1. Trang chủ
  2. Tim mạch - Mạch máu
  3. Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là gì? Có nguy hiểm không?

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là gì? Có nguy hiểm không?

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là gì? Có nguy hiểm không?

Trungtamthuoc.com - Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là tình trạng gây ra một số triệu chứng chẳng hạn như nhịp tim nhanh, chóng mặt và mệt mỏi khi bạn chuyển tư thế từ nằm sang ngồi dậy hay đứng lên đột ngột.

1 Tổng quát về Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

1.1 Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là gì?

Hầu hết mọi người đều đã trải qua tình huống khi đứng lên hoặc ngồi dậy đột ngột mà bị chóng mặt, tối sầm và cảm giác quay cuồng. Thường thì điều này xảy ra sau khi đã nằm nghỉ một thời gian dài, hoặc sau khi ngồi lâu, đặc biệt là sau khi trải qua một cơn bạo bệnh. Trong y khoa các bác sĩ thường chẩn đoán là do hạ huyết áp tư thế đứng (orthostatic hypotension). 

Khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng, máu trong cơ thể bị dồn xuống phần dưới, gây giảm áp lực máu ở phần trên cơ thể, đặc biệt là không đủ để cung cấp đến não, dẫn đến hiện tượng trên. Thường thì cơ thể tự điều chỉnh để đưa máu lên não ngay lập tức. 

Tuy nhiên, khi đứng dậy mà cảm thấy choáng váng, nguyên nhân không chỉ do tụt huyết áp, mà cũng có thể do nhịp tim tăng đột ngột, trong y khoa gọi là Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS - Postural Orthostatic Tachycardia Syndrome). Có thể xảy ra cả hai hiện tượng (hạ huyết áp và nhịp tim nhanh) hoặc chỉ một trong hai.

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS - Postural Orthostatic Tachycardia Syndrome)
Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS - Postural Orthostatic Tachycardia Syndrome)

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) là tình trạng khiến tim đập nhanh hơn bình thường để đáp ứng với sự thay đổi tư thế khi chuyển từ ngồi hoặc nằm sang đứng. Đây là một dạng không dung nạp tư thế đứng (Orthostatic Intolerance - OI) - tình trạng lượng máu quay về tim giảm quá mức sau khi một người đứng dậy từ tư thế nằm. Tuy nhiên, các triệu chứng này thường nhanh chóng cải thiện sau khi quay trở lại tư thế nằm ngửa. [1]

Mỗi thành phần trong cụm từ "Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế" đều có ý nghĩa riêng:

  • Tư thế - Postural: Liên quan đến vị trí của cơ thể.
  • Đứng - Orthostatic: Liên quan đến việc đứng thẳng.
  • Nhịp tim nhanh - Tachycardia: Tốc độ tim đập trên 100 nhịp mỗi phút.
  • Hội chứng - Syndrome: Một tập hợp các triệu chứng xảy ra cùng nhau.

1.2 Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) tác động đến cơ thể như thế nào?

Thông thường, khi bạn đứng lên, trọng lực sẽ làm cho khoảng 10% đến 15% lượng máu trong cơ thể tập trung ở bụng, chân và cánh tay. Điều này dẫn đến lượng máu đến não ít hơn, gây ra tình trạng chóng mặt và choáng váng [2].

Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) tác động đến cơ thể như thế nào?
Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) tác động đến cơ thể như thế nào?

Khi xảy ra tình trạng này, hệ thần kinh thực vật sẽ kích hoạt một chuỗi phản ứng nhanh chóng để bù đắp lượng máu trở lại tim sau khi bạn đứng dậy. Cụ thể, cơ thể sẽ tiết ra các hormone epinephrine (adrenaline) và norepinephrine. Những hormone này thường làm tăng nhịp tim và làm co mạch máu. Kết quả là, lượng máu quay trở lại tim và não sẽ tăng lên.

