1. Trang chủ
  2. Tim mạch - Mạch máu
  3. Giãn tĩnh mạch: Tổng quan, triệu chứng, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Giãn tĩnh mạch: Tổng quan, triệu chứng, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Giãn tĩnh mạch: Tổng quan, triệu chứng, nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

Trungtamthuoc.com - Giãn tĩnh mạch là các tĩnh mạch phình ra nổi lên gần bề mặt da. Giãn tĩnh mạch có thể diễn ra ở bất cứ tĩnh mạch nào trong cơ thể, tuy nhiên thường gặp và phổ biến nhất là giãn tĩnh mạch chi dưới. 

1 Tổng quan

Giãn tĩnh mạch - một tình trạng bệnh lý mạn tính liên quan đến các mạch máu ở ngoại vi. Tại sao lại gọi là giãn tĩnh mạch? Căn bệnh này đúng như biểu hiện bên ngoài của nó, các tĩnh mạch phình to ra, nổi lên sát bề mặt da, mắt thường cũng dễ dàng quan sát thấy được.

Tĩnh mạch có vai trò vô cùng quan trọng đối với cơ thể con người, nó đảm nhiệm chức vụ dẫn máu trở về tim, phổi. Thông thường máu ở trong tĩnh mạch có nguồn oxy thấp.

Giãn tĩnh mạch có thể diễn ra ở bất cứ tĩnh mạch nào trong cơ thể, tuy nhiên thường gặp và phổ biến nhất là giãn tĩnh mạch chi dưới. Người ta giải thích rằng do tĩnh mạch chi dưới dài hơn, đồng thời nó phải chịu tác động của toàn bộ trọng lực cơ thể dồn xuống.[1]

Giãn tĩnh mạch
Giãn tĩnh mạch

Căn bệnh này chiếm một tỷ lệ đáng kể, và nó đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Bệnh có xu hướng xảy ra ở nữ nhiều hơn so với nam giới, trong số những người mắc bệnh trên toàn thế giới, có đến 70% là nữ giới.

Mặc dù căn bệnh giãn tĩnh mạch chân nó không gây nguy hiểm trực tiếp đến tĩnh mạng nhưng nó lại gây ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng cuộc sống của con người, nhiều biến chứng nguy hiểm. Nó cũng là nguyên nhân gây nên các căn bệnh liên quan đến tuần hoàn khác.

Hiểu được các triệu chứng bệnh, cách phòng ngừa và các phương pháp điều trị bệnh là cách tốt nhất giúp mọi người có thể đối mặt với bệnh lý suy giãn tĩnh mạch.

2 Triệu chứng

Trong cuộc sống hiện đại, giãn tĩnh mạch trở thành căn bệnh mạn tính, triệu chứng bệnh không rầm rộ khiến con người chủ quan, không điều trị kịp thời, chính điều đó có thể gây nên những hậu quả khôn lường.

Các bước tiến triển của giãn tĩnh mạch chân
Các bước tiến triển của giãn tĩnh mạch chân

Có thể người bệnh sẽ không xuất hiện các cảm giác đau, họ chỉ quan sát thấy có sự thay đổi màu sắc tĩnh mạch (màu tím hoặc xanh đậm), các tĩnh mạch xoắn và phồng lên.

Khi người bệnh có các triệu chứng đau, nó sẽ biểu hiện khác nhau ở các bệnh nhân. Các triệu chứng đau có thể xảy ra như:

  • Đau nhức, cảm giác nặng nề, không muốn bước đi ở chân.
  • Bệnh nhân bị nhói và sưng đau ở cơ, chân, cảm thấy nóng.
  • Đau nặng hơn khi chân phải chịu áp lực do ngồi hoặc đứng quá lâu trong một thời gian dài.

Có thể bị ngứa xung quanh tĩnh mạch tại một hoặc nhiều vị trí.

Chảy máu do giãn tĩnh mạch.

Thay đổi màu sắc, làm cứng tĩnh mạch, viêm da hoặc loét da gần mắt cá chân của bạn, điều này có nghĩa là bạn có một dạng bệnh mạch máu nghiêm trọng cần được chăm sóc y tế.

3 Nguyên nhân

Các cơn co thắt cơ ở chân hoạt động như máy bơm, và thành tĩnh mạch đàn hồi giúp máu trở lại tim. Các van nhỏ trong tĩnh mạch mở ra khi máu chảy về phía tim, sau đó đóng để ngăn máu chảy ngược.

