Hội chứng Tic ở trẻ em có những triệu chứng nào? Cách điều trị hội chứng Tic hiệu quả
Trungtamthuoc.com - Hội chứng Tic là một hội chứng thường gặp ở trẻ em. Tuy đây không phải là một hội chứng ảnh hưởng đến tính mạng nhưng nó mang lại nhiều khó chịu và ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày của trẻ. Vậy hội chứng Tic ở trẻ em là gì? Điều trị hội chứng Tic ở trẻ em như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau đây về hội chứng Tic ở trẻ.
1 Hội chứng Tic ở trẻ em là gì?
Hội chứng Tic ở trẻ em là hội chứng đặc trưng bởi những chuyển động cơ nhanh, lặp đi lặp lại dẫn đến những rung chuyển hoặc âm thanh đột ngột và khó kiểm soát trên cơ thể . Hội chứng này thường xuất hiện lần đầu tiên vào lúc trẻ 5 tuổi.[1]
Hội chứng Tic là một hiện tượng phổ biến, ảnh hưởng đến khoảng 20% trẻ em trong độ tuổi đi học. Mức độ nghiêm trọng của rối loạn này có thể khác nhau đối với mỗi đứa trẻ, và thường thì nó có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi trẻ đạt độ tuổi khoảng 11 - 12. Tuy nhiên, có xu hướng giảm dần của tình trạng này khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì.
Hội chứng Tic không phải là một loại bệnh lý ảnh hưởng đến tính mạng mà là một loại rối loạn không mong muốn. Trẻ mắc hội chứng Tic thường có thể sống một cuộc sống bình thường dù phải đối mặt với các biểu hiện không kiểm soát được của nó.
Mặc dù tình trạng Tic có thể biến mất hoàn toàn khi trẻ trưởng thành, nhưng cũng có trẻ sẽ tiếp tục gặp phải tình trạng này khi trưởng thành. Điều này thể hiện sự đa dạng trong cách tiến triển của hội chứng Tic và sự ảnh hưởng của nó đối với cuộc sống của mỗi đứa trẻ.
2 Phân loại hội chứng Tic ở trẻ
Theo Hội chứng Tâm thần Hoa Kỳ (DSM-5), rối loạn Tic được phân loại thành ba dạng chính, mỗi dạng có những đặc điểm riêng:
2.1 Hội chứng Tourette
Đây là dạng nặng nhất của rối loạn tic. Để được chẩn đoán là hội chứng Tourette, trẻ phải có các dấu hiệu của cả Tic vận động và âm thanh kéo dài trên một năm. Bên cạnh những biểu hiện của hội chứng Tic, hội chứng Tourette còn có thể gây ra các vấn đề khác như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD), rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), rối loạn lo âu, hoặc rối loạn hành vi.
2.2 Rối loạn Tic mạn tính
Đây là dạng rối loạn Tic chỉ có Tic vận động hoặc âm thanh kéo dài trên một năm. Mặc dù có thể gây ra các triệu chứng tương tự như hội chứng Tourette, nhưng thường ít nghiêm trọng hơn và không bao gồm cả hai loại Tic (vận động và âm thanh) như trong hội chứng Tourette.
2.3 Rối loạn Tic tạm thời
Đây là một dạng rối loạn Tic mà Tic vận động hoặc âm thanh có những biểu hiện kéo dài dưới một năm. Rối loạn Tic tạm thời thường xuất hiện ở trẻ em và có thể tự biến mất sau một thời gian mà không cần phải sử dụng thuốc điều trị hoặc các can thiệp y tế đặc biệt.
3 Nguyên nhân gây ra hội chứng Tic ở trẻ
Nguyên nhân của hội chứng Tic ở trẻ mặc dù chưa được hiểu rõ cơ chế hoàn toàn, tuy nhiên có một số yếu tố được cho là góp phần gây ra bệnh lý này như sau:
3.1 Yếu tố di truyền
Có một yếu tố di truyền đáng kể trong phát triển hội chứng Tic. Nếu trong gia đình có người thân mắc hội chứng Tic hoặc các rối loạn liên quan như rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), thì nguy cơ mắc hội chứng tic của trẻ có thể cao hơn.