Tuy nhiên, người bị POTS thường có xu hướng tập trung một lượng máu lớn hơn vào các mạch máu phía dưới tim khi họ đứng lên. Cơ thể của họ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều hormone norepinephrine hoặc epinephrine hơn để làm co mạch máu và tăng cường lưu thông máu trong cơ thể. Tuy nhiên, do nhiều lý do mà mạch máu của những người mắc POTS không phản ứng bình thường với những hormone này. Mặc dù vậy, tim của họ vẫn phản ứng với norepinephrine và epinephrine, vì vậy nhịp tim của họ thường tăng lên.

Sự mất cân bằng này gây ra nhiều triệu chứng khác nhau, bao gồm chóng mặt, choáng váng, ngất xỉu và kiệt sức.

1.3 Những ai có thể mắc Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)?

Bất cứ ai ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi đều có thể mắc Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS). Tuy nhiên phần lớn những người mắc POTS là phụ nữ, đặc biệt những người nằm trong độ tuổi sinh sản, cụ thể từ 15 đến 50 tuổi. 

Nguy cơ mắc POTS tăng lên sau khi có các yếu tố sau đây:

  • Thiếu máu.
  • Các bệnh tật nghiêm trọng, bao gồm các bệnh do virus, bệnh bạch cầu đơn nhân hoặc nhiễm trùng nặng.
  • Phụ nữ có thai
  • Sau các chấn thương đặc biệt chấn thương vùng đầu
  • Sau các cuộc đại phẫu
  • Những người mắc một số bệnh tự miễn nhất định , chẳng hạn như hội chứng Sjogren , bệnh lupus ban đỏ và bệnh Celiac, cũng có nhiều khả năng phát triển POTS hơn.

1.4 Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) có nguy hiểm không?

POTS không được coi là một tình trạng nghiêm trọng đe dọa tính mạng, nhưng nó có thể gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày và công việc. May mắn là có nhiều phương pháp điều trị và chiến lược khác nhau có thể giúp cải thiện các triệu chứng.

2 Triệu chứng của Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

Thông thường, các triệu chứng xảy ra ngay lập tức hoặc vài phút sau khi ngồi dậy hoặc đứng lên và nằm xuống có thể làm giảm một số triệu chứng. Bệnh nhân POTS gặp nhiều triệu chứng khác nhau, từ nhẹ đến nặng. Tình trạng cơ bản phổ biến nhất là giảm tưới máu não, có thể do nhịp tim nhanh quá mức, rối loạn chức năng thần kinh hoặc các nguyên nhân vô căn khác. 

Các triệu chứng xảy ra ngay lập tức hoặc vài phút sau khi ngồi dậy hoặc đứng lên
Các triệu chứng xảy ra ngay lập tức hoặc vài phút sau khi ngồi dậy hoặc đứng lên

Cụ thể, các triệu chứng bao gồm:

  • Tim đập nhanh hoặc nhịp tim nhanh (thường tăng vào buổi sáng nhiều hơn vào buổi tối): Trong POTS, nhịp tim tăng nhanh hơn 30 nhịp mỗi phút hoặc nhịp tim vượt quá 120 nhịp/phút trong vòng 10 phút sau khi tăng. Hay đứng lên ngồi xuống tim đập nhanh kèm khó thở.
  • Chóng mặt hoặc choáng váng, đặc biệt là khi đứng lên, khi đứng lâu ở một tư thế và thuyên giảm khi nằm xuống trở lại.
  • Hay quên và khó tập trung (sương mù não).
  • Choáng váng, mệt mỏi, toát mồ hôi, run, đánh trống ngực
  • Khuôn mặt nhợt nhạt và bàn tay và bàn chân chuyển sang màu tím nếu chúng ở vị trí thấp hơn tim.
  • Các biểu hiện ở đường tiêu hóa (ví dụ đầy hơi, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng) và các triệu chứng toàn thân (ví dụ lo lắng, kiệt sức/mệt mỏi, nhức đầu, đau ngực, rối loạn giấc ngủ, đau nửa đầu) cũng rất phổ biến. 
  • Các dấu hiệu khi khám thực thể có thể bao gồm tình trạng tăng động khớp, thay đổi cảm giác ngoại biên, phù ngoại biên, chứng xanh tím đầu chi và da ẩm ướt. 

