Hội chứng tự cô lập cực đoan Hikikomori đang nóng hơn bao giờ hết
Trungtamthuoc.com - Già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp là những vấn đề nhức nhối mà Nhật Bản đang phải đối mặt. Bên cạnh đó, có một bài toán hóc búa khác cũng đang dấy lên trong xã hội Nhật Bản, đó là hiện tượng người trẻ tự cô lập mình với xã hội, không tham gia làm việc hay thậm chí là học tập. Hikikomori (tự kéo mình ra khỏi xã hội quá 6 tháng hoặc lâu hơn) đang là một hội chứng, là một vấn nạn đáng lo ngại cho Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung. Hội chứng này đang tăng nhanh ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại Nhật và có xu hướng lan rộng ra toàn cầu. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về hội chứng Hikikomori trong bài viết này nhé.
1 Hikikomori là gì?
1.1 Định nghĩa về Hikikomori
Hikikomori là nghề gì? Không, Hikikomori (tiếng Nhật là ひきこもり) không phải là tên một nghề nghiệp tại Nhật, mà đây là một hội chứng đang rất nhức nhối lan ra từ quốc gia này. Những người mắc hội chứng Hikikomori đã được vẽ lại giống như những ẩn sĩ, họ sống ẩn dật, không liên hệ với đời. Người mắc hội chứng này không chỉ là người hướng nội đơn thuần, mà có tình trạng tách biệt rất cực đoan đối với gia đình và xã hội.
Theo các chuyên gia của Bộ Y Tế, Lao Động và Phúc lợi tại Nhật Bản - quốc gia khởi nguồn cho “Hikikomori” định nghĩa: Hikikomori là trạng thái mà đối tượng đang chịu tác động sẽ từ chối việc ra khỏi nhà của cha mẹ họ/ hoặc nhà riêng của họ. Những người này không ra ngoài tiếp xúc với xã hội (đi làm, đi học), họ sẽ tự cô lập chính bản thân họ khỏi gia đình, xã hội. Họ sẽ cô đơn một mình trong phòng trong một khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng, và thường tình trạng này kéo dài và rất dễ tái lại.
Theo Tamaki Saitō - một bác sĩ tâm thần nổi tiếng tại Nhật Bản: “Hikikomori từ một trạng thái đã trở thành một vấn đề vào cuối những năm 20, đó là vấn đề tự nhốt mình trong nhà cũng như không hề có hoạt động xã hội nào trong sáu tháng hoặc có lẽ lâu hơn, và dường như không có một vấn đề liên quan đến tâm lý nào khác được xác định là nguyên nhân của hiện tượng này”.
1.2 Nguyên nhân của hội chứng Hikikomori
Chưa hề có một tài liệu nào khẳng định rõ ràng về nguyên nhân gây nên Hikikomori. Những nguyên nhân được đưa ra dưới đây mới chỉ là các giả thuyết mà các chuyên gia đang hướng tới và vẫn được tiếp tục tìm kiếm sự khẳng định.
Nhiều tài liệu báo cáo rằng bệnh nhân trở thành Hikikomori sau một sự kiện căng thẳng gây ra hành vi tránh né xã hội mới, sau đó kéo dài và trở thành Hikikomori.
Một số nghiên cứu khác phát hiện ra rằng Hikikomori có liên quan đến bối cảnh gia đình rối loạn chức năng hoặc từng trải qua chấn thương. Phân tích tâm lý của những người mắc hikikomori gợi ý một số đặc điểm tâm lý chung.
Các nhà nghiên cứu M. Suwa và K. Suzuki đã xác định các biểu hiện của Hikikomori nguyên phát là những giai đoạn thất bại mà không cần đấu tranh, một hình ảnh lý tưởng bắt nguồn từ mong muốn của người khác hơn là bản thân, duy trì hình ảnh lý tưởng về bản thân “được kỳ vọng”, sự đầu tư của cha mẹ vào con cái, bản thân lý tưởng của đứa trẻ, và hành vi tránh né để duy trì quan điểm tích cực của người khác.
Giả thuyết 1: Những điều kiện để cá thể phát triển toàn diện và tâm thần
Người bị Hikikomori có điểm tương đồng như một số người mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, một nhóm rối loạn phát triển bao gồm hội chứng Asperger, chứng tự kỷ "cổ điển".
