1. Trang chủ
  2. Hô Hấp
  3. Bệnh hen phế quản ở trẻ em và những điều cần biết

Bệnh hen phế quản ở trẻ em và những điều cần biết

Bệnh hen phế quản ở trẻ em và những điều cần biết

Trungtamthuoc.com - Triệu chứng điển hình nhất của trẻ hen phế quản là có những cơn ho kéo dài và tái phát nhiều lần. Đặc biệt triệu chứng trở nên nặng hơn vào ban đêm như thở khò khè, phải thở gắng sức và cảm thấy ngực nặng. Vậy phải làm sao khi trẻ bị hen phế quản?

1 Hen phế quản là gì?

Hen phế quản là tình trạng đường thở bị viêm mạn tính cùng với hiện tượng phế quản gia tăng các phản ứng nhạy cảm có thể gây tắc nghẽn từng cơn. Người bệnh hen phế quản thường khó thở kèm khò khè tái phát nhiều lần. Trẻ hay bị hen phế quản là các bé dưới 5 tuổi.

Bệnh hen ở trẻ em có chữa khỏi được không? Đây là bệnh mạn tính và không thể chữa khỏi. Ở một số trường hợp, trẻ bị bệnh có thể khỏi tự nhiên khi đến tuổi trưởng thành. Bệnh có thể được kiểm soát các triệu chứng và không để tăng nặng bằng cách kiểm soát các yếu tố nguy cơ hoặc sử dụng thuốc.

Hen phế quản là bệnh viêm phế quản mạn tính.

Bệnh hen suyễn ở trẻ em không khác với bệnh hen suyễn ở người lớn, nhưng trẻ em phải đối mặt với những thách thức riêng. Tình trạng này là nguyên nhân hàng đầu khiến các em phải đi cấp cứu, nhập viện và nghỉ học. [1]

2 Các nguyên nhân hen phế quản ở trẻ

Nguyên nhân chính xác của bệnh hen phế quản vẫn chưa được biết rõ. Di truyền và môi trường có thể đóng một vai trò nào đó khiến trẻ mắc bệnh. [2]. Nguyên nhân phổ biến nhất gây hen phế quản cấp ở trẻ nhỏ là do nhiễm virus như: RSV, Rhinovirus...

Trẻ mắc hen phế quản thường bị nhạy cảm với các yếu tố nguy cơ như:

  • Hít phải khói thuốc lá từ những người xung quanh, bụi bẩn, nấm mốc trong nhà và môi trường. Hay khi hít phải khói khi đốt hương, dị ứng với nước hoa, xịt muỗi...
  • Có những trẻ bị dị ứng với lông chó mèo, lông động vật, phấn hoa cũng có thể gây ra hen phế quản.
  • Trẻ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp gây hen phế quản như: viêm mũi, viêm xoang, viêm phế quản....
  • Hoặc khi bị trào ngược dạ dày thực quản ở trẻ nhũ nhi khiến các chất nôn ói đi lạc vào phổi và kích thích phế quản gây hen.
  • Hoặc trẻ dị ứng với một số loại thuốc, thực phẩm như: Aspirin, đậu phộng, cá, tôm,chất bảo quản thực phẩm… gây ra các biểu hiện hen phế quản.
  • Thậm chí có những trẻ khi vận động gắng sức cũng có thể kích ứng phế quản gây hen.
  • Ngoài ra, người ra còn nhận thấy nếu bố mẹ có tiền sử hen, dị ứng thì nguy cơ con cái bị hen phế quản cũng cao hơn.
Lông chó, mèo là tác nhân kích thích gây hen ở một số cơ địa dị ứng.

3 Các triệu chứng hen phế quản thường gặp

Không phải tất cả trẻ em đều có các triệu chứng hen suyễn giống nhau. Một đứa trẻ thậm chí có thể có các triệu chứng khác nhau từ đợt này sang đợt khác. [3]

Triệu chứng điển hình nhất của trẻ hen phế quản là có những cơn ho kéo dài và tái phát nhiều lần. Đặc biệt triệu chứng trở nên nặng hơn vào ban đêm như  thở khò khè, phải thở gắng sức và cảm thấy ngực nặng. Nhiều khi trẻ sẽ có những cơn ho như ho gà, đôi khi kèm theo tiếng rít khi thở.

Khi hen phế quản, sẽ làm cho đường thở bị co hẹp lại, khiến trẻ khó thở, thở nhanh và gấp. Triệu chứng này sẽ nặng hơn khi trẻ chạy bộ, leo cầu thang, khi hoạt động gắng sức.

