Hướng dẫn kỹ thuật sắc thuốc thang, thuốc cao nước, thuốc hoàn và những lưu ý
1 Một số dạng thuốc bào chế thường gặp
Bào chế thuốc đông dược thường không có nhiều công đoạn như bào chế thuốc tây y. Các dạng thuốc bào chế thường gặp bao gồm:
- Thuốc phiến.
- Thuốc sắc.
- Thuốc hoàn.
- Thuốc tán.
Trong Đông y, thuốc phiến thường được sử dụng nhiều nhất trong các đơn thuốc thang. Các dạng thuốc sắc, thuốc tán, thuốc hoàn ít nhiều đều phải trải qua dạng thuốc phiến.
2 Kỹ thuật sắc thuốc
Sử dụng chất lỏng đem đổ vào dụng cụ đựng cho đến khi ngập dược liệu. Trong Đông y thường gọi là thuốc thang.
Tiến hành cho lên bếp và đun sôi.
Chắt lấy nước để uống.
2.1 Ưu điểm của thuốc sắc
Hấp thu nhanh.
Có thể dùng thuốc sắc cho nhiều bệnh tật khác nhau, đặc biệt là bệnh cấp tính, cảm.
Thuốc thang thường được chia để uống 2-3 lần mỗi ngày.
2.2 Dụng cụ sắc thuốc
Siêu đất, không dùng dụng cụ bằng sắt, gang. Có thể dùng ấm men hoặc ấm nhôm để sắc.
Dung tích siêu, ấm tối thiểu khoảng 1,5 lít.
Rây có đường kính khoảng 8-10cm để lọc.
Sử dụng nước sạch, trong để sắc thuốc.
2.3 Kinh nghiệm sắc thuốc và hướng dẫn sử dụng thuốc sắc
2.3.1 Sắc thuốc bắc có cần rửa không?
Để đảm bảo an toàn, loại bỏ bụi bẩn thì vẫn cần phải rửa thuốc trước khi sắc. Cách rửa như sau:
Cho thuốc vào nồi hoặc chậu sạch.
Đổ nước ngập mặt thuốc.
Khuấy nhẹ rồi đổ nước cặn đi, rửa 2 lần sau đó thêm nước lần 3 và ngâm thuốc trong khoảng 3 phút. Đổ nước đi sau đó mới tiến hành sắc thuốc.
2.3.2 Cách sắc thuốc bằng bếp ga
Sắc thuốc bằng bếp ga hoặc sắc thuốc bắc bằng ấm điện hay sắc thuốc bắc bằng nồi cơm điện đều có thể dùng được. Tuy nhiên, không sử dụng các loại nồi bằng gang hoặc bằng Sắt để sắc thuốc. Tùy thuộc vào mục đích điều trị mà thời gian cũng như cách sắc thuốc có thể khác nhau.
2.4 Kỹ thuật và thời gian sắc thuốc
Đối với thuốc phát tán: Sử dụng lửa to, sắc nhanh, chỉ cần đổ nước vừa đủ ngập dược liệu là được, chỉ sắc 1 lần, thời gian sắc khoảng ½ giờ.
Sắc thuốc bổ: Sử dụng lửa nhỏ, sắc chậm, nhiều nước. Sắc trong 2 giờ, sắc 2 lần, sau khi sắc lần 1 thì sắc tiếp lần 2 cho cô đặc.
Đối với các dược liệu có lông hoặc có bột cần phải cho dược liệu vào một chiếc túi vải trước khi sắc.
Khi sắc thuốc cho trẻ em thì nên dùng siêu bé, do lượng nước sử dụng ít.
Khi sắc các loại kháng vật thì cần giã nát trước khi sắc.
Khi sắc các loại thuốc có mùi thơm thì cần bỏ vào sau như Bạc Hà, Quế chi,...
