Hậu Covid và những điều cần biết để phục hồi sau mắc Covid-19
Trungtamthuoc.com - Mặc dù hầu hết những người mắc bệnh Covid-19 đều khỏe lại trong vòng vài tuần sau khi bị bệnh, nhưng một số người gặp phải các tình trạng hậu Covid. Các triệu chứng này gặp ở khoảng 10-20% số người nhiễm Covid-19. [1] Vậy các triệu chứng hậu Covid-19 có gì và điều trị như thế nào?
1 Hậu Covid là gì và có biểu hiện như thế nào?
Hội chứng hậu Covid-19 là một loạt các triệu chứng bao gồm cả thể chất và tinh thần, phát triển trong và sau khi mắc Covid-19, kéo dài từ 2 tháng trở lên kể từ khi khởi phát và không được giải thích bằng các chẩn đoán khác. Hầu hết các triệu chứng hậu Covid-19 là nhẹ và sẽ hồi phục sau một thời gian. Tuy nhiên cũng có những triệu chứng kéo dài ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh.
Theo CDC, các triệu chứng kéo dài phổ biến nhất là mệt mỏi, khó thở, ho, đau khớp và đau ngực. Các vấn đề khác bao gồm các vấn đề về nhận thức, khó tập trung, trầm cảm, đau cơ, đau đầu, tim đập nhanh và sốt từng cơn.
1.1 Hô hấp
Covid-19 có thể để lại sẹo và các tổn thương vĩnh viễn tại phổi. Nhẹ hơn có thể gây ra khó thở dai dẳng, hụt hơi ngay cả khi gắng sức nhẹ. Các chuyên gia cho biết cần nhiều tháng để chức năng phổi có thể trở lại bình thường. Các bài tập thở rất hữu ích để cải thiện chức năng phổi.
1.2 Tim mạch
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng 60% những người hồi phục sau COVID-19 có các dấu hiệu của bệnh viêm tim, có thể dẫn đến các triệu chứng phổ biến là khó thở, đánh trống ngực và tim đập nhanh. Tình trạng viêm này xuất hiện ngay cả ở những người đã từng mắc COVID-19 nhẹ và không triệu chứng.
1.3 Thận
Nếu trong quá trình mắc bệnh mà thận bị tổn thương thì đây có thể là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lâu dài và cần phải chạy thận.
1.4 Khứu giác và Vị giác
Trước và sau khi mắc COVID-19, bệnh nhân có thể mất hoàn toàn khứu giác hoặc vị giác, hoặc nhận thấy những thứ quen thuộc có mùi hoặc vị lạ, khó chịu. Mặc dù không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng tình trạng mất vị giác và khứu giác kéo dài có thể dẫn đến chán ăn, lo lắng và trầm cảm. Một số nghiên cứu cho thấy rằng có 60% đến 80% những người gặp tình trạng này có khứu giác được cải thiện trong vòng một năm.
1.5 Thần kinh
Một số bệnh nhân gặp phải các triệu chứng mệt mỏi, đau đầu và chóng mặt.
Hội chứng nhịp tim nhanh tư thế đứng POTS là một tình trạng ảnh hưởng đến tuần hoàn máu và có thể xảy ra ở hậu Covid. Tình trạng này có thể dẫn tới các triệu chứng thần kinh khác như đau đầu liên tục, sương mù não, khó suy nghĩ hoặc tập trung, mất ngủ. Ngày cả những bệnh nhân không mắc phải POTS, họ vẫn gặp phải chứng mất ngủ dai dẳng.
1.6 Tâm Thần
Một số bệnh nhân sau khỏi bệnh vẫn cảm thấy lo lắng kéo dài, trầm cảm và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Những thay đổi về thể chất, tâm lý bị cô lập trong thời gian dài, căng thẳng vì mất việc làm và khó khăn về tài chính, cũng như đau buồn vì cái chết của những người thân yêu và sức khỏe giảm sút đều có thể ảnh hưởng tới tâm lý người bệnh.
