Hội chứng sợ lỗ (Trypophobia) có phải là một dạng rối loạn tâm thần? Cách test chính xác chỉ trong 1 phút
Trungtamthuoc.com- Hội chứng sợ lỗ hay còn gọi là Trypophobia, là tình trạng ác cảm, sợ hãi khi nhìn những cái lỗ tròn ở gần nhau. Các đối tượng có thể gây ra hội chứng này như vòi hoa Sen, tổ ong, trái cây có nhiều hạt. Thật sự hầu hết mọi người không sợ lỗ, hội chứng này là dấu hiệu của một rối loạn lo âu tiềm ẩn. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) cùng tìm hiểu rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng cũng như các phương pháp điều trị hội chứng này qua bài viết dưới đây.
1 Hội chứng sợ lỗ là gì?
Hội chứng sợ lỗ tròn hay có tên khoa học là Trypophobia, là tình trạng ám ảnh, sợ hãi, khó chịu thậm chí buồn nôn khi thấy những các vật có lỗ tròn xếp cạnh nhau như tổ ong, hoa hướng dương, bọt biển…
Người mắc bệnh sợ lỗ sẽ có những phản ứng cả về thể chất và tinh thần khi nhìn vào những cái lỗ hoặc hình ảnh có chứa lỗ. Nỗi sợ sẽ tăng lên khi xuất hiện càng nhiều lỗ tròn và nằm sát nhau. Bệnh thường gặp hơn ở nữ giới, theo một vài thống kê cho thấy có tới 18% dân số thế giới mắc hội chứng này, và nếu người trong gia đình bị thì khả năng bị cũng sẽ cao hơn.
Hội chứng này được chia sẻ nhiều trên mạng xã hội vào năm 2005, cho đến nay các nghiên cứu đã giải thích nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, trong đó có những bệnh tâm lý tiềm ẩn. Vì vậy tình trạng này có thể được điều trị như một bệnh lý.
Các tác nhân gây ra chứng sợ lỗ phổ biến bao gồm:
- Phô mai có lỗ.
- Các loại trái cây có hạt nhỏ như dâu tây, Mâm Xôi, Đu Đủ và kiwi.
- Tổ ong, hoa hướng dương và quả Hạt Sen.
- Da rắn, thằn lằn, ếch và các loài bò sát khác.
- Đế giày.
- Bọt biển.
2 Dấu hiệu của hội chứng sợ lỗ
Triệu chứng của người mắc chứng sợ lỗ tương tự như đang trong cơn hoảng sợ, cụ thể gặp các biểu hiện sau:
- Rùng mình, thở nhanh và nhịp tim nhanh .
- Nghẹt thở hoặc khô miệng
- Cảm giác ghê tởm hoặc sợ hãi dữ dội.
- Da nhợt nhạt, đổ mồ hôi nhiều .
- Buồn nôn .
- Run rẩy, nổi da gà,
- Đau nhức mắt, khó chịu thị giác
Ngoài những hành vi phổ biến khi nhìn thấy trực tiếp các lỗ tròn thì người mắc bệnh trypophobia có xu hướng né tránh những thứ gây kích hoạt hội chứng này như không thích ăn dâu tằm, không đeo được dép tổ ong.
3 Nguyên nhân hội chứng sợ lỗ
Các nghiên cứu về nguyên nhân gây ra hội chứng này có khá mơ hồ, dưới đây làm một số cách giải thích của tình trạng kỳ lại này.
3.1 Liên quan đến sự tiến hoá của loài người
Trypophobia có những phản ứng ám ảnh là do phản ứng của vỏ não trước những tác nhân được nhận biết là nguy hiểm. Đây được coi là một hành động tự vệ của cơ thể. Từ xa xưa các bệnh lý về ký sinh trùng, bệnh lý da liễu, nhiễm trùng da đã làm xuất hiện những vết sưng tròn hoặc những cái lỗ trên da như vậy, từ đó kích hoạt sự thích nghi khi tiến hoá là né tránh tất cả các lỗ tròn vì chúng được coi là đối tượng nguy hiểm. Một nghiên cứu năm 2017 đã cho rằng những người mắc chứng sợ trypophobia có thể coi các cụm lỗ là triệu chứng của ký sinh trùng, chẳng hạn như bọ chét xuất hiện trên da, hoặc sự lây lan của mầm bệnh.
3.2 Lý thuyết liên quan đến động vật nguy hiểm
Người ta tìm thấy mối liên hệ giữa các lỗ tròn với một số động vật nguy hiểm tương tự, như da của các loài rắn độc. Như vậy sẽ khiến mọi người sợ và tránh những hình ảnh này vô thức do não bộ bạn đã xác định chúng là mối đe dọa, việc ám ảnh như một bản năng sinh tồn.