Hình ảnh giãn tĩnh mạch chân
Hình ảnh giãn tĩnh mạch chân

Giãn tĩnh mạch xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, một số nguyên nhân có thể kể đến như:

  • Yếu tố tuổi tác: Khi già đi, tĩnh mạch giảm hoặc mất độ đàn hồi, khiến chúng giãn ra. Các van trong tĩnh mạch trở nên yếu hơn, khiến máu có thể chảy ngược trở lại trong quá trình bơm máu về tim. Điều đó dẫn đến máu trong tĩnh mạch tăng lên, tĩnh mạch phải phình to để đáp ứng, dẫn đến giãn tĩnh mạch.
  • Mang thai: Một số phụ nữ mang thai bị giãn tĩnh mạch. Mang thai làm tăng lượng máu trong cơ thể, nhưng giảm lưu lượng máu từ chân lên xương chậu. Sự thay đổi tuần hoàn này là do sự phát triển của bào thai, tử cung chèn ép vào tĩnh mạch, làm tăng áp lực tĩnh mạch lên gấp 2 - 3 lần bình thường, nhất là 3 tháng cuối thai kỳ. Giãn tĩnh mạch phát triển trong thai kỳ thường cải thiện mà không cần điều trị y tế từ 3 đến 12 tháng sau khi sinh.[2]

4 Các yếu tố nguy cơ

Những yếu tố này làm tăng nguy cơ phát triển giãn tĩnh mạch:

Tuổi tác: Tuổi càng cao, nguy cơ giãn tĩnh mạch sẽ tăng theo. Lão hóa khiến các van trong tĩnh mạch với vai trò điều chỉnh lưu lượng máu bị mòn và rách. Sự hao mòn đó khiến các van cho phép máu chảy ngược trở lại vào tĩnh mạch.

Tuổi càng cao, nguy cơ giãn tĩnh mạch sẽ tăng theo
Tuổi càng cao, nguy cơ giãn tĩnh mạch sẽ tăng theo

Giới tính: tỷ lệ nữ mắc bệnh nhiều hơn nam. Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? Phụ nữ chịu sự tác động của nội tiết tố nữ, thay đổi nội tiết trong thời gian mang thai, tiền kinh nguyệt hoặc mãn kinh. Dùng liệu pháp thay thế hormone hoặc sử dụng các thuốc ngừa thai có thể làm tăng nguy cơ giãn tĩnh mạch. Ngoài ra ở nữ giới thường có thói quen mang giày cao gót khiến chân phải chịu áp lực nhiều hơn.

Yếu tố di truyền: Theo các thống kê được báo cáo, những ai có tiền sử gia đình bố hoặc mẹ bị bệnh này thì nguy cơ cai cũng sẽ mắc phải.

Béo phì: Tình trạng thừa cân béo phì là căn nguyên của nhiều bệnh tim mạch, trọng lượng cơ thể quá nặng dồn lên đôi chân dễ gây nguy cơ giãn tĩnh mạch chi dưới.

Đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài do tính chất công việc như giáo viên, nhân viên văn phòng hay những người giao hàng...do tình trạng máu ứ trệ, kém lưu thông.

5 ​Một số biến chứng xảy ra khi giãn tĩnh mạch

Nếu bệnh nhân không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể sẽ gặp phải một số biến chứng sau đây:

Ảnh hưởng đến thẩm mỹ: Tĩnh mạch giãn, nổi rõ ngay gần sát bề mặt da, khiến nhiều người mất tự tin, đặc biệt là phái nữ.

Giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến thẩm mỹ
Giãn tĩnh mạch ảnh hưởng đến thẩm mỹ

Đau: Chân bị sưng to, đi lại khó khăn, đau buốt, đặc biệt là về đêm, các cơ đau diễn ra mạnh mẽ hơn, kèm theo chuột rút.

Tĩnh mạch giãn quá lớn gây ứ trệ tuần hoàn, rối loạn vận chuyển dinh dưỡng trong cơ thể, có thể dẫn đến tình trạng viêm, loét, nhiễm trùng, có trường hợp nặng phải cắt cụt chân.

Viêm tắc tĩnh mạch sâu: Hình thành nên các khối rắn, di chuyển lên tim, thuyên tắc động mạch phổi, có thể gây tử vong ngay lập tức.

6 Chẩn đoán

Để chẩn đoán giãn tĩnh mạch, bác sĩ sẽ làm một bài kiểm tra thể chất, bao gồm quan sát chân khi bệnh nhân đang đứng để kiểm tra sưng. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu bệnh nhân mô tả bất kỳ cơn đau nào ở chân đã diễn ra.

Cũng có thể cần làm siêu âm để xem liệu các van trong tĩnh mạch có hoạt động bình thường hay không hoặc có bằng chứng về cục máu đông hay không. Trong thử nghiệm không xâm lấn này, một kỹ thuật viên chạy một thiết bị cầm tay nhỏ (bộ chuyển đổi), đè lên làn da của người bệnh. Kết quả hình ảnh của các tĩnh mạch trong chân sẽ được hiện lên màn hình để bác sĩ có thể chẩn đoán.

7 Điều trị

Nhờ thủ thuật ít xâm lấn, giãn tĩnh mạch thường có thể được điều trị ngoại trú.

