Ho kéo dài: nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - ho kéo dài bao gồm các trường hợp ho trong thời gian 3 tuần trở lên. Nếu ho từ 3 - 8 tuần được gọi là ho bán cấp. Ho trên 8 tuần là ho mạn tính.
1 Thế nào là ho kéo dài?
Ho là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể giúp tống các dị vật, vi khuẩn, virus ra ngoài khi chúng xâm nhập vào đường hô hấp trên.
Tuy nhiên, ho cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh, đặc biệt là các bệnh liên quan đến hệ hô hấp. Những cơ ho kéo dài sẽ làm người bệnh thấy khó chịu, ảnh hưởng tới sinh hoạt, nghỉ ngơi của người bệnh. Do đó tình trạng này cần đường điều trị sớm.
Các cơn ho trong vòng 3 tuần thường là triệu chứng cảm cúm thông thường. Ho kéo dài bao gồm các trường hợp ho trong thời gian 3 tuần trở lên. Nếu ho từ 3 - 8 tuần được gọi là ho bán cấp. Ho trên 8 tuần là ho mạn tính.
Việc điều trị ho kéo dài cần phải xác định và điều trị nguyên nhân gây ra ho.
2 Nguyên nhân gây ho kéo dài
Các nguyên nhân gây ra tình trạng ho kéo dài là:
Bệnh lý đường hô hấp trên như viêm mũi vận mạch, viêm xoang,.. là nguyên nhân thường gặp nhất gây ho kéo dài.
Hen phế quản: bệnh nhân thường ho về đêm, khi thay đổi thời tiết, tác nhân gây dị ứng hoặc khi gắng sức.
Viêm phế quản mạn tính: viêm phế quản thời gian dài gây sung huyết, khó thở và ho có đờm.
Nhiễm trùng đường hô hấp dưới: thời gian ho thường kéo dài hơn cúm hay các bệnh ở đường hô hấp trên. Thậm chí ho còn kéo dài ngay cả khi đã điều trị bằng kháng sinh có hiệu quả.
Trào ngược dạ dày - thực quản là nguyên nhân khá hay gặp. Khi dịch dạ dày trào ngược vào thực quản sẽ gây ra kích ứng liên tục dẫn tới ho, sử dụng thuốc ho cũng không giảm được triệu chứng.
Dùng thuốc chẹn thụ thể angiotensin, thuốc hạ huyết áp,... cũng thường gây ra ho khan kéo dài, khi ngừng thuốc thì các cơn ho sẽ hết.
Các bệnh khác như giãn phế quản, phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi,... cũng có triệu chứng là các cơn ho kéo dài.[1]
3 Chẩn đoán ho kéo dài
Chẩn đoán ho kéo dài cần được tiến hành các bước sau:
- Khai thác tiền sử dùng thuốc của bệnh nhân.
- Thăm khám để phát hiện các bệnh lý đường hô hấp hay các cơ quan khác.
- Khi việc chẩn đoán không có kết quả rõ ràng có thể làm thêm một số thăm dò như test kích thích phế quản, đo pH thực quản,...
- Nếu vẫn không được có thể tiến hành điều trị thử bằng thuốc kháng histamin và thuốc co mạch trong 7 - 14 ngày.
4 Điều trị ho kéo dài
Ho thường chỉ là triệu chứng của một bệnh nào đó mà người bệnh đang mắc phải. Do đó để điều trị các cơn ho kéo dài dai dẳng, cần xác định được nguyên nhân và điều trị bệnh đó.
4.1 Điều trị nguyên nhân
Để điều trị dứt điểm các cơn ho kéo dài, thông thường cần phải điều trị bệnh căn của nó:
4.1.1 Ho do viêm xoang, viêm mũi
Xịt rửa mũi 2 - 4 lần mỗi ngày bằng các dung dịch rửa mũi. Đồng thời dùng Corticoid xịt mũi 2 lần mỗi ngày.