Trong thang thuốc có ma hoàng thì sắc ma hoàng trước, vớt bọt bỏ đi sau đó mới tiền hành cho các vị thuốc khác trong thang vào sắc tiếp.
Trong thang thuốc có A giao, Xuyên Bối Mẫu, xuyên Tam Thất thì sau khi sắc mới tiến hành cho các vị này vào, khuấy đến khi đều rồi uống.
Đối với những dược liệu có nhiều lá, cành nhỏ thì sắc khoảng 1-2 lần rồi lọc để cô.
Đối với những dược liệu cứng thì vẫn có thể sắc 2 lần.
Nếu thuốc phiến đã được giã dập thì có thể ngâm trong khoảng nửa giờ sau đó tiến hành sắc. Lúc này, thời gian sắc sẽ được rút ngắn còn một nửa theo cổ điển, tuy nhiên, chất lượng cũng như phẩm chất của thuốc sau khi sắc lại tốt hơn.
Để đảm bảo an toàn thì người cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Người kê đơn cần phải có ghi chú cụ thể, rõ ràng về dạng thuốc trong đơn thuốc, vị thuốc nào cần sắc trước hoặc đơn thuốc là thuốc bổ hay thuốc phát biểu.
- Người bốc thuốc cần phải gói riêng từng loại và ghi tên cụ thể, tránh nhầm lẫn.
- Người sắc thuốc phải nắm được quy tắc, tác dụng của thang thuốc để đảm bảo an toàn, đúng kỹ thuật chuyên môn.
- Trong quá trình sắc thuốc, người thầy thuốc cần liên tục theo dõi, đặc biệt là sau khi nước sôi, đây là thời điểm quan trọng, người thầy thuốc cần phải đảo dược liệu để tránh trường hợp thuốc bị trào hoặc thuốc bị cạn nước gây cháy nổ.
- Cần phải lưu ý, ghi chú rõ ràng, tránh trường hợp nhầm lẫn thang thuốc giữa người này và người khác.
3 Kỹ thuật bào chế thuốc nước
3.1 Quy trình bào chế thuốc cao nước
Thuốc cao nước là dạng thuốc đặc bằng cách lấy nước đã nấu dược liệu đem đi cô lại đến một mức độ nhất định thì dừng lại.
Giai đoạn bào chế thuốc cao nước gồm:
- Nấu dược liệu để lấy nước.
- Cô đặc nước đã nấu.
- Thêm đường, mật hoặc rượu để kết thúc công đoạn, tạo thành phẩm hoàn thiện.
Đối với dược liệu dùng để bào chế thuốc cao nước thì phải qua chế biến, có thể thái, sao, bào, tẩm,...tùy theo yêu cầu của từng loại.
Lượng nước dùng để bào chế thuốc cao nước không cần dùng quá nhiều vì nếu dùng nhiều thì thời gian cô đặc cũng bị kéo dài hơn, lúc này sức nóng và không khí có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng và đặc tính của thuốc. Do đó, lượng nước được dùng thường chỉ dùng đủ để có thể rút hết hoạt chất trong dược liệu. Lượng nước đem nấu thường gấp khoảng 4-6 lần trọng lượng dược liệu.
Thời gian nấu cũng tùy thuộc vào loại dược liệu đem bào chế:
- Đối với những loại thân rễ cứng, thời gian đun thường từ 6-8 giờ.
- Đối với những loại dược liệu là cành lá nhỏ, thời gian nấu dao động khoảng 4-6 tiếng với mỗi lần nấu khoảng 20kg dược liệu.
Khi cô dưới dạng cao đặc thì phải cô cách thủy, sử dụng nhiệt thấp.
Dụng cụ dùng trong bào chế thuốc cao nước thường dùng là thùng làm bằng nhôm hoặc bằng inox, không nên sử dụng các đồ dùng làm bằng gang hoặc sắt.
