Hội chứng cơn bão cytokine ở bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng
Trungtamthuoc.com - Tình hình diễn biến của dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra hết sức căng thẳng với những tổn thất rất nặng nề về tính mạng con người trên toàn thế giới. Một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng suy hô hấp nặng và tử vong nhanh chóng ở bệnh nhân mắc Covid-19 là hội chứng cơn bão cytokine. Vì vậy, trong bài viết này, Trung tâm thuốc xin gửi đến bạn đọc những thông tin về hội chứng cơn bão cytokine và các hướng khắc phục tiềm năng đang được đưa ra nhằm chống chọi với đại dịch Covid-19.
1 Cytokine là gì?
Để hiểu được thế nào là cơn bão cytokine, trước tiên ta cần phải làm rõ những khái niệm và cơ chế liên quan đến cytokine. Cytokine là tập hợp của nhiều protein được sản sinh bởi các tế bào, có chức năng dẫn truyền thông tin giữa các tế bào với nhau, nhằm kích hoạt các phản ứng miễn dịch tự nhiên của cơ thể.
Cytokine có thể kích hoạt đến các vị trí:
Kích hoạt chính tế bào mẹ mà nó được sản sinh ra.
Kích hoạt các tế bào xung quanh tế bào mẹ.
Kích hoạt những tế bào đích trên các cơ quan trên ở vị trí xa tế bào mẹ.
Như vậy, nhờ khả năng kích hoạt và kiểm soát quá trình tăng sinh, biệt hóa tế bào trong cơ thể, cytokine có vai trò rất quan trọng trong hệ thống miễn dịch, đặc biệt là sự tham gia vào quá trình tiền viêm và chống lại sự xâm nhập của virus vào cơ thể.
2 Cơn bão cytokine là gì?
Cơn bão cytokine hay bão cytokine có tên tiếng Anh là Cytokine Release Syndrome - CRS (tạm dịch là hội chứng giải phóng cytokine), là hiện tượng giải phóng quá mức cytokine của hệ miễn dịch khi có một hay nhiều tác nhân xâm nhập vào cơ thể, dẫn tới các phản ứng viêm toàn thân.
2.1 Cơ chế của cơn bão cytokine
Khi một tác nhân (như virus, vi khuẩn, chất độc hóa học,...) xâm nhập vào cơ thể sẽ bị phát hiện bởi hàng rào miễn dịch và bị tiêu diệt.
Nếu tác nhân xâm nhập quá ồ ạt và mạnh mẽ, hệ miễn dịch sử dụng hàng loạt các tế bào như lympho B, lympho T, đại thực bào, bạch cầu đơn nhân, bạch cầu ưa acid,... để tiêu diệt những “kẻ xâm nhập”, đồng thời sản sinh ra cytokine gây phản ứng viêm.
Nếu “kẻ xâm nhập” quá cứng đầu, các tế bào miễn dịch sẽ sản sinh ra cytokine để kích hoạt hệ thống miễn dịch sản sinh thêm nhiều tế bào bạch cầu, đồng thời cũng kích thích chính các tế bào bạch cầu đó sản sinh thêm cytokine.
Quá trình trên diễn ra liên tục, dẫn đến hội chứng giải phóng cytokine - CRS hay còn gọi là cơn bão cytokine.
2.2 Triệu chứng hội chứng cơn bão cytokine
Hội chứng cơn bão cytokine có biểu hiện với rất nhiều triệu chứng khác nhau trên toàn thân. Vì vậy, có thể phân chia theo các triệu chứng nhẹ ban đầu và triệu chứng nghiêm trọng như sau: [1]
Triệu chứng nhẹ ban đầu có biểu hiện giống bệnh cúm thông thường như: sốt, mệt mỏi, đau đầu, phát ban, đau cơ và đau nhức xương khớp.