Các triệu chứng POTS thường trở nên nặng hơn trong các tình huống sau:

  • Đứng thường xuyên trong khoảng thời gian dài chẳng hạn như khi đang xếp hàng chờ đợi hoặc mua sắm.
  • Luyện tập quá sức, tập thể dục cường độ mạnh
  • Khi bị bệnh, chẳng hạn như cảm lạnh hoặc sốt, viêm, nhiễm trùng.
  • Phụ nữ đang trong kỳ kinh nguyệt

3 Nguyên nhân gây ra Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định chính xác nguyên nhân gây ra Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng - POTS. Hiện tại, họ cho rằng có nhiều nguyên nhân và đã nhóm chúng thành các loại POTS khác nhau, bao gồm:

POTS do bệnh lý thần kinh: đây là nguyên nhân được cho là phổ biến nhất. Một số người có POTS có thể có các dị tật thần kinh tổn thương hệ thần kinh ngoại biên hay bị tổn thương các dây thần kinh sợi nhỏ kiểm soát lưu lượng máu ở chân tay và bụng dẫn đến rối loạn trong kiểm soát nhịp tim, huyết áp và tuần hoàn máu.

POTS do tăng adrenergic: Ước tính có khoảng 30 đến 60% bệnh nhân mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế thuộc nhóm tăng adrenergic, được đặc trưng bởi nồng độ norepinephrine trong huyết tương ở tư thế đứng cao lớn hơn hoặc bằng 600 pg/mL cùng với các triệu chứng chủ yếu là tăng trương lực giao cảm bao gồm đánh trống ngực, run, tăng huyết áp, lo lắng và nhịp tim nhanh.

POTS giảm thể tích máu: Có tới 70% bệnh nhân mắc hội chứng nhịp tim nhanh tư thế có biểu hiện giảm thể tích huyết tương, hồng cầu và tổng thể tích máu, mặc dù mức độ giảm thể tích máu khác nhau giữa các nghiên cứu. Thể tích máu thấp có thể gây ra các triệu chứng tương tự có thể chồng chéo lên nhau ở POTS bệnh thần kinh và cường adrenergic.

Bên cạnh cạnh đó, càng ngày có càng nhiều bằng chứng cho thấy POTS có thể là một bệnh tự miễn, tức là hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh mà không có nguyên nhân rõ ràng.

4 Chẩn đoán Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

Việc chẩn đoán Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS) có thể được thực hiện bằng test bàn nghiêng - tilt-table testing - đo huyết áp, mạch tư thế đứng. Cụ thể: 

  • Bệnh nhân được đặt nằm ngửa trên bàn nghiêng và cố định bệnh nhân bằng dây đai bảo vệ để tránh té ngã.
  • Theo dõi huyết áp, nhịp tim, độ bão hòa oxy và ghi lại các chỉ số đo cơ bản.
  • Cho bệnh nhân nằm ngửa trong 10 phút.
  • Ghi lại huyết áp, nhịp tim vào cuối giai đoạn đó.
  • Sau đó, nâng bàn nghiêng lên tới 80°, đo nhịp tim và huyết áp, rồi xem xét sự khác biệt.

Nếu nhịp tim tăng lên ít nhất 30 nhịp - tức là nhịp tim là 80 nhịp/phút khi bệnh nhân nằm và khi họ đứng lên, nó lên tới 110 nhịp/phút - đó được coi là POTS. Thông thường, những người này không mắc chứng hạ huyết áp thế đứng, tức là huyết áp không giảm đáng kể. Vấn đề chính của họ là tình trạng nhịp tim nhanh.

