1. Trang chủ
  2. Thông Tin Y Học
  3. Hấp thu thuốc là gì? Các đường đưa thuốc vào cơ thể

Hấp thu thuốc là gì? Các đường đưa thuốc vào cơ thể

Hấp thu thuốc là gì? Các đường đưa thuốc vào cơ thể

Trungtamthuoc.com - Hấp thu thuốc là quá trình đầu tiên xảy ra khi thuốc được đưa vào cơ thể. Nó có thể được thực hiện bởi nhiều con đường đưa thuốc khác nhau. Vậy quá trình đưa thuốc vào cơ thể như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu qua bài viết sau.

1 Hấp thu thuốc là gì?

Hấp thu thuốc là quá trình cơ thể tiếp nhận và hấp thu các dược phẩm hoặc chất hoá học từ ngoài vào bên trong cơ thể thông qua các con đường khác nhau. Quá trình hấp thu này giúp chất hoá học hoặc dược phẩm hoạt động trong cơ thể, điều trị bệnh, hoặc có tác dụng khác tùy thuốc và mục đích sử dụng. Quá trình hấp thu thuốc có thể được thực hiện qua các con đường như đường tiêu hóa, đường tiêm, đường hô hấp, đường qua da. [1]

2 Hấp thu thuốc qua đường tiêu hoá

2.1 Quá trình hấp thu thuốc qua đường tiêu hoá

Thuốc được hấp thu qua đường tiêu hóa có thể bằng nhiều cơ chế khác nhau. Tuy nhiên cơ chế hấp thu thuốc phổ biến nhất là khuếch tán thụ động. Quá trình này có thể được giải thích thông qua định luật khuếch tán Fick, trong đó phân tử thuốc di chuyển theo gradient nồng độ từ nồng độ thuốc cao hơn đến nồng độ thấp hơn cho đến khi đạt được trạng thái cân bằng. Khuếch tán thụ động có thể xảy ra trong môi trường nước hoặc môi trường lipid. Sự khuếch tán nước xảy ra trong khoang chứa nước của cơ thể, chẳng hạn như khoảng kẽ hoặc qua các lỗ chứa nước ở nội mô của mạch máu. Thuốc liên kết với Albumin hoặc các protein huyết tương lớn khác không thể thấm vào hầu hết các lỗ chứa nước. Mặt khác, sự khuếch tán lipid xảy ra qua khoang lipid của cơ thể. Do đó, nó được coi là yếu tố quan trọng nhất đối với tính thấm của thuốc do có nhiều hàng rào lipid ngăn cách các ngăn của cơ thể hơn. Hệ số lipid-nước của thuốc có thể được sử dụng để xác định tốc độ di chuyển của thuốc giữa môi trường lipid và nước.  [2]

Quá trình hấp thu thuốc qua đường tiêu hoá
Quá trình hấp thu thuốc qua đường tiêu hoá

2.2 Hấp thu thuốc qua niêm mạc miệng

Khi uống thuốc, thuốc chỉ lưu lại ở khoang miệng trong một thời gian rất ngắn rồi chuyển nhanh xuống dạ dày, do đó thuốc hầu như không có sự hấp thu ở đây. Tuy nhiên nhiều loại thuốc như viên ngậm, viên đặt dưới lưỡi thì sẽ được hấp thu qua niêm mạc miệng. Tại đây có nhiều mạch máu nên thuốc được hấp thu qua niêm mạc miệng sẽ trực tiếp đi vào hệ tuần hoàn, không qua gan, do đó tránh được chuyển hóa lần đầu qua gan và nguy cơ bị dịch tiêu hóa phân hủy. 