3.2 Phân loại cao nước
Dựa vào thể chất sau khi nấu, cao nước thường được chia thành:
- Cao lỏng có đặc điểm là thể chất lỏng, có độ sánh nhất định, mùi đặc trưng của dược liệu đem đi bào chế thuốc cao nước. Cao lỏng có thể được sử dụng trực tiếp với mục đích trị bệnh. Tỷ lệ giữa lượng dược liệu sử dụng với thể tích cao thành phẩm thường là 1:1 nghĩa là 1 gam dược liệu đem nấu thu được 1ml cao lỏng. Bên cạnh đó, đối với những dược liệu có thể chất rắn, tỷ trọng lớn như các loại dược liệu là thân gỗ, cành cứng, khoáng vật,...thì tỷ lệ này có thể dao động, thể tích cao cũng thu được nhiều hơn, từ 1:3 đến 1:5.
- Cao mềm và cao đặc là hai trong số những loại cao tương đối phổ biến, được chế biến bằng cách cô đặc cao lỏng cho đến một mức độ, thể chất nhất định. Cao mềm thường có thể chất sánh, tương tự như mật đặc, lượng nước trong cao chiếm khoảng 20 đến 25% thể tích. Cao đặc thường có thể chất dẻo, hơi quánh, khi sờ không có cảm giác dính tay, lượng nước trong cao chiếm khoảng 10-15% thể tích.
- Cao khô là cao có độ ẩm không quá 5%, cao khô có thể chất là khối xốp hoặc dạng bột khô.
Cao lỏng có thể sử dụng trực tiếp để điều trị bệnh nhưng cao mềm và cao đặc thường được dùng để bào chế thành các dạng thuốc khác, không được sử dụng trực tiếp để uống.
Đông y thường dùng cao nước nhằm mục đích trị các bệnh mạn tính hoặc dùng làm thuốc bổ cho cơ thể.
3.3 Ví dụ về cao nước
Nấu cao nước tương đối phức tạp, tùy thuộc vào từng bài thuốc mà lựa chọn các bào chế cho phù hợp. Ví dụ về cách bào chế cao Trâu cổ.
Thành phần:
- 20kg Trâu cổ.
- 4kg Đậu đen tồn tính.
- 3,2kg đường cát trắng.
- 4 lít Rượu đế.
- Nước vừa đủ.
Các bước tiến hành:
- Thân cây đem thái thành từng miếng nhỏ, mỏng, đem rửa sạch sau đó phơi khô. Đổ nước ngập dược liệu trên 10cm, nên đổ vào thùng phên để tránh trường hợp dược liệu bị bồng, trào ra ngoài.
- Tiến hành đun sôi.
- Đậu đen đem vào nồi, đổ nước ngập sau đó đun sôi cho đến đậu mềm nhừ. Tiến hành lọc đậu qua vải thưa, chỉ lấy nước. Đổ nước nấu đậu vào thùng phên đun trâu cổ.
- Tiếp tục đun Trâu cổ trong 6 giờ. Nên thêm nước sôi cho vừa đủ mức nước cũ.
- Đảo dược liệu trong thùng.
- Tiến hành lọc, chắt lấy nước.
- Để yên khoảng 3-4 giờ.
- Gạn lấy phần nước trong thứ nhất.
- Tiến hành cô đặc nước gạn.
- Phần bã sau khi lọc tiếp tục đổ nước và tiến hành đun sôi trong 4 giờ.
- Tiếp tục chắt, lắng, gạn lấy nước thứ 2.
- Dồn 2 nước lại với nhau, bỏ riêng là 2 lít, tiếp tục cô phần còn lại cho đến khi còn 4 lít (mỗi ml cao nước tương đương với 5g dược liệu khô).
- Lấy 2 lít nước đã để riêng vừa nãy, cho vào một cái nồi nhôm khác, thêm đường kính vào, tiếp tục đun sôi cho đường tan, tiến hành lọc. Lấy nước đường đã đun sôi thêm vào 4 lít cao nước đã cô bên trên, để nguội, thêm 4 lít rượu trắng, sau đó để cho hỗn hợp lắng thu được 10 lít cao thành phẩm.
