1. Trang chủ
  2. Thông Tin Y Học
  3. Hội chứng Wiskott-Aldrich hiếm gặp có nguy cơ gây tử vong ở trẻ

Hội chứng Wiskott-Aldrich hiếm gặp có nguy cơ gây tử vong ở trẻ

Hội chứng Wiskott-Aldrich hiếm gặp có nguy cơ gây tử vong ở trẻ

Trungtamthuoc.com - Hội chứng Wiskott-Aldrich là một rối loạn di truyền hiếm gặp của hệ thống miễn dịch, chủ yếu ảnh hưởng đến các bé trai . Nó được đặc trưng bởi chức năng miễn dịch bất thường và tình trạng xuất huyết. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu chi tiết hơn về hội chứng hiếm gặp này.

1 Hội chứng Wiskott-Aldrich là gì?

Hội chứng Wiskott-Aldrich ((WAS) là một bệnh rối loạn suy giảm miễn dịch di truyền hiếm gặp, liên quan đến rối loạn di truyền liên kết nhiễm sắc thể giới tính X, khiến cho hệ thống miễn dịch của trẻ hoạt động bất thường. Bệnh lý này cũng khiến tủy xương của trẻ khó sản xuất tiểu cầu, khiến trẻ dễ bị chảy máu. Đây là căn bệnh hiếm gặp với tỷ lệ từ 1 đến 10 trẻ mắc trong 1.000.000 trẻ mới sinh. Tỉ lệ mắc hội chứng xảy ra chủ yếu ở các bé trai nhiều hơn so với bé gái.

Hội chứng Wiskott-Aldrich là gì?
Hội chứng Wiskott-Aldrich là gì?

2 Nguyên nhân của hội chứng Wiskott-Aldrich

Hội chứng Wiskott-Aldrich gây ra do sự thay đổi trong vật chất di truyền (DNA). Cụ thể hơn là do đột biến gen WAS. Đây là gen được tạo thành từ protein gọi là WASp. Protein này đóng vai trò thiết yếu trong việc chuyển tiếp tín hiệu từ bề mặt tế bào máu đến khung tế bào Actin của tế bào - mạng lưới các sợi tạo nên khung cấu trúc của tế bào. Các tế bào miễn dịch thiếu protein WASp sẽ giảm khả năng phản ứng với môi trường và hình thành các khớp thần kinh miễn dịch. Kết quả là các tế bào bạch cầu ít có khả năng đáp ứng với những yếu tố tấn công từ bên ngoài, gây ra nhiều vấn đề về miễn dịch. Ngoài ra việc thiếu WASp chức năng trong tiểu cầu sẽ làm suy yếu sự phát triển của chúng, dẫn đến giảm kích thước và chết tế bào sớm. Quá trình loại bỏ tiểu cầu khỏi tuần hoàn và đưa chúng đến lá lách để tiêu hủy cũng có thể góp phần gây giảm tiểu cầu ở những người mắc hội chứng Wiskott-Aldrich. [1] 

Hội chứng Wiskott-Aldrich cũng có thể là do tác động về mặt di truyền. Những tác động về di truyền có thể xảy ra một cách ngẫu nhiên, do các yếu tố môi trường, từ cha mẹ truyền lại cho con cái hoặc sự kết hợp của những yếu tố này.[2] 

3 Triệu chứng của hội chứng Wiskott-Aldrich

Hội chứng Wiskott-Aldrich thường được đặc trưng bởi ba đặc điểm chính: 

  • Số lượng tiểu cầu thấp và kích thước tiểu cầu nhỏ, có thể dẫn đến tình trạng chảy máu, xuất huyết ngày càng nhiều. 
  • Nhiễm trùng do vi khuẩn, virus và nấm. 
  • Xuất hiện bệnh chàm ( bệnh viêm da), một số bệnh nhân mắc hội chứng Wiskott-Aldrich mắc các bệnh tự miễn, chẳng hạn như thiếu máu tán huyết tự miễn (phá hủy tế bào hồng cầu của cơ thể) hoặc viêm mạch (phá hủy và viêm mạch máu).

Ngoài ra, một số ít người mắc hội chứng Wiskott-Aldrich sẽ phát triển bệnh ung thư hạch hoặc bệnh bạch cầu. Đôi khi những bệnh ung thư này xảy ra ở trẻ nhỏ, nhưng có nhiều khả năng phát triển hơn ở người lớn. Tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của bệnh này có thể khác nhau đáng kể, tùy thuộc vào mỗi cá thể mắc bệnh.