3.3 Do kích thích thị giác
Một số nghiên cứu cho thấy một số người cảm thấy sợ hãi khi nhìn vào trực tiếp các mẫu vật hơn là nhìn vào hình ảnh của vật có lỗ tròn. Như vậy các dấu hiệu sợ lỗ liên quan nhiều hơn đến thị giác so với phản ứng tiến hoá hoặc động vật nguy hiểm.
Các nghiên cứu về sự phản ứng của thị giác khi nhìn vào các lỗ tròn vẫn chưa được rõ ràng, nên thật sự biểu hiện này có phải là một bệnh lý liên quan đến mắt hay không vẫn là một câu hỏi.
3.4 Liên quan đến các rối loạn tâm lý
Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) không công nhận trypophobia là một rối loạn tâm thần, nhưng đã có những nghiên cứu cho thấy những người mắc hội chứng này có thể gặp phải các bệnh lý rối loạn lo âu và trầm cảm. Đặc biệt khi hội chứng này kéo dài, và xuất hiện thường xuyên, người bệnh sẽ bị suy giảm chức năng tinh thần lẫn thể chất, tăng các tình trạng tâm lý khác như rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD).
4 Bài test chẩn đoán hội chứng sợ lỗ
Trypophobia không được Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ (APA) công nhận là một rối loạn có thể là do những biểu hiện không làm suy nhược cơ thể, gây tác động trực tiếp đến hành vi và sức khỏe. Vì vậy không có một tiêu chuẩn nào được thiết lập để chẩn đoán hội chứng này. Tuy nhiên, một trong những cách khá phổ biến được các chuyên gia khuyên dùng là thực hiện bài test hội chứng sợ lỗ.
Cụ thể, bài kiểm tra chứng sợ lỗ sẽ thực hiện các thao tác sau:
- Hiển thị nhiều hình ảnh khác nhau trong khoảng thời gian từ một đến tám giây. Một số hình ảnh có hoa văn hoặc cụm lỗ, xen kẽ với các hình ảnh không có lỗ.
- Yêu cầu bạn ước tính thời gian bạn nhìn thấy từng hình ảnh.
- Thiết bị sẽ so sánh ước tính thời gian khi xem hình ảnh sợ lỗ và hình ảnh trung tính (hình ảnh không có lỗ) và đưa ra tỷ lệ vào cuối bài kiểm tra.
Kết quả này có thể trao đổi với các chuyên gia tâm thần hoặc nhà tâm lý để có hướng điều trị phù hợp.
Phương pháp được ứng dụng nhiều để kiểm tra xem có mắc hội chứng trypophobia hay không, và với nhiều cấp độ tăng dần nhằm kiểm tra người tham gia thuộc mức độ ám ảnh như thế nào. Ngoài về thời gian chịu đựng các hình ảnh trên, thì các biểu hiện đi kèm dưới đây cũng cho thấy bạn là người sợ lỗ, cụ thể như:
- Rùng mình, nổi da gà, cảm thấy khó chịu, ác cảm
- Thị giác ở mắt cảm thấy khó chịu, cau mày, mỏi mắt, muốn nhắm mắt ngay khi nhìn thấy lỗ và có thể xuất hiện ảo giác ở trường hợp nặng.
- Đổ mồ hôi, cảm giác ớn lạnh, buồn nôn hoặc nôn, trên da có cảm giác như kiến bò
5 Điều trị chứng sợ lỗ
Vì trypophobia không phải là một rối loạn thực sự nên không có cách điều trị cố định nào cho hội chứng này, tuy nhiên vẫn có nhiều biện pháp đã cho thấy hiệu quả trong giảm các triệu chứng. Một số phương pháp điều trị phổ biến phải kể đến như:
5.1 Liệu pháp tiếp xúc (giảm nhạy cảm)
Không phải ai cũng có thể chịu đựng được nỗi sợ của mình để thực hiện biện pháp này, nó không chỉ gây ra các triệu chứng khó chịu mà còn có thể làm ám ảnh cho người bệnh. Tuy nhiên phương pháp này được đánh giá cao nhất vì mang lại hiệu quả cao nhất. Liệu pháp tiếp xúc cũng được dùng trong điều trị các nỗi sợ vô hại khác.
Cách thức hoạt động của liệu pháp này là dần dần đưa cho người sợ tiếp xúc với các đồ vật, hình ảnh làm họ sợ hãi và ghê tởm. Sau đó chuyên gia trị liệu sẽ đưa cho họ những công cụ quản lý cảm xúc lo lắng, suy nghĩ để cân bằng lại trong quá trình điều trị. Người sợ sẽ lặp lại điều này trong nhiều lần với tần suất tăng dần cho đến khi cảm thấy thoải mái hơn với các tác nhân kích thích của mình.
