1. Trang chủ
  2. Truyền Nhiễm
  3. Giun đũa chó mèo (Toxocariasis) uống thuốc gì? Dấu hiệu nhiễm và phác đồ điều trị của Bộ Y tế

Giun đũa chó mèo (Toxocariasis) uống thuốc gì? Dấu hiệu nhiễm và phác đồ điều trị của Bộ Y tế

Giun đũa chó mèo (Toxocariasis) uống thuốc gì? Dấu hiệu nhiễm và phác đồ điều trị của Bộ Y tế

1 Giun đũa chó mèo là bệnh gì? Có lây không?

Giun đũa chó mèo là bệnh do giun đũa ký sinh ở chó và mèo gây bệnh ở người khi ấu trùng của chúng xâm nhập vào cơ thể người. Bệnh giun đũa chó mèo còn gọi là bệnh Toxocara, gây ra bởi giun đũa chó có tên Toxocara canis và giun đũa mèo có tên Toxocara cati.[1]

Trứng giun Toxocara có trong đất, nước, thực phẩm bị ô nhiễm, và phân chó/mèo bị nhiễm bệnh, nếu trứng giun dính trên tay hoặc vô tình nuốt phải thì chúng sẽ phát triển và gây bệnh trong cơ thể.  Khi vào cơ thể người, trứng nở ra ấu trùng, di chuyển qua các mô và cơ quan như gan, phổi, mắt, não... gây ra các thể bệnh khác nhau. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người, con đường lây nhiễm chính là tiếp xúc với trứng giun trong đất, rau sống, phân của chó hoặc mèo. 

Bệnh có thể xảy ra với bất cứ đối tượng nào, những người nuôi chó, mèo hay trẻ em thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

2 Hình ảnh giun đũa chó mèo

Dưới đây là một số hình ảnh về giun đũa chó/mèo:

Hình ảnh giun đũa chó mèo qua kính hiển vi và thực tế
Hình ảnh giun đũa chó mèo qua kính hiển vi và thực tế
Hình ảnh giun đũa chó mèo trên cơ thể người
Hình ảnh giun đũa chó mèo trên cơ thể người

3 Chu kỳ phát triển của ấu trùng 

Thông thường, giun đũa cư trú trong ruột của vật chủ như chó hoặc mèo, nơi chúng sinh sản và tạo ra ấu trùng. Các ấu trùng này sẽ theo phân thải ra ngoài môi trường phát triển trong 2-3 ngày, nhưng trứng giun nếu ở ngoài môi trường có thể sống suốt 2 năm. [2]

Tại môi trường sống, trứng và ấu trùng giun có thể bám vào rau củ, thức ăn, nước uống sau đó nếu nuốt phải trứng này, chúng sẽ giải phóng ấu trùng, các ấu trùng này di chuyển đến các cơ quan và gây bệnh.

Dưới đây là hình ảnh chu kỳ phát triển của ấu trùng giun đũa chó mèo:

Vòng đời của giun đũa chó mèo
Vòng đời của giun đũa chó mèo

(1) Trứng giun được thải ra môi trường qua phân của vật chủ.

(2) Sau 1–4 tuần trong điều kiện môi trường bên ngoài, trứng phát triển thành dạng có chứa ấu trùng giai đoạn 3 và có thể gây lây nhiễm bệnh.

(3,4) Khi được vật chủ chính (chó/mèo) nuốt phải, trứng phát triển thành giun trưởng thành trong ruột non.

(5,6). Giun cũng có thể truyền từ chó/mèo mẹ sang con qua nhau thai hoặc qua sữa, tiếp tục phát triển trong ruột non của con non.

(7). Một số động vật khác như thỏ có thể nhiễm giun nếu ăn phải trứng từ môi trường — đây được gọi là vật chủ trung gian.

(8). Vòng đời giun khép kín khi chó/mèo ăn thịt những động vật đã bị nhiễm.

(9,10). Con người có thể mắc bệnh nếu ăn phải trứng chứa ấu trùng giai đoạn 3 từ môi trường hoặc từ vật chủ trung gian.