7.1 Đeo tất áp lực

Đeo tất áp lực tất cả các ngày thường là phương pháp đầu tiên để thử trước khi chuyển sang các phương pháp điều trị khác. Chúng tạo áp lực lớn lên chân, giúp các van tĩnh mạch khép lại, tăng cường lưu thông máu. Do đó giúp làm chậm tiến triển của bệnh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống.[3]

7.2 Phương pháp điều trị bổ sung cho giãn tĩnh mạch nặng hơn

Nếu không đáp ứng với việc tự điều trị hay sử dụng tất áp lực, hoặc nếu tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể đề nghị một trong những phương pháp điều trị sau:

Liệu pháp xơ hóa hay còn gọi là chích xơ: tiêm thuốc vào tĩnh mạch bị giãn để làm cứng tĩnh mạch, khiến nó bị xơ hóa, mất chức năng, máu được điều chuyển sang tĩnh mạch khác khỏe hơn để đảm nhiệm chức năng. Liệu pháp xơ hóa có hiệu quả nếu được thực hiện đúng cách. Đây là liệu pháp không cần gây mê và có thể được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ.

Chích xơ trong điều trị giãn tĩnh mạch
Chích xơ trong điều trị giãn tĩnh mạch

Phẫu thuật laser: Phẫu thuật laser dùng để cắt bỏ tĩnh mạch bị giãn. Nó hoạt động bằng cách chiếu các chùm ánh sáng mạnh vào tĩnh mạch, làm cho tĩnh mạch mờ dần và biến mất. Liệu pháp này không cần rạch dao hay tiêm chích.

Phẫu thuật nội soi tĩnh mạch: Phương pháp này chỉ được tiến hành khi bệnh biến chứng liên quan đến loét chân nếu các kỹ thuật khác không thành công.

8 Quan điểm y học cổ truyền về suy giãn tĩnh mạch chi dưới

Theo quan điểm y học cổ truyền, suy giãn tĩnh mạch thuộc phạm vi chứng Cân lựu và các biến chứng trong bệnh suy giãn tĩnh mạch mãn tính như loét thuộc chứng Liên sang (hay Quần biên sang). Trường hợp loét lâu ngày khó chữa trị thì gọi là Lão lạn cước.

Trong các y văn của YHCT, quyển Ngoại khoa chính tông của Trần Thực Công có mô tả khá chi tiết về biểu hiện giãn tĩnh mạch và các biến chứng liên quan. Trong đó có viết:

“Cân lựu là chứng gân xanh tím xoắn lại từng hòn, kết thành như con giun nổi lên ở vùng bụng chân. Pháp trị thanh can giải uất, dưỡng huyết thư cân, dùng bài Thanh can Lô Hội thang (Đương quy, Xuyên Khung, Bạch Thược, Sinh Địa, Thanh bì, Lô hội, Côn bố, Hải cáp phấn, Cam Thảo, Nha tạo, Hoàng Liên)”.

“Chứng liêm sang, khởi phát ban đầu là chứng thũng, lâu ngày sinh thối rữa (lạn cước) kèm ngứa, vỡ và chảy mủ...”

“Liêm sang do phong thấp nhiệt tương hợp tụ mà thành, có phân biệt mới phát và bệnh lâu ngày, có chia làm nội liêm sang và ngoại liêm sang. Trong trường hợp ngoại liêm phần nhiều nên uống Tứ sinh hoàn, còn ngược lại nội liêm phần nhiều nên uống Thận khí hoàn”.

9 Phòng bệnh

Phòng bệnh hơn chữa bệnh - câu nói này ai cũng biết nhưng do áp lực từ cuộc sống và tính chất công việc mà nhiều khi chúng ta đã tạm lãng quên. Sau đây là một số cách giúp phòng ngừa căn bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới:

  • Đối với nhân viên văn phòng, nên tranh thủ đi lại giải lao khoảng 30-60 phút/lần. Đồng thời trong quá trình ngồi làm việc có thể kết hợp các bài tập vận động cho chân như co duỗi chân, nhón gót...
  • Đi bộ là phương pháp tập luyện quan trọng. Tuy nhiên phải đi bộ đúng cách mới không làm nặng thêm tình trạng bệnh. Phải đi nhanh nhưng phải vừa đi vừa nghỉ, nên mang vớ trong khi đi bộ.
Đi bộ là phương pháp tập luyện quan trọng
Đi bộ là phương pháp tập luyện quan trọng
  • Tập thể dục bằng cách bơi lội  là môn thể thao thích hợp nhất cho bệnh lý này.
  • Chế độ ăn uống khoa học, lành mạnh, bổ sung đủ bằng chế độ ăn giàu trái cây, rau tươi để bổ sung vitamin và chất xơ, uống nhiều nước.
  • Hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh vì đó là các nguyên nhân gây nên tình trạng béo phì và các bệnh lý về tim mạch.
  • Hạn chế đi giày cao gót để giáp bớt tác động lên đôi chân.
  • Hạn chế sử dụng các thuốc tránh thai vì nó tác động lên nội tiết tố nữ, một trong những yếu tố nguy cơ gây bệnh ở nữ giới. hãy tránh thai bằng các biện pháp an toàn khác như sử dụng bao Cao Su, đặt vòng tránh thai...

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia Medline Plus (Ngày đăng: ngày 12 tháng 4 năm 2021). Varicose Veins, Medline Plus. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Wesley K Lew, MD (Ngày đăng: Ngày 19 tháng 8 năm 2021). Varicose Vein Surgery, Medscape. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: By Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 30 tháng 1 năm 2021). Varicose veins, Mayo Clinic. Truy cập ngày 11 tháng 10 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      0985.729.595