Liệu pháp tiếp xúc để điều trị chứng sợ lỗ có thể bao gồm:
- Nghĩ về những tác nhân gây ra chứng sợ lỗ
- Nhìn vào hình ảnh hoặc video có nhiều lỗ
- Giữ một miếng bọt biển hoặc thứ gì đó có hoa văn lặp lại
5.2 Liệu pháp hành vi nhận thức (CBT)
Đây là một loại liệu pháp có thể giúp mọi người thay đổi suy nghĩ, nhận thức về nguyên nhân gây ra nỗi sợ hãi và ác cảm của họ. Phương pháp này kết hợp với trị liệu tâm lý, thay đổi những suy nghĩ không thực tế, làm cho họ tin rằng những đối tượng này không nguy hiểm. Từ đó các suy nghĩ dần thực tế hơn sẽ làm thay đổi về hành vi sau đó.
5.3 Kỹ thuật thư giãn
Phương pháp này có thể làm dịu tâm trí và cơ thể trong những tình huống căng thẳng. Kết hợp nhiều cách thư giãn khác nhau cũng có thể hữu ích để giảm cảm giác ghê tởm, sợ hãi hoặc lo lắng. Một số công cụ có thể giúp kiểm soát chứng sợ lỗ bao gồm:
Tưởng tượng, hình dung: bao gồm việc hình dung ra những hình ảnh hoặc tình huống mà họ cảm thấy dễ chịu bất cứ khi nào họ nhìn thấy thứ gì đó có lỗ nhỏ.
- Xao nhãng: Một sự xao lãng đơn giản cũng có thể là một kỹ thuật đối phó hữu ích. Nếu mỗi lần nhìn thấy lỗ, họ có thể chỉ cần nhìn đi chỗ khác và tìm thứ gì đó khác để nhìn cho đến khi các triệu chứng giảm bớt.
- Bài tập thở sâu: điều chỉnh hít thở sâu và đều liên tục khi nhìn thấy những cái lỗ, nó sẽ giúp người sợ giảm hoảng loạn, thư giãn hơn.
- Yoga hoặc vận động cơ, ngồi thiền: cách này làm loại bỏ hết những suy nghĩ tiêu cực, các rối loạn tâm lý khi nhìn thấy lỗ
5.4 Sử dụng thuốc
Thuốc chống trầm cảm hoặc các loại thuốc khác có thể làm giảm các triệu chứng lo âu hoặc hoảng loạn nói chung ở một số người. Có thể cần dùng thuốc hàng ngày hoặc chỉ trong những trường hợp nhìn thấy lỗ. Tất cả loại thuốc trên đều cần có sự kê đơn của bác sĩ, người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc sử dụng.
Các loại thuốc dùng để điều trị chứng sợ lỗ bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: Một số nghiên cứu cho thấy thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc ( SSRI ), chẳng hạn như Sertraline (Zoloft), có thể làm giảm lo âu cho những người mắc chứng sợ hãi. Thuốc này điều chỉnh nỗi sợ hãi bằng cách cân bằng hàm lượng serotonin trong não, kiểm soát tâm trạng và mức độ lo lắng tốt hơn.
- Thuốc chẹn beta: Thường được dùng để điều trị chứng sợ, những loại thuốc này chặn adrenaline. Đó là hormone làm tăng nhịp tim và huyết áp khi sợ hãi hoặc lo lắng. Bác sĩ có thể kê thuốc chẹn beta để dùng thường xuyên hoặc chỉ khi người bệnh biết mình sẽ ở gần những thứ có thể kích hoạt chứng sợ lỗ.
- Thuốc an thần: Thuốc an thần, như benzodiazepin, có thể giúp người bị Trypophobia cảm thấy bình tĩnh, thư giãn. Nhưng chúng không phải là giải pháp lâu dài tốt cho chứng lo âu nói chung hoặc chứng sợ lỗ nói riêng. Đặc biệt thuốc này có thể gây nghiện, không tự ý lạm dụng dùng dài ngày.
5.5 Thực hiện lối sống lành mạnh
Ngoài liệu pháp tâm lý và sử dụng thuốc có thể giúp bạn kiểm soát hội chứng sợ lỗ, thì chế độ sinh hoạt lành mạnh cũng hỗ trợ sức khỏe tinh thần hiệu quả.
- Ngủ đủ giấc mỗi đêm: Đối với hầu hết mọi người, ngủ ít nhất 7-9 tiếng mỗi đêm.
- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng: chế độ ăn với nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt.
- Hạn chế thực phẩm có nhiều đường: Lượng đường trong máu tăng đột biến có thể gây cảm giác lo lắng.
- Tập thể dục thường xuyên: các này giúp tăng cường serotonin và các chất hóa học khác trong não giúp giảm lo âu.
- Hạn chế sử dụng chất kích thích: Giảm lượng caffeine, rượu bia, hút thuốc sẽ giảm cảm giác bồn chồn.