3.2 Yếu tố môi trường
Môi trường sống của trẻ cũng có thể ảnh hưởng đến phát triển hội chứng Tic. Các yếu tố như căng thẳng, áp lực từ môi trường học tập hoặc gia đình, cũng như sự trầm trọng của các sự kiện xảy ra trong cuộc sống có thể góp phần vào sự xuất hiện của các triệu chứng Tic.
3.3 Sự phát triển não bộ
Sự phát triển não bộ của trẻ trong giai đoạn phát triển có thể đóng vai trò quan trọng trong việc gây ra các triệu chứng tic. Các thay đổi trong não bộ có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát các chuyển động và âm thanh, dẫn đến sự xuất hiện của hội chứng Tic.
3.4 Sự rối loạn yếu tố hóa học trong não
Các thay đổi trong hóa học não bộ, như sự thay đổi của hệ thống neurotransmitter như Dopamine, Serotonin có thể liên quan đến sự phát triển của hội chứng Tic.
3.5 Vấn đề khi mang thai
Việc sử dụng các chất kích thích trong thai kỳ hoặc gặp phải các biến chứng trong quá trình mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ của thai nhi và từ đó tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các triệu chứng rối loạn Tic ở trẻ sau này. Bên cạnh đó, việc mẹ bầu mắc bệnh nhiễm trùng liên cầu khuẩn nhóm A khi mang thai cũng có thể là nguyên nhân gây ra việc phát triển hội chứng Tic, đặc biệt là hội chứng Tourette ở trẻ.
3.6 Sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc sử dụng thiết bị điện tử quá nhiều có tác động tiêu cực đến cơ xương, thị giác và tâm lý xã hội của trẻ. Những hậu quả này có thể bao gồm sự suy giảm chức năng cơ xương do thói quen ngồi hoặc đứng trong thời gian dài mà không nghỉ ngơi, vấn đề về thị lực như căng thẳng mắt và giảm khả năng tập trung, cũng như ảnh hưởng đến các kỹ năng xã hội và tinh thần của trẻ. Những hậu quả này có thể góp phần tạo điều kiện cho việc phát triển các biểu hiện của hội chứng tic ở trẻ.
4 Triệu chứng của hội chứng Tic
Đối với Tic vận động đơn giản trẻ thường có một số hành động lặp đi lặp lại như nháy mắt, liếc mắt, nhăn mặt, nhún vai, giật vùng đầu cổ, gồng bụng, giật mũi, giật cơ hàm, cử động miệng, bĩu môi, hoặc giật tay. Còn Tic âm thanh đơn giản thường là những âm thanh như ho, hỉ mũi, khạc nhổ, thở dài, tặc lưỡi, huýt sáo, hoặc lẩm bẩm một mình.
Những biểu hiện này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc kết hợp với nhau, và thường là không tự ý, lặp đi lặp lại, và khó kiểm soát đối với người mắc bệnh lý. Đối với một số người, các biểu hiện có thể làm giảm chất lượng cuộc sống và gây ra sự không thoải mái hoặc bực bội trong các tình huống xã hội.
Trong trường hợp của Tic phức tạp, các triệu chứng thường kéo dài lâu hơn và liên quan đến các hành động phức tạp hơn. Điều này có thể bao gồm việc kết hợp nhiều nhóm cơ trong các cử động, như tự nhại lại động tác của người khác, đá chân, tự cắn vào mình, giậm chân, nhảy nhót hoặc thậm chí là việc nói tục, la hét. Các hành động này thường làm cho người bị ảnh hưởng cảm thấy không thoải mái và gặp khó khăn trong việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, đồng thời cũng có thể tác động đến mối quan hệ xã hội và tâm trạng của trẻ.
5 Xét nghiệm cận lâm sàng
Các xét nghiệm cận lâm sàng thường không đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán hội chứng Tic mà chủ yếu sẽ dựa vào biểu hiện của bệnh nhân. Mặc dù vậy, nhiều bệnh nhân Tourette đã được ghi nhận có những biểu hiện bất thường trên các xét nghiệm này.