Một số thuốc đặt dưới lưỡi như:

  • Thuốc chống đau thắt ngực: Nitroglycerin (Nitromint)
  • Thuốc điều trị tăng huyết áp: Captopril (Captopril STADA 5mg)
  • Thuốc kháng viêm: Alphachymotrypsin (Alpha Choay)

2.3 Hấp thu thuốc qua niêm mạc dạ dày

Sự hấp thu thuốc ở dạ dày thường đóng vai trò thứ yếu trong tổng sự hấp thu của một liều thuốc, bởi hệ thống mao mạch ở dạ dày ít hơn nhiều so với ruột non, pH dịch dạ dày lại rất thấp, lưu lượng máu tưới tới dạ dày ít hơn và thời gian lưu thuốc ở dạ dày không dài. Do đó, chỉ có các thuốc có bản chất là acid yếu (thuốc ngủ barbituric, salicylat), các thuốc có hệ số phân bố lipid/nước cao mới được hấp thu qua niêm mạc dạ dày

Một số thuốc gây kích ứng hoặc bị ảnh hưởng bởi dịch acid dạ dày nên có dạng bào chế tan ở ruột non như: Aspirin pH8.

2.4 Hấp thu thuốc qua niêm mạc ruột non

Thuốc được hấp thu tốt nhất ở niêm mạc ruột non nhờ các yếu tố sau:

  • Sự có mặt của nhiều enzyme tiêu hóa, chẳng hạn như Lipase và peptidase, cùng với sự tiết ra ngoại tiết của zymogen, như trypsinogen, chymotrypsinogen và procarboxypeptidase, được giải phóng từ đường mật và tuyến tụy. 
  • Sự hấp thu của các phân tử thuốc cũng được hỗ trợ bởi nhung mao và vi nhung mao, làm tăng diện tích bề mặt ruột lên 30–600 lần. 
  • Giải pH từ acid nhẹ đến kiềm nhẹ thích hợp cho việc hấp thu các nhóm thuốc có tính kiềm hoặc acid khác nhau.
  • Ngoài cơ chế khuếch tán đơn thuần, tại niêm mạc ruột non có chứa nhiều chất mang giúp quá trình hấp thu thuốc tại đây còn được thực hiện theo các cơ chế khác như cơ chế khuếch tán thuận lợi và vận chuyển tích cực.

Tuy nhiên, sự hiện diện của các yếu tố chẳng hạn như chất nhầy, chất vận chuyển, sẽ hạn chế sự hấp thu của một số loại thuốc. 

[3] 

2.5 Hấp thu thuốc qua niêm mạc ruột già

Sự hấp thu thuốc qua niêm mạc ruột già kém hơn so với niêm mạc ruột non do các yếu tố sau:

  • Diện tích tiếp xúc nhỏ hơn: Niêm mạc ruột già có diện tích tiếp xúc nhỏ hơn so với niêm mạc ruột non do chiều dài ruột già ngắn hơn nhiều so với ruột non và không có các nhung mao và vi nhung mao trên niêm mạc.
  • Ít enzym tiêu hoá: Ruột già có ít enzym tiêu hoá so với ruột non. Enzym tiêu hoá đóng vai trò quan trọng trong quá trình phân giải và tiêu hóa chất thuốc, giúp chúng trở thành dạng dễ hấp thu hơn.
  • Chức năng chủ yếu của niêm mạc ruột già là hấp thu nước, điện giải (Na, Cl, K), và một số chất khoáng. Các chất thuốc thường cần qua quá trình tiêu hoá và hấp thu tại niêm mạc ruột non để có thể vào hệ tuần hoàn máu và có tác động lên cơ thể. Do đó, sự hấp thu thuốc thông qua niêm mạc ruột già thường kém hiệu quả hơn và đòi hỏi liều lượng cao hơn để đạt được hiệu quả mong muốn.

Tuy nhiên ở trực tràng (phần cuối của ruột già) lại có khả năng hấp thu thuốc tốt hơn vì có hệ tĩnh mạch phong phú. Hấp thu thuốc qua trực tràng tương đối tốt do có ưu điểm như: Thuốc nhanh chóng đạt nồng độ cao trong máu, tránh được sự phân hủy thuốc bởi dịch tiêu hóa, phù hợp với những bệnh nhân không sử dụng được thuốc đường uống, tuy nhiên thuốc có thể hấp thu không hoàn toàn và có thể gây kích ứng niêm mạc hậu môn.

