Vai trò của iod đối với sự phát triển của cơ thể con người
Trungtamthuoc.com - Iod là một chất vô cùng cần thiết đối với cơ thể con người, nó chỉ là một nguyên tố vi lượng, cơ thể chỉ cần 1 lượng rất nhỏ chỉ từ 15 đến 20mg. Iod đảm bảo chức năng hoạt động bình thường của tuyến giáp, phòng bướu cổ và tình trạng thiểu năng trí tuệ. Khoảng 70% đến 80% lượng iod của cơ thể ở trong tuyến giáp, còn lại nồng độ iod cao nhất tìm thấy ở tuyến nước bọt, tuyến tiết dịch tiêu hóa và các mô liên kết, chỉ có một lượng rất nhỏ phân bố đều trong toàn bộ cơ thể.
1 Vai trò của Iod đối với cơ thể
1.1 Tăng cường sức khỏe tuyến giáp
Iod có vai trò trong tổng hợp hormon tuyến giáp thyroxin, đây là hormon cần thiết cho sự phát triển về thể chất cũng như tinh thần của trẻ, đồng thời nó giúp điều hòa quá trình chuyển hóa năng lượng trong cơ thể, ảnh hưởng đến hoạt động của tim mạch, hệ thần kinh - cơ, hệ sinh dục.
Khi cơ thể thiếu iod, thyroxin không được sản xuất đủ, tuyến giáp tăng cường hoạt động để thu nhận iod tối đa tập trung vào tuyến, đồng thời luôn bị TRF và TSH kích thích hoạt động để sản xuất đủ hormon theo yêu cầu của cơ thể, tình trạng này kéo dài sẽ dẫ đến phì đại tuyến giáp.
1.2 Giảm rủi ro mắc bệnh bướu cổ
Thiếu iod xảy ra ở rất nhiều vùng trên thế giới, là nguyên nhân chính gây bệnh bướu cổ. Thiếu iod ảnh hưởng rõ rệt đến tăng trưởng và phát triển, đặc biệt là hoạt động của não bộ, gọi chung là rối loạn do thiếu iod.
1.3 Sự phát triển thần kinh của thai nhi
Nếu trong quá trình mang thai, người mẹ không cung cấp đủ iod thì nguy cơ thiếu iod bào thai rất cao. Điều này vô cùng nguy hiểm vì nó làm tăng tỉ lệ tử vong trước hoặc sau sinh. Nguyên nhân vì khi bạn mang thai, cơ thể người mẹ bắt đầu sản xuất nhiều hormone tuyến giáp hơn, làm tiêu hao hết lượng i-ốt trong cơ thể. [1] Hormon tuyến giáp tác động mạnh mẽ đến sự hình thành và phát của thai nhi, chính vì vậy, bổ sung đầy đủ nhu cầu iod thiết yếu đối với phụ nữ mang thai.
1.4 Cải thiện chức năng nhận thức và cân nặng sau sinh
Iod có ảnh hưởng đến cân nặng, nhận thức của trẻ. Việc cùng cấp đầy đủ lượng iod có thể giảm đáng kể chứng đần độn, thiểu năng trí tuệ, còi cọc sau sinh.
1.5 Có thể giúp điều trị bệnh xơ nang vú
Nghiên cứu chứng minh bổ sung i-ốt có thể giúp điều trị bệnh xơ nang vú hiệu quả, việc bổ sung hợp lý có thể giảm di chứng của bệnh xơ nang vú. [2]
2 Đối tượng nguy cơ thiếu iod
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai.
Những người có chế độ ăn chay và không sử dụng muối iot.
Sống ở những khu vực thiếu iod như một số nước tại châu Á, New Zealand...
3 Thừa iod gây bệnh gì?
Các ảnh hưởng của thừa iod rất khác nhau và tuỳ thuộc vào tình trạng hoạt động của tuyến giáp. Thừa iod trong trường hợp tuyến giáp bình thường, tuyến giáp sẽ ngừng tổng hợp hormone tăng trưởng (thyroid) cho đến khi có thể thích nghi với mức iod ăn vào cao.
Khi khả năng hoạt động của tuyến giáp bị suy yếu, thừa iod sẽ gây bệnh giảm hormone (hypothyroidism). Có trường hợp tuyến giáp hoạt động quá mạnh sẽ có đáp ứng ngược lại, tổng hợp quá nhiều hormone thyroid, có thể dẫn đến ngộ độc do tiêu thụ quá nhiều iod (thyrotoxicosis).
Quá tải iod có thể gây cường giáp trên bệnh nhân thường có biểu hiện bệnh lý tuyến giáp trước đó. Iod không phải là nguyên nhân gây bệnh nhưng nó thúc đẩy việc xuất hiện triệu chứng cường giáp trên lâm sàng ở những tuyến giáp không chịu ảnh hưởng của hiệu ứng Wolff - Chaikoff.
4 Nhu cầu của iod đối với cơ thể
Với mỗi độ tuổi khác nhau, nhu cầu về lượng iod trong cơ thể cũng khác nhau, lượng iod được khuyến nghị mỗi ngày như sau:
- Sơ sinh đến 6 tháng: 110 mcg.
- Trẻ sơ sinh 7-12 tháng: 130 mcg.
- Trẻ em 1-8 tuổi: 90 mcg.
- Trẻ em 9–13 tuổi: 120 mcg.
- Thanh thiếu niên 14–18 tuổi: 150 mcg.
- Người lớn: 150 mcg.
- Thanh thiếu niên và phụ nữ mang thai: 220 mcg.
- Thanh thiếu niên và phụ nữ cho con bú: 290 mcg. [3]
5 Nguồn thực phẩm cung cấp Iod
Iốt được tìm thấy tự nhiên trong một số loại thực phẩm và cũng được thêm vào một số loại muối . Thực phẩm chứa Iod cao như:
- Cá (như cá tuyết và cá ngừ).
- Rong biển, tôm và các loại hải sản khác.
- Các sản phẩm từ sữa (chẳng hạn như sữa, sữa chua và pho mát).
- Muối iốt.
Thực phẩm chế biến, chẳng hạn như súp đóng hộp, hầu như không bao giờ chứa muối i-ốt. Các loại muối đặc biệt như muối biển, muối chấm hoa quả... thường không được cung cấp i-ốt nếu trên nhãn không có ghi, do đó nên lựa chọn các loại muối phù hợp trong bữa ăn gia đình.
Tài liệu tham khảo
- ^ Madeline Kennedy (Ngày đăng 20 tháng 2 năm 2020). What does iodine do for the body and why it is crucial for new mothers, Insider. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Kristeen Cherney (Ngày đăng 14 tháng 3 năm 2019). 11 Uses for Iodine: Do Benefits Outweigh the risks?, Healthline. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021
- ^ Chuyên viên của NIH (Ngày đăng 22 tháng 3 năm 2021). Iodine, NIH Office of Dietary Supplements. Truy cập ngày 21 tháng 12 năm 2021