1. Trang chủ
  2. Thông Tin Y Học
  3. Hát karaoke có làm giảm nồng độ cồn không? Mẹo làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở

Hát karaoke có làm giảm nồng độ cồn không? Mẹo làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở

Hát karaoke có làm giảm nồng độ cồn không? Mẹo làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở

Trungtamthuoc.com - Lượng cồn trong khí thở là một trong những căn cứ quan trọng để công an giao thông xử lý người vi phạm giao thông. Nồng độ cồn tồn tại bao lâu trong cơ thể? Hát karaoke có thể làm giảm nồng độ cồn không? Bài viết dưới đây, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ giải đáp những thắc mắc của bạn

1 Rượu bia tồn tại bao lâu trong cơ thể?

Rượu bia tồn tại trong cơ thể mỗi người là khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:

  • Số lượng đơn vị cồn mà cơ thể dung nạp.
  • Loại xét nghiệm được sử dụng.
  • Một số yếu tố sinh học khác.

Thời gian phát hiện nồng độ cồn trong cơ thể:

  • Xét nghiệm máu có thể đo lượng cồn trong cơ thể trong tối đa 6 giờ sau lần cuối cùng sử dụng.
  • Xét nghiệm nước tiểu, chẳng hạn như xét nghiệm ethyl glucuronide (EtG), cũng có hiệu quả trong khoảng 12-24 giờ sau khi uống.
  • Xét nghiệm máy đo hơi thở có thể phát hiện nồng độ cồn trong khoảng 12 đến 24 giờ sau lần cuối uống rượu.
  • Xét nghiệm nước bọt có thể phát hiện được nồng độ cồn trong khoảng 12 đến 14 giờ sau lần cuối uống rượu.

2 Cơ thể chuyển hóa rượu như thế nào?

Cơ thể chuyển hóa rượu như thế nào?
Cơ thể chuyển hóa rượu như thế nào?

Sau khi uống, rượu sẽ vào hệ thống tiêu hóa, đến dạ dày và xuống ruột non. Khoảng 20% rượu được hấp thu tại dạ dày và 80% được hấp thu ở ruột non, sau đó đi trực tiếp vào máu. Sau khi vào máu, rượu sẽ nhanh chóng được bạn chuyển đi khắp cơ thể, đây là nguyên nhân làm cho rượu tác động đến nhiều cơ quan trong cơ thể.

Gan là nơi diễn ra quá trình chuyển hóa rượu. Nếu cơ thể dung nạp quá nhiều rượu cùng một lúc, rượu sẽ được phân bố ở các mô khác nhau trong cơ thể để chờ gan chuyển hóa. [1]

Có khoảng 90-98% lượng rượu sau khi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa và hấp thu, lượng còn lại sẽ được thải ra khỏi cơ thể qua mồ hôi, nước tiểu, chất nôn và phân.

Một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa rượu của cơ thể:

  • Tuổi tác: Tuổi càng lớn, rượu càng lưu lại trong gan lâu hơn. Lượng nước trong cơ thể cũng giảm theo độ tuổi, dẫn đến tăng nồng độ cồn trong máu. Những người lớn tuổi cũng có khả năng dùng nhiều thuốc hơn và có nguy cơ ảnh hưởng đến gan. Tất cả những yếu tố này có thể dẫn đến kéo dài thời gian chuyển hóa và đào thải rượu.
  • Giới tính: Rượu được chuyển hóa ở nữ giới khác với nam giới và sẽ tồn tại trong cơ thể phụ nữ lâu hơn. Điều này phần lớn là do phụ nữ có tỷ lệ mỡ trong cơ thể cao hơn và tỷ lệ nước trong cơ thể thấp hơn do với nam giới.
  • Thức ăn: Thức ăn có ảnh hưởng rất lớn đến tốc độ hấp thu của rượu. Thức ăn làm loãng rượu và làm chậm quá trình rỗng dạ dày. Do đó, việc ăn trước và trong khi uống rượu giúp kích thích hoạt động của enzym trong gan đồng thời làm chậm tốc độ hấp thu rượu.
  • Trọng lượng cơ thể: Mỡ có hàm lượng nước thấp không thể hấp thu rượu và mô cơ có hàm lượng nước cao do đó những người thừa cân, béo phì hoặc có lượng mỡ trong cơ thể nhiều thường có nồng độ cồn trong máu cao hơn.
  • Các loại thuốc: Một số thuốc có thể tương tác với rượu và làm thay đổi quá trình trao đổi chất, do đó ảnh hưởng đến tốc độ chuyển hóa và đào thải rượu như thuốc chống lo âu, thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc điều trị đái tháo đường, thuốc điều trị ADHD (rối loạn tăng động giảm chú ý),...

