Hội chứng tiêu cơ vân cấp: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Hội chứng tiêu cơ vân cấp (hay còn được gọi là hội chứng vùi lấp) là một khái niệm được xuất hiện từ năm 1941. Hội chứng này có thể gây ra biến chứng suy thận cấp gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người bệnh. Cùng trung tâm thuốc tìm hiểu cụ thể về nguyên nhân, biểu hiện,... của hội chứng này trong bài viết dưới đây nhé.
1 Hội chứng tiêu cơ vân cấp là gì
Sau trận đánh bom ở Luân Đôn (nước Anh) vào năm 1941, Bywaters và Beall đã phát hiện ra hội chứng này ở những người bệnh bị vùi lấp trong các hố bom. Do đó, tiêu cơ vân cấp còn được gọi là hội chứng vùi lấp.
Cơ vân là cơ vận động theo ý thức của con người. Khi các tế bào cơ vân này bị tổn thương gây nên tình trạng rối loạn giải phóng các chất từ tế bào cơ vào máu gọi là hội chứng tiêu cơ vân cấp. Một loạt các chất có thể bị giải phóng vào máu như myoglobin, creatine kinase (CK), aldolase, và lactate dehydrogenase, cũng như các chất điện giải gây nên các triệu chứng và biến chứng nghiêm trọng. [1]
Hội chứng tiêu cơ vân cấp là một hội chứng lâm sàng hay gặp sau khi cơ thể đã hoạt động quá mức làm cơ vân bị ảnh hưởng.
2 Nguyên nhân gây hội chứng tiêu cơ vân
2.1 Nguyên nhân bệnh lý
Khi cơ vân bị tổn thương có thể là nguyên nhân gây nên hội chứng này. Có thể gặp do các trường hợp sau:
Nguyên nhân chấn thương: tai nạn giao thông, ngã từ trên cao.
Đôi khi có thể từ nguyên nhân điện giật, sét đánh, bỏng nhiệt nặng,…
Chèn ép cơ lâu dài, chẳng hạn như do bất động lâu sau khi ngã hoặc nằm bất tỉnh trên bề mặt cứng khi bị bệnh hoặc trong khi bị ảnh hưởng bởi rượu hoặc thuốc
Nọc độc từ rắn hoặc côn trùng cắn
Ngoài ra, nếu bạn hoạt động quá mức một hành động nào đó có thể gây nên tiêu cơ vân cấp, ví dụ như tập luyện thể dục quá mức,... [2]
2.2 Nguyên nhân không do bệnh lý
Ngộ độc (rượu, thuốc an thần, thuốc ngủ, các thuốc kích thích thần kình trung ương, ma túy, heroin…).
Bệnh nhân hôn mê hoặc bất động trong thời gian dài.
Co giật toàn thân nặng (thường gặp trong các cơn động kinh).
Nọc độc từ các loài như rắn, ong,...
Nhiễm trùng do uốn ván, vi khuẩn, virus.
Tắc động mạch cấp tính gây thiếu máu cục bộ, nguyên nhân có thể do chèn ép, do xuất hiện cục máu đông sau các kỹ thuật xâm lấn mạch máu. [3]
2.3 Mguyên nhân khác
Tăng thân nhiệt hoặc thân nhiệt bị hạ trong thời gian dài.
Giảm Kali máu, giảm natri máu.
Nhiễm toan ceton.
Hôn mê tăng áp lực thẩm thấu.
Viêm da-cơ, suy giáp.
Có thể do thiếu một số men chuyển hóa.
Ngoài ra, nguy cơ gây tiêu cơ vân cấp có thể do các yếu tố sau: Sốc do chấn thương nặng, huyết áp tâm thu < 90 mmHg, suy hô hấp cấp.
3 Triệu chứng của tiêu cơ vân cấp
3.1 Triệu chứng lâm sàng
Tiêu cơ vân cấp bắt nguồn do cơ bị tổn thương, do vậy triệu chứng đặc trưng đó là:
Đau cơ, mức độ đau cơ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh. Thường chỉ điển hình ở bệnh nhân chấn thương.
Nước tiểu màu đỏ nâu sau đó chuyển màu nâu đen.
