Biện pháp phòng ngừa và điều trị hội chứng Raynaud
Trungtamthuoc.com - Hội chứng Raynaud là một chứng rối loạn hiếm gặp của mạch máu, thường xảy ra ở ngón tay và ngón chân. Các mạch máu thu hẹp lại khi bạn bị lạnh hoặc cảm thấy căng thẳng. [1]
1 Hội chứng Raynaud là gì?
Hội chứng Raynaud là một từ ngữ để chỉ tình trạng co thắt các mạch máu ngoại vi khiến lượng máu được đưa tới các mô bị giảm nghiêm trọng gây ra thiếu máu cục bộ.
Những vùng ảnh hưởng nhiều nhất là các đầu ngón tay, nhón chân, đôi khi là tai, chóp mũi, núm vú, môi,... bởi các vùng này là vùng cực cách xa tim nhất.
Theo thống kê thì hội chứng này xảy ra ở khoảng 4% dân số thế giới và phổ biến hơn ở phụ nữ. Độ tuổi khởi phát bệnh là từ 15-30 tuổi.
2 Nguyên nhân gây bệnh
Khi trời lạnh, cơ thể bạn cố gắng bảo toàn nhiệt độ. Làm chậm lưu lượng máu đến các khu vực xa tim nhất - bàn tay và bàn chân là một trong những cách đó. Lúc này các mạng lưới các động mạch nhỏ dẫn máu đến những điểm đó thu hẹp hơn, di chuyển chúng ra khỏi da của bạn. Đây được gọi là phản ứng vận mạch.
Trong trường hợp người mắc hội chứng Raynaud, những động mạch co lại nhiều hơn và nhanh hơn bình thường. Điều đó có thể làm cho ngón tay và ngón chân của bạn cảm thấy tê liệt và đổi màu thành trắng hoặc xanh. Điều này thường kéo dài khoảng 15 phút. Khi các động mạch giãn ra và cơ thể bạn ấm lên trở lại, các ngón tay của bạn cảm thấy ngứa ran và chuyển sang màu đỏ trước khi trở lại bình thường. [2]
Raynaud có thể tự xảy ra, được gọi là dạng vô căn. Hoặc nó có thể xảy ra cùng với các bệnh khác, được gọi là dạng thứ phát. Các bệnh thường liên quan đến Raynaud là:
- Bệnh lý nền như xơ cứng bì hệ thống, Lupus ban đỏ hệ thống, hội chứng Sjogre,... chiếm tới 50% nguồn gốc gây ra hội chứng Raynaud.
- Sử dụng một số loại thuốc điều trị đau nửa đầu có chứa ergotamin, thuốc điều trị ung thư, thuốc tránh thai,...
- Bệnh do nghề nghiệp khiến người bệnh bị nhiễm độc kim loại, vanyl cloric hay một số chất khác nặng; chấn thương do tai nạn, bỏng lạnh; tác động cơ học do đánh máy, chơi đàn, dùng máy khoan, cưa,...
- Mạch máu bị tắc mạch, huyết khối,...
- Một số bệnh lý khác như viêm khớp dạng thấp, đa hồng cầu, viêm bì cơ,...
3 Triệu chứng và chẩn đoán
3.1 Những đối tượng có nguy cơ mắc Raynaud
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này, chẳng hạn như:
- Mô liên kết hoặc bệnh tự miễn.
- Phơi nhiễm hóa chất.
- Hút thuốc lá.
- Chấn thương.
- Có hoạt động lặp đi lặp lại, chẳng hạn như đánh máy hoặc sử dụng các công cụ rung như búa khoan.
- Tác dụng phụ từ một số loại thuốc. [3]
3.2 Triệu chứng lâm sàng
Hội chứng Raynaud thường gặp vào lúc thời tiết trở lạnh hoặc tiếp xúc với các vật lạnh, cũng có thể là stress tâm lý với triệu chứng khởi phát là tình trạng thay đổi màu sắc da các đầu ngón tay, ngón chân, ban đầu là 1 ngón sau đó lan ra nhiều ngón khác. Các ngón tay trắng bệch, nhợt nhạt, lạnh tê và mất cảm giác do mạch máu co thắt khiến máu không lưu thông dược đến các vùng này. Sau đó, vùng này chuyển sang màu xanh tái, tím đỏ do thiếu oxy và sưng lên.
Sự biến đổi màu sắc trên da có thể khác nhau ở những người bệnh khác nhau. Sau khi tuần hoàn máu được lưu thông da sẽ hồng hào như bình thường nhưng kèm theo cảm giác ngứa, nóng rát.
Diễn tiến của những cơn phát bệnh rất nhanh, có khi chưa tới 1 phút, nhưng cũng có người bị tới vài giờ, vài ngày, vài tuần. Trường hợp bị nặng có thể bị hoại tử ngón.
Ngạt trắng là một dấu hiệu quan trọng giúp phân biệt hội chứng Raynaud với chứng tím tái đầu chi thông thường.