- Gặp gỡ những người bị giống mình: Tham gia nhóm hỗ trợ dành cho những người mắc chứng sợ lỗ hoặc các chứng sợ hãi khác
- Hãy nhờ bạn bè và gia đình giúp bạn đối mặt với nỗi sợ hãi.
- Áp dụng những gì học được trong quá trình trị liệu vào cuộc sống thực.
5.6 Biến chứng của Trypophobia
Những người không mắc chứng sợ lỗ có thể không hiểu được những gì người sợ đang trải qua. Nhưng các triệu chứng của chứng sợ lỗ có thể ảnh hưởng lớn đến sức khỏe cả tinh thần và thể chất của người bị. Các biến chứng mà Trypophobia có thể gây ra, chẳng hạn như:
Rối loạn lo âu: Rối loạn lo âu hay hội chứng rối loạn tâm trạng khác thường sẽ xuất hiện sau một thời gian bị hội chứng sợ lỗ kéo dài. Các nghiên cứu cho thấy những người mắc chứng sợ hãi thường bị trầm cảm, lo âu hoặc các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Ngoải ra khả năng tự tử của họ cũng có thể tăng lên.
Căng thẳng mãn tính: người bị mắc hội chứng sợ lỗ có thể bị lo lắng mọi lúc và liên tục cố gắng tránh các tác nhân gây sợ hãi.
Lạm dụng ma túy và rượu: người bệnh có thể dùng ma túy hoặc rượu để làm dịu thần kinh trước những tác nhân gây ra chứng sợ lỗ.
Rối loạn giấc ngủ: Mất ngủ hoặc các vấn đề về giấc ngủ khác thường gặp ở những người mắc chứng lo âu, trầm cảm hoặc ám ảnh sợ hãi.
Cô lập xã hội: Có thể gặp rắc rối với công việc hoặc các mối quan hệ nếu không thể tham gia vào thế giới xung quanh. Trẻ em mắc chứng ám ảnh không được điều trị có thể không có bạn và dễ mắc chứng tự kỷ.
6 Một vài câu hỏi khác thường gặp về hội chứng sợ lỗ
6.1 Những ai dễ mắc chứng sợ lỗ?
Nhìn chung, phụ nữ có nhiều khả năng mắc chứng sợ lỗ hơn nam giới . Khả năng biểu hiện các triệu chứng sợ lỗ tăng lên nếu bạn hiện đang mắc chứng trầm cảm, lo âu, hoặc rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
6.2 Hội chứng sợ lỗ có thể tự chẩn đoán được không?
Không có cách nào được nghiên cứu để chẩn đoán chứng sợ lỗ. Tuy nhiên, bạn có thể tự kiểm tra xem mình có mắc chứng này hay không bằng cách xem những hình ảnh có lỗ tròn, có thể rất dễ tìm thấy trên internet. Nếu chỉ thấy khó chịu với những hình ảnh này, thì có thể bạn chỉ bị nhẹ.
6.3 Hội chứng sợ lỗ kéo dài bao lâu?
Thời gian mắc chứng sợ lỗ phụ thuộc vào tình trạng cụ thể của mỗi người. Một số người thấy các triệu chứng này gây ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc sống, gây ám ảnh hàng ngày. Những người khác chỉ cần không nhìn thấy tác nhân nguy cơ thì có thể hết hoàn toàn các triệu chứng.
7 Kết luận
Với phương pháp điều trị phù hợp, có thể kiểm soát được chứng sợ lỗ. Tuy nhiên không có một phương pháp điều trị đúng đắn nào, vì vậy có thể cần thử một vài phương pháp khác nhau hoặc kết hợp liệu pháp và thuốc để tìm cách phù hợp nhất. Hi vọng những thông tin trong bài viết trên đã giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về hội chứng sợ lỗ, nguyên nhân cũng như phương pháp điều trị Trypophobia.
8 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Juan Carlos Martínez-Aguayo,1,2 Renzo C. Lanfranco và cộng sự (Ngày đăng 9 tháng 2 năm 2018) Trypophobia: What Do We Know So Far? A Case Report and Comprehensive Review of the Literature. Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2024
- Tác giả Michelle Vlok-Barnard and Dan J. Stein (Ngày đăng 13 tháng 4 năm 2017) Trypophobia: an investigation of clinical features. Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2024
- Tác giả An T D Le 1, Geoff G Cole, Arnold J Wilkins (Ngày đăng 11 tháng 3 năm 2015) Assessment of trypophobia and an analysis of its visual precipitation Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2024
- Tác giả Wang Can Zhao Zhuoran, Jin Zheng (Ngày đăng 18 tháng 1 năm 2017) Is Trypophobia a Phobia? Pubmed. Truy cập ngày 12 tháng 7 năm 2024