Mặc dù Sinh khả dụng của thuốc dùng đường tiêu hóa rất phức tạp và thay đổi tùy thuộc vào các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, nhưng nó thuận tiện hơn cho nhiều bệnh nhân. Đây là đường dùng phổ biến nhất được sử dụng cho hầu hết các loại thuốc. 

2.6 Ưu, nhược điểm của đường đưa thuốc vào cơ thể qua đường tiêu hóa

2.6.1 Ưu điểm

  • Thuốc dễ sử dụng, thuận tiện đối với người bệnh. Bệnh nhân có thể sử dụng theo hướng dẫn điều trị mà không cần đến sự giúp đỡ của nhân viên y tế.
  • Đường tiêu hóa thường an toàn hơn so với cách đưa thuốc trực tiếp vào máu. Nó cho phép cơ thể có thời gian tiếp xúc với thuốc, giúp giảm nguy cơ tác dụng phụ đột ngột.
  • Đối với viên ngậm dưới lưỡi hoặc thuốc đặt trực tràng thì không bị acid dịch vị dạ dày phá hủy.
  • Thuốc đặt trực tràng có thể sử dụng trong những trường hợp không dùng được đường uống (do nôn, do hôn mê, hoặc ở trẻ em.

2.6.2 Nhược điểm

  • Quá trình tiêu hóa có thể khiến việc hấp thụ thuốc xảy ra chậm và có thể làm giảm hiệu suất của thuốc, đặc biệt là khi cần phản ứng nhanh chóng.
  • Các thuốc sử dụng đường uống bị chuyển hóa lần đầu qua gan hoặc có thể bị acid dịch vị dạ dày phá hủy, từ đó giảm sinh khả dụng của thuốc. Ngoài ra, một số thuốc gây kích ứng dạ dày nếu sử dụng sai thời điểm, ví dụ như thuốc NSAIDS nếu uống vào lúc đói sẽ khiến dạ dày bị kích ứng.
  • Tương tác thức ăn: Một số thuốc có thể tương tác với thức ăn hoặc enzyme tiêu hóa, dẫn đến sự giảm đi hiệu quả của thuốc hoặc gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng. Ví dụ thuốc chống trầm cảm MAOI (monoamin oxidase inhibitor) tương tác với các thức ăn giàu tyramine như phô mai, thịt hun khói có thể gây ra tăng huyết áp kịch phát.

2.7 Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc theo đường tiêu hóa

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc qua đường tiêu hóa như sau:

  • Tính chất của thuốc: Đặc tính hóa học và vật lý của thuốc, tính chất như kích thước phân tử, bản chất ion hóa, và hòa tan trong nước, có thể ảnh hưởng đến tốc độ và thẩm thấu hấp thụ. Ví dụ, các thuốc có bản chất là acid yếu (thuốc ngủ barbituric, salicylat) được hấp thu tốt qua niêm mạc dạ dày.
  • Độ pH dọc theo đường tiêu hóa: tại các vị trí có độ pH khác nhau thì khả năng hấp thu thuốc khác nhau. 
  • Diện tích bề mặt tiếp xúc: Diện tích bề mặt tiếp xúc càng lớn, thuốc hấp thu càng tốt.
  • Hệ thống mao mạch: tại các vị trí có hệ thống mao mạch càng phong phú thì sẽ càng điều kiện cho việc hấp thu thuốc tốt hơn.
  • Dịch tiêu hóa: tại các vị trí như ruột non có các dịch tiêu hóa như dịch tụy, dịch ruột, dịch mật giúp tăng khả năng hấp thu vitamin tan trong dầu như Vitamin A, D, E, K tốt hơn.

3 Hấp thu thuốc qua đường tiêm

Khi sử dụng đường tiêm, thuốc có thể được hấp thu tại nhiều vị trí khác nhau tùy theo vị trí tiêm. Có các đường tiêm cơ bản là tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch.