Test bàn nghiêng - tilt-table testing
Test bàn nghiêng - tilt-table testing

Theo một tuyên bố đồng thuận từ Hiệp hội Nhịp tim (Heart Rhythm Society), POTS được đặc trưng bởi các triệu chứng thường xuyên xảy ra khi đứng, chẳng hạn như chóng mặt, đánh trống ngực, run, suy nhược toàn thân, mờ mắt, không dung nạp khi tập thể dục và mệt mỏi. Nó cũng được định nghĩa là sự gia tăng nhịp tim ≥ 30 nhịp/phút khi chuyển từ tư thế nằm sang tư thế đứng (hoặc ≥ 40 nhịp/phút ở những người từ 12-19 tuổi). Cần phải không có hạ huyết áp thế đứng (nghĩa là huyết áp tâm thu giảm > 20 mm Hg). Nhịp tim đứng (tư thế đứng) của những người mắc POTS thường ≥ 120 nhịp/phút.

Tóm lại, POTS đã được các hiệp hội thần kinh, tim mạch và nhi khoa quốc tế lớn xác định qua các yếu tố sau [3]:

  1. Nhịp tim tăng liên tục không dưới 30 nhịp/phút trong vòng 10 phút chuyển tư thế từ nằm sang đứng. Đối với cá nhân từ 12 đến 19 tuổi, nhịp tim yêu cầu tăng ít nhất là 40 nhịp/phút; Và
  2. Không có hạ huyết áp thế đứng (tức là huyết áp tâm thu không giảm từ 20 mmHg trở lên); Và
  3. Các triệu chứng thường gặp của tình trạng không dung nạp tư thế đứng khi đứng, cải thiện nhanh chóng khi trở lại tư thế nằm ngửa. Các triệu chứng có thể bao gồm chóng mặt, đánh trống ngực, run rẩy, suy nhược toàn thân, mờ mắt và mệt mỏi; Và
  4. Thời gian của các triệu chứng ít nhất là 3 tháng; Và
  5. Không có các tình trạng khác giải thích cho tình trạng nhịp tim nhanh như bệnh tâm thần, rối loạn lo âu nguyên phát, thiếu máu, sốt, đau, nhiễm trùng, mất nước, cường giáp, pheochromocytoma, sử dụng thuốc(ví dụ thuốc cường giao cảm , thuốc kháng cholinergic) hoặc tình trạng suy nhược nghiêm trọng do nghỉ ngơi tại giường kéo dài.
Tiêu chí chẩn đoán POTS
Tiêu chí chẩn đoán POTS

Chẩn đoán phân biệt với hạ huyết áp thể đứng

Tiêu chuẩn chẩn đoán 2 hội chứng trên rất đơn giản:

  • Hạ huyết áp thể đứng - Orthostatic hypotension: huyết áp tâm thu giảm 20 mmHg, tâm trương giảm 10mmHg trong vòng 3 phút khi đứng lên. Hạ huyết áp thể đứng có nguy hiểm không? 

===> Để trả lời câu hỏi trên, mời quý bạn đọc xem thêm: Hạ huyết áp tư thế: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 

  • Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng - POTS: mạch tăng lên ≥ 30 nhịp/phút trong vòng 10 phút.  Người có hội chứng này nhịp tim có thể lên tới 120/phút.

5 Điều trị Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

Liệu pháp không dùng thuốc là phương pháp điều trị đầu tiên cho POTS, đây cũng là biện pháp được coi là hiệu quả nhất điều trị Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng. Điều này bao gồm việc ngừng sử dụng các loại thuốc có thể khiến tình trạng trở nên tồi tệ hơn, giáo dục bệnh nhân (ví dụ, tránh các tác nhân gây bệnh), giảm ứ đọng tĩnh mạch bằng băng ép chân và thay đổi chế độ ăn uống [4]

Nhìn chung, các phương pháp điều trị chính bao gồm:

  • Tập thể dục và hoạt động thể chất.
  • Chế độ ăn uống và dinh dưỡng.
  • Sử dụng thuốc
Phương pháp điều trị Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)
Phương pháp điều trị Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

5.1 Tập thể dục và hoạt động thể chất

Tập thể dục và hoạt động thể chất là chìa khóa để quản lý POTS. Trong một số nghiên cứu, tập thể dục đã được báo cáo là có lợi cả trong việc giảm bớt các triệu chứng POTS cũng như đóng vai trò trong việc chữa khỏi tình trạng này. 