Xem thêm: Đỏ mặt khi uống rượu cảnh báo nguy cơ mắc ung thư vòm họng

3 Mối liên quan giữa nồng độ cồn trong máu và nồng độ cồn trong khí thở

Mối liên quan giữa nồng độ cồn trong máu và nồng độ cồn trong khí thở
Mối liên quan giữa nồng độ cồn trong máu và nồng độ cồn trong khí thở

Tỷ lệ cồn có trong máu một người được gọi là nồng độ cồn trong máu (BAC). Nồng độ cồn trong máu thường được biểu thị bằng phần trăm Ethanol có trong máu tính bằng đơn vị khối lượng rượu trên một thể tích.

Khi nồng độ cồn trong máu vượt quá 0,05% đến 0,055%, các phản ứng bất lợi của rượu bắt đầu tăng lên. Tiêu thụ rượu bia là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng làm tăng nồng độ cồn trong máu, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người sử dụng mà còn có nguy cơ gây mất an toàn giao thông.

Cứ 2100 ml khí thở sẽ chứa nồng độ tương đương với 1ml máu. Do đó, thay vì đo nồng độ cồn trong máu, cảnh sát giao thông có thể tiến hành kiểm tra đo nồng độ cồn trong hơi thở của các cá nhân để phân tích. Chính vì điều này, nhiều tài xế đã truyền tai nhau những mẹo giúp làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở nhằm qua được chốt kiểm tra.

4 Hát karaoke có làm giảm nồng độ cồn không?

Hát karaoke có làm giảm nồng độ cồn không?
Hát karaoke có làm giảm nồng độ cồn không?

Khoảng 5% lượng cồn tiêu thụ sẽ thải trừ ra khỏi cơ thể qua nước tiểu, tuyến mồ hôi và hơi thở. Do đó, việc tăng thông khí thông qua các hoạt động như nói chuyện, hát karaoke có thể làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở.

Tuy nhiên, như đã đề cập, nồng độ cồn trong khí thở có thể được phát hiện trong khoảng 12 đến 24 giờ sau lần cuối uống rượu. Một ly rượu 40ml nồng độ 30% hoặc ¾ lon bia 330ml nồng độ 5% được tính là 1 đơn vị cồn sẽ cần 1 tiếng để thải trừ hoàn toàn qua đường hô hấp. Do đó, để cho mức nồng độ cồn nằm dưới mức xử phạt giao thông chỉ bằng việc hát karaoke trong 1-2 tiếng là điều rất khó thực hiện.

Bên cạnh đó, hát karaoke tại những nơi công cộng có thể ảnh hưởng đến những người xung quanh. 

Quá trình hấp thu, chuyển hóa và thải trừ rượu bia sau khi sử dụng phụ thuộc vào nhiều yếu tố cũng như cơ địa của mỗi người. Do đó, để hạn chế tác hại của rượu bia cũng như để dễ dàng vượt qua các chốt kiểm tra nồng độ cồn, cách tốt nhất là hạn chế sử dụng rượu bia hoặc không lái xe khi đã sử dụng rượu bia.