Hấp thu thuốc qua đường tiêm
Hấp thu thuốc qua đường tiêm

3.1 Hấp thu thuốc qua đường tiêm dưới da

Tiêm dưới da có ký hiệu là SC (Subcutaneous injection), là phương pháp đưa thuốc hoặc vắc xin vào tổ chức mô liên kết dưới da của bệnh nhân. Vì mô dưới da có ít mạch máu nên thuốc tiêm được khuếch tán rất chậm với tốc độ hấp thu ổn định. Do đó, nó có hiệu quả cao trong việc kiểm soát lượng thuốc đưa vào cơ thể như vắc xin, hormone tăng trưởng và insulin, những chất cần được cung cấp liên tục với liều lượng thấp. Đối với một số loại thuốc giảm đau, chẳng hạn như morphine, hydromorphone và thuốc dị ứng, tiêm mô dưới da là cũng là lựa chọn ưu tiên. 

Phương pháp này có ưu điểm là bệnh nhân có thể tự thực hiện được tại nhà khi sử dụng một số thuốc mà đã được bác sĩ hướng dẫn cách sử dụng như insulin, có thể tiêm tại các vị trí khác nhau. Tuy nhiên khi tiêm dưới da, người sử dụng cần tuân thủ tốt khâu vệ sinh để đảm bảo hiệu quả, tránh gây ra các biến chứng như nhiễm trùng. Ngoài ra nó không thể cung cấp đủ lượng thuốc như tiêm vào tĩnh mạch trong trường hợp cần sử dụng một lượng lớn thuốc một lần.

Đối với những người bị tiểu đường, khi sử dụng Insulin cần phải chú ý đến việc kiểm tra đường huyết cũng như chất lượng insulin để tránh tình trạng đường huyết thấp hoặc cao.

Vacxin thường được sử dụng tiêm dưới da trong nhiều chương trình tiêm chủng để phòng ngừa các bệnh lý, ví dụ như tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh viêm gan B, bệnh sởi, quai bịbệnh Rubella. Đây là phương pháp giúp tăng đáng kể khả năng miễn dịch của cơ thể và giảm thiểu nguy cơ bị lây nhiễm các bệnh truyền nhiễm.

Ngoài ra, tiêm dưới da cũng được sử dụng trong quá trình kích thích buồng trứng để thực hiện hỗ trợ sinh sản.

3.2 Hấp thu thuốc qua đường tiêm bắp

Tiêm bắp kí hiệu là IM (Intramuscular injection), là phương pháp đưa thuốc vào sâu trong các cơ được chọn lọc cụ thể. Các cơ có hệ thống mạch máu tốt, do đó thuốc được tiêm nhanh chóng đi vào hệ tuần hoàn và sau đó đi vào vùng tác dụng cụ thể, không bị chuyển hóa lần đầu qua gan. [4]

Các loại thuốc phổ biến nhất được cung cấp theo đường IM bao gồm:

  • Các loại thuốc không thể thực hiện tiêm tĩnh mạch.
  • Dung dịch thuốc dầu.
  • Các thuốc có tính chất gây kích thích hoặc có hiệu quả chậm khi tiêm dưới da.
  • Thuốc tiêm có tính chất gây đau, tan chậm.

Tuy nhiên đối với các thuốc gây hoại tử cho cơ, mô như Ouabain, Calci Clorua,...tiêm bắp không được áp dụng.

Các vị trí có thể tiêm bắp là: 

  • Cơ delta: Đây là vị trí tiêm thường được sử dụng nhất cho vắc-xin. Vì lượng thuốc đưa vào thường không quá 1ml và đòi hỏi độ chính xác, nên khi tiêm tại vị trí này người bệnh không được tự ý tiêm mà phải nhờ đến nhân viên y tế.
  • Cơ đùi ngoài: Tại vị trí này bệnh nhân có thể tự tiêm bằng cách chia đùi thành 3 phần bằng nhau và lựa chọn phần giữa ở bên ngoài đùi để tiến hành tiêm.
  • Cơ sau tại mông: Đây là vị trí có thể xảy ra nguy cơ tổn thương cho dây thần kinh tọa. Do đó người bệnh không được tự ý tiêm mà phải được thực hiện bởi nhân viên y tế.
  • Cơ vùng sau ngoài tại mông: Đây là vị trí không gần với bất kỳ mạch máu và dây thần kinh quan trọng nào, do đó sẽ hạn chế được việc tiêm nhầm chỗ. Tuy nhiên vị trí này khá khó tiêm nên người bệnh khó tự thực hiện được mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.

