1. Trang chủ
  2. Cơ Xương Khớp
  3. Hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Trungtamthuoc.com - Có đến 70-80% người bệnh hội chứng cổ - vai - cánh tay do thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa khớp liên đốt, liên mỏm bên dẫn đến hẹp lỗ tiếp hợp. Và như vậy các rễ và dây thần kinh cột sống cổ tại các lỗ tiếp hợp bị chèn ép khiến người bệnh bị đau nhức.

1 Hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay là gì?

Hội chứng cổ vai cánh tay là các bệnh rễ tủy cổ bao gồm các triệu chứng liên quan đến cột sống cổ, thường kèm rối loạn chức năng rễ, thần kinh cột sống cổ, tủy cổ. Người ta còn gọi bệnh này với tên hội chứng vai - cánh tay. Những bệnh nhân này thường bị đau vùng cổ, vai và một tay, cùng một số rối loạn cảm giác, vận động nơi bị ảnh hưởng.

Hội chứng cổ - vai - cánh tay là gì?
Hội chứng cổ - vai - cánh tay là gì?

2 Nguyên nhân gây hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay

Có đến 70-80% người bệnh hội chứng vai - cánh tay do thoái hóa cột sống cổ, thoái hóa khớp liên đốt, liên mỏm bên dẫn đến hẹp lỗ tiếp hợp. Và từ đó làm các rễ hay dây thần kinh cột sống cổ tại các lỗ tiếp hợp bị chèn ép.

Có khoảng 20 đến 25% bệnh nhân bị hội chứng vai - cánh tay là do mắc thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, có thể kết hợp thoái hóa cột sống cổ

Ngoài ra, mắc hội chứng vai - cánh tay còn do chấn thương, khối u, nhiễm khuẩn, loãng xương, viêm cột sống, hay bệnh phần mềm rìa cột sống.

Đôi khi, hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay là do chính bệnh lý của cột sống cổ làm đau cổ và lan xuống vai hoặc tay, mà lại không bị bệnh rễ dây thần kinh cổ.

3 Các biến chứng hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay

Nếu các triệu chứng này không được điều trị sớm có thể bị tổn thương dây thần kinh tiến triển và có thể cần phải phẫu thuật.

Các bác sĩ khuyên chỉ nên phẫu thuật để điều trị hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay khi các phương pháp điều trị khác không có hiệu quả. Phẫu thuật có rủi ro cao hơn so với các phương pháp điều trị khác và có thể không phải lúc nào cũng điều trị được các triệu chứng. [1] 

4 Chẩn đoán hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay

4.1 Triệu chứng lâm sàng

Bệnh nhân bị hội chứng vai - cánh tay có thể có một số triệu chứng hoặc hội chứng dưới đây:

Hội chứng cột sống cổ: Người bệnh bị đau ở cổ gáy, có thể đau cấp tính do chấn thương, vận động cổ quá mức, tự nhiên sau khi ngủ dậy. Ở một số trường hợp, người bệnh bị đau cổ gáy từ từ, âm ỉ và đau mạn tính. Ở những bệnh nhân bị đau cột sống cổ cấp tính thường bị giảm vận động cột sống cổ, đôi khi có thể kèm theo hiện tượng vẹo cổ. Người bệnh sẽ cảm thấy đau khi ấn vào gai sau, cạnh cột sống cổ ở vị trí các rễ thần kinh.

Triệu chứng của hội chứng cổ - vai - cánh tay 
Triệu chứng của hội chứng cổ - vai - cánh tay 

Triệu chứng rễ thần kinh trong hội chứng cổ - vai - cánh tay: Người bệnh thường đau từ gáy lan đến vùng chẩm và vai thậm chí là cánh tay, bàn tay nên có thể gọi là hội chứng vai gáy hay vai cánh tay. Đặc biệt khi xoay đầu, gập cổ sang bên đau người bệnh sẽ thấy đau nhiều hơn. Một số bệnh nhân còn bị rối loạn vận động, cảm giác kiểu rễ, đó là yếu cơ, cảm giác rát bỏng, như kiến bò, tê nhức ở vai và cánh tay. Để đánh giá tổn thương thần kinh cổ, bệnh nhân có thể được làm một số nghiệm pháp như sau:

- Ấn vào điểm rìa xương sống tương ứng lỗ tiếp hợp, người bệnh sẽ đau từ cổ rồi lan ra vai và cánh tay, đây gọi là dấu hiệu chuông bấm.