(11). Trong cơ thể người, ấu trùng xuyên qua thành ruột, đi vào máu và di chuyển đến nhiều cơ quan nội tạng khác nhau, gây bệnh tùy vị trí chúng ký sinh.

4 Triệu chứng

Tùy theo vị trí mà giun đũa chó mèo gây bệnh, các biểu hiện bệnh lý ở người có thể chia các triệu chứng thành 4 thể như:

4.1 Thể thông thường

Các triệu chứng của bệnh xuất hiện toàn thân, không cụ thể tại các bộ phận như:

  • Ngứa, nổi mẩn: gồm các nốt mẩn đỏ, phát ban xuất hiện toàn thân, gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu, càng lan rộng khi gãi.
  • Đau đầu: người mắc bệnh cảm thấy đau đầu âm ỉ, kéo dài, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.
  • Đau bụng: đau bụng âm it, kéo dài cả ngày hoặc nhiều ngày làm người bệnh khó chịu.
  • Ho: biểu hiện ho đờm màu trắng.
  • Thần kinh: rối loạn giấc ngủ, người bệnh trằn trọc và khó ngủ sâu giấc.
  • Rối loạn hành vi: Tâm trạng thất thường, dễ cáu gắt, mệt mỏi kéo dài.

4.2 Thể ấu trùng di chuyển ở mắt

Trường hợp này khá hiếm gặp, xảy ra khi ấu trùng di chuyển lên mắt làm ảnh hưởng đến thị giác và gây ra các bệnh tại mắt như:

  • Giảm thị lực: ấu trùng làm tổn thương giác mạc mắt, kết mạc mắt, làm thị lực giảm, có xuất hiện các chấm đen khi quan sát vật thể xung quanh, với trường hợp nặng có thể gây mù.
  • Hình thành u hạt: các khối u nhú nhỏ được tìm thấy tại mí mắt, vùng cực sau, chúng có hình dạng tương tự các mụn cơm.
  • Viêm nội nhãn: các biểu hiện như đỏ mắt, nhức mắt, sưng tấy mắt.

Ngoài ra các tổn thương khác cũng có thể gặp như tổn thương võng mạc, viêm kết mạc, viêm màng bồ đào.

Triệu chứng của bệnh giun đũa chó mèo
Triệu chứng của bệnh giun đũa chó mèo

4.3 Thể ấu trùng di chuyển nội tạng

Các triệu chứng thường đặc trưng cho từng vị trí ấu trùng di chuyển tới, ấu trùng có thể xâm nhập vào các cơ quan nội tạng như gan, phổi hoặc tim, với các dấu hiệu nhận biết như:

  • Gan: Người bệnh có thể bị đau âm ỉ vùng hạ sườn phải, gan to, kèm theo triệu chứng tiêu chảy và nôn.
  • Phổi: Có thể xuất hiện các biểu hiện giống hen suyễn như ho, khò khè, khó thở.
  • Tim: Gây đau tức ngực âm ỉ hoặc theo cơn, người bệnh mệt mỏi, chán ăn, sụt cân, có thể kèm sốt.

Trẻ dưới 7 tuổi có tỷ lệ mắc thể này nhiều hơn so với các đối tượng khác.

4.4 Thể ấu trùng di chuyển đến hệ thần kinh

Đây là thể nguy hiểm nhất do ấu trùng gây tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương, đặc biệt là não bộ với các triệu chứng rất khó nhận biết và chẩn đoán, một số dấu hiệu như:

  • Sốt: Có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao bất thường.
  • Đau đầu dữ dội: Cơn đau đầu đến nhanh và mạnh.
  • Co giật: Có thể xảy ra đột ngột, là dấu hiệu nghiêm trọng cho thấy tổn thương não.

===> Xem thêm bài viết: Nhiễm giun đường ruột ở trẻ: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

5 Cách chẩn đoán

5.1 Khám lâm sàng

Bác sĩ sẽ hỏi các dấu hiệu lâm sàng liên quan đến tổn thương ở những cơ quan quan trọng như mắt, tim, và phổi.