Các nghiên cứu cho thấy các bài tập ở tư thế nằm nghiêng, hoặc gần như vậy chẳng hạn như bơi lội, chèo thuyền và đạp xe có kết quả tốt với những người mắc POTS. Bên cạnh đó, việc tập các bài tập tăng cường cơ bắp và sức mạnh đôi chân cũng rất hữu ích.

Dưới đây là một số lưu ý quan trọng khi tập thể dục và hoạt động thể chất:

  • Chuyển đổi tư thế một cách chậm rãi: Khi chuyển từ tư thế nằm sang ngồi hoặc đứng, hãy thực hiện một cách chậm rãi để cho cơ thể thích nghi với thay đổi tư thế. Điều này giúp hạn chế triệu chứng POTS. Nếu bạn cảm thấy choáng váng, hãy dừng lại và đợi một lúc để xem triệu chứng có giảm đi hay không. Nếu không, hãy quay trở lại tư thế trước đó. Di chuyển chậm là yếu tố quan trọng giúp hạn chế hoặc thuyên giảm triệu chứng POTS.
  • Tập đi bộ hàng ngày: Đếm xem bạn có thể đi bao nhiêu bước mà không gây ra triệu chứng POTS. Đây sẽ là mức độ cơ bản ban đầu của bạn. Bắt đầu bằng việc đi bộ mỗi ngày một lần và từ từ tăng thời gian, khoảng cách hoặc số bước. Nếu bạn cảm thấy thoải mái, bạn có thể tăng tần suất hoặc thời gian tập trong ngày.
  • Tập yoga đơn giản: Tập yoga tập trung vào hơi thở có thể giúp giảm triệu chứng POTS. Hãy thử các động tác yoga cơ bản và tìm hiểu thêm về cách thực hiện chúng.

5.2 Chế độ ăn uống và dinh dưỡng

Đối với chế độ ăn uống và dinh dưỡng, việc quản lý chúng là một khía cạnh quan trọng khác trong việc kiểm soát triệu chứng POTS. Dưới đây là những lưu ý về thay đổi chế độ ăn uống:

  • Tăng cường bổ sung lượng muối natri và lượng nước hàng ngày: Nếu bạn mắc dạng POTS giảm thể tích máu, bác sĩ có thể khuyên bạn tăng lượng muối natri và nước uống hàng ngày để tăng cường lưu lượng máu cần thiết. Cụ thể: đảm bảo chế độ ăn uống từ 3g (mg) lên 10g muối mỗi ngày và uống từ 2 đến 3 lít nước mỗi ngày.
  • Chia nhỏ bữa ăn trong ngày: Ăn một bữa ăn lớn có thể làm cho các triệu chứng của POTS trở nên tồi tệ hơn, vì cơ thể bạn chuyển rất nhiều máu để hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Vì điều này, các bác sĩ thường khuyên nên chia chế độ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì hai hoặc ba bữa lớn. Điều này giúp tránh tình trạng cơ thể phải tiêu hóa một lượng lớn thức ăn, từ đó giảm triệu chứng POTS.
  • Chế độ ăn có chất xơ và carbohydrate phức tạp: có thể giúp duy trì mức đường huyết ổn định và giảm triệu chứng POTS.
  • Bổ sung protein, rau, sữa và trái cây: Đảm bảo chế độ ăn cung cấp đủ protein, rau, sữa và trái cây để duy trì dinh dưỡng cân bằng.
  • Lựa chọn đồ ăn nhẹ có vị mặn: Hãy chọn những đồ ăn nhẹ có hàm lượng muối cao như nước dùng, dưa chua, ô liu, cá mòi, cá cơm và các loại hạt. Và không nên quá phụ thuộc vào đồ ăn nhẹ và bánh quy giòn để bổ sung muối.
  • Lập kế hoạch mua sắm thông minh: Khi đi mua sắm tại cửa hàng tạp hóa, hãy sử dụng danh sách để đảm bảo bạn chọn những thực phẩm lành mạnh và phù hợp với chế độ ăn uống và chăm sóc POTS, bao gồm cả việc bổ sung nước và muối.

