Homeschooling là gì? Học phí chương trình Homeschooling tại Việt Nam
Homeschooling là một phong trào giáo dục ngày càng phát triển. Homeschooling là một hình thức giáo dục độc đáo, thay vì gửi con đến trường học, trẻ được học tập tại nhà với phương pháp giáo dục và tài liệu phù hợp với năng lực của bản thân. Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp cho bạn đọc những thông tin cần thiết về hình thức giáo dục tại nhà homeschooling
1 Dịch nghĩa homeschooling
Homeschooling có thể được hiểu đơn giản là hình thức giáo dục tại nhà, đây là một hình thức học tập linh hoạt, cha mẹ có thể lựa chọn chương trình giảng dạy, hình thức giảng dạy và tài liệu homeschooling học tập phù hợp với nhu cầu của con thay vì cho con học theo chương trình dập khuôn truyền thống.
Hình thức này ngày càng phổ biến vì nhiều lý do bao gồm những sự không phù hợp khi giảng dạy theo hình thức truyền thống, niềm tin rằng trẻ sẽ không có môi trường phát triển trong các trường học truyền thống, tạo môi trường gắn kết giữa cha mẹ và con cái, ...
Homeschooling cho phép trẻ em được học tập trong một môi trường thoải mái, hạn chế tối đa được những áp lực đồng trang lứa, áp lực xã hội so với hình thức học truyền thống. Bên cạnh đó, hình thức Homeschooling giúp trẻ phát triển được những kỹ năng tự lập, nghiên cứu và tìm hiểu sự việc, vấn đề một cách sâu sắc.
2 Tại sao nhiều cha mẹ cho con theo học homeschooling?
Kể từ đại dịch COVID-19, sự quan tâm đến việc học tại nhà ngày càng tăng. Hiện chưa rõ số lượng chính xác trẻ em được học tại nhà, tuy nhiên người ta ước tính có hơn 80.000 trẻ em được học tại nhà ở Anh.
Việc lựa chọn cho con theo học homeschooling không phải là quyết định dễ dàng. Dưới đây là một số lý do khiến cha mẹ quyết định lựa chọn hình thức homeschooling cho trẻ:
- Các vấn đề liên quan đến sức khỏe của trẻ, đặc biệt là những trẻ đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần như lo lắng, gia đình xảy ra biến cố nào đó, trầm cảm,...
- Trẻ đã và đang bị bạo lực học đường.
- Hình thức giáo dục truyền thống không phù hợp với những trẻ bị chứng khó đọc, tự kỷ,...
- Quan điểm của cha mẹ cho rằng hình thức truyền thống không phù hợp với con.
- Địa lý: Khoảng cách từ nhà đến trường quá xa.
3 Lợi ích của hình thức homeschooling
3.1 Phương pháp học tập được cá nhân hóa
Một trong những lợi ích hàng đầu của homeschooling là cha mẹ có thể cá nhân hóa phương pháp giáo dục cho con theo sở thích, nhu cầu và khả năng của con. Thay vì để trẻ học dập khuôn theo hình thức giảng dạy truyền thống, việc áp dụng homeschooling trong quá trình học tập giúp con mở rộng việc học của mình. Cha mẹ cũng có thể dành thời gian học tập với con, xây dựng các kỹ năng mềm như nấu nướng, dọn dẹp, học cách quản lý ngân sách. Trẻ có thể được học ở những địa điểm khác nhau như bảo tàng, thư viện, công viên, trung tâm văn hóa,...
Ở trường học truyền thống, giáo viên cần liên tục điều chỉnh phương pháp dạy học của mình nhằm đáp ứng nhu cầu của từng học sinh nhưng vẫn phải đảm bảo cân bằng nhu cầu của tất cả các học sinh khác trong lớp. Giáo dục tại nhà theo hình thức 1-1 giúp trẻ tập trung hơn, ít gây lãng phí thời gian hơn.
3.2 Không quá áp lực thành tích
Khi tham gia vào các lớp học truyền thống, tất cả học sinh được học tập theo một bài giảng giống nhau, trẻ thường xuyên phải đối mặt với áp lực thành tích, áp lực đồng trang lứa,...Homeschooling là hình thức giáo dục không tạo quá nhiều áp lực cho trẻ, để trẻ phát huy được tối đa những thế mạnh của mình.
