1. Trang chủ
  2. Sản - Phụ Khoa
  3. Hội chứng quá kích buồng trứng: định nghĩa, phân loại và điều trị

Hội chứng quá kích buồng trứng: định nghĩa, phân loại và điều trị

Hội chứng quá kích buồng trứng: định nghĩa, phân loại và điều trị

Trungtamthuoc.com - Hội chứng quá kích buồng trứng là một phản ứng quá mức đối với lượng hormone dư thừa. Nó thường xảy ra ở phụ nữ dùng thuốc tiêm hormone để kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng. Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) khiến buồng trứng sưng và đau. [1] Có thể kèm theo các biểu hiện như tăng cân, nôn mửa và khó thở nêu tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

1 Quá kích buồng trứng là gì?

Hội chứng quá kích buồng trứng (OHSS) là biến chứng nghiêm trọng nhất của quá trình kích thích buồng trứng có kiểm soát (COH) để hỗ trợ sinh sản, đặc trưng bởi một loạt các dấu hiệu và triệu chứng bao gồm chướng bụng và khó chịu, buồng trứng mở rộng, cổ trướng và các biến chứng khác của tăng tính thấm thành mạch. [2] Định nghĩa một cách chặt chẽ thì đây là sự chuyển dịch huyết thanh từ khoang nội mạch sang khoang thứ ba, chủ yếu là khoang bụng, trong khi buồng trứng mở rộng do kích thích nang trứng. Ở dạng rất nặng, OHSS là một tình trạng đe dọa tính mạng.

Hội chứng quá kích buồng trứng có thể gặp phải trong quá trình điều trị vô sinh bằng biện pháp sử dụng các loại thuốc tiêm kích trứng (tiêm hormone kích thích sự phát triển của trứng trong buồng trứng nhằm hỗ trợ khả năng có thai).

Nhãn

Hàm lượng hormone được tiêm quá nhiều vào cơ thể là nguyên nhân chính dẫn đến hội chứng quá kích buồng trứng, khiến buồng trứng sưng lên và đau đớn. Có thể kèm theo các biểu hiện như tăng cân, nôn mửa và khó thở nêu tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

2 Phân loại mức độ nặng

Nhẹ: Căng bụng, đau bụng nhẹ; kích thước buồng trứng dưới 5cm; Hct dưới 41%. Thường gặp ở phụ nữ thụ tinh trong ống nghiệm với tỉ lệ là 33%

Vừa: Đau bụng mức độ trung bình, căng bụng nhiều, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, dấu hiệu dịch ổ bụng trên siêu âm; kích thước buồng trứng từ 5-12cm; Hct từ 41-45%; bạch cầu 10.000- 15.000/mm3.

Nặng: Rối loạn chức năng gan, phù toàn thân, căng bụng rất nhiều, khó thở và thở nhanh, đau bụng vùng thấp, hạ huyết áp, thiểu niệu, tràn dịch màng phổi. Kích thước buồng trứng trên 12cm. Hct từ 45-55%. Bạch cầu: 15.000-25.000/ mm3. Creatinine 1-1,5 mg/dl, thanh thải creatinine ≥50ml/phút, hạ natri máu, tăng Kali máu.

Rất nặng: Tràn dịch ổ bụng, dịch màng phổi rất nhiều, tràn dịch màng tim, suy thận, thuyên tắc mạch, hội chứng suy hô hấp cấp, thiểu niệu hoặc vô niệu, thiếu oxy máu. Hct trên 55%. Bạch cầu: > 25.000/ mm3. Creatinine >1,5 mg/dl, thanh thải creatinine < 50ml/phút.

3 Điều trị hội chứng quá kích buồng trứng

3.1 Nguyên tắc điều trị

  • Điều trị nội khoa chủ yếu (bù dịch, điện giải và giải áp sớm), hạn chế các can thiệp ngoại khoa.
  • Chỉ can thiệp ngoại khoa khi buồng trứng vỡ, xuất huyết nội, buồng trứng bị xoắn.
  • Dự phòng quá kích buồng trứng là quan trọng.
  • Theo dõi điều trị tùy theo mức độ nhẹ, nặng của hội chứng quá kích buồng trứng.

3.2 Quá kích buồng trứng nhẹ và vừa

Có thể theo dõi điều trị ngoại trú.

Nghỉ ngơi nhiều với tư thế nâng cao chân. Điều này giúp cơ thể bạn giải phóng chất lỏng. Hoạt động nhẹ nhàng thỉnh thoảng sẽ tốt hơn là nghỉ ngơi hoàn toàn trên giường.

Uống ít nhất 10 đến 12 ly (khoảng 1,5 đến 2 lít) chất lỏng mỗi ngày (đặc biệt là đồ uống có chứa chất điện giải).

Tránh uống rượu hoặc đồ uống có chứa caffein (chẳng hạn như cola hoặc cà phê).

Tránh tập thể dục cường độ cao và quan hệ tình dục. Những hoạt động này có thể gây khó chịu cho buồng trứng và có thể khiến u nang buồng trứng bị vỡ hoặc rò rỉ, hoặc khiến buồng trứng bị xoắn và cắt đứt dòng máu (xoắn buồng trứng).