Tiến hành đánh giá mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bệnh.

Khai thác về tiền sử tiếp xúc động vật, thói quen sinh hoạt, môi trường sống và yếu tố nguy cơ khác nhằm hỗ trợ việc xác định khả năng phơi nhiễm với nguồn bệnh từ động vật.

5.2 Xét nghiệm cận lâm sàng

Một số xét nghiệm cận lâm sàng bác sĩ sẽ chỉ định như:

  • Xét nghiệm máu: Đây là một trong những công cụ quan trọng giúp bác sĩ phát hiện sự hiện diện của vi khuẩn gây bệnh thông qua phương pháp ELISA, nhằm xác định sự có mặt của các kháng thể hoặc kháng nguyên, đồng thời đánh giá được số lượng bạch cầu, tốc độ máu lắng hoặc protein C.
  • Xét nghiệm phân: Được thực hiện nhằm loại trừ các nguyên nhân khác do ký sinh trùng gây ra.
  • Chụp X-quang phổi: Giúp phát hiện các tổn thương, viêm hoặc bất thường tại phổi.
  • Chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu: Bao gồm cắt lớp vi tính (CT scan), cộng hưởng từ (MRI), hoặc siêu âm để khảo sát chi tiết các tổn thương có thể xảy ra tại những cơ quan.
  • Soi đáy mắt: nhằm phát hiện các tổn thương tại mắt có thể có do ấu trùng di chuyển lên mắt.

5.3 Chẩn đoán phân biệt

Các bệnh viêm da như viêm da cơ địa, viêm da tiếp xúc: có thể dễ nhầm lẫn các triệu chứng ngứa da, mề đay khi nhiễm giun đũa chó mèo với viêm da dị ứng thông thường, tuy nhiên các biểu hiện trong giun đũa chó mèo sẽ dai dẳng, các vết ban trên da không đặc hiệu, và không đáp ứng với điều trị thông thường.

Bệnh giun sán khác như bệnh ấu trùng di chuyển dưới da do ấu trùng giun móc/mỏ, giun lươn, sán lá gan lớn; Ấu trùng sán lợn; Nhiễm các loại giun tròn đường ruột khác: cần tiến hành các xét nghiệm phân để tìm ấu trùng phân biệt.

6 Cách điều trị

6.1 Điều trị triệu chứng tại nhà

Khi ấu trùng di chuyển đến các cơ quan trong cơ thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu cho người bệnh, nên ngoài thuốc diệt giun các thuốc điều trị triệu chứng bệnh cũng được chỉ định:

  • Ngứa, nổi mẩn: các thuốc kháng histamin, hoặc thuốc corticoid sẽ được chỉ định tùy trường hợp ngứa nặng hay nhẹ.
  • Sốt cao trên 38,5 độ C: các thuốc hạ sốt được chỉ định như sử dụng Paracetamol hoặc các thuốc thuộc nhóm Nsaid khác.
  • Vitamin, khoáng chất: được sử dụng hỗ trợ cho người bệnh khi cơ thể mệt mỏi, suy nhược, chán ăn, tiêu hoá kém do nhiễm bệnh.
  • Sản phẩm bổ gan, bổ mắt: khi có những tổn thương tại các vị trí này do ấu trùng giun đũa chó mèo gây ra.

6.2 Điều trị đặc hiệu theo phác đồ Bộ Y tế

Sử dụng một trong các thuốc theo thứ tự ưu tiên như sau: [3]

Thuốc điều trị bệnh giun đũa chó mèo
Thuốc điều trị bệnh giun đũa chó mèo

6.2.1 Phác đồ 1: Albendazol (Zentel)

Liều dùng:

  • Liều dùng khuyến cáo ở người lớn là 800mg mỗi ngày/người x 2 lần mỗi ngày.
  • Trẻ em trên 1 tuổi dùng liều theo cân nặng từ 10 - 15mg/kg/ngày (liều dùng tối đa không quá 800mg) x 2 lần mỗi ngày.