Một số chuyên gia cho rằng Hikikomori có lẽ sẽ bị tác động từ các rối loạn phổ tự kỷ hoặc những rối loạn khác dẫn đến việc tách biệt cực đoan với xã hội.
Vào năm 2007, Suwa và Hara đã báo cáo có 5/27 trường hợp người Hikikomori mắc rối loạn phát triển lan tỏa cao năng (viết tắt là HPDD); 12/27 trường hợp ghi nhất là mắc các chứng tâm thần khác bao gồm: rối loạn ám ảnh cưỡng chế (gọi tắt là COPD), thiểu năng trí tuệ mức nhẹ, trầm cảm, rối loạn nhân cách. Các chuyên gia cũng có các minh chứng để thể hiện sự khác biệt giữa hikikomori nguyên phát (không có bất kỳ rối loạn tâm thần rõ ràng nào) và Hikikomori mắc HPDD hay rối loạn khác.[1].
Giả thuyết 2: Chịu ảnh hưởng của xã hội và văn hóa
Điều kiện thúc đẩy Hikikomori tại Nhật Bản do các yếu tố xã hội và văn hóa bao gồm:
- Sự giàu có của tầng lớp trung lưu trong một xã hội hậu công nghiệp như Nhật Bản cho phép cha mẹ hỗ trợ đứa trẻ trưởng thành trong nhà vô thời hạn.
- Cha mẹ Nhật Bản không có khả năng nhận ra và hành động khi thanh niên rơi vào tình trạng bị cô lập, cách nuôi dạy nuông chiều, làm phụ thuộc con cái vào bố mẹ.
- Kinh tế thị trường phát triển khiến hệ thống vốn có từ trước đòi hỏi hơn về kỹ thuật và trình độ để dành được các công việc ưu tú, điều này là quá sức hay đôi khi là nỗ lực vô nghĩa với nhiều cá thể. dường như là một nỗ lực vô nghĩa đối với nhiều người.
Công nghệ hiện đại là một trong các yếu tố làm trầm trọng hơn việc xa cách xã hội hiện nay.
Các nghiên cứu trước đây về Hikikomori ở Hàn Quốc và Tây Ban Nha cho thấy một số người trong số họ có dấu hiệu nghiện Internet. Tuy nhiên, theo phó giáo sư tâm thần học tại Đại học Kyushu ở Fukuoka, trò chơi điện tử và mạng xã hội làm giảm đáng kể thời gian con người tương tác trực tiếp với xã hội bên ngoài.[2].
Sự xuất hiện của điện thoại di động và sau đó là điện thoại thông minh cũng có thể làm trầm trọng thêm vấn đề, vì mọi người có thể tiếp tục nghiện chơi game và lướt web trực tuyến ở bất cứ đâu, ngay cả trên giường.[3].
Hệ thống giáo dục của Nhật Bản và một vài các nước khác như Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc…đang đặt ra rất nhiều các áp lực vô hình lên trẻ. Cha mẹ kỳ vọng cao, kích thích ham muốn cạnh tranh cũng như yêu cầu cao tính cạnh tranh, ghi nhớ một khối lượng kiến thức khổng lồ với mục đích để vượt qua được hết các kỳ tuyển sinh mọi cấp độ trong hệ thống.
Tuy nhiên, hệ tư tưởng giáo dục cứng nhắc “trượt - qua” đang làm nặng hơn sự cạnh tranh giữa các trẻ. Học sinh thường phải đối mặt với áp lực đáng kể từ cha mẹ và xã hội nói chung để đạt được những gì mà các đối tượng kia mong muốn. Những học thuyết lí luận tuy là một phần của xã hội Nhật Bản hiện đại, nhưng ngày càng bị giới trẻ Nhật Bản từ chối theo nhiều cách khác nhau bao gồm Hikikomori, NEET, freeter, người đơn thân ăn bám, không muốn thăng chức để tránh công việc nặng thêm….
Sau khi tốt nghiệp trung học hoặc đại học, thanh thiếu niên tại Nhật Bản cũng phải đối mặt với tình hình thị trường rất khó khăn và nhọc nhằn tại xứ sở hoa Anh Đào. Họ thường sẽ chỉ tìm được các công việc part-time hoặc các công việc freelancer với thu nhập ít ỏi, tự lo bản thân còn khó, huống chi đến lập gia đình.