Các xét nghiệm cơ bản như xét nghiệm máu, chức năng gan thận, tuyến giáp và xét nghiệm nước tiểu, cùng với điện tâm đồ, thường được thực hiện trước và trong quá trình điều trị Tourette. Đặc biệt quan trọng là khi có các biểu hiện bất thường đột ngột hoặc khi bệnh trạng trở nên nặng hơn.
Một số trắc nghiệm đánh giá mức độ Tic và theo dõi cải thiện trong quá trình điều trị. Trắc nghiệm trí tuệ nên được thực hiện ở bệnh nhi trong trường hợp có chậm phát triển tâm thần kèm theo.
6 Hội chứng Tic có nguy hiểm hay không?
Hội chứng Tic không gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Tuy nhiên nếu về lâu về dài mà không có can thiệp y tế, các hành động Tic sẽ thành thói quen và có thể thành tật, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý cũng như sinh hoạt của bé, tạo ra các phản xạ có thể làm cho bé mất tự tin trong vấn đề giao tiếp với người khác. Bên cạnh đó nó cũng có thể hình thành các rối loạn hành vi như cáu gắt, khó tiếp xúc với người khác.
Mời bạn đọc xem thêm về video hội chứng Tic ở trẻ:
7 Điều trị hội chứng Tic ở trẻ em
7.1 Điều trị không dùng thuốc
Thực hiện lối sống sinh hoạt lành mạnh: Ăn ngủ đúng giờ, không thức khuya, hạn chế sử dụng các thiết bị điện tử như tivi, máy tính, điện thoại. Theo tổ chức y tế thế giới WHO, trẻ dưới 2 dưới không nên tiếp xúc với các thiết bị điện tử, trẻ từ 2-5 tuổi phải được giới hạn thời gian sử dụng chỉ 1 tiếng mỗi ngày và nên có người lớn xem cùng.
Hỗ trợ tâm lý: Nếu phát triển trẻ có những dấu hiệu của hội chứng Tic, cha mẹ cần chấp nhận và động viên trẻ theo hướng tích cực. Thay vì trách móc trẻ vì có thể ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ.
7.2 Điều trị dùng thuốc
Đối với trẻ mắc hội chứng Tis kết hợp với hội chứng ADHD, bác sĩ có thể chỉ định sử dụng Atomoxetine, thuốc chủ vận α2, thuốc chống loạn thần tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh[2]
Thuốc chủ vận α2
Các thuốc có thể sử dụng trong nhóm thuốc là Clonidine (Catapressan 150mcg) hoặc Guanfacine ( Guanfacine tablets, USP 1mg).
Liều dùng các thuốc như sau:
Clonidine: liều khởi đầu là 0,05 mg sử dụng trước khi đi ngủ, sau đó tăng liều dần dần cho đến 0,1-0,4 mg/ngày, mỗi ngày chia làm 2 lần.
Guanfacine: liều khởi đầu là 0,25 mg sử dụng trước khi đi ngủ, sau đó tăng liều dần dần cho đến 4mg/ngày, mỗi ngày chia làm 2 lần.
Tác dụng phụ phổ biến của nhóm chủ vận α2 là mệt mỏi, lơ mơ, buồn ngủ, có thể gây hạ huyết áp.
Thuốc chống loạn thần
Các thuốc chống loạn thần có thể được sử dụng trong hội chứng Tic như Risperidone (Risperidon 2), Haloperidol (Haloperidol 1,5mg Danapha), Olanzapine (Opelan-5).
Liều dùng các thuốc như sau:
Tên thuốc | Liều dùng |
Risperidone | 0,25-1,5 mg/ngày |
Haloperidol | 0,5- 2mg/ngày |
Olanzapine | 2,5-5mg/ngày |
Một số tác dụng phụ như khó chịu, buồn nôn, buồn ngủ có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.
Atomoxetine (Strattera)
Atomoxetine (Strattera) là thuốc ức chế tái hấp thu Noradrenaline có thể được sử dụng điều trị hội chứng Tic nếu trẻ có những triệu chứng liên quan đến trầm cảm và ADHD.