3.3 Tạo ra một môi trường học tập an toàn
Một trong những lý do khiến nhiều cha mẹ cho con theo học homeschooling đó là tạo ra được môi trường học tập cho con, tránh con khỏi bạo lực học đường hoặc những hoạt động khác có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của con.
Bên cạnh đó, khi con học tại nhà, con có thể thoải mái giao tiếp với cha mẹ hoặc gia sư, tạo được niềm hứng thú cho con trong quá trình học tập.
3.4 Phát huy tối đa thế mạnh của con
Mỗi đứa trẻ đều có những điểm mạnh và điểm yếu không giống nhau. Các trường học với số lượng học sinh đông, giáo viên không thể bao quát hết do đó, học tập tại nhà giúp cho cha mẹ nắm rõ được điểm mạnh của con, giúp con phát triển theo cách phù hợp với mình đồng thời cải thiện những khó khăn mà con gặp phải.
Khi kết hợp được phương pháp giáo dục, sự định hướng đúng đắn của cha mẹ, thời gian và động lực của con thì trẻ có thể phát huy tối đa năng lực cũng như thế mạnh của bản thân.
3.5 Rèn luyện cho con tính tự lập
Giáo dục tại trường học được phổ cấp theo chương trình sẵn có, trẻ thường thụ động trong học tập. Học tập tại nhà đòi hỏi con phải lên lịch cùng bố mẹ để tiến hành các bài học. Điều này rèn luyện cho trẻ phát triển khả năng quản lý thời gian, chủ động trong việc ra quyết định cho cuộc sống của mình.
Mặc dù trẻ vẫn nhận được sự giúp đỡ của bố mẹ nhưng con vẫn phải tự quyết định và chịu trách nhiệm cho việc học tập của mình. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển được khả năng độc lập tự tin vượt qua những thử thách của cuộc sống sau này.
Không giống như trường học truyền thống, trẻ học tập ở nhà thường không có nhiều cơ hội để kết bạn. Điều này vừa là bất lợi nhưng cũng là ưu thế của trẻ, khuyến khích trẻ có tính độc lập xử lý tình huống. [1]
3.6 Giúp cha mẹ gần với con cái hơn
Giáo dục tại nhà tạo điều kiện tối đa để cha mẹ tiếp xúc với con cái nhiều hơn, rút ngắn khoảng cách giữa 2 thế hệ từ đó giúp trẻ thoải mái bày đỏ những khó khăn con gặp phải hay những điểm yếu mà con cần khắc phục.
Học tại nhà có thể diễn ra ở bất cứ đâu, bất cứ lúc nào do đó cha mẹ có thể cho con đi du lịch, sắp xếp thời gian làm những công việc khác mà không sợ ảnh hưởng đến quá trình học tập của con.
3.7 Kiểm soát tình trạng học tập của con
Giáo dục tại nhà giúp cho cha mẹ kiểm soát được tình hình học tập của con đồng thời lựa chọn được những phương pháp giảng dạy phù hợp để trẻ phát huy được năng khiếu của con.
3.8 Cho con thời gian phát triển kỹ năng sống
Giáo dục tại nhà giúp con có nhiều thời gian để quản lý thời gian học tập và thời gian rảnh rỗi của mình để tập trung vào các hoạt động xây dựng kỹ năng sống và giải trí. Với sự hỗ trợ của cha mẹ, trẻ có thể cân bằng được giữa việc học và phát triển kỹ năng, từ đó tự tin tham gia các hoạt động vui chơi, giao lưu với các bạn khác.
4 Hạn chế của hình thức giáo dục Homeschooling
Bên cạnh những ưu điểm của giáo dục tại nhà, hình thức này cũng có những điểm hạn chế nhất định mà không phải cha mẹ nào cũng đủ điều kiện cho con theo học.
4.1 Mất nhiều thời gian
Nếu cha mẹ là người trực tiếp dạy dỗ trẻ thì hình thức giáo dục tại nhà thường tốn rất nhiều thời gian và không phải phụ huynh nào cũng có đủ kiên nhẫn trong quá trình dạy dỗ con học. Việc giảng bài cho con, chấm điểm, theo dõi sự tiến bộ của con cũng cần rất nhiều thời gian.
