1. Trang chủ
  2. Hô Hấp
  3. Vi khuẩn lao: đặc điểm, chẩn đoán, phòng và điều trị

Vi khuẩn lao: đặc điểm, chẩn đoán, phòng và điều trị

Vi khuẩn lao: đặc điểm, chẩn đoán, phòng và điều trị

Trungtamthuoc.com - Vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể chủ yếu theo đường hô hấp qua các giọt nước bọt gây lao phổi (chiếm 90% các thể lao), các mô của phế nang bị vi khuẩn xâm nhập tạo ra các ổ chứa vi khuẩn, sau đó lan đến các hạch lympho trong vùng rồi đến các mô khác. Trực khuẩn lao có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa gây lao dạ dày, ruột.

1 Vi khuẩn lao là gì?

Vi khuẩn lao có tên khoa học là Mycobacterium tuberculosis. Vi khuẩn này được Robert Koch phân lập vào năm 1884, do đó còn được biết đến với tên gọi trực khuẩn Koch.

Hình ảnh vi khuẩn lao
Hình ảnh vi khuẩn lao

Vi khuẩn này gây bệnh lao ở người. Cho tới nửa đầu thế kỷ XX vẫn chưa có thuốc điều trị. Lần đầu tiên Streptomycin được đưa vào sử dụng năm 1946 và đến năm 1952 là Rimifon, cả hai loại thuốc này đã làm giảm tỷ lệ bệnh lao. Tuy nhiên hiện nay, tỉ lệ nhiễm lao lại bắt đầu tăng lên.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), vi khuẩn lao hiện gây nhiễm cho 1/3 dân số thế giới. Mỗi năm có thêm 8 - 9 triệu ca nhiễm mới và 3 triệu người chết vì lao. Đặc biệt, HIV/AIDS gây suy giảm miễn dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh lao phát triển. Bệnh lao tiếp tục trở thành vấn đề sức khoẻ chính trên toàn cầu. Thông điệp của WHO xác nhận: Bệnh lao đang quay trở lại và tồi tệ hơn với lao kháng đa thuốc. Tại các nước đang phát triển, số ca nhiễm mới/năm tăng nhanh, đặc biệt trên các đối tượng bị nhiễm HIV.

Việt Nam đứng thứ 12 trong tổng số 22 quốc gia có tỉ lệ nhiễm lao cao nhất thế giới, đứng thứ 3 khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ đứng sau Trung Quốc và Phillipin.

2 Đặc điểm của vi khuẩn lao

Trực khuẩn lao có hình thẳng hoặc hơi cong, mảnh, đứng riêng rẽ hoặc thành từng đám. Vi khuẩn này không có lông, không di động, không có vỏ, không sinh nha bào. Tiến hành nhuộm Ziehl Neelsen, vi khuẩn bắt màu đỏ.

Đặc điểm của vi khuẩn lao
Đặc điểm của vi khuẩn lao

Vi khuẩn lao phân chia rất chậm, mỗi 15 - 20 giờ mới phân chia một lần trong khi các loài vi khuẩn khác phân chia rất nhanh, thời gian đo bằng phút. Đây là một vi khuẩn nhỏ có thể chịu được các chất khử trùng yếu và có thể sống sót ở trạng thái khô trong nhiều tuần.

Trực khuẩn lao rất hiếu khí. Nhiệt độ thích hợp là 37 độ C. Môi trường nuôi cấy đòi hỏi phải giàu chất dinh dưỡng.

Trực khuẩn lao có sức đề kháng cao với các yếu tố lý hóa. Vi khuẩn bị tiêu diệt ở nhiệt độ 70 - 80 độ C trong 10 phút. Trong đờm ẩm, vi khuẩn có thể sống được 1 tháng, trong sữa có thể sống được nhiều tuần. Các chất sát khuẩn như Cresyl, Giaven, Formaldehyd có thể tiêu diệt được vi khuẩn lao.

Trực khuẩn lao không có nội và ngoại độc tố. Hiện nay chưa xác định được yếu tố độc lực của trực khuẩn nhưng có thể là tập hợp của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố sợi và lớp sáp ở vách tế bào có ý nghĩa quan trọng.

3 Khả năng gây bệnh ở người

Bệnh lao là một bệnh xã hội, bệnh dễ dàng lây lan và nhanh chóng ở các nước kém phát triển. Trên 50% các bệnh nhân AIDS bị mắc lao.