Điều trị theo thể bệnh:

  • Đối với thể thông thường: thời gian điều trị mỗi đợt kéo dài 14 ngày.
  • Đối với thể nội tạng, mắt, thần kinh: thời gian điều trị mỗi đợt kéo dài 21 ngày.

Zentel 200mg
thuocdietgiunsanzentel200mg Q6166 130x130Xem tất cả ảnh
Zentel 200mg

65.000Còn hàng

Công ty đăng kýGlaxo Smith Kline
Số đăng kýGC-0182-12
Dạng bào chếViên nén bao phim
Quy cách đóng góiHộp 1 vỉ x 2 viên
Mã sản phẩma869

6.2.2 Phác đồ 2: Thiabendazole (Niczen) 

Liều dùng:

Liều dùng khuyến cáo dùng theo cân nặng của mỗi người bênh x 2 lần mỗi ngày, trong vòng 7 ngày.

Điều trị theo thể bệnh: 

Thiabendazole được chỉ định áp dụng với thể nội tạng và thể thông thường.

6.2.3 Phác đồ 3: Ivermectin (Pizar)

Liều dùng: 

Liều dùng khuyến cáo ở trẻ em trên 5 tuổi và người lớn là từ 0,2mg/kg x 01 liều/ngày, uống trong vòng 1-2 ngày. 

Điều trị theo thể bệnh:

  • Đối với thể ấu trùng do chuyển trong da và mô mềm, nếu chưa khỏi có thể cân nhắc dùng lặp lại liều ở người bệnh có đáp ứng với thuốc tốt với liều khuyến cáo.
  • Đối với thể ấu trùng di chuyển ở mắt, phủ tạng, một số trường hợp có thể cần kết hợp với thuốc chống viêm corticosteroide để kiểm soát triệu chứng.

Pizar 3
pizar1 H2817 130x130Xem tất cả ảnh
Pizar 3

230.000Còn hàng

Công ty đăng kýCông ty Cổ phần Dược phẩm Đạt Vi Phú
Số đăng kýVD-23282-15
Dạng bào chếViên nén
Quy cách đóng góiHộp 1 vỉ x 4 viên
Mã sản phẩmth14

6.3 Điều trị ngoại khoa

Chỉ định ngoại khoa có thể xảy ra trong trường hợp ấu trùng giun đũa di chuyển ở da, mô mềm, mắt.

6.4 Theo dõi sau điều trị

Điều trị tối đa 3 đợt, mỗi đợt cách nhau 1 tháng, và sau các đợt điều trị cần tiến hành đánh giá hiệu quả lâm sàng. Nếu ngay đợt điều trị đầu tiên các kết quả đã khả quan có thể dừng điều trị hoặc ngược lại sẽ tiếp tục điều trị các đợt 2,3. 

Sau 3 đợt không có cải thiện cần chẩn đoán lại để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp hơn. 

7 Phòng bệnh

Để phòng ngừa nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo, người bệnh có thể tham khảo các khuyến nghị bên dưới:

  • Tẩy giun định kỳ cho chó mèo. Nên tẩy giun cho chó mèo ngay khi được 2-3 tuần tuổi, để diệt các trứng và ấu trùng của mẹ có thể đã truyền sang trong khi mang thai. Sau đó định kỳ ít nhất 2-3 tháng tẩy giun 1 lần hoặc theo hướng dẫn từ thú y. Đây là biện pháp quan trọng hàng đầu vì chó mèo là vật chú chính của loài ký sinh trùng này.
  • Loại bỏ phân thú cưng đúng cách, hợp vệ sinh để ngăn ngừa trứng giun phân tán ra môi trường, hoặc lây nhiễm sang các con vật khác.
  • Vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là khu vực có nuôi nhiều chó mèo, động vật, không để trẻ nhỏ vui chơi trong khu vực có  khả năng nhiễm bệnh.
  • Rửa tay bằng xà phòng sau khi vui chơi ngoài môi trường, chơi với chó mèo, hoặc tiếp xúc với đất.
  • Xây dựng thói quen vệ sinh cá nhân tốt, đặc biệt với trẻ nhỏ, nên để móng tay ngắn, sạch sẽ, tránh trứng giun bám vào và xâm nhập vào cơ thể.
  • Thực hiện ăn chín, uống sôi, không uống nước lã hoặc nước từ nguồn không rõ ràng, nếu ăn rau sống cần rửa sạch để tránh ăn phải trứng giun bám dính trên rau.
  • Tuyên truyền, giáo dục cá nhân và cộng đồng về bệnh giun đũa chó mèo, cách phòng tránh và bảo vệ môi trường sống tránh bị nhiễm.