3.3 Hấp thu thuốc qua đường tiêm tĩnh mạch

Tiêm tĩnh mạch kí hiệu là IV (Intravenous injection) là phương pháp đưa thẳng thuốc vào máu thông qua đường tĩnh mạch ngoại biên nên thuốc hấp thu hoàn toàn, sinh khả dụng là 100%. Đường tiêm tĩnh mạch được chỉ định trong trường hợp:

  • Cần có sự can thiệp nhanh của thuốc (chống sốc, gây mê, truyền máu trong mất máu cấp)
  • Những chất gây hoại tử khi tiêm bắp như dung dịch CaCl2, uabain v.v... 
  • Khi đưa một lượng lớn dung dịch thuốc vào cơ thể.
  • Người bệnh trong tình trạng hôn mê, kiệt sức, không thể uống thuốc, người bị nôn mửa liên tục.

Tuy nhiên chống chỉ định tiêm tĩnh mạch với các thuốc sau:

  • Các hỗn dịch, các dung dịch dầu.
  • Các chất gây kết tủa protein huyết tương.
  • Các chất không đồng tan với máu vì có thể gây tắc mạch. 
  • Các chất gây tan máu hoặc độc với tim. 

Tuy tiêm tĩnh mạch có sinh khả dụng cao (100%), thường được dùng trong các trường hợp cấp cứu, tuy nhiên nếu tiêm nhanh có thể tạo ra nồng độ thuốc cao đột ngột, gây trụy tim, hạ huyết áp, thậm chí có thể tử vong. 

3.4 Ưu, nhược điểm của đường đưa thuốc vào cơ thể qua đường tiêm

3.4.1 Ưu điểm

  • Thuốc tiêm thường được hấp thụ nhanh hơn so với các phương pháp đưa thuốc khác, do đó nó cho cho hiệu quả nhanh, kịp thời đối với các trường hợp cấp cứu.
  • Đường tiêm có thể sử dụng cho bệnh nhân không thể nuốt hoặc có vấn đề về tiêu hóa.
  • Tính chính xác liều lượng: Việc điều chỉnh liều lượng thuốc dễ dàng hơn qua đường tiêm, giúp đảm bảo liều lượng chính xác cần thiết.

3.4.2 Nhược điểm

  • Đường tiêm có thể gây đau, sưng và viêm tại điểm tiêm, gây không thoải mái cho bệnh nhân.
  • Nguy cơ nhiễm trùng: Nếu không tuân thủ quy tắc vệ sinh khi tiêm, có nguy cơ nhiễm trùng nơi tiêm, bao gồm viêm nhiễm nơi tiêm, viêm tĩnh mạch và các biến chứng khác.
  • Cần sự hỗ trợ của người khác để tiêm thuốc, điều này có thể khó khăn đối với những người cần tự tiêm.
  • Không phù hợp cho một số loại thuốc: Không phải tất cả loại thuốc đều thích hợp để tiêm, vì có những loại thuốc phải được tiêu hóa hoặc qua đường khác để hoạt động tốt.

3.5 Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc theo đường tiêm

  • Tính chất của thuốc: Đặc tính hóa học và vật lý của thuốc, tính chất như kích thước phân tử, bản chất ion hóa, và hòa tan trong nước
  • Vị trí tiêm: Khi tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt thuốc hấp thu nhanh hơn, hoàn toàn hơn so với đường uống và ít nguy cơ rủi ro hơn so với tiêm tĩnh mạch. Tuy nhiên thuốc tiêm theo đường tĩnh mạch hấp thu tốt hơn so với tiêm ở vị trí khác.
  • Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân: Tình trạng sức khỏe của bệnh nhân, bao gồm chức năng thận, gan và hệ tuần hoàn, có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu và loại bỏ thuốc khỏi cơ thể.
  • Liều lượng và tốc độ tiêm: Liều lượng và tốc độ tiêm cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc. Cần tuân thủ đúng hướng dẫn của chuyên gia y tế để đảm bảo an toàn và hiệu quả.