5 Cách làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở được các tài xế truyền tai

5.1 Sau bao lâu hết nồng độ cồn trong cơ thể?

Nồng độ cồn trong cơ thể bị ảnh hưởng trực tiếp bằng số đơn vị cồn mà mỗi người tiêu thụ. Đơn vị cồn là đơn vị được sử dụng để quy đổi các đồ uống như rượu bia và các đồ uống khác chứa cồn ở nồng độ khác nhau về lượng cồn nguyên chất. Một đơn vị cồn tương đương với 10g cồn (ethanol) nguyên chất có chứa trong dung dịch uống.

Cách tính đơn vị cồn: Dung tích (ml) x Nồng độ (%) x hệ số quy đổi (0,79)

Theo Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (Hoa Kỳ) trung bình, gan cần 1 giờ để chuyển hóa và thải trừ 1 đơn vị cồn. [2].

Xem thêm: Cách uống rượu không say, không đỏ mặt, nhanh tỉnh cho các bợm nhậu

Cách làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở được các tài xế truyền tai
Cách làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở được các tài xế truyền tai

5.2 Súc miệng, đánh răng sau khi uống rượu bia

Rất nhiều tài xế tin rằng, việc súc miệng, đánh răng sau khi uống rượu bia sẽ giúp làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở từ đó dễ dàng vượt qua được các chốt kiểm tra của công an giao thông.

Tuy nhiên, hơi thở mà máy đo là hơi thở lấy từ phổi do đó, việc súc miệng, đánh răng cũng không có tác dụng trong việc làm giảm nồng độ cồn trong cơ thể.

5.3 Sử dụng kẹo cao su hoặc các loại xịt thơm miệng

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm xịt thơm miệng có nhiều vị khác nhau có thể che lấp tạm thời mùi khó chịu của rượu bia, kích thích tăng tiết nước bọt nhưng không có tác dụng làm giảm nồng độ cồn trong hơi thở.

5.4 Tập thể dục có làm giảm nồng độ cồn không?

Gan là nhiệm vụ chính trong việc chuyển hóa cồn trong máu, tập thể dục làm tăng tốc độ chuyển hóa trong cơ thể, tăng quá trình thông khí nhưng không đáng kể và không làm thay đổi quá nhiều nồng độ cồn trong máu cũng như trong khí thở.

5.5 Ngậm đồng xu

Nhiều tài xế truyền tai nhau rằng, ngậm đồng xu trước khi thổi sẽ vượt qua được máy đo nồng độ cồn một cách dễ dàng do khi ngậm sẽ xảy ra phản ứng hóa học dẫn đến làm giảm nồng độ cồn.

Tuy nhiên, rượu sau khi uống sẽ được phân bố ở hầu khắp các mô của cơ thể, máy đo nồng độ cồn trong hơi thở sẽ đo hơi thở lấy từ trong phổi do đó, nếu áp dụng cách này, các tài xế rất có thể sẽ bị xử phạt.

5.6 Thuốc giải rượu có làm giảm nồng độ cồn không?

Thuốc giải rượu có bản chất là tăng cường chức năng gan, làm giảm tác hại của rượu bia sau khi sử dụng nhưng không thể làm giảm nồng độ cồn trong máu cũng như trong hơi thở.

5.7 Hút thuốc lá trước khi thổi

Đây có thể được coi là phương pháp lấy độc trị độc nhưng khói thuốc lá chỉ làm che lấp đi mùi của rượu bia chứ không có tác dụng làm giảm nồng độ cồn.

5.8 Nuốt khí thở vào trong khi đo nồng độ cồn

Để tránh bị xử lý vi phạm, các tài xế khi tham gia giao thông được yêu cầu thổi vào máy đo nồng độ cồn thường nuốt ngược khí vào trong để máy đo bị nhầm lẫn từ đó không phát hiện được cồn trong khí thở. Tuy nhiên, các máy đo của cảnh sát giao thông sử dụng bộ phận cảm biến áp suất từ đó có thể phát hiện ra những bất thường trong luồng khí thở, do đó, những người áp dụng cách này sẽ phải thổi lại.