Uống thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen (Tylenol). [3]

Theo dõi: Đo vòng bụng, cân nặng mỗi ngày, theo dõi lượng nước tiểu mỗi ngày.

Tái khám ngay khi có dấu hiệu chuyển nặng:

  • Nôn nhiều, không uống được, tiêu chảy.
  • Khó thở.
  • Cân nặng và vòng bụng tiếp tục tăng nhanh.
  • Tiểu ít đi (dưới 500ml nước tiểu/24h).

Nếu có dịch ổ bụng lượng vừa, tổng trạng mệt, tiên lượng tình trạng có thể nặng thêm: chọc dịch sớm qua đường âm đạo, triệu chứng có thể cải thiện rõ rệt sau khi rút dịch (có thể lặp lại khi cần). Bồi hoàn sớm đạm, điện giải và kháng sinh dự phòng sau khi rút dịch.

Điều trị hội chứng quá kích buồng trứng

3.3 Quá kích buồng trứng nặng

Nhập viện điều trị: Qúa kích buồng trứng nặng và rất nặng điều trị tại hồi sức.

Điều trị cụ thể:

Tăng áp lực keo nội mạch: có thể dùng Albumin 25% 50ml – 100ml/ngày.

Cân bằng nước điện giải:

  • Natri clorid 0,9% (500-1000 ml/ngày).
  • Glucose 5% (500-1000 ml/ngày).
  • Hạn chế sử dụng Ringer Lactat vì quá kích buồng trứng có sẵn tình trạng tăng Kali máu.

Có thể chọc dẫn lưu ổ bụng giải áp khi có các triệu chứng sau:

  • Bụng quá căng.
  • Khó thở.
  • Thiểu niệu.
  • Ăn uống kém, suy kiệt do bụng căng.

Trong trường hợp nặng, khó thở, tràn dịch màng phổi, màng tim: chọc dò, dẫn lưu màng phổi, màng tim để điều trị triệu chứng.

  • Màng phổi: khi có tràn dịch màng phổi nặng gây khó thở do chèn ép nhu mô phổi, giảm chức năng hô hấp, SpO2< 90%.
  • Màng tim: khi có tràn dịch màng tim làm suy giảm chức năng co bóp của tim.

Trường hợp quá kích buồng trứng nặng nguy cơ suy thận: cân nhắc dùng Dopamin liều thấp (0,18 mg/kg/h)

Nếu tình trạng quá kích buồng trứng diễn tiến ngày càng nặng thêm, không đáp ứng với các biện pháp điều trị, suy đa cơ quan đe dọa tính mạng bệnh nhân: cân nhắc chấm dứt thai kỳ.

3.4 Chế độ theo dõi

Cân nặng, vòng bụng mỗi 24 giờ. Lưu ý xem lại tình trạng bệnh khi cân nặng tăng ≥ 1kg/ngày.

Lượng dịch vào, ra cơ thể mỗi 12 giờ. Theo dõi lượng nước tiểu, điều chỉnh sao cho lượng nước tiểu thu được mỗi ngày phải nhiều hơn tổng lượng nước cho vào cơ thể.

Dấu hiệu sinh tồn /6 giờ.

Công thức máu, Hct, Ion đồ, Albumin máu mỗi 24 giờ.

Chức năng gan, thận, chức năng đông máu mỗi 2 ngày.

4 Những đối tượng cần chú ý đề phòng

Triệu chứng quá kích buồng trứng

Chú ý theo dõi những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao trong quá trình kích thích buồng trứng để có hướng dự phòng và điều trị kịp thời:

  • Tuổi dưới 35.
  • Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
  • Sử dụng FSH trong kích thích buồng trứng.
  • Tiền căn quá kích buồng trứng.
  • Nồng độ Estradiol trong máu > 6000 pg/ml trước tiêm hCG.
  • Nồng độ Estradiol tăng nhanh trong quá trình kích thích buồng trứng.
  • Có nhiều nang (>15 nang) có kích thước trung bình và nhỏ (12-14mm) ở 2 buồng trứng.

Khi bạn bắt đầu gặp các triệu chứng sau, hãy liên hệ với bác sĩ ngay:

  • Khó thở.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Nôn mửa.
  • Tăng cân hơn 1kg/ngày.
  • Chóng mặt.
  • Đi tiểu thường xuyên. [4]

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Ovarian hyperstimulation syndrome, Mayoclinic. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Cristiano E Busso, MDSérgio Reis Soares, MDAntonio Pellicer, MD, Management of ovarian hyperstimulation syndrome, Uptodate. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của Medlineplus, Ovarian hyperstimulation syndrome, Medlineplus. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, What Is Ovarian Hyperstimulation Syndrome?, WebMD. Truy cập ngày 11 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    Hội chứng quá kích buồng trứng: định nghĩa, phân loại và điều trị 5/ 5 1
    5
    100%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
    • Hội chứng quá kích buồng trứng: định nghĩa, phân loại và điều trị
      Q
      Điểm đánh giá: 5/5

      Nhà thuốc rất uy tín

      Trả lời Cảm ơn (0)
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900.888.633