4 Hấp thu thuốc qua đường hô hấp

4.1 Quá trình hấp thu thuốc qua đường hô hấp

Hấp thu thuốc qua đường hô hấp là quá trình thuốc đi qua phổi. Do phổi là cơ quan được cấu tạo từ các ống dẫn khí (các phế quản và tiểu phế quản) và các phế nang với hệ thống mạng mao mạch phong phú. Đặc biệt bề mặt tiếp xúc của các phế nang rất lớn (70- 100m) nên thuận lợi cho việc trao đổi khí và hấp thu thuốc. 

Phương pháp này cho phép hấp thụ nhanh chóng thuốc ở dạng khí, dạng bay hơi hoặc dạng khí dung. Ngoài ra nó đưa thuốc trực tiếp đến vị trí tác dụng, không bị chuyển hóa lần đầu qua gan, do đó có thể nâng cao hiệu quả điều trị và giảm thiểu phơi nhiễm toàn thân. Tuy nhiên nó cũng tồn tại một số hạn chế như khó kiểm soát liều lượng hoặc gây kích ứng cho niêm mạc mũi, phản ứng dị ứng. Drug routes of administration and their uses 

Dạng bào chế phổ biến là dạng phun mù (aerosol), chủ yếu được dùng qua đường hô hấp để phòng ngừa và điều trị bệnh hô hấp: viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, hen phế quản, COPD. Một số loại thuốc phun mù có trên thị trường như: thuốc phun mù Salbutamol (Ventolin), thuốc phun mù giảm đau chống viêm Methyl Salicylate (loại thuốc gây tê tại chỗ ngoài da)

Xem thêm về dạng thuốc phun mù tại: Thuốc phun mù là gì? Nguyên tắc sản xuất thuốc phun mù 

Hấp thu thuốc qua đường hô hấp
Hấp thu thuốc qua đường hô hấp

4.2 Ưu, nhược điểm của đường đưa thuốc vào cơ thể qua đường hô hấp

4.2.1 Ưu điểm

  • Thuốc qua đường hô hấp thường được hấp thụ nhanh chóng vào máu thông qua phổi, giúp tác động của thuốc bắt đầu nhanh hơn so với nhiều phương pháp khác.
  • Việc tránh qua quá trình tiêu hóa có thể làm giảm nguy cơ bị acid dịch vị dạ dày phân hủy hoặc chuyển hóa lần đầu qua gan.
  • Một số loại thuốc qua đường hô hấp có thể giữ nguyên cấu trúc ban đầu hơn so với khi qua tiêu hóa.

4.2.2 Nhược điểm

  • Để đảm bảo hiệu quả và an toàn, việc kiểm soát liều lượng của thuốc qua đường hô hấp có thể khó khăn hơn so với cách sử dụng các dạng thuốc khác./li>
  • Một số loại thuốc hô hấp có thể gây ra tác dụng phụ trực tiếp lên đường hô hấp hoặc gây kích ứng niêm mạc.
  • Không tất cả các loại thuốc đều thích hợp để sử dụng qua đường hô hấp, và một số loại thuốc cần phải qua quá trình tiêu hóa để hoạt động hiệu quả.
  • Để sử dụng đường đưa thuốc qua đường hô hấp, cần sử dụng thiết bị đặc biệt như hình thức hít, inhale hoặc máy phun thuốc.
  • Một số loại thuốc chỉ có thể được sử dụng qua đường hô hấp và không phù hợp cho những người có vấn đề về hô hấp hoặc dễ bị kích ứng.