Khi hen, cơ thể của trẻ sẽ không có đủ lượng oxy cần thiết, do đó sẽ có các biểu hiện mặt tái nhợt, mệt mỏi và ra nhiều mồ hôi.

Dựa vào mức độ của các biểu hiện trên, hen phế quản được phân làm 4 mức độ khác nhau: 

Ở hen phế quản độ 1 thì lúc này các cơn hen chỉ xảy ra nhẹ và ngắt quãng, các triệu chứng chủ yếu xảy ra vào ban ngày.

Khi hen phế quản độ 2 thì các cơn hen nhẹ xảy ra dai dẳng.

Trẻ bị hen phế quản độ 3 thì các cơn hen xảy ra với tần suất nhiều hơn, hàng ngày và gây ảnh hưởng đến các hoạt động của trẻ.

Nếu bệnh chuyển sang mức độ 4 thì các cơn hen thường xuyên, kéo dài, xuất hiện nhiều vào ban đêm, đồng thời các hoạt động của trẻ cũng bị hạn chế theo.

4 Trẻ mắc bệnh hen phế quản chữa như thế nào?

Trước tiên trong điều trị hen phế quản ở trẻ cần phải cho trẻ tránh xa các tác nhân cũng như những yếu tố nguy cơ gây hen cho trẻ.

4.1 Dùng Salbutamol để cắt cơn hen khởi phát

Do trẻ có thể lên cơn hen bất cứ lúc nào bởi một nguyên nhân nào đó nên cha mẹ cần biết cách xử lý cho trẻ tại nhà. Do đó, hầu hết các trẻ bị hen đều phải luôn mang theo bên mình thuốc giãn phế quản Salbutamol ở dạng hít định liều cắt cơn hen.

Nếu có cơn hen xuất hiện, cho trẻ hít Salbutamol MDI từ 2 đến 4 nhát. Nếu cơn hen chưa dứt có thể nhắc lại sau mỗi 20 phút.

Sau đó, nếu trẻ có dấu hiệu nặng hơn thì cha mẹ cần khẩn trương đưa con đến cơ sở y tế. Các dấu hiệu trở nặng của bệnh như: khó thở nặng, không thuyên giảm hoặc nặng hơn sau ba liều khí dung.

4.2 Sử dụng các thuốc phòng ngừa hen phế quản

Chúng ta cần cho trẻ dùng thuốc phòng ngừa hen phế quản khi trẻ có các điều kiện như sau:

  • Trẻ bị hen phế quản từ mức độ 2 trở lên.
  • Các cơn hen phế quản của trẻ không kiểm soát được hoặc chỉ kiểm soát được 1 phần..
  • Trẻ có biểu hiện khò khè  từ 1 lần mỗi tuần trở lên. Hoặc trẻ bị thức giấc khi khò khò từ 2 lần trở lên mỗi tháng.
  • Hoặc với những trẻ hàng ngày đều phải dùng thuốc cắt cơn hen phế quản.
  • Trẻ bị hen phế quản nặng hoặc nguy kịch phải đưa đi cấp cứu.

4.2.1 Thuốc phòng ngừa hen phế quản Corticoid dạng hít

Đây là thuốc được lựa chọn để phòng ngừa hen phế quản đầu tiên.

Các thuốc corticoid này được dùng để hít cho trẻ như sau:

  • Thuốc Budesonid (MDI) được dùng cho trẻ theo chia liều từ thấp đến cao tùy theo mức độ bệnh. Liều thấp là từ 100 đến 200µg, liều trung bình từ 200 đến 400µg, liều cao là trên 400µg.
  • Budesonid-Neb dạng khí dung được chia liều như sau: liều thấp từ 250 đến 500µg, rồi đến liều trung bình là trên 500 đến 1000µg, và liều cao là trên 1000µg.
  • Tương tự Fluticasone (MDI) cũng được chia liều như sau: liều thấp từ 100 đến 200µg, liều trung bình là trên 200 đến 500µg, và trên 500µg là liều cao.

4.2.2 Thuốc đối kháng Leukotriene Montelukast dùng phòng ngừa hen phế quản

Thuốc được dùng trong các trường hợp sau:

  • Trẻ bị hen phế quản khởi phát do nhiễm siêu vi hô hấp. Với trường hợp này thì cho trẻ điều trị từ 7 đến 10 ngày.
  • Hoặc dùng để thay thế khi trẻ hen phế quản độ 2 nhưng không thể sử dụng corticoid dạng hít.
  • Trường hợp trẻ bị hen phế quản độ 2 có kèm theo triệu chứng của bệnh viêm mũi dị ứng.
  • Phối hợp với thuốc corticoid hít còn liều thấp khi trẻ bị hen phế quản độ 3 điều trị corticoid không có hiệu quả.
  • Khi trẻ dưới 5 tuổi bị hen phế quản độ 3 trở lên hoặc không dung nạp LABA thì dùng phối hợp với thuốc corticoid dạng hít.