- Nghiệm pháp Spurling bằng cách cho người bệnh ngồi hay nằm nghiêng đầu sang bên đau, và ép tay lên đỉnh đầu người bệnh sẽ thấy đau tăng lên.

- Nghiệm pháp dạng vai, đó là cho người bệnh ngồi, rồi đưa cánh tay bên đau lên đầu, rồi về phía sau, thì dấu hiệu rễ giảm, thậm chí biến mất.

- Nghiệm pháp kéo giãn cổ, cho người bệnh nằm ngửa, rồi dùng tay giữ chẩm và cằm sau đó kéo từ từ theo chiều dọc, người bệnh sẽ thấy giảm triệu chứng.

Người bệnh có hội chứng tủy cổ do đĩa đệm bị lồi hay thoát vị làm tủy cổ bị chèn, càng để lâu sẽ càng nặng hơn. Những bệnh nhân này thường bị tê bì và hai bàn tay không còn khéo léo và teo cơ, nhanh mỏi cơ khiến đi lại khó khăn. Sau đó tùy vị trí tổn thương có thể bị liệt trung ương toàn bộ chi, hay liệt ngoại vi hai chi trên và liệt trung ương hai chi dưới. Thậm chí ở những người bệnh này còn có thể bị rối loạn đại tiểu tiện.

Một số bệnh nhân có thể gặp hội chứng động mạch sống nền, gây đau chẩm, chóng mặt, ù tai, mờ mắt và mệt mỏi.

Ngoài ra, bệnh nhân hội chứng vai - gáy còn có thể bị rối loạn thần kinh thực vật, ù tai, mờ mắt và rối loạn vận mạch ở chẩm vai hoặc tay. Với những người có bệnh lý ác tính hay nhiễm trùng có thể gặp triệu chứng toàn thân như sốt, rét run, sụt cân, toát mồ hôi đặc biệt vào ban đêm.

4.2 Cận lâm sàng

Để chẩn đoán hội chứng vai - gáy người bệnh còn cần làm một số xét nghiệm như:

Xét nghiệm máu khi có khối u, viêm, nhiễm trùng để thấy thay đổi tế bào máu ngoại vi, máu lắng, CRP, phosphatase kiềm, điện di protein huyết thanh...

Chụp X quang tư thế trước sau, nghiêng và chếch 3/4 để phát hiện những tổn thương cột sống cổ, thoái hóa, hẹp lỗ tiếp hợp, xẹp đốt sống, hủy xương...

Chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định bệnh lý tủy cổ, bệnh lý ác tính hay nhiễm trùng nếu đau trường diễn, đau nhiều hay có tổn thương thần kinh...

Ngoài ra, người bệnh có thể được chụp cắt lớp vi tính, xạ hình xương, điện cơ...

Cần phân biệt hội chứng vai gáy với bệnh khớp vai và viêm quanh khớp vai, bệnh lý tủy sống, đa xơ cứng, hội chứng ống cổ tay... [2] 

5 Điều trị hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay

Điều trị hội chứng cổ - vai - cánh tay cần điều trị triệu chứng cùng với nguyên nhân. Như vậy, người bệnh cần được phối hợp điều trị bằng thuốc và phục hồi chức năng, có thể can thiệp ngoại khoa nếu cần. Bệnh nhân có thể được điều trị bằng nhiệt, kích điện, siêu âm, xoa bóp bấm huyệt, châm cứu và kéo giãn cột sống.

Song song người bệnh có hội chứng vai - cánh tay cần thay đổi thói quen sinh hoạt, công việc, tập các bài tập dành cho cột sống cổ, vai, cánh tay.

Trong một số trường hợp người bệnh bị đau nhiều, đau sau chấn thương có thể dùng đai mềm để bất động cột sống cổ.

5.1 Các thuốc điều trị hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay

Tùy mức độ mức độ đau của người bệnh có hội chứng vai - cánh tay có thể sử dụng paracetamol hoặc paracetamol kết hợp codein hoặc Tramadol.

Hoặc có thể dùng một số thuốc chống viêm không steroid như diclofenac, piroxicam, meloxicam, Celecoxib, etoricoxib và giãn cơ. Nếu người bệnh đang hoặc có nguy cơ viêm loét đường tiêu hóa có thể kết hợp thêm thuốc ức chế bơm proton. [3] 

Điều trị hội chứng vai - cánh tay được điều trị như thế nào?
Điều trị hội chứng vai - cánh tay được điều trị như thế nào?