4.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc theo đường hô hấp

  • Môi trường hô hấp: Tình trạng của đường hô hấp, như viêm nhiễm, tắc nghẽn, hoặc bệnh phổi có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc. Sự tắc nghẽn trong đường hô hấp có thể làm giảm tốc độ và lượng thuốc được hấp thu.
  • Tính chất của thuốc: Các tính chất bao gồm hòa tan trong nước, kích thước phân tử, và cấu trúc hóa học. Những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu của thuốc qua đường hô hấp.
  • Cách dùng thuốc: Cách dùng thuốc cũng quan trọng. Việc sử dụng thiết bị hô hấp đúng cách và tuân thủ liều lượng quy định có thể ảnh hưởng đến hiệu suất hấp thu thuốc.
  • Tình trạng sức khỏe của người dùng: Sức khỏe tổng thể, như tình trạng dạ dày và thận, cũng có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc. Các vấn đề về sức khỏe có thể làm thay đổi quá trình trao đổi và tiêu hóa thuốc trong cơ thể.
  • Thuốc kèm theo: Việc sử dụng nhiều loại thuốc cùng một lúc có thể ảnh hưởng đến quá trình hấp thu, do sự tương tác giữa các loại thuốc.

5 Hấp thu thuốc qua da

5.1 Quá trình hấp thu thuốc qua da

Quá trình thuốc được hấp thu qua da sẽ đi từ lớp biểu bì, sau đó đến khớp nối trung bì – biểu bì. Tại đây, hoạt chất sẽ theo mạch máu vận chuyển đến hệ tuần hoàn. 

Sự thẩm thấu và hấp thu thuốc qua da có thể diễn ra theo các cách khác nhau, bao gồm thẩm thấu qua khe giữa các tế bào (intercellular), thẩm thấu trực tiếp qua tế bào biểu bì (transcellular), và thẩm thấu qua các bộ phận phụ như lỗ chân lông, tuyến mồ hôi, và tuyến bã nhờn (transappendageal). Các cách thẩm thấu này đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển chất qua da và có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ và phân phối của thuốc.

Cấu tạo của da
Cấu tạo của da

Một số dạng bào chế được dùng qua da như kem, dầu, thuốc mỡ, nhũ tương.

Hấp thu thuốc qua da có thể có tác dụng tại chỗ hoặc toàn thân và có thể gây độc cho người sử dụng nên phải chú ý, thận trọng khi dùng thuốc như:

  • Xoa bóp tại vị trí dùng thuốc để tăng tác dụng hấp thu thuốc.
  • Khi da bị tổn thương hoặc bỏng rộng dễ gây tác dụng toàn thân.
  • Da trẻ em do có lớp sừng mỏng nên khả năng thấm thuốc mạnh hơn so với người
  • lớn vì vậy phải thận trọng khi dùng thuốc ngoài da cho trẻ em, tránh bị kích ứng.

Thông thường người ta dùng thuốc bôi ngoài da với mục đích tác dụng tại chỗ. Khả năng hấp thu của da nguyên vẹn (không bị tổn thương) kém hơn nhiều so với niêm mạc.

Lớp biểu bì bị sừng hoá chính là “hàng rào” hạn chế sự hấp thu thuốc của da. Lớp biểu bì này không có hệ thống mao mạch và chứa một hàm lượng nước rất thấp (khoảng 10%) do đó hầu như thuốc không được hấp thu ở đây mà chỉ có một lượng không đáng kể đi qua da để rồi tiếp tục được hấp thu. Khi bị tổn thương mất lớp “hàng rào” bảo vệ khả năng hấp thu của da tăng lên rất nhiều, do đó da dễ bị kích ứng khi sử dụng thuốc hơn.

Đối với đối tượng trẻ em, lớp biểu bì bị sừng hoá chưa phát triển, do đó thận trọng khi sử dụng thuốc bôi ngoài da cho trẻ.

Ngoài việc dùng thuốc bôi trên da với tác dụng tại chỗ, ngày nay người ta đã dùng thuốc trên da với tác dụng toàn thân dưới dạng miếng dán (patch). Các miếng dán thuốc có thể được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như thuốc giảm đau, hạ sốt hoặc thuốc trị mụn. 