2 Các yếu tố nguy cơ của hội chứng hậu Covid
Dựa trên các dữ liệu hạn chế tại các quốc gia như Trung Quốc, Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hoa Kỳ, Ý, hội chứng hậu Covid xảy ra chử yếu ở những bệnh nhân mắc Covid-19 phải nhập viện và cần hỗ trợ thông khí. Những bệnh nhân có bệnh lý phổi từ trước, lớn tuổi, béo phì được coi là có nhiều nguy cơ mắc hội chứng hậu Covid.
Thông qua các đợt dịch bùng phát gần đây, ngày càng thấy rõ rằng những bệnh nhân mắc bệnh nền từ trước như đái tháo đường, bệnh thận mạn tính, bệnh tim mạch mạn tính, u ác tính, những người ghép tạng và bệnh gan mạn tính có nguy cơ cao sẽ phát triển Covid-19 nghiêm trọng. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu các bệnh nền có phải là yếu tố nguy cơ gây hội chứng hậu COVID-19 hay không.
Bên cạnh đó, bệnh nhân nữ sau khi mắc Covid-19 thường dễ mắc phải hội chứng này, trong đó chủ yếu là mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm (theo dõi trong vòng 6 tháng).
3 Nguyên nhân gây hội chứng hậu Covid
Mặc dù những bệnh nhân có yếu tố nguy cơ cao như có bệnh lý nền có nhiều khả năng bị Covid-19 nghiêm trọng, nhưng không có mối liên hệ rõ ràng nào giữa những yếu tố nguy cơ này với tình trạng hậu Covid. Trên thực tế, hậu Covid có thể xảy ra ở những người có triệu chứng nhẹ.
Hiện tại với những dữ liệu công bố còn hạn chế, nguyên nhân chính xác của hội chứng hậu Covid vẫn chưa được biết nhưng có khả năng là đa yếu tố. Chúng có thể là do tổn thương nội tạng, phản ứng viêm dai dẳng, phản ứng tự miễn dịch và các nguyên nhân khác. [2]
Sau bất kỳ sự nhiễm trùng, viêm hoặc chấn thương nghiêm trọng nào, cơ thể sẽ phản ứng miễn dịch bằng hội chứng đáp ứng viêm hệ thống (SIRS) và sau đó là hội chứng đáp ứng chống viêm bù (CARS). Sự cân bằng giữa SIRS và CARS quyết định kết quả lâm sàng và tiên lượng bệnh.
Nhiễm SARS-CoV 2 ở những bệnh nhân có bệnh lý đi kèm hoặc cơ thể không đủ khả năng miễn dịch có thể dẫn đến giải phóng cytokine quá mức, gọi là "cơn bão cytokine". Sự phóng thích cytokine liên tục dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp tính (ARDS), tình trạng tăng đông máu, rối loạn chuyển hóa men chuyển 2 (ACE2), giảm tưới máu đến các cơ quan nội tạng, sốc nhiễm trùng, suy đa cơ quan và cuối cùng là tử vong. Sự cân bằng miễn dịch giữa quá trình kích hoạt miễn dịch và ức chế miễn dịch sẽ dẫn đến sự phục hồi lâm sàng hoặc tái hoạt của virus, nhiễm trùng thứ cấp và tử vong. [3]
3.1 Trên phổi
Dữ liệu cho thấy nhiều bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp dai dẳng hàng tuần đến hàng tháng sau chẩn đoán mắc Covid-19.
Cả 2 cơ chế phụ thuộc và độc lập của virus đều góp phần gây ra tổn thương nội mô, biểu mô do sự xâm nhập của bạch cầu đơn nhân và bạch cầu trung tính dẫn đến hội chứng suy hô hấp cấp. Phổi giảm khả năng khuếch tán là tình trạng được báo cáo nhiều nhất và tương quan trực tiếp với mức độ nghiêm trọng của bệnh. Hiện tượng kính mờ là phổ biến nhất khi chụp CT phổi.
Khó thở, ho, phụ thuộc oxy, khó cai thở máy hoặc thông khí không xâm lấn NIV, xơ phổi, giảm khả năng khuếch tán và giảm sức chịu đựng là những di chứng phổi thường gặp ở bệnh nhân hội chứng COVID-19 sau cấp tính. Khó thở là triệu chứng phổi chủ yếu
3.2 Trên tim mạch
Các tổn thương tim mạch dẫn đến các triệu chứng lâm sàng như khó thở, mệt mỏi, viêm cơ tim, giảm dự trữ tim, rối loạn điều hòa hệ thống renin-angiotensin-aldosterone (RAAS), rối loạn chức năng tự trị và loạn nhịp tim.