Trong những đợt đau cấp của người có hội chứng vai - cánh tay, đặc biệt khi bị co cứng cơ có thể dùng các thuốc giãn cơ như ​​eperisone, Tolperisone, diazepam.

Hoặc bệnh nhân có thể được dùng một số thuốc giảm đau thần kinh như ​gabapentin, pregabalin tùy thuộc vào mức độ và triệu chứng đau. Với các trường hợp bệnh nhân bị đau thần kinh mạn tính, đôi khi có kèm theo rối loạn giấc ngủ thì dùng thuốc chống trầm cảm ba vòng liều thấp như amitriptyline, nortriptyline...

Ngoài ra, ở những bệnh nhân này còn có thể dùng vitamin nhóm B như B1, B6, B12...

5.2 Điều trị hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay bằng can thiệp ngoại khoa

Phương pháp can thiệp ngoại khoa thường chỉ định với người bệnh mắc hội chứng vai - cánh tay bị đau nặng, trong khi điều trị nội khoa không cải thiện. Đặc biệt, phương pháp điều trị này hay áp dụng với người bệnh tổn thương thần kinh nặng và tiến triển, bị chèn ép tủy cổ nhiều.

Phẫu thuật trong hội chứng vai - cánh tay gồm chỉnh cột sống để giải các chèn ép thần kinh ở lỗ tiếp hợp bị hẹp, làm dính và vững cột sống …

5.3 Các phương pháp điều trị hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay khác

Với người bệnh có chèn ép rễ nặng, cấp tính mà điều trị bằng các thuốc trên không hiệu quả, cân nhắc điều trị ngắn hạn bằng corticoid đường uống 1-2 tuần. Hoặc khi các phương pháp trên không hiệu quả và căn cứ vào tình trạng người bệnh, có thể chỉ định tiêm corticoid ngoài màng cứng, tiêm khớp liên đốt cạnh cột sống cổ.

Khi các phương pháp điều trị giảm đau trên không hiệu quả, người bệnh được can thiệp giảm đau bằng phong bế rễ thần kinh chọn lọc, sử dụng sóng cao tần...

Người bệnh có hội chứng vai - cánh tay cần được theo dõi và kiểm tra định kỳ đến khi không còn triệu chứng để đánh giá kết quả điều trị. Người bệnh có thể được thay đổi phương pháp điều trị căn cứ vào đáp ứng của người bệnh và kịp thời phát hiện những tổn thương nghiêm trọng hơn.

Phòng ngừa hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay
Phòng ngừa hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay

6 Phòng ngừa hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay

Để tránh mắc phải hội chứng vai - cánh tay, người bệnh cần giữ tư thế đầu và cổ phù hợp, không gập hay ưỡn cổ hay xoay quá mức kéo dài.

Sau khi ngồi làm việc một tư thế cố định trong thời gian dài, người bệnh cần đổi tư thế làm việc, đi lại để làm giảm áp lực lên xương khớp.

Ngoài ra, để tăng cường sức cơ cho cổ và cai, tránh gây mệt mỏi cơ hoặc căng cứng có thể tập thể thao nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe, bơi...

Trên đây là các thông tin cơ bản về nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa hội chứng cổ - vai - cánh tay, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Chuyên gia của Mayo Clinic (Ngày đăng 12 tháng 9 năm 2019). Thoracic outlet syndrome,  Mayo Clinic. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021
  2. ^ Chuyên viên của Physio-pedia. Cervicobrachial Syndrome, Physio-pedia. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021
  3. ^  Jerry R. Balentine (Ngày đăng 26 tháng 8 năm 2020). Thoracic Outlet Syndrome (TOS), Medicine Net. Truy cập ngày 29 tháng 12 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    NGUYÊN NHÂN, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CỔ VAI CÁNH TAY lấy nguồn thông tin ở đâu vậy?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Hội chứng Cổ - Vai - Cánh tay: nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
    NG
    Điểm đánh giá: 5/5

    NGUYÊN NHÂN, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ HỘI CHỨNG CỔ VAI CÁNH TAY đã cung cấp cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích. Cảm ơn tác giả.

    Trả lời Cảm ơn (1)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633