8 Cách phòng ngừa hội chứng Tic ở trẻ em
Để phòng ngừa hội chứng Tic ở trẻ em, gia đình có thể tham khảo một số biện pháp sau đây:
- Giảm thiểu thời gian sử dụng thiết bị điện tử: Hạn chế thời gian sử dụng điện thoại di động, máy tính bảng, và truy cập vào mạng xã hội để giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng Tic.
- Thúc đẩy lối sống lành mạnh của trẻ: Khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động vận động thể chất và hoạt động ngoài trời, cũng như thực hiện các hoạt động giảm căng thẳng như yoga hoặc thiền.
- Tạo ra môi trường sống lành mạnh: Xây dựng một môi trường gia đình và học đường tích cực và hỗ trợ, nơi trẻ em có thể cảm thấy an toàn và được khuyến khích trong việc thể hiện cảm xúc và nhu cầu cá nhân.
- Tạo sự cân bằng cho các hoạt động của bé trong ngày: Đảm bảo trẻ em có đủ thời gian ngủ đủ và điều chỉnh lịch trình hàng ngày sao cho phù hợp với nhu cầu phát triển của họ.
- Rèn luyện cho con các thói quen khoa học: ăn đúng giờ, ngủ đúng giấc, sử dụng nguồn thực phẩm có lợi cho sức khỏe…
- Luôn tạo cho trẻ tinh thần thoải mái, tránh việc nhắc đến tình trạng bệnh quá nhiều. Thường xuyên trao đổi giao tiếp và trấn an tinh thần của bé.
- Theo dõi và hỗ trợ sức khỏe tâm thần của trẻ: Hãy chú ý đến các dấu hiệu về tâm lý của trẻ. Nếu trẻ có bất kỳ dấu hiệu nào liên quan đến hội chứng Tic, bố mẹ hoặc giáo viên cần hỗ trợ và gia đình cần có sự can thiệp y tế kịp thời để giúp bé điều trị các triệu chứng sớm nhất có thể.
9 Một số câu hỏi liên quan đến hội chứng Tic ở trẻ
9.1 Bệnh Tic có chữa được không?
Hội chứng Tic có thể được điều trị thành công thông qua một kế hoạch điều trị phù hợp và cần đến sự hợp tác chặt chẽ từ phía các bậc phụ huynh. Đối với trẻ em mắc bệnh Tic thể nhẹ, thường sẽ được chỉ định sử dụng thuốc tại nhà và thường cần khoảng 3 đến 6 tháng để thấy được sự cải thiện. Tuy nhiên, đối với những trẻ mắc Tic thể nặng, không phản ứng tích cực với thuốc, việc nhập viện để điều trị và kết hợp với các liệu pháp khác cũng có thể được chỉ định.
9.2 Khám bệnh Tic ở đâu ở thành phố Hồ Chí Minh?
Bạn có thể đến các bệnh viện lớn có chuyên khoa về tâm thần như Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện Tâm Thần Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy.
9.3 Bệnh Tic có nguy hiểm không?
Hội chứng Tic không gây nguy hiểm đến tính mạng của bé. Tuy nhiên nếu về lâu về dài mà không có can thiệp y tế, các hành động Tic sẽ thành thói quen và có thể thành tật, ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý cũng như sinh hoạt của bé.
10 Kết luận
Hội chứng Tic là căn bệnh thường gặp ở trẻ. Với xã hội ngày càng hiện đại, tỷ lệ mắc căn bệnh này ngày càng tăng cao. Tuy nhiên bệnh vẫn có thể chữa khỏi. Do đó điều quan trọng là trẻ cần phải phối hợp điều trị cũng như gia đình cần phải quan tâm đến sức khỏe tâm lý của trẻ thì trẻ mới nhanh khỏi bệnh.
Tài liệu tham khảo
- ^ Chuyên gia của NHS (Ngày đăng 5 tháng 3 năm 2023), Tics, NHS. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2024
- ^ Tác giả Christos Ganos và cộng sự, Tics in the Pediatric Population: Pragmatic Management, Pubmed. Truy cập ngày 5 tháng 2 năm 2024