- Tiến hành tiệt trùng lọ, đóng cao vào lọ 120ml, dán nhãn, bảo quản lọ ở nơi khô ráo, thoáng mát.
4 Kỹ thuật bào chế thuốc hoàn
Thuốc hoàn là dạng thuốc đặc biệt, được bào chế bằng cách tán mịn dược liệu, thêm chất dính và nặn thành từng viên nhỏ.
Đối với một số dược liệu không thể sắc như dược liệu có vị độc (hoàng nàn, thạch tín,...) hoặc những bài thuốc có vị thuốc thơm và những bài thuốc được sử dụng để trị bệnh suy nhược mạn tính thì cần bào chế dưới dạng thuốc hoàn.
Ưu điểm của thuốc hoàn:
- Thuốc được bào chế dưới dạng viên nên thuốc tan chậm, thuốc sau khi vào cơ thể sẽ ngấm từ từ do đó thường được dùng cho các bệnh mạn tính. Từ ‘hoàn’ trong thuốc hoàn còn có nghĩa là hoãn sự thẩm hút.
- Dễ uống, dễ nuốt đặc biệt là đối với những thang thuốc có chứa các dược liệu có mùi vị khó chịu như a ngùy, hắc phàn,...
- Dạng bào chế dễ phân liều, đảm bảo đúng đủ liều lượng cho người bệnh.
- Dễ bảo quản, thuốc ít bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và không khí như dạng thuốc tán.
4.1 Thành phần của thuốc hoàn
Thành phần của mỗi viên thuốc hoàn sẽ bao gồm dược liệu và tá dược, trong đó:
Dược liệu là thảo mộc tự nhiên, động vật làm thuốc, cao đặc, cao khô,...
Tá dược là những chất được thêm vào thuốc hoàn phải đảm bảo yêu cầu là không làm thay đổi dược tính của thuốc, có thể làm tăng tác dụng chữa bệnh của thuốc. Tá dược thường không cố định mà sẽ thay đổi tùy thuộc vào loại dược liệu mà thang thuốc ghi. Thông thường, tá dược sẽ được ghi cụ thể trong mỗi công thức, một số tá dược thường dùng là mật, cao động vật, nước,...Nếu trong công thức đã có sẵn mật thì thầy thuốc sẽ dùng mật để luyện thành viên hoàn.
4.2 Dụng cụ trong bào chế thuốc hoàn
Các dụng cụ dùng trong bào chế thuốc hoàn thường hiện đại hơn khi bào chế thuốc sắc, cụ thể như sau:
Dụng cụ | Mục đích sử dụng |
Thuyền tán | Dùng để tán mịn dược liệu Hiện nay thường dùng các máy tán để tăng năng suất, giảm sức lao động, tăng độ mịn cho bột tán, máy hiện nay cũng dễ dàng vệ sinh hơn |
Rây | Sử dụng các loại rây được làm bằng inox với cỡ rây là 22 hoặc 24 |
Sàng | Sử dụng sàng được làm bằng inox Mục đích để phân loại các viên thuốc có độ to nhỏ khác nhau, đáp ứng được yêu cầu của thang thuốc. Do đó, nên sử dụng ít nhất là 2,3 cỡ |
Máy trộn bột ướt | Dùng để trộn bột khi làm viên hoàn mềm |
Bàn chia viên | Dùng để lăn bột và cắt bột thành từng viên Cần có nhiều cỡ bàn sao cho phù hợp với khối lượng viên như 0,1 đến 9,2g |
Máy bao viên | Sử dụng thay thúng lắc để bào chế viên hoàn cứng với cỡ viên nhỏ từ 0,1 đến 0,15g |
Máy làm viên mềm | Sử dụng thay cho bàn lăn và ống in viên |
Tủ sấy | Sử dụng tủ sấy bằng điện, nhiệt độ sấy từ 60 đến 80 độ C |
4.3 Quy trình bào chế thuốc viên hoàn
Dược liệu được sử dụng để bào chế thuốc hoàn chủ yếu là thuốc phiến đã được chế biến cho phù hợp với yêu cầu của bài thuốc (như tẩm, sao,...).