Mô hình gia đình hạt nhân nổi bật tại Nhật cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sự gia tăng Hikikomori. Gia đình Nhật Bản xuất phát từ hệ thống gia đình truyền thống với nhiều thế hệ cùng sinh sống. Gia đình truyền thống người Nhật được hình thành từ mối quan hệ chiều dọc, nó là yếu tố quyết định vị trí và cách ứng xử của mỗi thành viên trong gia đình. Cũng chính vì quan hệ chiều dọc đó mà xuất hiện sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.
Ngoài ra, gia đình người Nhật theo chế độ phụ hệ, tức là con trai trưởng trong nhà có vai trò thừa kế. Tất cả các chị em khác đều không sinh sống trong nhà ngay khi lập gia đình. Do đó kéo theo vấn đề phụ nữ Nhật ngày nay thay vì làm nội trợ, họ đi làm để giải quyết nhu cầu cá nhân, họ lập gia đình muộn, có con muộn hoặc thậm chí là chỉ sống độc thân. Do vậy, tỉ lệ sinh ở Nhật thấp, đồng nghĩa với áp lực lên thế hệ trẻ lại lớn hơn rất nhiều. Như ở trên đã nhắc đến, áp lực dồn nén thế hệ trẻ là ngòi nổ đối với việc lan tỏa Hikikomori.
2 Thế giới quan của người mắc Hikikomori
Hikikomori (thu mình khỏi xã hội kéo dài sáu tháng hoặc lâu hơn) là một vấn đề đang gia tăng ở thanh thiếu niên và thanh niên Nhật Bản, với ước tính gần đây rằng khoảng 1% thanh niên Nhật Bản sẽ mắc phải một đợt Hikikomori trong đời. Điều tra cho thấy Hikikomori là một hội chứng có lẽ không bị ràng buộc về văn hóa mà đang là một tình trạng ảnh hưởng đến giới trẻ trên toàn cầu.[4].
Hikikomori sống bằng gì? Người mắc Hikikomori thường không có nghề nghiệp nhất định. Tuy nhiên hiện nay, các Hikikomori đang dần tập trung vào các đối tượng thanh thiếu niên, người đang chịu rất nhiều áp lực, bao gồm từ cha mẹ, gia đình, trường lớp và xã hội.
Hikikomori cũng nhắm đến mục tiêu phần lớn là nam giới do các đối tượng này đang phải chịu nhiều áp lực hơn do chế độ phụ hệ: học giỏi, học trường danh giá, làm chức cao, làm ở công ty lớn. Họ là những đối tượng sẽ dễ thấy đuối sức trước những áp lực vô hình nên sẽ có xu hướng trốn tránh trong bọc họ tự tạo ra, vì họ an toàn ở trong đấy.
Hầu hết họ sống nhờ vào sự lao động của người thân khác trong gia đình. Một số rất ít sẽ hoạt động mạng, viết truyện manga, đeo mặt nạ trò chuyện trực tuyến làm giảm sự cô đơn cho người khác.
2.1 Các đặc điểm nổi bật của dân số mắc Hikikomori
Các chuyên gia ở Nhật đánh giá những người Hikikomori thường sẽ có 5 đặc điểm nổi bật sau: [5].
- Hầu hết thời gian là ở nhà.
- Không để tâm đến vấn đề làm việc hay đi học.
- Kiên trì rút khỏi các hoạt động gia đình, xã hội trong ít nhất là 6 tháng.
- Loại trừ các bệnh lý: thiểu năng trí tuệ, tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực.
- Loại trừ đối tượng vẫn duy trì các quan hệ cá nhân khác (điển hình là tình bạn).
Một số nhà tâm lý học phân loại Hikikomori theo tần suất một bệnh nhân rời khỏi nhà vì những lý do phi xã hội, chẳng hạn như đi mua hàng tạp hóa. Theo khuôn khổ này, những người mắc bệnh nhẹ rời khỏi nhà hai đến ba lần một tuần, những người mắc bệnh vừa phải một lần một tuần và những người mắc bệnh nặng hiếm khi rời khỏi một phòng. Một số nhà tâm lý học cũng sử dụng tiền Hikikomori như một sự phân loại trong đó một người có các triệu chứng nhưng chỉ kéo dài trong ba tháng. Hikikomori được tìm thấy trong một số môi trường kéo dài trung bình từ một đến bốn năm, nhưng thời lượng khác nhau và có thể kéo dài hơn một thập kỷ.[6].
