Nguyên nhân, điều trị hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường
Trungtamthuoc.com - Bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết có thể gây ra các biến cố mạch máu cấp tính như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và bệnh tim mạch. Không những thế, hạ đường huyết có thể làm tử vong đột ngột do thiếu máu cục bộ hoặc thay đổi điện tim khác thường, rối loạn nhịp thất. Vậy cần làm gì với biến chứng hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường?
1 Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường là gì?
Hạ đường huyết là một trong những biến chứng quan trọng nhất khi điều trị bệnh tiểu đường. Hạ đường huyết nặng hay gặp hơn ở người cao tuổi, người có bệnh lý kèm theo như suy thận, phụ nữ mang thai hay trẻ em mắc bệnh tiểu đường typ 1. Những người bệnh tiểu đường typ 2 lâu ngày, thiếu hụt Insulin tiến triển cùng làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nhiều như bệnh tiểu đường typ 1. Biến chứng hạ đường huyết đều có thể gặp phải khi điều trị bằng Insulin hoặc Sulfonylurea cho người bệnh tiểu đường.[1]
2 Nguyên nhân gây hạ đường huyết ở người tiểu đường
Hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường xảy ra khi sự mất cân bằng giữa insulin hoặc thuốc làm hạ đường huyết và lượng đường cần thiết nhu cầu sinh lý của cơ thể. Những lý do sau đây có thể giải thích cho việc hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường đó là do điều trị, thay đổi chế độ ăn uống và bệnh lý nhiễm trùng.
Thuốc trị tiểu đường bao gồm insulin và sulphonylureas là những nguyên nhân phổ biến nhất gây hạ đường huyết ở các đối tượng mắc bệnh tiểu đường. Các Sulphonylureas tác dụng dài hơn như Glibenclamide và Chlorpropamide có liên quan đến biến chứng hạ đường huyết nặng hơn so với các thuốc tác dụng ngắn.
Hạ đường huyết cũng có thể là kết quả do người bệnh ăn ít thực phẩm, hay thực phẩm làm tăng tác dụng hạ đường huyết của thuốc. Rượu cũng có thể góp phần vào mức độ nghiêm trọng của hạ đường huyết bằng cách ức chế quá trình tân tạo đường.
Người bệnh mắc kèm các bệnh lý nội tạng như viêm gan, xơ gan, viêm thận làm tăng nguy cơ bị hạ đường huyết trong quá trình điều trị tiểu đường.
Người bệnh tiểu đường cũng có thể bị hạ đường huyết do hoạt động quá sức và không bổ sung năng lượng kịp thời.
3 Hạ đường huyết tác động như thế nào đến người bệnh tiểu đường?
Hạ đường huyết có thể gây ra bệnh nặng và thậm chí tử vong, phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng hoặc thời gian biến chứng.
Bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết có thể gây ra các biến cố mạch máu cấp tính như đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và bệnh tim mạch. Ngoài ra, hạ đường huyết có thể làm tử vong đột ngột do thiếu máu cục bộ hoặc thay đổi điện tim khác thường, rối loạn nhịp thất.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy hạ đường huyết nặng và rối loạn chức năng nhận thức có liên quan đến nhau. Bệnh nhân bị hạ đường huyết nghiêm trọng gây tổn thương não ở vỏ não và vùng đồi thị và có thể gây động kinh.
4 Chẩn đoán hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường
Để chẩn đoán bệnh nhân đái tháo đường bị hạ đường huyết ta dựa vào các triệu chứng rối loạn thần kinh giao cảm và thần kinh trung ương như: lo lắng, run rẩy, hồi hộp, toát mồ hôi, tập trung kém, nhìn mờ, lơ mơ. Thậm chí, nặng hơn người bệnh có thể lú lần, co giật, hôn mê và dẫn đến tử vong. Các triệu chứng này sẽ mất đi khi người bệnh đã ổn định được đường huyết.
Khi kiểm tra đường huyết ở những người bệnh tiểu đường này thấy chỉ số đường huyết dưới 3,9mmol/l. Nếu không đo được có thể test truyền Glucose ưu trương, kiểm tra và xem xét lại tình trạng bệnh nhân sau 15 phút.[2]
5 Điều trị và phòng ngừa bệnh nhân tiểu đường bị hạ huyết áp
Khi phát hiện bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết thì ngay lập tức dừng các thuốc hạ đường huyết đường uống, hay insulin đang điều trị.
Nếu bệnh nhân chỉ bị hạ đường huyết nhẹ, vẫn còn tỉnh táo và nhận thức thì khẩn trương cho người bệnh ăn bánh, hoa quả có lượng đường cao có sắn. Nếu như vậy không đỡ, có thể bổ dung cho người bệnh 15g đường tương đương 3 thìa cà phê rồi pha với 100ml nước uống.
Nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết nặng, không còn tỉnh táo và ý thức nữa hay không thể cấp đường bằng miệng thì truyền dùng dịch Glucose. Ban đầu, người bệnh cần được tiêm tĩnh mạch dung dịch Glucose 30% với liều từ 20 đến 50ml, rồi truyền tĩnh mạch Glucose 5% hoặc 10%. Mục đích của quá trình này là duy trì glucose máu của người bệnh lớn hơn 5,6mmol/l.
Trường hợp người bệnh bị hạ đường huyết rất nặng, không thể dùng 2 phương pháp trên thì tiêm bắp hoặc tiêm dưới da 1mg Glucagon 1mg.[3]
Để phòng tránh hạ đường huyết, bệnh nhân tiểu đường cần có chế độ ăn uống hợp lý, không nhịn đói, cân bằng năng lượng đưa vào so với thuốc cần dùng. Đồng thời, nếu luyện tập thể thao hay hoạt động sức lực thì người bệnh không để cơ thể thiếu năng lượng, nếu thiếu phải bổ sung kịp thời.
Người bệnh tiểu đường cũng cần thường xuyên theo dõi đường huyết, nếu thấy xuất hiện dấu hiệu nhẹ của hạ đường huyết là phải điều trị ngay.
Trên đây là các thông tin về hạ đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường, hy vọng sẽ giúp các bạn hiểu được tại sao mình gặp biến chứng này và cách xử lý.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Gita Shafiee, Mohammadreza Mohajeri-Tehrani, Mohammad Pajouhi và Bagher Larijani (Ngày đăng: ngày 1 tháng 10 năm 2012). The importance of hypoglycemia in diabetic patients, NCBI. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: By Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: ngày 3 tháng 4 năm 2020). Diabetic hypoglycemia, Mayo Clinic. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2021.
- ^ Tác giả: Michael Dansinger, MD (Ngày đăng: ngày 22 tháng 6 năm 2021). Hypoglycemia (Low Blood Sugar), WebMD. Truy cập ngày 6 tháng 12 năm 2021.