Các triệu chứng nặng:
Ho, thở nhanh rồi biến chứng thành suy hô hấp cấp tính, khó thở, tình trạng máu thiếu oxy và hiện tượng mờ đục phổi khi thực hiện chụp X-quang ngực phổi. Lúc này, bệnh nhân cần phải sử dụng máy thở để bảo vệ tính mạng.
Hạ huyết áp, sốt cao, nồng độ ferritin và triglycerid trong máu tăng cao.
Phản ứng viêm toàn thân, suy đa hệ thống, nhiễm độc thần kinh.
Hội chứng cơn bão cytokine với những triệu chứng ban đầu nhẹ và dễ lầm tưởng với bệnh cúm thông thường, tuy nhiên, những biến chứng nguy hiểm thường ập đến rất nhanh và khó kiểm soát. Các biến chứng như suy hô hấp cấp tính, nhiễm độc toàn thân, suy đa hệ thống thường xảy ra đồng thời và có diễn biến nhanh, đặc biệt đối với những bệnh nhân đã có những bệnh nền phức tạp, nguy hiểm trước đó thì nguy cơ dẫn đến tử vong là rất cao.
3 Cơn bão cytokine ở bệnh nhân mắc Covid-19
Covid-19 lần tiên xuất hiện tại Vũ Hán, Trung Quốc vào tháng 12 năm 2019 là mối đe dọa rất lớn đối với sức khỏe cộng đồng. Đa số những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 đều có tiên lượng tốt, nhưng lượng bệnh nhân tử vong vì căn bệnh này cũng không hề nhỏ, đặc biệt là nhóm người cao tuổi hoặc người đang mắc nhiều bệnh nền nguy hiểm.
Bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 (dương tính với Covid-19) ban đầu chỉ có những triệu chứng nhẹ như sốt, ho, khó thở, đau nhức cơ nhưng tình trạng cơ thể lại xấu đi nhanh chóng (suy đa tạng, suy hô hấp cấp tính, nhiễm độc thần kinh,...) và dẫn đến tử vong trong một khoảng thời gian ngắn. Nguyên nhân của hậu quả nghiêm trọng này là do cơn bão cytokine của hệ thống miễn dịch được gây ra bởi sự xâm nhập của virus SARS-CoV-2, dẫn đến các phản ứng viêm toàn thân và gây tử vong cho bệnh nhân. [2]
4 Giải pháp can thiệp tiềm năng khắc chế hội chứng cơn bão Cytokine
4.1 Giảm hoạt động của quá trình tiền viêm bằng IFN-λ
IFN-λ (Interferon-λ, một nhóm protein được hệ miễn dịch sản sinh nhằm tiêu diệt các vi khuẩn, virus và tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể) ức chế sự tham gia quá trình gây viêm toàn thân của bạch cầu trung tính, giúp hạn chế lượng cytokine giải phóng và làm giảm nguy cơ gây viêm toàn thân.
4.2 Sử dụng corticosteroid nhằm điều hòa miễn dịch
Corticosteroid là một chất chống viêm, vì vậy việc đưa corticosteroid trong điều trị Covid-19 không chỉ giúp giảm các triệu chứng ban đầu của bệnh (sốt, ho, đau họng,...) mà còn có tác dụng ức chế quá trình gây viêm và điều hòa miễn dịch cơ thể.
Tuy nhiên, việc điều trị Covid-19 bằng corticosteroid có thể là con dao hai lưỡi nếu không xác định được đúng liều lượng và thời gian sử dụng. Nếu sử dụng glucocorticoids quá sớm, sẽ ức chế khả năng miễn dịch tự nhiên của cơ thể và tăng thêm nguy kịch cho bệnh nhân.