5.2 Ưu, nhược điểm của đường đưa thuốc vào cơ thể qua da

5.2.1 Ưu điểm

  • Thuốc qua da thường được hấp thụ nhanh chóng vào máu thông qua phổi, giúp tác động của thuốc bắt đầu nhanh hơn so với nhiều phương pháp khác.
  • Việc tránh qua quá trình tiêu hóa có thể làm giảm nguy cơ bị acid dịch vị dạ dày phân hủy hoặc chuyển hóa lần đầu qua gan
  • Việc sử dụng thuốc thông qua da thường không đòi hỏi việc sử dụng kim tiêm hoặc uống thuốc, giúp nâng cao sự tiện lợi cho người dùng.

5.2.2 Nhược điểm

  • Không phải tất cả loại thuốc đều thích hợp để đưa vào cơ thể qua da. Có một số hạn chế về loại thuốc và dạng dùng phương pháp này.
  • Thuốc có thể gây kích ứng hoặc vấn đề về da tại vị trí áp dụng. Điều này có thể không phù hợp cho một số người.
  • Một số loại thuốc đưa vào cơ thể qua da có chi phí cao hơn so với các phương pháp khác như uống thuốc.
  • Một số loại thuốc cần phải được đưa vào cơ thể qua da bằng cách sử dụng thiết bị đặc biệt hoặc dưới sự giám sát của chuyên gia y tế.

5.3 Các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình hấp thu thuốc qua da

  • Đặc tính của thuốc: Loại thuốc và cơ học của nó có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thu qua da. Thuốc có kích thước phân tử nhỏ hơn và tính tan tốt hơn thường dễ hấp thu hơn.
  • Loại da: Da có lớp biểu bì bảo vệ và làm cản trở quá trình hấp thu. Da dày, da bị tổn thương hoặc da bị viêm nhiễm có thể ảnh hưởng đến hấp thu thuốc.
  • Vị trí trên cơ thể: Vị trí sử dụng thuốc trên cơ thể cũng có thể ảnh hưởng. Vùng da có nhiều mạch máu và màng nhầy thì thuốc thường hấp thu tốt hơn.
  • Thời gian tiếp xúc: Thời gian da tiếp xúc với thuốc cũng quan trọng. Sử dụng lâu dài hoặc thường xuyên có thể dẫn đến hấp thu thuốc nhiều hơn.
  • Phản ứng dị ứng: Một số người có thể phản ứng dị ứng với các thành phần trong thuốc gây các triệu chứng như nổi ban đỏ, kích ứng da.
Hấp thu thuốc qua da
Hấp thu thuốc qua da

Ngoài các đường dùng trên, thuốc còn có thể được sử dụng theo những đường khác như qua mắt (thuốc nhỏ mắt), qua bộ phận sinh dục (viêm đặt âm đạo), gây tê tủy sống,...

Do đó, tùy thuộc vào bộ phận cũng như mục tiêu điều trị, bệnh nhân phải được chỉ định sử dụng thuốc với dạng đường dùng thuốc đúng đắn để đạt được kết quả điều trị an toàn và hiệu quả.

 

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả  Jennifer Le (Ngày cập nhật: tháng 9 năm 2022), Drug Absorption - Clinical Pharmacology, MSD Manual Professional Edition. Truy cập ngày 07 tháng 11 năm 2023
  2. ^ Tác giả Abdulrahman A. Alagga; Vikas Gupta (Ngày đăng:20 tháng 6 năm 2023), Drug Absorption - StatPearls, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023
  3. ^ Tác giả Maisarah Azman và cộng sự (Ngày đăng: 08 tháng 08 năm 2022), Intestinal Absorption Study: Challenges and Absorption Enhancement Strategies in Improving Oral Drug Delivery, NCBI. Truy cập ngày 07 tháng 11 năm 2023
  4. ^ Tác giả  Javier J. Polania Gutierrez; Sunil Munakomi (Ngày cập nhật: 13 tháng 08 năm 2023), Intramuscular Injection, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 11 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633