4.2 Tốn nhiều chi phí
Đối với những gia đình cha mẹ quá bận rộn, thông thường phải để con học cùng với gia sư, đầu tư những công cụ giảng dạy và thiết bị giảng dạy phù hợp. Do đó, giảng dạy tại nhà làm cho chi phí học tập hàng tháng của con lớn hơn rất nhiều so với học tập theo hình thức giảng dạy tại trường.
Do học tập tại nhà khiến trẻ ít được tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa, ít được tiếp xúc với xã hội bên ngoài do đó cha mẹ cần phải xây dựng thời gian biểu và chi phí để cho con tham gia các buổi học tập ngoài trời để bổ trợ kỹ năng sống cho con. Không đủ nguồn lực tài chính là một cản trở rất lớn khi cho con học tập theo hình thức này.
4.3 Thiếu sự hướng dẫn của người có chuyên môn
Phần lớn cha mẹ thường không có kỹ năng sư phạm hoặc giảng dạy, do đó xuất hiện những tình huống hoặc những câu hỏi mà con hỏi khiến cha mẹ không thể giải thích cho con hiểu được.
Dạy con không hề khó nhưng để đào tạo cho con phát triển đúng cách để con phát huy tối đa khả năng của mình thì quả thật không dễ dàng. Nếu như không tự tin về khả năng giảng dạy, cha mẹ có thể tìm kiếm những giáo viên hoặc gia sư có chuyên môn để tạo được cho con môi trường phát triển tốt nhất.
4.4 Trẻ ít được tiếp xúc với môi trường xung quanh
Do thời gian của trẻ gần như là học tập tại nhà do đó con ít được tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa cũng như môi trường xung quanh, do đó, trẻ có thể thiếu kỹ năng xã hội, hay cảm thấy cô đơn. Cha mẹ cần cân bằng giữa việc học tại nhà và cho trẻ tiếp xúc với các bài tập thực tế để con hạn chế được tình trạng này.
Cha mẹ là những người trực tiếp dạy dỗ và giảng dạy cho con. Do đó, nếu cha mẹ không có nhiều thời gian thì con dễ bị bỏ lỡ những kiến thức căn bản hoặc không xây dựng được những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống.
Trẻ không có nhiều cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khóa hoặc các hoạt động giáo dục khác ngoài gia đình nếu như cha mẹ không tạo điều kiện.
Tuy nhiên, những nhược điểm và hạn chế này có thể được khắc phục nếu cha mẹ quan tâm và hướng dẫn con đầy đủ trong quá trình học tập và giáo dục, tạo điều kiện cho các con tham gia các hoạt động ngoại khóa,...
5 Một số lưu ý khi áp dụng chương trình Homeschooling
Hình thức học homeschooling hiện nay nhận được nhiều sự quan tâm đối với phụ huynh đặc biệt là sau đại dịch Covid-19. Hầu hết việc lựa chọn chương trình homeschooling nhằm mục đích cho con đi du học trong tương lai và muốn phát triển hết khả năng của con. Tuy nhiên, có một vài lưu ý mà cha mẹ cần biết trước khi lựa chọn homeschooling cho trẻ bao gồm:
5.1 Xác định mục tiêu rõ ràng
Cha mẹ cần xác định mục tiêu rõ ràng về tương lai của con để quyết định có nên cho con theo chương trình homeschooling hay không vì đây là hình thức học vẫn còn khá mới, do đó, việc giảng dạy và tìm mua giáo cụ học tập, tài liệu học tập không phải dễ dàng.
Trẻ cũng cần có mục tiêu rõ ràng để xây dựng được động lực phấn đấu.
Homeschooling là một hình thức giáo dục mới, không được coi là phương pháp giáo dục. Do đó, cha mẹ cần phải hiểu rõ khái niệm và giáo dục con cho đúng cách.