Tăng men CK máu (creatine kinase).
Các triệu chứng khác: sốt, nhịp tim nhanh, nôn và buồn nôn, đau bụng, huyết áp tâm thu nhỏ hơn 90 mmHg, suy hô hấp cấp... [4]
3.2 Cận lâm sàng
Xét nghiệm CK máu.
Urê, creatinin tăng.
Axit uric, AST (aspartate aminotransferase), ALT (Alanine aminotransferase) tăng.
Khí máu (thường thấy toan chuyển hoá).
Điện giải đồ: Giảm natri, canxi. Tăng kali và phospho.
4 Biến chứng của tiêu cơ vân
Một biến chứng nặng thường gặp là suy thận cấp khi bệnh nhân có dấu hiệu như nước tiểu chuyển đỏ, suy hô hấp cấp, không được điều trị kịp thời,... Tổn thương thận cấp là biến chứng nghiêm trọng nhất của tiêu cơ vân trong những ngày sau biểu hiện ban đầu và phát triển ở 33% bệnh nhân. [5] .Suy thận cấp là căn bệnh rất dễ gây tử vong. Do đó, biến chứng suy thận cấp là một biến chứng rất nguy hiểm đối với người bệnh.
Ngoài ra, bệnh nhân mắc hội chứng tiêu cơ vân cấp có nguy cơ cao bị các biến chứng sau đây:
- Rối loạn nước (do nước tích tụ trong cơ), có thể dẫn đến sốc do giảm thể tích trong lòng mạch, và hội chứng khoang.
- Rối loạn điện giải (hạ natri, Canxi, tăng kali, phospho).
- Toan chuyển hóa.
- đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC).
- Suy đa tạng.
5 Điều trị hội chứng tiêu cơ vân
Để điều trị hội chứng tiêu cơ vân cấp cần xác định nguyên nhân gây ra để giải quyết nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó, cần xác định người bệnh có nguy cơ biến chứng sang suy thận cấp hay không để điều trị kịp thời. Điều trị bằng truyền dịch tĩnh mạch (IV) giúp duy trì sản xuất nước tiểu và ngăn ngừa suy thận.
Tùy thuộc vào triệu chứng mà bệnh biểu hiện, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định để điều trị thuốc phù hợp. Nếu suy thận cấp cần cân bằng nước và điện giải, kiềm toan, lọc máu khi có chỉ định, lựa chọn thuốc và điều chỉnh liều cho phù hợp. [6]
6 Phòng tiêu cơ vân
Trường hợp người bệnh phải nằm 1 chỗ lâu ngày, người hôn mê, bị ngộ độc nặng hoặc có tăng men CK, nước tiểu đỏ nâu,... cần nghĩ ngay đến hội chứng tiêu cơ vân cấp và theo dõi để điều trị kịp thời cho bệnh nhân.
Nếu nghi ngờ có thể xảy ra tiêu cơ vân cần điều trị càng sớm càng tốt.
Cần chú ý không nên hoạt động quá mức, tham gia giao thông khi không uống rượu bia, thực hiện các quy định an toàn lao động,... để hạn chế tình trạng chấn thương gây nên tiêu cơ vân cấp.
Tài liệu tham khảo
- ^ Ochsner J. (Đăng năm 2015). Rhabdomyolysis: Pathogenesis, Diagnosis, and Treatment, NCBI. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021
- ^ Jennifer Robinson (Ngày đăng 17 tháng 3 năm 2021). Rhabdomyolysis, WebMD. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021
- ^ Jennifer Robinson (Ngày đăng 17 tháng 3 năm 2021). Rhabdomyolysis, WebMD. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021
- ^ Jennifer Robinson (Ngày đăng 17 tháng 3 năm 2021). Rhabdomyolysis, WebMD. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021
- ^ Ochsner J. (Đăng năm 2015). Rhabdomyolysis: Pathogenesis, Diagnosis, and Treatment, NCBI. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021
- ^ Jennifer Robinson (Ngày đăng 17 tháng 3 năm 2021). Rhabdomyolysis, WebMD. Truy cập ngày 13 tháng 10 năm 2021