặc có thể xuất hiện vài ngày hoặc vài tuần sau khi bạn ngừng dùng.

Mặc dù ban đầu sẽ xuất hiện ở khu vực bạn đã sử dụng kem trộn, nhưng nó có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể.

Các triệu chứng có thể quan sát được khi bạn đang sử dụng kem trộn bao gồm:

  • Mẩn đỏ ở những khu vực có bôi thuốc.
  • Ngứa dữ dội, bỏng rát và châm chích.
  • Phát ban tương tự eczema.
  • Da mỏng dần, lộ mao mạch dưới da.
  • Hiệu quả phục hồi các triệu chứng giảm ngay cả khi tăng lượng sản phẩm sử dụng.
  • Teo da, nổi mụn, viêm da quanh miệng.
Dấu hiệu da nhiễm corticoid

Sau khi bạn ngừng sử dụng kem trộn chứa corticoid, bạn dễ gặp các tình trạng sau:

  • Da thô, đỏ, cháy nắng.
  • Bong tróc da nặng, da bỏng rộp.
  • Tiết dầu nhiều, liên tục, bất thường.
  • Phù nề da, mẫn cảm với nhiệt và lạnh.
  • Ban xuất huyết, loét da, nhiễm trùng da.
  • Toàn thân: cánh tay sưng đỏ, đau dây thần kinh, mắt khô, khó chịu, rụng tóc trên đầu và cơ thể, sưng hạch bạch huyết ở cổ, nách, bẹn và các vùng khác trên cơ thể, khó ngủ, thay đổi cảm giác thèm ăn và giảm hoặc tăng cân, sự mệt mỏi, phiền muộn...

Hãy đến các cơ sở y tế hoặc chuyên khoa da liễu để thăm khám và xử trí kịp thời khi bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu nào của da nhiễm corticoid, tránh để quá lâu, ảnh hưởng tới sức khỏe toàn thân chứ không chỉ riêng mỗi làn da.

7.2 Khắc phục da nhiễm corticoid như thế nào?

Trước tiên, khi nhận thấy làn da của mình có dấu hiệu nhiễm corticoid, bạn cần ngừng sử dụng các sản phẩm nghi ngờ là kem trộn có chứa hoạt chất này. Việc ngưng dùng kem trộn có corticoid phải được thực hiện một cách từ từ. Nếu dừng đột ngột sẽ dẫn đến bùng phát các vấn đề về da nghiêm trọng hơn. Bạn nên dừng sử dụng một cách từ từ, bằng cách giảm liều lượng dần dần, dùng cách ngày, giãn dần 3-4 ngày dùng một lần rồi sau đó dừng hẳn. Đây là biện pháp "cai nghiện corticoid" cho da an toàn nhất. 

Sau đó, nếu tình trạng nhiễm corticoid nhẹ, tức là da bạn chỉ nóng đỏ, bong tróc nhẹ hay châm chích, kích ứng nhẹ, bạn có thể tiến hành các biện pháp chăm sóc và thải trừ độc tố của corticoid cho da như sau:

  • Làm sạch da nhẹ nhàng: Sử dụng sữa rửa mặt dịu nhẹ như Cetaphil hay nước muối sinh lý để làm sạch da hàng ngày, tránh dùng các loại sữa rửa mặt pH kiềm, có chứa hương liệu, cồn, chất tẩy rửa mạnh...
  • Sử dụng kem dưỡng phục hồi lành tính: Để giữ ẩm cho da, cải thiện tình trạng bong tróc và phục hồi khả năng tự bảo vệ của da, bạn cần chọn những sản phẩm dưỡng da, cấp ẩm chứa acid hyaluronic... Không dùng các loại mỹ phẩm chăm sóc da chứa cồn, chất bảo quản, hương liệu...
  • Không chà xát lên vùng bị nhiễm corticoid, không sờ tay lên da tránh bội nhiễm.
  • Bảo vệ da khỏi các tác nhân có hại ở môi trường xung quanh, đặc biệt là ánh nắng mặt trời. Che chắn cẩn thận khi ra ngoài. Sử dụng kem chống nắng lành tính, chứa Kẽm oxide hoặc titanium dioixde và không chứa hương liệu.
  • Luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn uống ngủ nghỉ đầy đủ, lành mạnh, tránh stress làm trầm trọng thêm tình trạng ban đỏ.

