Giới thiệu về đặc điểm giải phẫu, chức năng của hệ thần kinh thực vật
Trungtamthuoc.com - Hệ thống thần kinh tự chủ (ANS) là một mạng lưới thần kinh đa diện, rất phức tạp có chức năng duy trì cân bằng nội môi sinh lý bên trong. Mạng lưới này bao gồm hệ thống tim mạch, điều hòa nhiệt độ, GI, hệ thống sinh dục (GU), và nhãn khoa (đồng tử). [1]
1 Giới thiệu chung về hệ thần kinh thực vật
Hệ thần kinh thực vật (hệ thần kinh tự động) là một phần của hệ thống thần kinh ngoại vi điều chỉnh các hoạt động sinh lý ngoài ý muốn của con người bao gồm nhịp tim, huyết áp, hô hấp, tiêu hóa và than nhiệt, chuyển hóa và bài tiết. Đây là những hoạt động có tính chất sống còn đối với cơ thể, giúp cho cơ thể ổn định và thích nghi với với những thay đổi của môi trường sống. [2]
Sợi thần kinh thực vật bắt nguồn từ các trung tâm ở não và tủy sống, đi tới các cơ quan, các tạng, mạch máu. Hệ này được chia thành hai hệ là giao cảm và phó giao cảm, hai hệ này có chức năng đối ngược nhau trong điều hòa các hoạt động của cơ thể.
2 Đặc điểm giải phẫu hệ thần kinh thực vật
2.1 Trung tâm của hệ thần kinh thực vật
Hệ giao cảm: Nằm ở chất xám sừng bên của tủy sống, từ đốt sống cổ thứ VII tới đốt sống thắt lưng III. Từ đây, các sợi thần kinh giao cảm đi tới khắp các cơ qua trong cơ thể, điều hào hoạt động của các cơ quan này.
Hệ phó giao cảm:
Nằm ở não giữa, hành tủy và não cùng.
Từ não giữa và hành não: các dây thần kinh phó giao cảm sẽ chi phối hoạt động của các cơ quan vùng đầu, ngực và ổ bụng
Từ tủy cùng: các sợi phó gaio cảm chi phối hoạt động của các cơ quan hố chậu như bàng quang, phần thấp của niệu quản, đại tràng xuống, trực tràng và cơ quan sinh dục ngoài.
2.2 Các sợi và synap thần kinh thực vật
Các sợi này thường được cấu tạo bởi 2 neuron, neuron từ trung tâm đến hạch gọi là sợi trước hạch, neuron từ hạch đến cơ quan đáp ứng gọi là sợi sau hạch.
Hệ giao cảm: sợi trước hạch ngắn, sợi sau hạch dài.
Hệ phó giao cảm: sợi trước hạch dài, sợi sau hạch ngắn.
Synap của hệ thần kinh thực vật là những khớp nối giữa hai neuron hoặc giữa neuron với cơ quan đáp ứng.
3 Chất dẫn truyền thần kinh
Các chất trung gian dẫn truyền hệ thần kinh thực vật là những chất hóa học đóng vai trò trung gian dẫn truyền thần kinh qua khe synap.
3.1 Hệ phó giao cảm
Chất dẫn truyền thần kinh là acetylcholine.
Vị trí: ngọn sợi trước hạch phó giao cảm và giao cảm, ngọn sợi sau hạch phó giao cảm.
3.2 Hệ giao cảm
Chất trung gian hóa học là cathecholamin (adrenalin, noradrenalin hoặc dopamine) có ở ngọn sợi sau hạch giao cảm.
4 Các hệ phản ứng của hệ thần kinh thực vật
4.1 Hệ cholinergic
Hệ thống các thụ thể có phản ứng đặc hiệu với acetylcholine gọi là hệ phản ứng với acetylcholine hay hệ cholinergic.
Hệ này chủ yếu có ở: màng sau synap hạch giao cảm, hạch phó giao cảm, màng sau synap của sợi sau hạch phó giao cảm và màng sau synap – thần kinh cơ.
Hệ này được chia làm 2 hệ nhỏ là hệ muscarin (hệ M) và hệ nicotin (hệ N)
Hệ muscarin: là hệ ngoài phản ứng với acetylcholine còn bị kích thích bởi muscarin và bị phong bế bởi Atropine. Hệ này có ở màng sau synap sợi sau hạch phó giao cảm và tuyến mồi hôi. Có 5 receptor của hệ: M1, M2, M3,M4,M5. Khi kích thích hệ này gây co cơ trơn khí phế quản, tiêu hóa, tiết niệu, tăng tiết dịch, giãn cơ trơn mạch máu, ức chế tim và hạ huyết áp.
Hệ nicotinic: là hệ ngoài phản ứng với acetylcholine còn bị kích thích bởi nicotin liều thấp và bị phong bế bởi nicotin liều cao. Hệ này có ở các hạch giao cảm, phó giao cảm, bản vận động cơ xương và tuyến tủy thượng thận. Khi kích thích hệ này gây co cơ vẫn, kích thích tim, co mạch, tăng huyết áp, giãn đồng tử.
4.2 Hệ adrenergic
Là hệ thống các thụ thể có chung đặc tính phản ứng đặc hiệu với adrenalin hoặc noradrenalin được gọi là hệ phản ứng với adrenalin hay hệ adrenergic. Hệ này chủ yếu ở màng sau synap sợi sau hạch giao cảm, được chia thành hai hệ nhỏ là hệ α – adrenergic và β – adrenergic.
Hệ α – adrenergic có receptor α1 và α2 : khi kích thích receptor α1 gây co cơ trơn mạch máu và tăng huyết áp, co cơ tia mống mắt làm giãn đồng tử, co cơ trơn tiết niệu. Kích thích receptor α2 làm giảm renin gây giãn mạch, hạ huyết áp, tăng kết dính tiểu cầu. Ở ngoại vi, receptor α1 chiếm ưu thế nên khi kích thích hệ α – adrenergic ngoại vi thường gây co mạch và tăng huyết áp.
Hệ β – adrenergic có 3 loại receptor là β1, β2, β3. Khi kích thích hệ β gây kích thích tim, tăng co bóp cơ tim, giãn các cơ trơn, tăng chuyển hóa.
4.3 Hệ dopaminergic
Hệ này có nhiều ở cơ trơn mạch máu thận, nội tạng và thần kinh trung ương, có 5 loại receptor nhưng quan trọng nhất là D1, D2. Ở ngoại vi, receptor D1 chiếm ưu thế hơn D2, ở trung ương thì ngược lại. D1 có chủ yếu ở cơ trơn mạch thận, do đó, khi kích thích hệ dopaminergic ngoại vi gây giãn cơ trơn mạch thận.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Jasvinder Chawla, MD, MBA, Autonomic Nervous System Anatomy, Medscape. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Joshua A. Waxenbaum; Vamsi Reddy; Matthew Varacallo, Anatomy, Autonomic Nervous System, NCBI. Truy cập ngày 14 tháng 12 năm 2021