Tóm lại, tập thể dục và hoạt động thể chất, cùng với việc điều chỉnh chế độ ăn uống và dinh dưỡng, đóng vai trò quan trọng trong quản lý POTS. Tuy nhiên, trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi nào, hãy tham khảo ý kiến ​​từ bác sĩ hoặc chuyên gia y tế để được tư vấn và hướng dẫn phù hợp..

5.3 Sử dụng thuốc

Một phương pháp điều trị cuối cùng cho những trường hợp POTS khi bệnh nhân không thể uống nhiều nước và ăn mặn (như mắc bệnh tim thận chẳng hạn) hoặc  rất khó chịu khi mang băng ép chân là sử dụng thuốc. 

Các loại thuốc sau đây thường được sử dụng như chỉ định off - label dành cho Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đừng POTS (Chỉ định nằm ngoài các chỉ định được các cơ quan y tế phê duyệt) bao gồm [5]:

  • Fludrocortisone: một chất tương tự aldosterone khoáng chất tổng hợp, làm tăng khả năng giữ muối và thể tích huyết tương. Có thể có tăng huyết áp bất lợi, hạ Kali máu và đau đầu. 
  • Pyridostigmine: có thể làm giảm nhịp tim nhanh
  • Midodrine: gây co mạch lan rộng
  • Thuốc chẹn beta: có thể làm giảm nhịp tim nhanh tư thế đứng
  • Clonidine và alpha-methyldopa có thể có lợi trong phân nhóm tăng adrenergic của POTS với triệu chứng chủ yếu là tăng huyết áp.
  • Ivabradine cũng đã được sử dụng để làm giảm nhịp tim và giúp giảm triệu chứng ở bệnh nhân mắc POTS khi các loại thuốc khác không có tác dụng.

===> Xem thêm về hoạt chất Ivabradine tại: Ivabradin - Thuốc tim mạch - Dược thư quốc gia Việt Nam, lần xuất bản thứ ba

Tuy nhiên, hiện nay, chưa có bất kỳ loại thuốc nào được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA phê duyệt đặc biệt dành riêng cho POTS. 

Tuy có nhiều loại thuốc có thể được sử dụng nhưng chúng có thể mang đến một số tác dụng phụ tiềm ẩn. Ví dụ, theo GS Pam Taub, từ Đại học California, một lựa chọn điều trị POTS có thể là sử dụng thuốc làm chậm nhịp (beta-blockers), nhưng cần lựa chọn cẩn thận vì chúng có thể làm giảm huyết áp và gây mệt mỏi. Do đó, trong một số trường hợp, có thể kết hợp sử dụng thuốc làm chậm nhịp tim với thuốc làm tăng huyết áp như Midodrine, Fludrocortisone hay Droxidopa. Đôi khi, việc kết hợp giữa thuốc giảm nhịp tim và thuốc làm tăng huyết áp có thể mang lại hiệu quả tốt.

Điều quan trọng là quyết định sử dụng thuốc và lựa chọn loại thuốc phù hợp cần được thực hiện dưới sự giám sát và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. 