Trực khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể chủ yếu theo đường hô hấp qua các giọt nước bọt gây lao phổi (chiếm 90% các thể lao), các mô của phế nang bị vi khuẩn xâm nhập tạo ra các ổ chứa vi khuẩn, sau đó lan đến các hạch lympho trong vùng rồi đến các mô khác. Trực khuẩn lao có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa (thường qua sữa bò tươi) gây lao dạ dày, ruột.[1]

Bệnh lao phổi
Bệnh lao phổi

Từ các cơ quan bị nhiễm lao đầu tiên, trực khuẩn lao theo đường máu hay đường bạch huyết đi khắp cơ thể gây bệnh lao thứ phát như: lao màng não, lao màng bụng, lao xương, khớp, hạch, thận …

4 Chẩn đoán vi khuẩn học

4.1 Chẩn đoán trực tiếp

Chẩn đoán trực tiếp dựa vào mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân. Tùy theo từng thể bệnh lao, bệnh phẩm có thể là đờm, phân, nước não tủy, nước tiểu. Nếu bệnh phẩm là đờm, trước tiên phải xử lý với hóa chất để làm lỏng đờm và loại bỏ tạp khuẩn. Sau đó ly tâm lấy cặn, nhuộm soi hoặc nuôi cấy.

Nhuộm soi trực tiếp: Làm tiêu bản từ bệnh phẩm, nhuộm Ziehl Neelsen phát hiện vi khuẩn kháng cồn acid. Kết hợp với các dấu hiệu lâm sàng và X-quang thì rất có giá trị chẩn đoán. Nhuộm soi trực tiếp là phương pháp được sử dụng chủ yếu trong chẩn đoán bệnh lao phổi.

Nuôi cấy phân lập: Bệnh phẩm sau khi đã được xử lý được nuôi cấy trên môi trường lỏng Sauton hoặc môi trường đặc Loewenstein, hoặc cả 2 môi trường, nuôi cấy cho kết quả chính xác nhưng chậm, nên chẩn đoán thường dựa vào các kỹ thuật khác. Hiện nay, một số môi trường nuôi cấy nhanh đang được nghiên cứu để sử dụng vào chẩn đoán bệnh lao.

Nuôi cấy phân lập chẩn đoán bệnh lao
Nuôi cấy phân lập chẩn đoán bệnh lao

4.2 Phản ứng khuyếch đại gen PCR

Phản ứng cho kết quả nhanh, chính xác áp dụng tốt cho các chẩn đoán lao ngoài phổi nhưng chỉ thực hiện được ở cơ sở có điều kiện. Đây là kỹ thuật có độ nhạy và đặc hiệu cao, tuy nhiên chi phí đắt.

5 Các cách phòng bệnh lao

Bệnh lao có thể có những phương pháp phòng bệnh đặc hiệu và không đặc hiệu, cụ thể:

5.1 Phòng bệnh đặc hiệu

Vaccin BCG được hai nhà bác học Calmette và Guerin điều chế bằng cách nuôi cấy trực khuẩn lao bò nhiều lần trên môi trường có mật bò, làm cho trực khuẩn này mất khả năng gây bệnh nhưng còn sống và gây được miễn dịch tốt. Vaccin này được dùng cho trẻ sơ sinh trong chhương trình tiêm chủng mở rộng, trẻ lớn và người lớn chỉ dùng khi phản ứng Mantoux âm tính.

Tiêm vaccin phòng lao
Tiêm vaccin phòng lao

5.2 Phòng bệnh không đặc hiệu

Với phòng bệnh không đặc hiệu, quan trọng nhất là phải phát hiện và cắt đứt nguồn lây.

Làm tốt công tác truyền thông và giáo dục sức khỏe cho mọi người để mọi người nâng cao ý thức phòng bệnh.

Kiểm soát phòng chống lây nhiễm tại các cơ sở y tế hoặc tại những nơi có nguồn lây (bệnh viện lao, trại giam...) bằng cách:

  • Để hạn chế lây nhiễm trong cộng đồng, người bệnh phải đeo khẩu trang, cần che miệng khi hắt hơi, sổ mũi, phải khạc đờm vào chỗ quy định. Các vật dụng chứa nguồn lây cần được xử lý đúng cách.
  • Tận dụng ánh nắng mặt trời để góp phần hạn chế vi khuẩn phát triển và phát tán.
  • Đảm bảo thông gió thoáng khí để giảm nồng độ vi khuẩn lao trong không khí.[2]

6 Điều trị bệnh lao

Người bệnh phải được điều trị càng sớm càng tốt ngay sau khi phát hiện bệnh để giảm thiểu những tác động xấu đến sức khỏe.

Phương pháp điều trị có kiểm soát trực tiếp (DOTS).

Điều trị theo phác đồ chuẩn được Bộ Y tế: 2S(E)HRZ/4RH hoặc 2S(E)HRZ/6HE.

Tuân thủ nguyên tắc:

  • Uống thuốc đúng phác đồ của Bộ Y tế.
  • Uống thuốc đủ thời gian và liệu trình quy định.
  • Thời điểm uống thuốc xa bữa ăn, uống đều đặn mỗi ngày một lần.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của CDC (Ngày đăng: ngày 20 tháng 3 năm 2016). Basic TB Facts, CDC. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: James McIntosh (Ngày đăng: ngày 23 tháng 1 năm 2020). All you need to know about tuberculosis (TB), Medical News Today. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633