5.2 Chuẩn bị nguồn lực tài chính
Dù lựa chọn hình thức giáo dục nào thì cha mẹ cũng cần có nguồn lực tài chính ổn, phù hợp. Đặc biệt khi cho con theo học homeschooling, cha mẹ cần xác định không chỉ mất nhiều thời gian và tốn nhiều chi phí theo học. Tại các trường giáo dục công lập, các nguồn học phí được áp dụng như nhau đối với tất cả các học sinh còn đối với hình thức học homeschooling được cha mẹ trực tiếp lựa chọn, chương trình được xây dựng cá nhân hóa, phù hợp với từng trẻ do đó, học phí là không hề nhỏ.
5.3 Dành thời gian đồng hành với con
Nếu cha mẹ là người trực tiếp giảng dạy cho con thì cha mẹ cũng cần cân đối thời gian để đồng hành cùng con. Thời gian dành cho việc dạy học tại nhà cùng con thường chiếm nhiều thời gian và công sức, do đó với những cha mẹ quá bận rộn thường bị mất cân bằng giữa công việc và việc giáo dục con.
Cha mẹ là người đồng hành trực tiếp với con trong hình thức homeschooling do đó, nếu thời gian của cha mẹ bị hạn chế có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả học tập của trẻ.
5.4 Cần sự kiên trì và bền bỉ
Khác với các nước phát triển, hình thức homeschooling vẫn chưa thực sự phổ biến và có cái nhìn bao quát từ phía tất cả mọi người, do đó cha mẹ có thể gặp phải những lời chỉ trích của những người xung quanh hoặc sự không hợp tác từ chính con cái.
Do đó, cha mẹ cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, giải thích cho con và nêu định hướng tương lai cho con để hình thức học tập này phát huy hiệu quả một cách tốt nhất.
6 Chương trình homeschooling tại Việt Nam
6.1 Mục tiêu khi cho con theo học homeschooling
Hướng đi và đích đến của mỗi đứa trẻ và của mỗi gia đình là không giống nhau, nhưng thường có một số mục tiêu nhất định bao gồm:
- Định hướng cho con du học.
- Sở hữu song bằng.
- Rèn luyện thêm kiến thức cho trẻ. Phát triển khả năng ngôn ngữ, rèn luyện tính tự lập, tìm kiếm tài liệu, phát triển tối đa những điểm mạnh của con.
Homeschooling không chỉ phổ biến tại các quốc gia trên thế giới mà hiện nay tại Việt Nam cũng rất phát triển. Tuy nhiên, tại các quốc gia khác, homeschooling chủ yếu được áp dụng nhằm thay thế hoàn toàn hình thức giảng dạy truyền thống. Còn tại Việt Nam, homeschooling được áp dụng theo hình thức học bán phần hoặc không chính thức có nghĩa là trẻ em vẫn tham gia các lớp học truyền thống, tuy nhiên cha mẹ có thể lồng ghép homeschooling cho con nhằm phát triển song song các kỹ năng.
6.2 Các hình thức homeschooling phổ biến
Homeschooling hiện nay vẫn chưa được công nhận và áp dụng trong giáo dục cho trẻ em ở nước ta hiện nay do một số nguyên nhân sau:
Thụ hưởng giáo dục là quyền của trẻ do đó nếu cha mẹ không muốn cho con đến trường khi con đang trong độ tuổi đi học thì cần phải giải trình hoặc cam kết với cơ quan có chuyên môn sẽ sử dụng một hình thức giáo dục khác cho trẻ.
Cha mẹ vẫn có thể cho con theo học các lớp homeschooling nhưng vẫn phải đảm bảo cho con đi học đầy đủ tại trường.
Chi phí theo học homeschooling thường không nhỏ đối với nhiều gia đình Việt do đó, hình thức giáo dục homeschooling vẫn chưa được phổ biến.
Đa số các lớp homeschooling dạy bằng tiếng Anh do đó, đòi hỏi cha mẹ cần có vốn từ và phương pháp dạy bằng tiếng Anh tốt.
2 hình thức homeschooling phổ biến tại Việt Nam:
6.2.1 Homeschooling toàn phần
Số lượng cha mẹ quyết định cho con theo học homeschooling không quá nhiều, việc áp dụng chương trình homeschooling toàn phần cho con dựa trên một số yếu tố:
- Mục tiêu học tập, định hướng tương lai của con.