Dùng nang Budesonid pha với 5ml dung dịch NaCl 0,9%, bơm nhẹ nhàng vào mũi, kết hợp thay đổi tư thế nằm sấp - gập đầu, nằm ngửa, nằm nghiêng một bên 1 - 2 phút/lần.
4.1.2 Ho do polyp mũi
Phẫu thuật cắt bỏ khối polyp.
4.1.3 Ho do hen phế quản
Dùng thuốc dự phòng cơn hen như Fluticason/Salmeterol + một thuốc cắt cơn (Salbutamol Terbutaline).
Các thuốc sử dụng điều trị hen phế quản thường được dùng dưới dạng bột hít chia liều, bình xịt định liều, nang khí dung.
Mỗi ngày sử dụng 2 - 3 lần tùy theo loại thuốc cụ thể.
Xem xét thay đổi liều lượng sau 3 tháng sử dụng.
Bên cạnh đó, người bệnh cần tránh các yếu tố nguy cơ như: lông chó, mèo, khói thuốc lá, bếp than,…
4.1.4 Ho do trào ngược dạ dày - thực quản
Sử dụng các thuốc ức chế bơm proton liên tục 10 ngày như Omeprazole (liều 20mg/ngày), Esomeprazol (liều 40mg/ngày).
Một số thuốc khác như: Metoclopramide dạng viên 10mg, mỗi lần uống 1 viên, ngày uống 4 lần. Sử dụng thuốc trong 2 tuần và trước ăn 30 phút.
Lưu ý bệnh nhân cũng cần bỏ hút thuốc, không uống đồ uống có cồn, tránh các loại đồ ăn chiên rán nhiều mỡ,...
4.1.5 Ho do nhiễm trùng đường hô hấp
Sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh căn.
4.1.6 Ho do thuốc chẹn thụ thể angiotensin
Khi dừng thuốc cơn ho sẽ tự hết sau 1 - 6 tuần.
4.2 Điều trị không đặc hiệu
Việc sử dụng thuốc ho để điều trị bệnh được chỉ định trong các trường hợp bệnh nhân ho quá nhiều mà chưa xác định được nguyên nhân gây ho cụ thể.
Các trường hợp bị nhiễm trùng đường hô hấp dưới thì không sử dụng thuốc giảm ho vì bệnh nhân đang cần ho để tống đờm ra ngoài.
4.2.1 Thuốc ho tác dụng lên trung ương
Morphin và các chế phẩm: liều 5mg/lần x 2 lần/ngày, dùng trong 2 - 3 ngày.
Terpin codein: dùng 2 viên/ngày trong 5 - 7 ngày.
Dextromethorphan liều dùng 30mg/lần x 3 lần mỗi ngày trong thời gian 5 - 7 ngày.
4.2.2 Thuốc ho tác dụng tại chỗ
Dùng corticoid dạng phun hít: có thể dùng liều nhỏ 250 - 500mcg/ngày trong vòng 10 ngày.
Lidocain dùng tạm theo đường khí dung nếu bệnh nhân ho nhiều: pha 2ml Lidocain vào 3ml dung dịch NaCl 0,9%.[2]
Lưu ý: Các loại thuốc ho chỉ sử dụng trong trường hợp bệnh nhân bị ho khan, không dùng khi bệnh nhân ho có đờm.
Trong trường hợp ho có đàm, bệnh nhân sẽ được kê thuốc long đàm nhưng không dùng cùng với thuốc ho vì bệnh nhân trong trường hợp này đang cần do để khạc đàm ra ngoài.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Hansa D. Bhargava, MD (Ngày đăng: ngày 05 tháng 1 năm 2021). Reasons Why Your Cough May Not Be Improving, WebMD. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2021.
- ^ Tác giả: John P. Cunha, DO, FACOEP (Ngày đăng: ngày 2 tháng 1 năm 2021). Chronic Cough: Causes, Symptoms, Types, and Remedies, MedicineNet. Truy cập ngày 19 tháng 11 năm 2021.