Cơ chế phổ biến gây tổn thương tim mạch bao gồm: độc tế bào qua trung gian virus, giảm điều hòa thụ thể ACE 2, viêm qua trung gian miễn dịch ảnh hưởng đến cơ tim và màng tim.
3.3 Trên huyết học
Thuyên tắc huyết khối là thứ phát của trạng thái viêm quá mức và tăng đông so với rối loạn đông máu tiêu thụ do đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC).
Tình trạng thiếu oxy máu, tổn thương nội mô, hoạt hóa tiểu cầu, các cytokine tiền viêm dẫn tới huyết khối tắc mạch cao không tương xứng trong thời gian mắc Covid-19. Cả thời gian và mức độ nghiêm trọng của trạng thái tăng viêm này đều góp phần tăng nguy cơ biến chứng huyết khối giai đoạn hậu Covid-19.
3.4 Trên tâm thần kinh
Huyết khối vi mạch, viêm hệ thống, nhiễm độc thần kinh trực tiếp qua trung gian virus được cho là những cơ chế dẫn tới bệnh lý thần kinh trong COVID-19. Rối loạn rối loạn căng thẳng thần kinh, suy giảm trí nhớ và rối loạn căng thẳng sau chấn thương có thể góp phần gây ra chứng sương mù não sau COVID-19. Thời gian nằm ICU dài, đặt nội khí quản kéo dài góp phần đáng kể làm suy giảm nhận thức lâu dài.
3.5 Trên thận
Khoảng 20% bệnh nhân Covid-19 nặng cần đặt nội khí quản cũng cần liệu pháp thay thế thận trong thời gian nhập viện. Nhưng đa số họ không cần chạy thận sau khi khỏi bệnh.
3.6 Trên nội tiết
Tổn thương do virus, do viêm và miễn dịch là những cơ chế gây biểu hiện nội tiết trong hội chứng hậu Covid. Các tình trạng có thể gặp như viêm tuyến giáp loại DKA, bán cấp và Hashimoto. Sử dụng thuốc steroid, thiếu hụt Vitamin D và bất động có thể ảnh hưởng đến quá trình khử khoáng của xương.
4 Chẩn đoán hội chứng hậu Covid
Việc chẩn đoán hội chứng hậu Covid, các bác sĩ cần có tiền sử bệnh, tiền sử dùng thuốc, thời gian diễn ra các triệu chứng hiện tại, các bệnh lý đi kèm,... Sau đó bác sĩ yêu cầu các xét nghiệm chẩn đoán thích hợp cũng như chẩn đoán loại trừ.
Sự hiểu biết về hội chứng hậu Covid hiện tại còn hạn chế và bất kỳ cơ quan nào cũng có thể bị ảnh hưởng. Do đó cần có chẩn đoán loại trừ bằng các đánh giá và xét nghiệm, kết hợp với các tình trạng trước khi mắc bệnh để chẩn đoán chính xác.
Tiên lượng hiện chưa được biết và có thể phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng lâm sàng, các bệnh lý kèm theo và đáp ứng với điều trị. Cần có thêm nhiều nghiên cứu lâm sàng đánh giá bệnh nhân sau mắc COVID-19 để hiểu thời gian và tác động lâu dài của bệnh này.
5 Điều trị hậu Covid như thế nào?
Hội chứng hậu COVID-19 có thể được coi là một rối loạn đa hệ thống, biểu hiện chung với các triệu chứng về hô hấp, tim mạch, huyết học và tâm thần kinh đơn độc hoặc kết hợp. Do đó, việc điều trị tùy thuộc từng cá nhân và kết hợp các chuyên khoa với nhau.
Bên cạnh đó cũng cần tối ưu hóa việc điều trị các bệnh nền như tiểu đường, thận, huyết áp,...