8 Một số câu hỏi thường gặp khác

8.1 Bệnh giun đũa chó mèo nên kiêng ăn gì?

Một số thực phẩm nên kiêng ăn trong thời gian bị nhiễm giun đũa chó mèo nhằm hỗ trợ quá trình điều trị, giảm gánh nặng cho gan và hệ miễn dịch, cũng như cải thiện sức khỏe tổng thể:

  • Thức ăn sống, tái, chưa nấu chín: như gỏi cá, tiết canh, thịt tái cần hạn chế sử dụng do có thể nhiễm thêm một số ký sinh trùng khác, làm nặng thêm tình trạng bệnh.
  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh: do làm tăng áp lực lên gan, trong khi cơ quan này đang bị ảnh hưởng lớn bởi ấu trùng giun.
  • Các chất kích thích: rượu, cà phê, đồ uống có ga cần hạn chế sử dụng do tương tác với thuốc điều trị giun, gây suy giảm chức năng giải độc và tạo điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn khác xâm nhập gây bệnh.
  • Thức ăn cay, nóng, khó tiêu: làm kích ứng hệ tiêu hoá, ảnh hưởng đến hấp thu thuốc.

8.2 Nhiễm giun đũa chó mèo có gây dị ứng da không?

Một trong những biểu hiện khá phổ biến khi nhiễm giun đũa chó mèo là phản ứng dị ứng da, đặc biệt ở trẻ em các triệu chứng ngứa toàn thân có thể xảy ra ngay giai đoạn đầu tiên của bệnh. Nguyên nhân là do hệ miễn dịch nhận thấy các ấu trùng lạ và đã phản ứng lại gây ra triệu chứng dị ứng. Các biểu hiện dị ứng da thường gặp như phát ban, nổi mề đay, ngứa dai dẳng, nổi sần dai dẳng, không giảm khi dùng thuốc trị ngứa.

9 Kết luận

Bệnh giun đũa chó mèo gây ra bởi ấu trùng giun đũa của chó mèo khi tiếp xúc phải qua môi trường bên ngoài. Bệnh gây nhiều triệu chứng khó chịu cho người nhiễm, thậm chí nguy hiểm nếu ấu trùng di chuyển lên hệ thần kinh, não bộ. Nếu bạn hoặc người thân có triệu chứng dị ứng da kéo dài không rõ nguyên nhân và có tiền sử tiếp xúc chó mèo hoặc sống trong môi trường có nguy cơ cao thì nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán kịp thời.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Dickson Despommier (ngày đăng tháng 4 năm 2003) Toxocariasis: Clinical Aspects, Epidemiology, Medical Ecology, and Molecular Aspects. NIH. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2025
  2. ^ Tác giả Jean-François Magnaval , Emilie Bouhsira , Judith Fillaux (ngày đăng 22 tháng 1 năm 2022) Therapy and Prevention for Human Toxocariasis. Pubmed. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2025.
  3. ^ Bộ Y tế (Quyết định 1385/QĐ-BYT 2022) Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh ấu trùng giun đũa chó/mèo. Bộ Y tế. Truy cập ngày 15 tháng 4 năm 2025.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      0927.42.6789