2.2 Các tác động đến Hikikomori
Nghiên cứu cho thấy, có 2 tác động chính lớn nhất ảnh hưởng lên Hikikomori.
Thứ nhất là gánh nặng tài chính: Các tổ chức phi chính phủ cũng như chính phủ đã tổ chức và thực hiện rất nhiều các chương trình, các kế hoạch với mục tiêu cuối cùng là giúp Hikikomori tái hòa nhập xã hội theo lựa chọn cá nhân, qua đó hiện thực hóa đóng góp kinh tế và giảm gánh nặng tài chính cho cha mẹ hoặc người giám hộ.
Thứ hai là về "vấn đề 80–50", đây là sự đề cập đến những Hikikomori từ những ngày trước giờ đã bước vào độ tuổi 50, vì cha mẹ mà họ đang nương nhờ thường cũng đã bước vào giai đoạn của tuổi 80. Tuổi cha mẹ Hikikomori ngày càng tăng, đồng nghĩa với việc các Hikikomori sớm sẽ không còn chỗ nương tựa, vì vậy vào năm 2019, bác sĩ tâm thần người Nhật Saitō Tamaki đã đưa ra lời cảnh tỉnh về việc cha mẹ nên lập các kế hoạch cụ thể trọn đời để bản thân Hikikomori có thể tự sống được khi bố mẹ đã qua đời. Ông cũng khẳng định tính nghiêm trọng của vấn đề này. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản chưa nhìn thấy được sự đe dọa cũng như tính cấp bách của vấn nạn Hikikomori nên vẫn chưa đưa ra bất cứ động thái gì.
Kể từ cuối năm 2019, đại dịch Covid - 19 cũng đã có tác động rất lớn đến vấn nạn Hikikomori. Dựa trên các đợt bùng phát trước đó (ví dụ như SARS, MERS, v.v.), các nghiên cứu đã chỉ ra rằng do sự cô đơn ngày càng tăng, những người bị cách ly đã gia tăng các rối loạn tâm thần liên quan đến căng thẳng. Những thách thức về chính trị, xã hội và/hoặc kinh tế đã khiến mọi người thể hiện hành vi giống Hikikomori nên hiện tượng Hikikomori có thể trở nên phổ biến hơn trong một thời kỳ thế giới đại dịch. Thực tế, những người bị rối loạn tâm thần ở Nhật Bản thường coi việc tìm kiếm sự giúp đỡ của bác sĩ tâm lý là điều đáng xấu hổ hoặc là lý do khiến họ bị xã hội xa lánh. Các chuyên gia y tế cũng dự đoán việc tập trung vào các vấn đề như các vấn đề về sức khỏe tâm thần hiện đang ảnh hưởng đến giới trẻ và cả về sức khỏe tâm thần đặc biệt đến từ các dịch vụ y tế từ xa hiệu quả cho cá nhân bị ảnh hưởng và/hoặc đơn vị gia đình sẽ tăng.[7].
3 Hậu quả của hội chứng Hikikomori
Vào tháng 9 năm 2016, Văn phòng Nội các Nhật đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát được thực hiện vào tháng 12 năm 2015, ước tính rằng số lượng Hikikomori trên toàn quốc là khoảng 540.000. Trong số những người ẩn dật này, khoảng 35% đã tự cô lập mình trong bảy năm hoặc lâu hơn. Nhiều người sống ẩn dật không có liên hệ với các tổ chức y tế hoặc tổ chức hỗ trợ, vì vậy những người cung cấp dữ liệu cho các cuộc khảo sát có thể vẫn còn ít so với thực tế.
Mạng xã hội như cánh cửa giúp các Hikikomori tự giải trí. Việc giành quá nhiều thời gian cho các thú vui trên nền tảng số, đọc những thể loại báo mang tính phản động, xem các phim đen quá nhiều dẫn đến việc trì trệ não bộ, các Hikikomori vì thế nhạy cảm, dễ bất thường và dễ làm theo các tình tiết học đọc được, bao gồm cả các hành động phạm pháp. Tại Nhật đã có rất nhiều tội nhân là người Hikikomori hoặc chịu ảnh hưởng của vấn nạn này.