4.3 Sử dụng thuốc đối kháng interleukin-6R (IL-6R) tocilizumab làm giảm nguy cơ tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19 nặng
Theo các kết quả nghiên cứu lâm sàng trên những bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, SARS-CoV và MERS-CoV tại Trung Quốc có sử dụng thuốc đối kháng IL-6R Tocilizumab trong điều trị cho thấy, thuốc đối kháng IL-6R có hiệu quả điều trị đối với tình trạng tổn thương nặng hai bên phổi với nồng độ IL-6R trong cơ thể tăng cao. Tuy nhiên, tùy từng đáp ứng của người bệnh mà bác sĩ điều trị cần tính toán liều hợp lý. Liều khuyến cáo của nghiên cứu là 400mg pha loãng với dịch tiêm truyền Natri clorid 0,9%, sử dụng đường truyền trong vòng 1 giờ. [3]
4.4 Sử dụng chloroquine
Chloroquine gây ức chế hệ miễn dịch sản sinh TNF và IL-6, làm chậm phản ứng viêm và ngăn chặn cơn bão cytokine. Chloroquine đã được đưa vào sử dụng để điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 nặng ở độ tuổi từ 18 đến 65 tại Trung Quốc và cho kết quả tương đối khả quan.
Ngoài những biện pháp trên, có nhiều biện pháp can thiệp như sử dụng thuốc đối kháng IL-1, thuốc chẹn TNFs, chất ức chế IFN-αβ, Ulinastatin, chất ức chế Oxidized phospholipids, chất ức chế đại thực bào,... cũng có tác dụng điều trị hội chứng giải phóng cytokine trên bệnh nhân mắc Covid-19 nặng.
Các thuốc tiềm năng điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19 trình trạng nặng chủ yếu với mục đích kiểm soát giải phóng cytokine và ức chế quá trình viêm toàn thân. Tuy nhiên, cơn bão cytokine diễn biến rất nhanh và phức tạp, vì vậy, cần phải kiểm soát CRS ngay từ giai đoạn đầu mới có thể giảm nguy cơ tử vong cho bệnh nhân hiệu quả.
Hội chứng cơn bão cytokine cũng như diễn biến bệnh của Covid-19 chủ yếu xoay quanh các cơ chế miễn dịch tự nhiên của cơ thể, vì vậy, ngoài những giải pháp can thiệp tiềm năng kể trên, cả người bệnh mắc Covid-19 và người khỏe mạnh bình thường nên bảo vệ và nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể.
Bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao và xây dựng một chế độ ăn hợp lý ưu tiên các thực phẩm giúp nâng cao sức đề kháng cho cơ thể như:
Các loại trái cây có chứa nhiều Vitamin C giúp nâng cao đề kháng như: cam, quýt, ổi,...
- Các loại rau củ chứa nhiều vitamin, chất chống oxy hóa như: cà chua, cà rốt,...
- Các loại hải sản giúp bổ sung Kẽm như: tôm, hàu, cua,...
Trên đây là những thông tin về cơn bão cytokine - một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tử vong ở bệnh nhân mắc Covid-19, hy vọng bài viết đã cung cấp cho quý bạn đọc những thông tin bổ ích để hiểu hơn về căn bệnh nguy hiểm này.
Tài liệu tham khảo
- ^ Alexander Shimabukuro-Vornhagen, Philipp Gödel, Marion Subklewe, Hans Joachim Stemmler, Hans Anton Schlößer, Max Schlaak, Matthias Kochanek, Boris Böll, và Michael S. von Bergwelt-Baildon. Cytokine release syndrome, NCBI. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2020
- ^ Qing Ye, Bili Wang và Jianhua Mao. The pathogenesis and treatment of the `Cytokine Storm' in COVID-19, NCBI. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2020
- ^ Chi Zhang, Zhao Wu, Jia-Wen Li, Hong Zhao, Gui-Qiang Wang (Ngày đăng tháng 5 năm 2020). Cytokine release syndrome in severe COVID-19: interleukin-6 receptor antagonist tocilizumab may be the key to reduce mortality, Science Direct. Truy cập ngày 1 tháng 8 năm 2020