Trong trường hợp mắc phải các vấn đề nghiêm trọng hơn hay các dấu hiệu toàn thân, bạn cần đến ngay các chuyên khoa da liễu để được các bác sĩ khám và đưa ra phác đồ điều trị cụ thể. Không tự ý mua các sản phẩm trên mạng hay không rõ nguồn gốc để sử dụng.

8 Lời khuyên cho mọi người 

Để có được làn da trắng sáng mịn màng, bạn cần phải kiên trì và tỉnh táo để có lựa chọn sáng suốt các sản phẩm dưỡng trắng, làm đẹp da. Thời gian để da lên tone cũng tùy thuộc vào cơ địa của mỗi người, đừng vì kết quả tức thì của người khác mà nôn nóng. Việc kiên trì với các loại mỹ phẩm trắng da an toàn, lành tính giúp bạn tránh khỏi những hậu quả khó lường của kem trộn chứa corticoid hàm lượng lớn. Vì một thế giới làm đẹp an toàn, hãy cùng nhau tẩy chay kem trộn bởi "có cung thì ắt có cầu". Bạn cũng nên xem xét lại các sản phẩm mình đang sử dụng để loại bỏ các mỹ phẩm nghi ngờ là kem trộn hoặc chứa corticoid. Hãy lựa chọn các phương thức làm đẹp an toàn, vì sức khỏe và nhan sắc của bản thân.

Nhiều sản phẩm kem trộn siêu trắng hay kem trộn "đội lốt" kem dưỡng trắng thông thường được bán tràn lan trên thị trường, gây hoang mang cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, vấn nạn các nghệ sĩ quảng cáo kem trộn, kem kém chất lượng, chứa corticoid... gây ra nhiều bức xúc trong giới làm đẹp vẫn diễn ra thường xuyên và ngày càng khó đoán. Mong rằng các cơ quan chức năng vào cuộc mạnh mẽ hơn, dứt khoát giải quyết triệt để tình trạng này, kết hợp cùng với bên quản lý thị trường để loại bỏ dần "ngành công nghiệp" kem trộn tai hại này. Các phương tiện truyền thông giáo dục cũng cần tăng cường truyền tải kiến thức về kem trộn, giúp cộng đồng có nhận thức đúng đắn hơn.

Sở hữu một làn da trắng hồng, mềm mại, bạn nên sử dụng các sản phẩm giúp làm trắng da chính hãng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được kiểm định và chứng nhận bởi các cơ quan chức năng, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hãy tham khảo các sản phẩm trắng da, làm đẹp da chính hãng, chất lượng ngay tại đây: 9 Viên Uống Trắng Da, Làm Đẹp Da Hiệu Quả Nhất [BÁC SĨ KHUYÊN DÙNG]

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia của WebMD. Skin Care Lotion Topical - Uses, Side Effects, and More, WebMD. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2022
  2. ^ Arbutin, Drugbak. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2022
  3. ^ Tác giả Kristeen Cherney, Jill Seladi-Schulman (Ngày cập nhật 20 tháng 7 năm 2020). Can Aspirin Treat Acne?, Heathline. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2022
  4. ^ Tác giả Talha Burki (Ngày đăng 26 tháng 11 năm 2020). Skin-whitening creams: worth the risk?, Bệnh tiểu đường và Nội tiết, The Lancet. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2022
  5. ^ Tác giả Tony Hicks (Ngày đăng 17 tháng 9 năm 2020). Aspirin Can’t Treat Acne, So Experts Say Don’t Use Face Mask Touted on TikTok, Heathline. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2022
  6. ^ Tác giả Samara Pollock và cộng sự (Ngày đăng 17 tháng 9 năm 2020). The dark side of skin lightening: An international collaboration and review of a public health issue affecting dermatology, PubMed. Truy cập ngày 14 tháng 9 năm 2022

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633