Phương pháp điều trịLiều lượng/ Yêu cầuTác dụng phụ
Phương pháp điều trị không dùng thuốc
Ngừng dùng thuốc làm nặng thêm tình trạng bệnh (*)Ngừng các thuốc làm giảm thể tích máu hoặc trực tiếp làm tăng nhịp tim 
Tăng lượng nước uống mỗi ngàyMục tiêu 2–3 l/ngàyĐi tiểu thường xuyên
Bổ sung muối natriMục tiêu 8–10g/ngàyTăng huyết áp, phù ngoại biên
Luyện tập thể chấtThể dục điều độ: hơn 30 phút mỗi ngày và duy trì 4 ngày/tuần. Kết hợp với một số bài tập rèn luyện cơ bắp cho chânBan đầu sẽ cảm thấy khó chịu/tệ hơn trong tối đa 6 tuần
Điều trị bằng thuốc
Thuốc tăng thể tích máu
Fludrocortison0,1 đến 0,2 mg mỗi ngàyHạ kali máu, phù nề, nhức đầu
Desmopressin0,1 đến 0,2 mg khi cần thiếtHạ natri máu, phù nề
Truyền NaCl 0,9%2l NaCl 0,9% truyền tĩnh mạch trong 2–3 giờHuyết khối tĩnh mạch, nhiễm trùng    
Thuốc làm giảm nhịp tim
 Propranolol10–20 mg uống tối đa 4 lần mỗi ngàyHạ huyết áp, nhịp tim chậm, co thắt phế quản
Ivabradine2,5–7,5 mg uống hai lần mỗi ngàyNhức đầu, đánh trống ngực, tăng huyết áp, rối loạn thị giác
Thuốc co mạch      
Midodrine2,5–15 mg uống 3 lần mỗi ngàyNhức đầu, ngứa da đầu, tăng huyết áp
OctreotideTiêm bắp tác dụng kéo dài 10–30 mgBuồn nôn, đau bụng, tiêu chảy  
Thuốc cường giao cả m
Thuốc chủ vận adrenergic alpha-2, chẳng hạn như Clonidine0,1–0,2 mg uống 2–3 lần mỗi ngày Hạ huyết áp, mệt mỏi, sương mù não  
Methyldopa125–250 mg uống hai lần mỗi ngàyHạ huyết áp, mệt mỏi, sương mù não 

(*) Nên tránh dùng các thuốc làm trầm trọng thêm các triệu chứng cụ thể như nhịp tim nhanh (thuốc kích thích giao cảm bao gồm Amphetamine, thuốc ức chế tái hấp thu serotonin và/hoặc norepinephrine có chọn lọc, Droxidopa) hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng không dung nạp tư thế đứng (thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh Canxi, nitrat, thuốc phiện, thuốc chống trầm cảm ba vòng).

6 Làm gì để kiểm soát hội chứng nhịp tim nhanh tư thế?

Ngoài việc tập thể dục và thay đổi chế độ ăn uống, những điều khác bạn có thể làm để quản lý POTS bao gồm thường xuyên theo dõi mạch, nhịp tim và huyết áp cũng như có được giấc ngủ chất lượng.

6.1 Theo dõi mạch và huyết áp

Việc ghi lại huyết áp và mạch của bạn có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về POTS và giúp bác sĩ điều chỉnh phương pháp điều trị cho bạn.

Kiểm tra huyết áp và nhịp tim của bạn vào cùng một thời điểm hàng ngày (vào buổi sáng và sau bữa tối). Bên cạnh đó, hãy kiểm tra huyết áp và mạch ngay khi bạn cảm thấy không khỏe.

6.2 Quản lý giấc ngủ với POTS

POTS có thể làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. 

POTS có thể gây rối loạn giấc ngủ của bạn, vì vậy hãy đảm bảo bạn có giấc ngủ chất lượng. Đây là một số hướng dẫn chung:

  • Nâng gối ngủ lên từ 15-20 cm so với mặt giường để giúp giảm triệu chứng POTS.
  • Đảm bảo phòng ngủ có nhiệt độ lý tưởng để bạn có thể nghỉ ngơi tốt.
  • Cố gắng duy trì một thời gian ngủ đều đặn, đi ngủ và thức dậy vào cùng một thời điểm hàng ngày.
  • Tránh ngủ quá nhiều vào ban ngày, vì điều này có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ ban đêm.
  • Hạn chế việc xem TV hoặc sử dụng điện thoại, máy tính trên giường, vì ánh sáng và kích thích từ các thiết bị này có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.