Việc sống trực tuyến quá nhiều khiến các Hikikomori vốn là những người cực đoan cô lập với xã hội, càng trở nên khó hòa nhập lại với cộng đồng. Việc bình thường hóa tâm lý cho Hikikomori là điều có thể, nhưng một khi nó đã ăn sâu rồi thì rất khó để đổi thay. Thường việc điều trị tâm lý cho các đối tượng Hikikomori kéo dài từ vài năm và thậm chí còn khó có thể bình thường được.
Hậu quả mà bi kịch Hikikomori để lại cho Nhật Bản trong tương lai là không thể lường trước. Người Hikikomori luôn lẩn tránh việc đi làm, tiếp xúc với người khác, họ cảm thấy vui vẻ và thoải mái với thú vui của bản thân, và họ thích thú với việc được nằm lì trong phòng. Họ cảm thấy bình thường với việc được dựa dẫm vào người khác, cụ thể là bố mẹ họ, những người đang ngày càng già đi nhưng vẫn ngày ngày lao động để nuôi sống gia đình. Vấn nạn của việc mất cân bằng giới tính, phụ nữ Nhật ngại sinh con, thậm chí là kết hôn làm cho sự già hoá dân số của Nhật đang báo động hơn bao giờ hết, vậy mà còn kết hợp với căn bệnh xã hội Hikikomori - tổ hợp này đã và sẽ tiếp tục làm cho nước Nhật khủng hoảng lao động. Các đối tượng Hikikomori đang tạo áp lực nên cho kinh tế đất nước và cho chính gia đình họ…
4 Cách chữa trị Hikikomori
Rất khó để có thể tiếp cận trực tiếp với Hikikomori. Các nghiên cứu để có thể tìm ra được lộ trình khác nhau nhưng hiệu quả để hỗ trợ các cá thể Hikikomori vẫn đang được tiến hành khá nhiều. Các lộ trình đó sẽ tập trung vào những gia đình có Hikikomori. Các lộ trình khác nhau nhưng trọng tâm sẽ là can thiệp về giáo dục gia đình Hikikomori và mục đích chính là làm giảm ác cảm của các thành viên trong gia đình đối với các Hikikomori.
Các chương trình giáo dục này bắt nguồn từ các chương trình hỗ trợ gia đình đã được thiết lập, đó là Sơ cứu Sức khỏe Tâm thần ( viết tắt là MHFA); Huấn luyện Gia đình và Củng cố Cộng đồng (viết tắt là CRAFT). CRAFT chú trọng vào huấn luyện các thành viên trong gia đình thể hiện khả năng giao tiếp tích cực và thiết thực, trong khi MHFA lại cung cấp các kỹ năng cần thiết để hỗ trợ Hikikomori có hành vi trầm cảm/thích tự tử. Các nghiên cứu nhìn chung đều thay đổi tích cực hành vi của các thành viên gia đình đối với Hikikomori.
Bên cạnh việc tập trung giáo dục các thành viên trong gia đình Hikikomori, cũng có một vài những chương trình trị liệu cho chính các Hikikomori. Các định hướng trong việc điều trị chủ yếu là giúp các Hikikomori cảm thấy tự tin hơn vào bản thân. Tuy nhiên, cách thức tiếp cận này đòi hỏi việc tiếp cận đa diện hơn (liệu pháp cá nhân, gia đình).
5 Hikikomori - cái nhìn tích cực hơn
Theo thống kê, số lượng Hikikomori ở Nhật đã lên đến hàng triệu, đó là nguyên nhân nó đang được coi là bi kịch của thế giới hiện đại. Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vừa qua, tuy làm gia tăng Hikikomori nhưng cũng không ít những Hikikomori cho thấy bản thân họ vẫn giúp ích và tự nuôi sống được bản thân mình. Họ tuân thủ các lệnh cấm tiếp xúc để giảm nguy cơ lây nhiễm tốt hơn người bình thường, họ dành phần lớn thời gian để có thể chăm sóc và theo đuổi đam mê thay vì chạy theo guồng quay của công việc. Họ có lẽ không giao thiệp trực tiếp với mọi người nhưng họ tìm thấy mình và mọi người qua kết nối trực tuyến. Hơn hết, họ biết cách tạo niềm vui khi ở một mình trong thời gian dài.