Thuốc đối kháng Leukotriene Montelukast được dùng buổi tối với liều như sau:

  • Trẻ  từ 15 tuổi trở lên dùng mỗi ngày 10mg, bé từ 6 đến 14 tuổi hàng ngày dùng 5mg còn các bé dưới 5 tuổi thì mỗi ngày chỉ dùng 4mg.

4.2.3 Các thuốc giãn phế quản có tác dụng kéo dài (LABA)

Các thuốc này không được dùng riêng lẻ mà phải dùng phối hợp với corticoid dạng hít.

Thuốc Symbicort nếu dùng cho  các bé từ 6 tuổi trở lên, mỗi ngày hít 2 lần, mỗi lần từ 1 đến 2 cái.

Thuốc Seretide Evohaler, khi dùng cho đối tượng từ 4 tuổi trở lên, mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần 2 nhát xịt. Có thể xuống 1 lần/ngày, nếu dùng với liều thấp nhất mạng hiệu quả tốt trong quá trình kiểm soát triệu chứng.

Dùng corticoid dạng hít để cho người bệnh viêm phế quản.

5 Cách sử dụng phác đồ phòng ngừa hen phế quản

Các bé bị hen phế quản độ 1 thì không cần dùng thuốc phòng ngừa.

Các bé bị hen phế quản độ 2 thì dùng corticoid hít định liều thấp. Nếu không có hiệu quả thì thay thế bằng  thuốc kháng leukotriene.

Với các trẻ hen phế quản độ 3 thì dùng corticoid dạng hít liều trung bình hoặc dùng corticoid liều thấp kèm theo là thuốc kháng leukotriene. Hoặc corticoid liều thấp và thuốc LABA nếu trẻ trên 5 tuổi.

Trẻ bị hen phế quản độ 4 thì dùng corticoid liều cao, hoặc liều thấp nhưng phối hợp với thuốc kháng leukotriene hoặc thuốc LABA.

Nếu trẻ có kết quả tốt và không bị hen trong vòng 3 tháng thì giảm liều dùng của corticoid hít còn một nửa liều điều trị. Nếu sau đó trẻ dùng liều thấp cho kết quả ổn định trong 12 tháng thì có thể ngừng hẳn thuốc.

Nếu kết quả điều trị thấp hoặc trẻ không kiểm soát được hen phế quản, cơn hen cấp vẫn xuất hiện thì xem xét tăng liều corticoid lên 2 lần hoặc tăng theo bậc điều trị độ hen.

Sau khi bệnh được điều trị ổn định, trẻ xuất viện vẫn cần tái khám mỗi 3 đến 5 ngày. Sau đó nếu đã kiểm soát được cơn hen 1 phần thì mỗi tháng kiểm tra một lần, cho đến khi kiểm soát tốt thì 3 tháng tái khám 1 lần

Bệnh hen suyễn được kiểm soát tốt nếu

  • Các triệu chứng không quá 2 ngày một tuần và những triệu chứng này không đánh thức trẻ khỏi giấc ngủ hơn 1 hoặc 2 đêm một tháng.
  • Các hoạt động hàng ngày có thể diễn ra bình thường.
  • Trẻ bị không quá 1 lần lên cơn hen suyễn mỗi năm và phải uống thuốc viên hoặc chất lỏng trong vài ngày để điều trị cơn.
  • Lưu lượng tối đa (mức độ không khí di chuyển vào và ra khỏi phổi) không giảm xuống dưới 80% con số tốt nhất chính bệnh nhân.
  • Cần dùng thuốc giảm đau không quá 2 ngày trong tuần. [4]

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Childhood asthma, Mayoclinic. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của Medlineplus, Asthma in Children, Medlineplus. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của WebMD, Childhood Asthma, WebMD. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021
  4. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC, Asthma in children, cdc.gov. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 1 Thích

    Trẻ mắc bệnh hen phế quản chữa như thế nào?


    Thích (1) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Bệnh hen phế quản ở trẻ em và những điều cần biết 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Bệnh hen phế quản ở trẻ em và những điều cần biết
    TL
    Điểm đánh giá: 5/5

    bài viết hữu ích, cảm ơn các dược sĩ đã cung cấp thông tin này

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

hotline
0868 552 633
0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633