5.9 Uống cà phê

Nhiều người đặt câu hỏi ‘Uống gì để giảm nồng độ cồn?’ và một số người cho rằng, cà phê là loại thức uống giúp đẩy nhanh tốc độ chuyển hóa của cơ thể từ đó làm giảm nồng độ cồn một cách hiệu quả. Mặc dù chất caffeine trong cà phê có thể giúp bạn tỉnh táo hơn nhưng nó sẽ không làm giảm lượng cồn trong hơi thở hoặc trong máu của bạn.

5.10 Uống nhiều nước có làm giảm nồng độ cồn không?

Rượu là một chất lợi tiểu, nghĩa là nó làm tăng quá trình sản xuất nước tiểu từ đó có thể dẫn đến tình trạng mất nước. Khi cơ thể mất nước sẽ dẫn đến các triệu chứng như đau đầu và chóng mặt. Uống nước có thể làm giảm một số triệu chứng này nhưng nó không có tác dụng thải trừ hoặc làm giảm nồng độ cồn trong máu. Tuy nhiên, uống nhiều nước có thể làm giảm nồng độ cồn trong khí thở. Ngoài nước lọc, có thể sử dụng một số loại nước ép trái cây như nước ép Rau Má để thúc đẩy làm giảm nồng độ cồn trong khí thở.

6 Tác hại của việc lạm dụng rượu bia

Tác hại của việc lạm dụng rượu bia
Tác hại của việc lạm dụng rượu bia

Ngoài việc xử phạt theo quy định của pháp luật nếu người tham gia giao thông sử dụng đồ uống có cồn vượt quá ngưỡng quy định thì lạm dụng rượu bia có thể gây ra những tác động bất lợi cho cơ thể bao gồm:

6.1 Tổn thương gan

Gan là cơ quan chuyển hóa rượu, gan là nhiệm vụ chuyển hóa ethanol thành chất độc acetaldehyde, chất này phân hủy thành axetat và tiếp tục phân hủy thành nước và carbon dioxide.

Uống nhiều rượu trong thời gian dài có thể gây tổn thương gan và làm xuất hiện các bệnh về gan. Gan càng phải chuyển hóa nhiều rượu thì các tế bào của gan càng phải làm việc nhiều dẫn đến hình thành viêm gan do rượu hoặc viêm gan nhiễm mỡ do sử dụng rượu bia.

Những bệnh lý này không chỉ gây ra hậu quả nghiêm trọng với gan mà còn ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Cụ thể, rối loạn chức năng gan do sử dụng rượu có thể gây ra chứng rối loạn não gọi là bệnh não gan. Chứng rối loạn này sẽ gây ra những thay đổi về tâm trạng, tính cách, lo lắng, lú lẫn, trầm cảm và các vấn đề về phối hợp thể chất. Trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.

6.2 Tổn thương não

Tác động trực tiếp của rượu lên não có thể rất nghiêm trọng. Khi uống rượu trong thời gian ngắn, rượu có thể làm chậm hoạt động và khiến người sử dụng cảm thấy lâng lâng. Lạm dụng lâu dài có thể gây ra những phản ứng phụ nghiêm trọng hơn. Các nghiên cứu cho thấy, người nghiện rượu nặng có nguy cơ bị tổn thương thần kinh cao gấp 2,77 lần so với những người bình thường.

Ngoài ra, nghiện rượu thường dẫn đến thiếu hụt Thiamin hoặc Vitamin B1. Sự thiếu hụt này gây ra các tình trạng thần kinh được gọi là bệnh não Wernicke và rối loạn tâm thần Korsakoff. Hội chứng Wernicke-Korsakoff này gây ra tình trạng rối loạn tâm thần và mất phối hợp cơ nghiêm trọng.

6.3 Tổn thương tim mạch

Uống quá nhiều rượu có thể gây tổn thương cho tim mạch bao gồm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh động mạch ngoại biên và đột quỵ do xuất huyết. Uống nhiều rượu cũng có thể làm tăng mức chất béo trung tính , gây căng thẳng đáng kể cho tim. Những người nghiện rượu nặng cũng có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và bệnh tim mạch cao gấp đôi so với những người khác.

