1. Trang chủ
  2. Hô Hấp
  3. Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 

Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 

Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 

Trungtamthuoc.com - Giãn phế quản là tình trạng đường thở của phổi bị mở rộng lâu ngày, dẫn đến tích tụ chất nhầy dư thừa khiến phổi dễ bị nhiễm trùng. [1]

1 Giãn phế quản là bệnh gì?

Giãn phế quản là sự giãn không hồi phục của một hay nhiều phế quản. Sau nhiều lần giãn rộng, các phế quản này mất đi sự đàn hồi và trở thành bệnh lý. Những người bị giãn phế quản có những đợt khó thở bùng phát theo chu kỳ, được gọi là đợt cấp. [2]

Giãn phế quản có thể là bệnh lý bẩm sinh, di truyền hoặc mắc phải do nhiều nguyên nhân khác.

Giãn phế quản

Giãn phế quản thường là kết quả của nhiễm trùng hoặc tình trạng khác làm tổn thương các thành của đường thở hoặc ngăn đường thở làm sạch chất nhầy. Chất nhầy là một chất nhầy mà đường hô hấp tạo ra để giúp loại bỏ bụi hít vào, vi khuẩn và các hạt nhỏ khác.

Khi bị giãn phế quản, đường thở của bạn từ từ mất khả năng đào thải chất nhầy ra ngoài. Khi chất nhầy không thể được làm sạch, nó sẽ tích tụ và tạo ra môi trường cho vi khuẩn có thể phát triển. Điều này dẫn đến nhiễm trùng phổi lặp đi lặp lại, nghiêm trọng.

Mỗi lần nhiễm trùng gây ra nhiều tổn thương hơn cho đường hô hấp của bạn. Theo thời gian, đường thở mất khả năng di chuyển không khí vào và ra. Điều này có thể ngăn không cho đủ oxy đến các cơ quan quan trọng của bạn.

Giãn phế quản có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như suy hô hấp, xẹp phổi và suy tim. [3]

Hình ảnh X-Quang giãn phế quản

2 Nguyên nhân gây giãn phế quản

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến giãn phế quản. Có thể kể đến một số nguyên nhân điển hình như:

  • Một số bệnh nhiễm trùng phổi như viêm phổi, lao, nấm phổi,... tạo thành các tổn thương trên thành phế quản.
  • Bệnh lý di truyền: xơ nang,...
  • Các bệnh suy giảm miễn dịch làm giảm khả năng chống lại vi trùng.
  • Người bệnh nuốt phải dị vật (thức ăn rơi vào đường hô hấp).

3 Triệu chứng và chẩn đoán

3.1 Triệu chứng lâm sàng

Các triệu chứng toàn thân thường là sút cân, thiếu máu. Tuy nhiên mức độ biểu hiện phụ thuộc vào tình trạng bệnh cụ thể của từng người.

Các triệu chứng cơ năng điển hình nhất là:

  • Ho thường xuyên, kéo dài nhiều năm, có thể ho ra máu.
  • Khạc đờm nhiều, đờm mủ.
  • Khó thở, thở ngắn và nghe có tiếng rít.
  • Đau ngực: dấu hiệu của nhiễm khuẩn phổi.

Các triệu chứng thực thể:

  • Khi thăm khám phổi nghe thấy ran ẩm, ran phế quản ở vùng thương tổn.
  • Khám tai mũi họng: viêm xoang, viêm mũi họng mạn tính.
  • Có đặc điểm móng tay khum, ngón dùi trống.
  • Bệnh giãn phế quản nặng có thể gây ra suy hô hấp, xẹp phổi, suy tim.

3.2 Triệu chứng cận lâm sàng

Khi chụp X-quang phổi thường thấy:

  • Các đám mờ hình ống (phế quản chứa nhiều chất nhầy).
  • Thành phế quản tạo thành các đường song song.
  • Thể tích của thuỳ phổi có giãn phế quản giảm
  • Có các ổ sáng nhỏ giống hình ảnh tổ ong.