Bệnh nhân cần được hướng dẫn tự theo dõi tại nhà với các thiết bị như máy đo huyết áp, máy đo đường huyết, máy đo oxy xung. Bệnh nhân cũng cần thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, duy trì giấc ngủ hợp lý, hạn chế sử dụng rượu bia và bỏ thuốc lá. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể cần thời gian phục hồi. Vì vậy bệnh nhân không nên quá lo lắng nếu vẫn còn những triệu chứng như ho, hụt hơi, nhức đầu,...
Dưới đây là những phương pháp để những người mắc hội chứng hậu Covid có thể áp dụng để nhanh chóng lấy lại sức khỏe:
- Tập thở
Với những người bị hụt hơi, khó thở hay trước đó là bệnh nhân nặng, nằm ICU trong thời gian điều trị cần thực hiện các bài tập thở để hồi phục chức năng phổi.
- Đi bộ
Đi bộ khoảng 30 phút mỗi ngày sau đó tăng dần thời gian. Sau đó nếu cảm thấy cơ thể khỏe hơn, bạn có thể thực hiện các bài tập thể dục cũng như các môn thể thao khác giúp cơ thể hồi phục phổi nhanh hơn.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ
Cần giữ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung nhiều vitamin, khoáng chất và protein để cơ thể có đủ dinh dưỡng phục hồi.
Nếu các triệu chứng ảnh hưởng lớn tới cuộc sống hoặc diễn ra quá lâu, hãy đi khám. Các bác sĩ đưa ra một số câu hỏi, có thể đề xuất một số xét nghiệm để chẩn đoán và loại trừ như xét nghiệm máu, đo huyết áp và nhịp tim, chụp X-quang ngực,... [4]
6 Phòng ngừa hội chứng hậu Covid
Cách tốt nhất để ngăn ngừa các tình trạng sau Covid là không mắc Covid. Tiêm vaccine càng sớm càng tốt cho những người đủ điều kiện tiêm chủng, đặc biệt là nhóm tuổi cao, có bệnh nền giúp ngăn ngừa nhiễm Covid-19 cũng như những di chứng mà Covid 19 để lại sau khi khỏi bệnh.
Nếu bạn đã nhiễm bệnh, quá trình điều trị nên được theo dõi và thực hiện đúng cách để tránh trở nặng. Bên cạnh đó hãy có lối sống điều độ, ăn uống và nghỉ ngơi hợp lý để giảm các áp lực lên cơ thể khi chưa kịp phục hồi. Để ngăn ngừa các triệu chứng thần kinh hậu Covid như mất ngủ, mất trí nhớ và đột quỵ, bạn cũng có thể sử dụng thêm một số thực phẩm chức năng chứa Ginkgo Biloba, Nattokinase,... Tại Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy, quý bạn đọc có thể tham khảo thực phẩm bảo vệ sức khỏe giúp hạn chế hình thành huyết khối và phòng ngừa đột quỵ HT Strokend. Đây là sản phẩm có tác dụng hoạt huyết dưỡng não, tăng cường tuần hoàn và hoạt động não, ngăn ngừa cục máu đông và phòng tránh đột quỵ đồng thời cải thiện sức khỏe ở người ốm yếu, suy nhược sau ốm dậy.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia của WHO, Coronavirus disease (COVID-19): Post COVID-19 condition, who.int. Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2022
- ^ Tác giả: Tae Chung, M.D,Amanda Kole Morrow, MD, Emily Pfeil Brigham, M.D., M.H.S, Megan Hosey Mastalerz, Ph.D, Arun Venkatesan, MD, Ph.D, COVID ‘Long Haulers’: Long-Term Effects of COVID-19, Hopkinsmedicine, Ngày đăng: 8 tháng 12 năm 2021. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2022
- ^ Tác giả: Venu Chippa ; Abdul Aleem ; Fatima Anjum, Post Acute Coronavirus (COVID-19) Syndrome, Ngày đăng: 6 tháng 2 năm 2022, Pubmed. Truy cập ngày 23 tháng 3 năm 2022
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Long-term effects of coronavirus (long COVID), NHS.UK, Truy cập ngày 22 tháng 3 năm 2022