1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Hội chứng ruột kích thích: nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng ruột kích thích: nguyên nhân và cách điều trị

Hội chứng ruột kích thích: nguyên nhân và cách điều trị

Trungtamthuoc.com - Theo thống kê, tỉ lệ người mắc phải hội chứng ruột kích thích chiếm tới 15 - 20% dân số toàn thế giới, trong nó số nữ giới gấp 2 - 4 lần ở nam giới tùy thuộc vào hoàn cảnh môi trường và xã hội. Độ tuổi có nguy cơ bị co thắt đại tràng cao nhất là từ 30 - 50 tuổi.

1 Định nghĩa

Hội chứng ruột kích thích hay còn có nhiều tên gọi khác như viêm đại tràng co thắt, co thắt đại tràng,... là tình trạng chức năng của đại tràng bị rối loạn.

Hội chứng này thường tái đi tái lại nhiều lần, gồm một nhóm các biểu hiện của rối loạn tiêu hóa nhưng cấu trúc và sinh hóa đường tiêu hóa thì không bị tổn hại.

Theo thống kê, tỉ lệ người mắc phải hội chứng ruột kích thích chiếm tới 15 - 20% dân số toàn thế giới, trong nó số nữ giới gấp 2 - 4 lần ở nam giới tùy thuộc vào hoàn cảnh môi trường và xã hội. Độ tuổi có nguy cơ bị co thắt đại tràng cao nhất là từ 30 - 50 tuổi.[1]

Hội chứng ruột kích thích
Hội chứng ruột kích thích

2 Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân gây ra hội chứng ruột kích thích hiện nay vẫn chưa được xác định cụ thể. Tuy nhiên, các vấn đề sau có thể được coi là yếu tố thúc đẩy sự phát sinh của bệnh:

Thần kinh bị căng thẳng, stress.

Ăn các đồ ăn nhiều dầu mỡ, cay nóng, uống rượu bia, cafe,... không có lợi cho tiêu hóa.

Nhiễm trùng đường tiêu hóa cấp tính điều trị bằng kháng sinh.

Công việc thường phải ngồi một chỗ (nhân viên văn phòng…).

Khả năng hấp thu của đường tiêu hóa kém hoặc gười bệnh bị dị ứng với đồ ăn.

Yếu tố di truyền: trong gia đình có người bị hội chứng này.

3 Các triệu chứng thường gặp

Hội chứng ruột kích thích thường có các biểu hiện sau:

  • Đau bụng: là triệu chứng chủ yếu, thường xuất hiện sau khi ăn no. Đau ở vùng bụng dưới và giảm sau khi đi đại tiện.
  • Tiêu chảy: bệnh nhân đi cầu trên 3 lần mỗi ngày, phân lỏng hoặc nát, có thể lẫn nhầy nhưng không có máu.
  • Táo bón: đi cầu dưới 3 lần/tuần, phân rắn chắc với lượng ít, có thể xen lẫn với tiêu chảy.

Ngoài ra, cơ thể còn có một số biểu hiện khác như trên bụng nổi cục cứng do đại tràng bị phình to, có cảm giác hồi hộp căng thẳng kèm theo nhịp tim nhanh, đau đầu, chóng mặt, ngủ không ngon giấc,...[2]

4 Chẩn đoán bệnh

Để đánh giá chẩn đoán hội chứng ruột kích thích cần dựa vào các tiêu chuẩn Rome IV (được công bố và áp dụng toàn thế giới năm 2016).

Đau bụng trong ít nhất 3 tháng, cơn đau xuất hiện ít nhất 1 ngày/ tuần.

Kèm theo đó là 2 trong số các dấu hiệu sau:

  • Cơn đau bụng giảm đi sau khi đi đại tiện hoặc trung tiện.
  • Đi cầu trên 3 lần/ngày hoặc dưới 3 lần/tuần.
  • Hình dạng phân thay đổi bất thường, có thể rắn hoặc lỏng nhão.
  • Các triệu chứng trên bắt đầu từ it nhất 6 tháng trước.

Để chẩn đoán chính xác bệnh cần loại trừ các bệnh lý có triệu chứng tương tự như viêm đại tràng, polyp, ung thư,... (có tổn thương ở đại tràng).