Chụp cản quang: thấy phế quản giãn hình trụ, hình túi hoặc tràng hạt.

Soi phế quản: phát hiện dị vật, phế quản bị chít hẹp, xác định vi trí chảy máu và hút dịch tìm vi khuẩn.

Chụp cắt lớp vi tính độ phân giải cao: đường thở bị giãn, hình mờ vòng nhẫn có d > 1,5 lần d mạch máu đi cùng, thành phế quản dày,...

Các xét nghiệm khác có thể được chỉ định là xét nghiệm đờm tìm tác nhân gây bệnh, điện tâm đồ phát hiện sớm tâm phế mạn, xét nghiệm máu,...

4 Chẩn đoán bệnh

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để xác định tình trạng cụ thể của bệnh và nguyên nhân gây ra bệnh.

Cần phân biệt với một số bệnh lý hô hấp khác như:

  • Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
  • Lao phổi.
  • Nấm phổi.
  • áp xe phổi mạn.
Ho thường xuyên, kéo dài nhiều năm do giãn phế quản

5 Phác đồ điều trị bệnh giãn phế quản

5.1 Điều trị nội khoa

Mục đích của điều trị nội khoa là chống nhiễm trùng, chống tăng tiết và tắc nghẽn đường thở. Thực hiện như sau:

Hướng dẫn người bệnh cách ho khạc đờm và vỗ rung lồng ngực để khạc đờm dễ hơn, dẫn lưu đờm theo tư thế thích hợp. Có thể dùng thuốc làm loãng đờm nếu thấy khó khạc đờm.

Dùng thuốc kháng sinh trong điều trị tích cực tình trạng bội nhiễm cho đến khi hết sốt và khạc đờm mủ. Nên dùng kháng sinh phổ rộng và phối hợp 2 loại. Kháng sinh thường được sử dụng nhất là nhóm beta-lactam kết hợp với nhóm aminoglycosid hoặc nhóm quinolon

Điều trị triệu chứng nếu có bằng:

  • Cho thở oxy trong đợt cấp khi có thiếu oxy máu.
  • Thuốc giãn phế quản khi nghe phổi có ran rít, ngáy.
  • Uống đủ nước và truyền dịch để làm loãng đờm.
  • Cầm máu bằng các thuốc gây co mạch.
  • Truyền máu nếu ho ra máu nặng.

5.2 Phẫu thuật giãn phế quản

  • Cắt thuỳ phổi hoặc cắt một bên phổi được chỉ định khi giãn phế quản khu trú và bệnh nhân có biểu hiện ho ra máu nặng có nguy cơ tử vong cao.
  • Không điều trị ngoại khoa với trường hợp giãn phế quản thể lan tỏa, có triệu chứng suy hô hấp mạn tính.

5.3 Điều trị kháng sinh (đợt cấp do nhiễm khuẩn)

Cần lựa chọn kháng sinh ban đầu cho đợt bệnh cấp tính. Đường dùng tùy theo mức độ nhiễm khuẩn, tình hình kháng của vi khuẩn. Nếu bị nhiễm khuẩn nặng cần phối hợp kháng sinh, lựa chọn kháng sinh theo đáp ứng lâm sàng và kháng sinh đồ.

Các phác đồ thường dùng là:

Penicillin G liều 10 - 50 triệu đơn vị mỗi ngày tùy theo tình trạng và cân nặng của người bệnh, dùng theo đường truyền tĩnh mạch chia 3 - 4 lần/ngày. Thuốc kết hợp có thể là kháng sinh nhóm aminoglycosid hoặc nhóm quinolon.

Nếu nghi vi khuẩn tiết beta-lactamase, dùng kháng sinh nhóm aminoglycosid kết hợp với:

Amoxicillin-clavulanate: tiêm IV liều 3-6g chia 3-6 lần mỗi ngày.

Ampicillin-sulbactam: tiêm IV liều 3-6g chia 3-6 lần/ngày.