- Nguồn lực tài chính.
- Thời gian đồng hành cùng với trẻ.
- Tâm lý vững vàng.
- Kỹ năng giảng dạy.
6.2.2 Homeschooling bán phần
Là hình thức được nhiều cha mẹ Việt áp dụng cho con cái, đây là hình thức vừa cho con học trên trường, vừa cho con học theo chương trình homeschooling như Abeka,....
Hình thức học này có nhiều ưu điểm bao gồm:
- Trẻ vẫn được theo học chương trình giáo dục truyền thống, được tiếp xúc với bạn bè đồng trang lứa để xây dựng kỹ năng xã hội.
- Tiết kiệm chi phí so với hình thức homeschooling toàn phần.
- Trẻ có thể lựa chọn được hình thức học phù hợp sau khi tham gia cả 2 hình thức giảng dạy.
Hạn chế:
- Mất nhiều thời gian.
- Trẻ cần học tập liên tục, thời gian học trên trường cũng như thời gian học tại nhà, có thể gây mệt mỏi cho trẻ dẫn đến làm giảm hiệu quả tiếp thu.
6.3 Chương trình Homeschooling phổ biến tại Việt Nam
Các chương trình homeschooling dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, một số chương trình homeschooling phổ biến mà cha mẹ có thể tham khảo như:
Acellus là chương trình homeschooling phổ thông của Mỹ, áp dụng cho trẻ từ mầm non đến lớp 12. Acellus bao gồm 4 môn học chính bao gồm tiếng Anh, Toán học, Khoa học, Xã hội. Đây là chương trình tuân theo tiêu chuẩn giáo dục phổ thông của Mỹ. Các bài giảng được xây dựng thành những video ngắn có độ dài từ 3-15 phút. Sau mỗi video bài học, học sinh sẽ có một bài trắc nghiệm để kiểm tra kiến thức sau khi học. Acellus có 2 hình thức là tự học hoặc cấp bằng.
Khác với chương trình Acellus là cho phép học sinh được lựa chọn môn học ưa thích, chương trình Abeka sẽ giảng dạy theo các môn học bắt buộc như hình thức học truyền thống và học sinh có thể đăng ký thêm một số môn học tự chọn. Abeka là chương trình học trực tuyến truyền thống của Mỹ, tạo ra môi trường giúp trẻ phát triển toàn diện về trí tuệ, tinh thần và đạo đức.
6.4 Học phí của homeschooling
Hiện nay, các chương trình dạy homeschooling vẫn phải học tập toàn hoàn bằng tiếng Anh, cha mẹ có thể tham khảo lớp học trực tuyến cho con tại các website như https://www.acellus.com/, https://www.abeka.com/,...
Học phí của homeschooling không cụ thể, tùy thuộc vào chương trình mà cha mẹ cho con theo học, tùy thuộc vào số lượng môn học mà trẻ đăng ký. Ví dụ, học phí của Acellus hệ tự học rơi vào khoảng (25$/tháng tương đương 625.000 đồng) và 250$/tháng đối với hệ cấp bằng (tương đương 6.250.000 đồng/tháng). Chương trình giáo dục Abeka dao động khoảng 1000$/năm (tương đương 25.000.000 đồng/năm).
7 Kết luận
Hình thức homeschooling không còn quá xa lạ, được áp dụng một cách linh hoạt, cha mẹ có thể là người trực tiếp giảng dạy cho trẻ hoặc thuê gia sư về kèm 1-1 cho con.
Các môn học và hình thức học homeschooling cũng không bắt buộc. Cha mẹ có thể cho con theo học chương trình truyền thống trên trường, dạy con năng khiếu bằng homeschooling.
Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào cũng cần phải cân nhắc sao cho phù hợp nhất với điều kiện kinh tế của gia đình, khả năng tiếp thu kiến thức của trẻ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả Ying Zhao và cộng sự (Ngày đăng năm 2020). The Effects of Online Homeschooling on Children, Parents, and Teachers of Grades 1–9 During the COVID-19 Pandemic, PubMed. Truy cập ngày 15 tháng 1 năm 2023