Sau đó, thuốc phiến được sấy nhẹ cho khô.
Tiến hành tán thuốc phiến thành dạng bột mịn (có thể tán riêng hoặc tán chung từng loại).
Sử dụng rây để rây lấy bột mịn.
Trộn tá dược vào bột.
Tạo viên.
Có nhiều cách bào chế thuốc hoàn tùy thuộc vào tính chất của tá dược cũng như phương pháp làm viên. Hiện nay, có 2 phương pháp để tạo viên là phương pháp bao viên và phương pháp chia viên. Việc lựa chọn phương pháp cần phải dựa trên tính chất của tá dược cũng như dụng cụ, trang thiết bị mà thầy thuốc và cơ sở có.
4.3.1 Phương pháp chia viên (hoàn mềm)
Đối với phương pháp này, thầy thuốc thường sử dụng mật ong để làm tá dược. Mật Ong có ưu điểm là dễ bảo quản, chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn các loại mật khác.
Ưu tiên chọn mật ong có độ trong, đặc, trắng. Không nên chọn mật ong có sắc đỏ hoặc mật có lẫn với xác ong vì có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.
Mật sau sau khi chọn thì tiến hành đun cho sôi bồng, lưu ý cần đun nhanh, vớt bỏ bọt vì nếu để bọt thì viên thuốc dễ bị mốc hoặc bị mọt. Sau đó thì đun cách thủy để cô lại. Tiến hành nhỏ một giọt mật ong vào nước lạnh, thấy mật ong không tan là đã được.
Trộn mật ong vừa cô với bột thuốc đã tán mịn.
Giã mật với bột để tạo thành khối dẻo đến khi không dính chày cối là được.
Sử dụng bàn chia viên, vo khối bột thành từng viên tròn hoặc sử dụng máy chia viên.
Các viên hoàn mềm thường có khối lượng từ 6-9g.
Thuốc hoàn dùng mật ong làm tá dược thường được sử dụng trong các trường hợp suy nhược mạn tính, thuốc có thể dùng lâu dài.
4.3.2 Phương pháp bao viên (hoàn cứng)
Phương pháp bao viên gồm 4 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Gây nhân | Nhân có nghĩa là các hạt nhỏ, là phần trong cùng của viên, là cơ sở để tạo viên Đây là giai đoạn quan trọng quyết định trực tiếp đến số lượng cũng như chất lượng của viên hoàn cứng. Hiện nay, có 2 phương pháp gây nhân gồm: Đi từ bột dược liệu: Sử dụng một ít bột dược liệu sau khi tán mịn, thêm tá dược để làm ẩm, sau đó xát qua rây có cỡ phù hợp để tạo thành những hạt tròn Đi từ hạt có sẵn: Có thể sử dụng các hạt tròn của các cây thuốc sẵn có như bạch giới tử, Thỏ Ty Tử để gây nhân. Có thể sử dụng đường kính để làm hạt |
Giai đoạn 2: Bao viên | Có thể dùng thúng lắc hoặc nồi bao, bao viên cho đến khi đạt được kích thước mong muốn Tuy nhiên, trong quá trình bao cần chú ý công đoạn sấy viên, tránh tình trạng để viên bị nứt nẻ |
Giai đoạn 3: Áo viên | Sau khi chia viên, Đông y thường tiến hành áo viên thuốc với mục đích giúp viên giữ được hương vị, bảo quản thuốc được lâu hơn. Ngoài ra, áo viên còn có tác dụng giúp màu sắc viên đồng đều, viên đẹp hơn, giúp viên đi được vào ruột mà không bị ảnh hưởng bởi acid dịch vị Tá dược thường dùng là các vị thuốc có sẵn trong công thứ như hoạt thạch, Thục Địa, chu sa hoặc dược liệu có lông gây ngứa không dùng bột được như Kim Anh Tử. Dược liệu dùng để áo phải đảm bảo có màu đẹp, dễ nấu thành cao lỏng hoặc dễ tán mịn, không bị mốc khi để lâu |
Đánh bóng viên | Sau khi áo viên, tiến hành sấy nhẹ cho mặt viên se lại Sau đó, tiếp tục cho viên vào máy quay để đánh bóng mặt viên. Sử dụng sáp ong hoặc parafin để đánh bóng Sau đó, viên thuốc lại được tiếp tục bao thêm 1 lớp nữa nhằm mục đích bảo quản cũng như đảm bảo độ bền chắc của viên |
Có 2 loại thuốc hoàn cứng là hoàn hồ và hoàn nước.