Nếu nghi vi khuẩn Gram-âm thì dùng Cephalosporin III + Aminoglycosid.

Nếu người bệnh khạc đờm mủ thối thì dùng nhóm Beta-lactam + Metronidazol.

Nếu do nhiễm khuẩn bệnh viện, cần sử dụng thuốc theo kết quả kháng sinh đồ và điều chỉnh kháng sinh theo đáp ứng điều trị.

Nếu nghi ngờ do tụ cầu thì dùng Oxacillin hoặc Vancomycin. Kết hợp dùng Amikacin khi nghi ngờ do tụ cầu kháng thuốc.

Thời gian dùng kháng sinh thường là 10 đến 14 ngày. Các trường hợp đặc biệt như giãn phế quản nặng, nhiễm khuẩn kháng kháng sinh cần dùng thuốc trong thời gian dài hơn.

Cần xét nghiệm creatinin máu 2 lần/tuần với người bệnh điều trị bằng kháng sinh nhóm aminoglycosid, Vancomycin để có biện pháp xử trí hoặc điều chỉnh liều nếu bệnh nhân có dấu hiệu suy thận.

Nếu bệnh nhân có hội chứng xoang phế quản cần uống Erythromycin với liều 10 mg/kg/ngày, chia làm 2 lần mỗi ngày trong 6 tháng đến 2 năm.

Với những người thường xuyên tái phát bệnh từ 2 lần trở lên mỗi năm, cân nhắc sử dụng phác đồ kháng sinh macrolid liều thấp trong thời gian dài.

6 Chăm sóc bệnh nhân giãn phế quản

Bạn có thể sống tốt hơn với bệnh giãn phế quản nếu bạn thực hiện các bước để làm cho phổi của bạn khỏe mạnh hơn và giảm bớt các cơn bùng phát:

Uống thuốc theo đơn của bác sĩ.

Điều trị nhiễm trùng phổi.

Tránh khói và khí độc hại.

Cai thuốc lá nếu bạn đang hút thuốc.

Uống nhiều nước để giúp làm loãng chất nhầy.

Tập thể dục .

Ăn một chế độ ăn uống lành mạnh. [4]

7 Dự phòng giãn phế quản

Để dự phòng giãn phế quản cần lưu ý các vấn đề sau:

Tập luyện thể dục thể thao giúp tăng cường sức đề kháng
  • Chú ý phát hiện bệnh hoặc các bệnh kết hợp sớm để kịp thời điều trị khi bệnh chưa tiến triển nặng.
  • Tăng cường hệ miễn dịch bằng chế độ ăn uống tập luyện thể dục để hạn chế mắc cách bệnh lý đường hô hấp.
  • Tiêm phòng các loại vacxin cúm, sởi,...
  • Vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch sẽ.
  • Bỏ thuốc lá, thuốc lào và hạn chế hoạt động trong môi trường nhiều bụi khói, không khí ô nhiễm.
  • Điều trị triệt để các bệnh lý đường hô hấp do nhiễm khuẩn như viêm xoang, viêm họng,...
  • Nếu mắc lao phổi cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị để cải thiện tình trạng bệnh và tránh biến chứng gây giãn phế quản.
  • Tránh để dị vật rơi vào phế quản, nếu gặp trường hợp này cần nhanh chóng xử lý.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của NHS.UK, Bronchiectasis, NHS.UK. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Chuyên gia của American Lung Association, Bronchiectasis, lung.org. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của NIH, Bronchiectasis, NIH. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021
  4. ^ Tác giả: John Donovan, Bronchiectasis, WebMD. Truy cập ngày 31 tháng 10 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 6 Thích

    Nguyên nhân gây giãn phế quản là gì?


    Thích (6) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị  5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Giãn phế quản: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị 
    DL
    Điểm đánh giá: 5/5

    bài viết hữu ích, cảm ơn các dược sĩ đã cung cấp thông tin này

    Trả lời Cảm ơn (6)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595