Triệu chứng điển hình của hội chứng Wiskott-Aldrich
Triệu chứng điển hình của hội chứng Wiskott-Aldrich

4 Chẩn đoán hội chứng Wiskott-Aldrich

4.1 Dựa vào triệu chứng lâm sàng

Một số biểu hiện lâm sàng của hội chứng Wiskott-Aldrich xuất hiện ở trẻ như trẻ hay bị chảy máu, bầm tím, giảm tiểu cầu bẩm sinh, mắc bệnh chàm, thường xuyên bị nhiễm trùng. Đây là những nguyên nhân điển hình của hội chứng Wiskott-Alrich.

4.2 Dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng

Hội chứng Wiskott-Aldrich được chẩn đoán dựa trên các các xét nghiệm chuyên sâu như sau:

  • Xét nghiệm máu chuyên biệt: Thực hiện để kiểm tra số lượng và xác định kích thước tiểu cầu, đặc biệt là những biểu hiện không bình thường liên quan đến hội chứng Wiskott-Aldrich. 
  • Khảo sát chức năng bạch cầu: Đánh giá chức năng của bạch cầu để phát hiện các biểu hiện của bệnh, như giảm khả năng phagocytosis (thực bào).
  • Kiểm tra hệ miễn dịch: Bao gồm đánh giá số lượng tế bào miễn dịch và đo mức độ protein miễn dịch, đặc biệt là globulin miễn dịch, để xác định sự tổn thương trong hệ thống miễn dịch. Các phát hiện miễn dịch bất thường ở bệnh nhân mắc WAS bao gồm giảm số lượng và chức năng của tế bào T và tế bào B
  • Xét nghiệm di truyền: Thực hiện để xác định có sự đột biến gen WAS hay không, từ đó xác nhận chẩn đoán Hội chứng Wiskott-Aldrich.
  • Các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang có thể được thực hiện để đánh giá tình trạng của các cơ quan nội tạng. Ngoài ra, các xét nghiệm da hoặc nước tiểu cũng có thể được thực hiện để tìm kiếm các biểu hiện của bệnh.

Chẩn đoán xác định về WAS có thể được thực hiện bằng cách giải trình tự gen WAS để xác định có đột biến hay không và bằng cách nghiên cứu tế bào máu để xác định xem protein hội chứng Wiskott-Aldrich (WAS) có biểu hiện ở mức bình thường hay không. Những xét nghiệm này được thực hiện ở một số phòng xét nghiệm huyết học riêng biệt.

5 Sàng lọc cho phụ nữ có thai trước khi sinh 

Hệ thống sàng lọc trước sinh cho các hội chứng Wiskott-Aldrich thường bao gồm việc sử dụng các kỹ thuật chẩn đoán trước sinh để phát hiện các biểu hiện gen hoặc dấu hiệu của bệnh trong thai nhi. Các phương pháp chẩn đoán này có thể bao gồm:

  • Siêu âm và chụp MRI: Các kỹ thuật hình ảnh như siêu âm và chụp hình cộng hưởng từ (MRI) có thể giúp phát hiện các biểu hiện về cấu trúc và kích thước của các bộ phận quan trọng trong cơ thể thai nhi.
  • Sử dụng các phương pháp khám sàng lọc thai không xâm lấn: Xét nghiệm NIPT – triSure sử dụng mẫu máu được lấy từ tĩnh mạch của thai phụ để phân tích DNA của thai nhi giúp phát hiện được sự bất thường trong ADN của thai nhi nếu có. 
  • Trong trường hợp phát hiện thấy sự bất thường trong ADN của thai nhi bằng phương pháp không xâm lấn, có thể kiểm tra mẫu dịch ối của thai để xác định chính xác hơn.

6 Điều trị hội chứng Wiskott-Aldrich

Phương pháp chữa trị duy nhất được biết đến đối với hội chứng Wiskott-Aldrich là ghép tủy HCT (sử dụng làm tủy xương, máu ngoại vi hoặc máu cuống rốn từ một người hiến tặng phù hợp với mô khỏe mạnh). Sau khi được đưa vào máu của trẻ, tế bào gốc có thể phát triển thành tế bào miễn dịch và tiểu cầu bình thường. Tuổi thọ trung bình của các bé trai mắc hội chứng Wiskott-Aldrich là khoảng 15 – 20 năm nếu không được ghép tế bào gốc tạo máu. Những đứa trẻ được cấy ghép có thể ​​sẽ sống sót lâu hơn nữa.