Thuốc hoàn hồ | Sử dụng bột gạo nếp, thêm nước, đun sôi, khuấy đều để tạo thành hồ Đối với hồ loãng thì cứ 1kg bột thuốc thì dùng 20-30g bột gạo, thêm 800-900ml nước để tạo hồ, mục đích làm thuốc chóng tiêu Đối với hồ đặc, thì 1kg bột thuốc thì dùng 50g bột gạo, thêm 600ml nước để cho thuốc chậm tiêu, tuy nhiên dạng này thường ít dùng Hồ loãng quá thì làm thuốc dễ vỡ, hồ đặc quá thì viên cứng, khó tiêu Sau khi được hồ thì tiến hành lấy một ít bột thuốc trộn cùng với ít nước hồ để cho viên mềm ra, sát qua sàng thưa để gây nhân, sấy khô Cho hạt vào máy bao viên, vẩy nước hồ, mở máy, thêm lần lượt bột và hồ nước cho đến khi viên được kích thước mong muốn Dùng sàng để lọc các viên có kích thước không đồng đều Mỗi viên có khối lượng từ 0,1 đến 0,5g |
Thuốc hoàn nước | Đối với dạng này, dược liệu cần phải có tính chất dính, trong bài thuốc không có mật, đường, cao động vật,...Nếu có những vị này trong thang thuốc thì cần tiến hành pha loãng với nước để lắc tạo viên, đối với mật thì đun sôi vớt bọt Đối với thuốc nam thì số lượng nước chiếm khoảng 80-90%, đối với thuốc bắc thì chiếm khoảng 40-50% so với bột dược liệu Sử dụng thùng lắc để tạo viên Đặc điểm của thuốc hoàn nước là dễ tan hơn so với dạng thuốc hoàn hồ hoặc thuốc hoàn mật Thường sử dụng thuốc hoàn nước cho các bệnh cấp tính và thượng tiêu Nhược điểm của thuốc hoàn nước là dễ bị nát viên, khó bảo quản, dễ mốc Thuốc hoàn dùng để trị bệnh ở thượng tiêu hoặc hạ tiêu như tim, phổi, gan, thận Với những dược liệu có độc thì nên làm viên có kích thước bằng hạt vừng hoặc hạt đậu xanh |
5 Kết luận
Trên đây là kỹ thuật sắc thuốc thang, thuốc cao nước và thuốc hoàn theo Đông y. Kỹ thuật bào chế thuốc có thể có những điểm khác nhau tùy thuộc vào dược liệu cũng như công thức chế biến.
6 Tài liệu tham khảo
Tác giả Nguyễn Nhược Kim và cộng sự (Xuất bản năm 2005). Đại cương về bào chế Đông dược, trang 13-25. Bào chế Đông dược. Truy cập ngày 13 tháng 7 năm 2024.