6.3 Một số mẹo giúp giảm bớt các triệu chứng POTS

Nếu bạn đột nhiên cảm thấy choáng váng hoặc chóng mặt, bạn có thể thử nằm xuống và nâng cao chân để giảm triệu chứng, cho đến khi cảm thấy dễ chịu hơn.

Nếu không thể nằm xuống, bạn có thể thử bắt chéo chân với một chân trước chân kia khi đứng, siết chặt cơ mông và bụng hoặc siết chặt nắm đấm để giúp cải thiện tình trạng.

7 Dự phòng Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng (POTS)

Mỗi trường hợp POTS đều khác nhau. Những người bị POTS có thể thấy các triệu chứng đến và đi trong nhiều năm. Trong hầu hết các trường hợp, với việc điều chỉnh chế độ ăn uống, thuốc men và hoạt động thể chất, người mắc POTS sẽ thấy chất lượng cuộc sống được cải thiện.

  1. Tránh đứng lâu : Đứng trong thời gian dài khiến các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn đối với hầu hết những người mắc bệnh POTS. Nếu bạn phải đứng trong thời gian dài, hãy thử uốn cong và siết chặt bàn chân và cơ bắp hoặc chuyển trọng lượng của bạn từ chân này sang chân kia.
  2. Duy trì lượng nước và muối cân bằng: Uống đủ nước và duy trì lượng muối cân bằng trong cơ thể có thể giúp tăng lưu lượng máu và giảm triệu chứng của POTS. 
  3. Tập thể dục và rèn luyện: Tập thể dục đều đặn có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng quát và kiểm soát hoạt động của hệ thống tuần hoàn và giảm triệu chứng POTS. 
  4. Điều chỉnh tư thế: Khi đứng lên từ tư thế nằm hoặc ngồi, hãy thực hiện từ từ để cho cơ thể thích nghi dần với thay đổi. Điều này có thể giảm khả năng gây ra nhịp tim nhanh và cả hạ huyết áp tư thế.
  5. Tránh các tác nhân kích thích: Một số tác nhân như thuốc lá, cà phê, bia, rượu và thuốc lá vì nó làm cơ thể mất nước và có thể kích thích hệ thống tuần hoàn và làm tăng triệu chứng POTS.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Pam R. Taub và Michelle L. O'Donoghue (Đăng ngày 9 tháng 10 năm 2023), Don't Fear POTS: Tips for Diagnosis and Treatment, Medscape. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2023
  2. ^ Chuyên gia của Cleveland Clinic (Đăng ngày 9 tháng 9 năm 2022), Postural Orthostatic Tachycardia Syndrome (POTS), Cleveland Clinic. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2023
  3. ^ Steven Vernino và cộng sự (Đăng tháng 11 năm 2021), Postural orthostatic tachycardia syndrome (POTS): State of the science and clinical care from a 2019 National Institutes of Health Expert Consensus Meeting - Part 1, ScienceDirect. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2023
  4. ^ Yasmine S. Ali (Đăng ngày 15 tháng 3 năm 2022), Fast Five Quiz: Postural Orthostatic Tachycardia Syndrome (POTS), Medscape. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2023
  5. ^ Sean Zhao; Vu H. Tran (Đăng ngày 7 tháng 8 năm 2023), Postural Orthostatic Tachycardia Syndrome, NCBI. Truy cập ngày 9 tháng 11 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Tư vấn thuốc điều trị giúp tôi


    Thích (1) Trả lời 1
    • Chào bạn, bạn liên hệ qua số điện thoại 0868 552 633 hoặc 1900 888 633 để được tư vấn nhé

      Quản trị viên: Dược sĩ Thanh Nhàn vào


      Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
0/ 5 0
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
    vui lòng chờ tin đang tải lên

    Vui lòng đợi xử lý......

    0 SẢN PHẨM
    ĐANG MUA
    hotline
    1900 888 633