Các cơn đau bụng thường xuyên
Các cơn đau bụng thường xuyên

Các xét nghiệm cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh:

  • Nội soi đại tràng, siêu âm bụng, chụp CT để loại trừ các bệnh có thương tổn đại tràng.
  • Xét nghiệm phân tìm máu trong phân hoặc ký sinh trùng.
  • Xét nghiệm máu để kiểm soát, đánh giá và loại trừ các nguyên nhân khác.[3]

5 Điều trị hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích không có tổn thương thực thể, bệnh có thể tái đi tái lại nhiều lần do thói quen ăn uống, tâm lý của người bệnh không ổn định. Việc điều trị bệnh phải kết hợp cả dùng thuốc và không dùng thuốc.

5.1 Điều trị không dùng thuốc

Lắng nghe và trấn an tinh thần bệnh nhân, khuyên bệnh nhân nên thả lỏng tinh thần, tránh để đầu óc căng thẳng, không làm việc quá sức.

Ngủ nghỉ điều độ đủ giấc 7 - 8 tiếng/ngày và hạn chế thức đêm.

Bỏ thói quen ăn các thực phẩm không lành mạnh như đồ béo, nhiều dầu mỡ, đồ cay nóng, rượu bia,... Thay vào đố là các loại thực phẩm nhiều chất xơ như rau xanh, hoa quả. Kết hợp với ăn đúng bữa, ăn chậm, nhai kĩ,...

Thường xuyên vận động, đi lại vì ngồi nhiều một chỗ cũng khiến bệnh lâu khỏi hơn.

5.2 Điều trị bằng thuốc

Việc điều trị bằng thuốc chủ yếu là điều trị các triệu chứng nổi bật. Gồm các nhóm sau:

5.2.1 Thuốc tác động nhu động ruột

Nhóm thuốc này có tác dụng chống co thắt, giúp giảm triệu chứng đau bụng. Có thể dùng 1 trong 2 loại sau:

  • Thuốc ức chế phó giao cảm như Atropin (dạng tiêm) hoắc dẫn xuất của atropin là hyoscin (dạng viên). Lưu ý không dùng cho người bí tiểu, bị glaucoma.
  • Thuốc giãn cơ trơn như Spasmaverine, Alverin, Drotaverin, Trimebutin,... Các thuốc này có ưu điểm là ít tác dụng phụ và thường không có chống chỉ định.

5.2.2 Thuốc làm giảm tình trạng tiêu chảy

Thuốc chống tiêu chảy thường dụng là Loperamide liều 1 viên/lần, mỗi ngày uống 2 - 3 lần.

Thuốc bảo vệ niêm mạc ruột như Smecta hay Actapulgite mỗi lần 1 gói, ngày 2 - 3 lần.

Thuốc điều trị triệu chứng tiêu chảy
Thuốc điều trị triệu chứng tiêu chảy

5.2.3 Thuốc làm giảm tình trạng táo bón (nhuận tràng)

Các thuốc chứa chất xơ như Igol, Equate,... giúp làm mềm khối phân. Thuốc này phù hợp với những người ít ăn rau nhưng không dùng cho người ít uống nước.

Các thuốc làm mềm phân nhờ tác dụng kéo nước vào lòng ruột và giữ nước như Sorbitol, Lactulose.

Các thuốc kích thích chức năng bài tiết của ruột.

5.2.4 Thuốc giải lo âu - an thần

Thường sử dụng khi nguyên nhân chính khiến bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích là quá lo âu, stress.

Thường dùng Diazepam hàm lượng 5mg. Uống 1 viên vào buổi tối.

Có thể dùng thay thế bằng Sulpiride hàm lượng 50mg. Dùng 2-3 lần một ngày, mỗi lần 1 viên.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Jenifer K Lehrer, MD (Ngày đăng: ngày 11 tháng 12 năm 2019). Irritable Bowel Syndrome (IBS), Medscape. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Jabeen Begum, MD (Ngày đăng: ngày 18 tháng 10 năm 2021). Irritable Bowel Syndrome (IBS), WebMD. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: nhân viên phòng khám Mayo (Ngày đăng: ngày 01 tháng 12 năm 2021). Irritable bowel syndrome, Mayo Clinic. Truy cập ngày 22 tháng 12 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 3 Thích

    Liều dùng các thuốc chống co thắt như nào?


    Thích (3) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Hội chứng ruột kích thích: nguyên nhân và cách điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Hội chứng ruột kích thích: nguyên nhân và cách điều trị
    TT
    Điểm đánh giá: 5/5

    Cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn nhiệt tình cho mình.

    Trả lời Cảm ơn (5)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595