3.3 Cận lâm sàng
Các thủ thuật cận lâm sàng thường áp dụng để chẩn đoán bệnh là:
Test lạnh: gắn nhiệt kế đặc biệt vào đầu ngón rồi nhúng vào nước đá, sau khi lấy ra thì đo thời gian để nhiệt độ ngón trở lại bình thường. Nếu bị hội chứng Raynaud thì thời gian để da trở về trạng thái ban đầu ít nhất là 20 phút.
Soi mạch ở nếp gấp móng: nhỏ một giọt dầu ở gốc móng và quan sát móng tay bằng kính lúp để tìm các động mạch bất thường.
Tìm các tự kháng thể.
Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu.
Chụp Dopler mạch: giảm lưu lượng máu vi tuần hoàn.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hội chứng Raynaud bởi vậy cần tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Ngoài ra cũng cần phân biệt, tránh nhầm lẫn với tình trạng cước lạnh hay chứng thâm tím đầu chi.
4 Bệnh Raynaud có nguy hiểm không?
Điều trị bệnh Raynaud tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của nó và liệu bạn có mắc các tình trạng sức khỏe khác hay không. Đối với hầu hết mọi người, bệnh Raynaud không gây tàn phế, nhưng nó có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bạn. Nếu bệnh Raynaud thứ phát nghiêm trọng - hiếm gặp - thì việc giảm lưu lượng máu đến ngón tay hoặc ngón chân của bạn có thể gây tổn thương mô. [4]
Mục đích của việc điều trị là hạn chế mức độ nghiêm trọng và tần suất xuất hiện của hội chứng Raynaud.
Với các cơn phát bệnh nhẹ và không thường xuyên bệnh nhân không cần dùng thuốc mà chỉ thực hiện các biện pháp phòng ngừa như:
- Hạn chế dùng nước lạnh, đi ra ngoài vào mùa lạnh.
- Sử dụng găng tay, tất chân và mặc nhiều để giữ ấm cho cơ thể.
- Mùa nóng cũng hạn chế dùng nước đá, thay đổi nhiệt độ đột ngột.
- Hạn chế kích động, thay đổi cảm xúc thất thường.
- Chú ý tránh bị chấn thương, nhiễm khuẩn ngoài da.
- Bỏ hút thuốc lá.
Với trường hợp bệnh nặng, kéo dài liên tục hoặc hay tái phát mà dù có áp dụng đúng các biện pháp phòng ngừa cũng không có hiệu quả thì người bệnh cần phải điều trị bằng thuốc như:
- Thuốc chẹn kênh canxi: Nifedipine liều ban đầu 5mg, nagyf 3 lần, có thể tăng tới 60mg mỗi ngày nếu cần.
- Các thuốc kháng adrenergic: razosin 500µg, ngày 2 lần, sau 3-7 ngày có thể tăng liều lên 1-2mg/ngày.
- Nitroglycerin 1-2% dạng kem bôi da.
Trường hợp bệnh nhân bị co mạch nặng, cấp tính, có nguy cơ bị hoại tử cao cần cho bệnh nhân dùng ngay:
- Nifedipin 10-20mg.
- Prostaglandin E1 truyền tĩnh mạch liên tục nhiều giờ tỏng 3 ngày.
- Dùng Lidocain hoặc Bupivacain hydrochlorid để giảm đau cho bệnh nhân.
- Nếu có biến chứng hoạt tử, loét cần phẫu thuật ngay, thậm chí có thể phải cắt chi.
Trường hợp bị loét ngón bệnh nhân sẽ cảm thấy rất đau và mất tới vài tuần thậm chí là vài tháng mới hồi phục hoàn toàn. Xử trí bằng cách:
- Ngâm tay/chân trong dung dịch sát trùng ấm 2 lần/ngày để làm mềm và bong vảy các mô hoại tử.
- Lau, sấy khô rồi bôi mỡ kháng sinh và băng lại.
- Dùng thuốc chẹn kênh Canxi nếu cần.
- Dùng thuốc giảm đau gây ngủ để giảm phản xạ co mạch, tránh thiếu máu cục bộ.
- Nếu bị nhiễm trùng phải dùng kháng sinh như: dicloxacillin (người lớn 250mg, cách 6h uống 1 lần) hoặc Cephalosporin (người lớn và trẻ em > 12 tuổi: 500mg x 3 lần/ngày, 5-12 tuổi: 250mg x 3 lần/ngày, 1-5 tuổi:125 mg x 3 lần/ngày).
Trường hợp bị hoại tử nặng cần pháp dụng các phương pháp can thiệp như:
- Cắt các dây TKGC phản ứng quá mức, nhờ đó giảm tần suất đợt cấp.
- Tim hóa chất phong bế dây TKGC.
- Cắt cụt vùng bị hoại tử nếu các phương pháp điều trị khác không đem lại hiệu quả.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Medlineplus, Raynaud's Disease, Medlineplus. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: chuyên gia của WebMD, Raynaud’s Disease and Raynaud’s Syndrome, WebMD, Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Hopskinmedicines, Raynaud's Phenomenon, Hopskinmedicines.org. Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021
- ^ Tác giả: chuyên gia của Mayoclinic, Raynaud's disease, Mayoclinic, Truy cập ngày 21 tháng 10 năm 2021