Có thể kể đến DJ CLiONE - người tự xưng là một Hikikomori tại Tokyo, đã sử dụng linh hoạt những chiếc mặt nạ hoạt hình trong các buổi livestream để có vẻ ngoài bí ẩn. Anh cũng có mong muốn được kết nối với những người khác thông qua trực tuyến, giúp cho họ giảm bớt căng thẳng lo toan trong các tình hình dịch bệnh.
Một số Hikikomori tuy đã “tái hòa nhập” cộng đồng nhưng họ vẫn luôn tìm kiếm công việc ở nhà, vẫn giữ nếp sống Hikikomori vì “xã hội thay đổi cũng sẽ khó mà ảnh hưởng đến họ”.
6 Kết luận
Nhật Bản không phải là đất nước duy nhất đang phải đối mặt với tình trạng Hikikomori trong thế hệ trẻ, hiện tượng này cũng đang bắt đầu phát triển tại một số quốc gia, phần lớn ở các nước phương Tây. Tuy vậy, Nhật vẫn là nước có tỷ lệ Hikikomori đứng đầu do văn hóa và truyền thống tại quốc gia này. Nhật Bản tuy là cường quốc đi đầu về phát minh, kỹ thuật nhưng Nhật lại có các bước giật lùi về văn hóa so với các nước khác. Tư tưởng trọng nam khinh nữ, gia đình hạt nhân phụ hệ con trai cả toàn quyền quyết định. Sự bất bình đẳng nam-nữ trong các công tác xã hội hiện hữu rất rõ ràng tại quốc gia này. Giống như tư tưởng đã thấm vào máu qua bao đời, người dân Nhật thường rất sợ làm phiền người khác cũng như việc ngại bị người khác làm phiền nên họ rất hiếm khi trao đổi thông tin với nhau. Những hành vi nào đi ngược lại các chuẩn mực được đề ra tại Nhật đều không được chấp thuận.
Lớp trẻ giờ đây đang và tương lai sẽ nguồn lao động có giá trị nhất giúp Nhật Bản phát triển nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu chúng hoàn toàn đi ngược lại những gì mà họ cần. Kể cả Hikikomori đã tìm cho mình được các bước tiến mới để họ thoải mái mà vẫn giúp ích cho xã hội nhưng đó cũng chỉ là thiểu số trong đa số. Chính vì vậy, nước Nhật hơn bao giờ hết nên nhanh chóng chấp nhận và tích cực thay đổi cấu trúc xã hội theo hướng khác, có thể sẽ không nhanh nhưng đó là điều cần thiết đối với các quốc gia này.
Còn đối với các quốc gia khác, khi mới chỉ có bộ phận nhỏ Hikikomori, hãy nâng cao và cải tổ xã hội theo hướng tích cực hơn để không lâm vào tình trạng như Nhật Bản hiện nay.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Suwa, Hara (Ngày đăng: 29 Tháng 3 năm 2013). ‘Hikikomori’ among Young Adults in Japan, Nghiên cứu Y tế và Phúc lợi (医療福祉研究). Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023
- ^ Tác giả: Gent, Edd (Ngày đăng: 29 tháng 1 năm 2019). The plight of Japan's modern hermits, BBC News. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023
- ^ Tác giả: Ishikawa Kiyoshi (Ngày đăng: 19 tháng 7 năm 2017). “Hikikomori”: Social Recluses in the Shadows of an Aging Japan, Nippon. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023
- ^ Tác giả: Julie C. Bowker và cộng sự (Ngày đăng: 16 tháng 6 năm 2019). Severe Social Withdrawal: Cultural Variation in Past Hikikomori Experiences of University Students in Nigeria, Singapore, and the United States, The Journal of Genetic Psychology. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023
- ^ Tác giả: Emmanuel Stip và cộng sự (Ngày đăng: 3 tháng 3 năm 2016). Internet Addiction, Hikikomori Syndrome, and the Prodromal Phase of Psychosis, PMC. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023
- ^ Tác giả: Akre Karin (Ngày đăng: 21 tháng 10 năm 2022). Hikikomori, Encyclopedia Britannica. Truy cập ngày 30 tháng 1 năm 2023
- ^ Tác giả: Takahiro A. Kato và cộng sự (Ngày đăng: 27 tháng 7 năm 2020). Forced social isolation due to COVID‐19 and consequent mental health problems: Lessons from hikikomori, PMC. Truy cập ngày 28 tháng 1 năm 2023