Liệu pháp gen thay thế: Liệu pháp gen liên quan đến việc sử dụng virus làm vật trung gian hoặc chất mang để đưa gen bị thiếu vào tế bào của chính bệnh nhân, từ đó cho phép bệnh nhân tạo ra protein bị thiếu. Một thử nghiệm lâm sàng cho thấy liệu pháp gen điều trị hội chứng Wiskott-Aldrich (WAS) đã cải thiện thành công các triệu chứng của 5 cậu bé bị ảnh hưởng bởi chứng rối loạn này và hiệu quả được duy trì trong nhiều năm sau khi điều trị.  [3] 

Cắt lách: Cắt lách có thể được tiến hành ở một số bệnh nhân để đảo ngược tình trạng giảm tiểu cầu và ngăn chặn tình trạng xuất huyết bằng cách tăng số lượng tiểu cầu trong cơ thể. Tuy nhiên, nếu lựa chọn cắt lách, bệnh nhân trải qua phẫu thuật cắt lách cần điều trị dự phòng bằng kháng sinh suốt đời và có nguy cơ nhiễm trùng máu cao hơn.

Một số phương pháp chữa trị Wiskott-Aldrich
Một số phương pháp chữa trị Wiskott-Aldrich 

Hiện chưa có thuốc đặc trị hội chứng Wisskott-Aldrich mà các phương pháp hỗ trợ điều trị hội chứng này dựa vào triệu chứng.

6.1 Điều trị nhiễm trùng

Bệnh nhân có mắc hội chứng Wisskott-Aldrich có thể được điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh dự phòng Cotrimazole 20 mg/kg/ngày. Ngoài ra có thể dùng liệu pháp tiêm globulin miễn dịch. Tiêm globulin miễn dịch tiêm tĩnh mạch (IVIG) hoặc globulin miễn dịch dưới da (SQIG) (500 mg/kg) mỗi 3-4 tuần đối với bệnh nhân mắc WAS điển hình. Việc thay thế gammaglobulin có thể được cân nhắc cho những bệnh nhân bị giảm tiểu cầu liên kết với nhiễm sắc thể X ở mức độ nhẹ hơn và những bệnh nhân bị nhiễm trùng tái phát.

Nếu nhiễm trùng vẫn tiếp tục xảy ra, liệu pháp kháng sinh dự phòng bổ sung như Azithromycin (10 mg/kg/ngày, 3 lần/tuần) có thể được cân nhắc mặc dù đã truyền globulin miễn dịch.

Acyclovir có thể được xem xét điều trị nhiễm virus herpes mãn tính.

6.2 Điều trị bệnh chàm

Bệnh chàm ở WAS có thể nặng và dai dẳng. Nên bôi ít nhất kem dưỡng ẩm 2-3 lần/ngày. Vệ sinh sạch sẽ cơ thể tuy nhiên không nên tắm quá nhiều trong ngày vì tắm quá nhiều có thể làm khô da thêm và làm bệnh chàm nặng hơn. Có thể sử dụng steroid tại chỗ để kiểm soát tình trạng viêm ở những vùng bị ảnh hưởng đáng kể hơn, tuy nhiên chúng có thể làm mỏng da khi sử dụng lâu dài, vì vậy cần có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dị ứng hoặc bác sĩ da liễu để sử dụng hiệu quả.

6.3 Điều trị các biến chứng tự miễn

Các biến chứng tự miễn dịch có thể cần điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch. Corticosteroid toàn thân (như Prednisone liều (2 mg/kg/ngày) thường là thuốc ức chế miễn dịch đầu tiên được sử dụng để điều trị bệnh tự miễn và thường hữu ích ở những người mắc WAS. Tuy nhiên sử dụng steroid liều cao trong thời gian dài có liên quan đến các tác dụng phụ nên nên giảm liều xuống mức thấp nhất cần thiết để kiểm soát các triệu chứng theo chỉ định của bác sĩ. Liệu pháp thay thế Ig liều cao cũng có thể có lợi trong điều trị bệnh tự miễn trong một số trường hợp. Rituximab - một kháng thể đơn dòng kháng CD20, là thuốc ức chế miễn dịch đặc hiệu tế bào B, có hiệu quả trong các bệnh tự miễn qua trung gian kháng thể, chẳng hạn như thiếu máu tán huyết tự miễn. Liều sử dụng của Rituximab là 375 mg/m2, 4 liều/tuần. [4] 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia của MedlinePlus (Ngày đăng 1 tháng 12 năm 2019), Wiskott-Aldrich syndrome: MedlinePlus Genetics, MedlinePlus. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023
  2. ^ Chuyên gia của NIH (Ngày đăng tháng 11 năm 2023), Wiskott-Aldrich syndrome - About the Disease, NIH. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023
  3. ^ Chuyên gia của NIH (Ngày đăng 27 tháng 10 năm 2023), Gene therapy proves successful in children with Wiskott-Aldrich syndrome, Center for Cancer Research. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023
  4. ^ Chuyên gia của Medscape (Ngày đăng 16 tháng 10 năm 2019), Wiskott-Aldrich Syndrome Treatment & Management, Medscape. Truy cập ngày 25 tháng 12 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633