6.4 Tổn thương hệ thống nội tiết

Hệ thống nội tiết đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa các hormone để duy trì sự ổn định của cơ thể. Rượu có thể gây cản trở việc sản xuất hormone và chức năng của hệ thống nội tiết. Hệ thống nội tiết rất nhạy cảm với rượu đặc biệt là trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến thượng thận, uống rượu nhiều có thể làm tăng nồng độ cortisol điều này có thể khiến cơ thể phản ứng mạnh hơn với những căng thẳng bình thường.

Uống rượu cũng có thể gây hại cho trục hạ đồi-tuyến yên-tuyến giáp, hay trục HPA, nơi kiểm soát chức năng tuyến giáp. Nồng độ hormone tuyến giáp bất thường có thể do ảnh hưởng của việc uống rượu lên hệ thống này, dẫn đến các triệu chứng như tăng cân và thay đổi tâm trạng.

Hệ thống nội tiết cũng tham gia vào việc quản lý nhịp sinh học và giấc ngủ, một hệ thống khác có thể bị tổn hại do uống rượu quá nhiều.

6.5 Hệ thống miễn dịch

Trục HPA tương tự liên quan đến chức năng hệ thống nội tiết cũng liên kết chặt chẽ với hệ thống miễn dịch. Uống rượu có thể làm giảm mức độ của các tế bào hệ thống miễn dịch liên quan đến việc chống lại nhiễm trùng, như bạch cầu đơn nhân, bạch cầu trung tính và tế bào tiêu diệt tự nhiên. Do đó, uống rượu có thể làm cho cơ thể dễ bị nhiễm trùng và mắc bệnh tật.

6.6 Phản ứng viêm

Uống rượu quá mức và lâu dài có liên quan đến tình trạng viêm mãn tính khắp cơ thể. Rượu làm tăng sự hiện diện của các hóa chất gọi là cytokine gây viêm. Uống rượu cũng làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể, một loại hormone gây căng thẳng có liên quan đến chứng viêm. Vì tình trạng viêm có thể diễn ra khắp cơ thể nên các chuyên gia cho rằng mọi cơ quan trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng bởi tình trạng viêm liên quan đến rượu.

6.7 Sức khỏe tình dục

Uống rượu có thể có tác động sâu sắc đến sức khỏe tình dục và sinh sản. Rượu ảnh hưởng đến trục hạ đồi - tuyến yên - sinh dục từ đó gây ra những tác động tiêu cực lên:

Ham muốn tình dục: Những người sử dụng rượu có thể bị giảm ham muốn tình dục so với những người khác.

Khả năng sinh sản: Uống rượu quá mức có thể dẫn đến những bất thường trong các hormone sinh sản như testosterone, estrogen và Progesterone, cần thiết cho khả năng sinh sản. Vì nhiều hormone cần thiết cho khả năng sinh sản cũng được sử dụng trong các hệ thống khác của cơ thể nên việc giảm khả năng sinh sản cũng có thể liên quan đến thay đổi tâm trạng, trí nhớ kém, mất xương và teo cơ.

6.8 Hệ thống cơ xương

Rượu có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống cơ xương, làm tăng nguy cơ loãng xương. Uống rượu có thể ảnh hưởng đến nồng độ CanxiVitamin D trong cơ thể, đây đều là những yếu tố cần thiết giúp xương chắc khỏe. Sự thay đổi nội tiết tố Testosterone và estrogen do uống rượu có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất xương.

Xem thêm: WHO: Rượu bia và tất cả đồ uống có cồn đều có thể gây ung thư!

7 Kết luận

Cách duy nhất để ‘vượt qua’ chốt kiểm tra nồng độ cồn là không lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Điều này không những đảm bảo an toàn cho tài xế mà còn đảm bảo an toàn cho những người xung quanh.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Samir Zakhari và cộng sự (Ngày đăng năm 2006). Overview: How Is Alcohol Metabolized by the Body?, PubMed. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2024
  2. ^ Tác giả Alex Paton (Ngày đăng 8 tháng 1 năm 2005). Alcohol in the body, PubMed. Truy cập ngày 16 tháng 1 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633