Giải phẫu và sinh lý tuyến giáp và nhu cầu sử dụng Iod
Trungtamthuoc.com - Tuyến giáp là tuyến nội tiết có chức năng cực kỳ quan trọng điều hòa hoạt động sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Vậy quá trình sinh tổng hợp Hormon tuyến giáp như thế nào và nhu cầu sử dụng Iod bao nhiêu là đủ? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
1 Giải phẫu sinh lý tuyến giáp
Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết lớn nhất trong cơ thể, nặng khoảng 20 - 25g. Ở phụ nữ trọng lượng tuyến có thể thay đổi theo chu kì kinh nguyệt, lúc cho con bú, lúc mãn kinh và đặc biệt theo mức dung nạp Iod của cơ thể.
Nhu mô tuyến giáp được tạo thành bởi những nang tuyến (túi giáp trạng). Nang tuyến là những túi hình cầu, đường kính khoảng 30 - 300 micromet, đó là đơn vị chức năng tuyến. Xung quang nang là một lớp tế bào nang tuyến có hình hộp, trong lòng nang có chứa chất keo, trong chất keo có chứa thyroglobulin (protein + iod) là một loại glycoprotein do tế bào nang chế tiết và là nơi tổng hợp và dự trữ hormon.[1]
Khi không hoạt động, các tế bào nang dẹt, nang nhiều chất keo. Khi hoạt động, lớp tế bào nang tuyến hình lập phương, nang nhỏ, chất keo ít vì thyroglobulin đã phân giải thành các hormon và bài tiết vào máu.
Chất cần thiết cho việc tạo ra hormon giáp trạng là iod, do đó trong khẩu phần ăn thiếu iod thì tuyến giáp phải tăng cường hoạt động nên dễ phình to tạo nên bướu giáp trạng.
Ngoài ra tuyến còn có những tế bào cạnh nang hay tế bào sáng tiết ra Calcitonin có tác dụng làm giảm calci huyết.
2 Sinh tổng hợp Hormon tuyến giáp
Tuyến giáp sản xuất hai hormon chính là triiodothyronine (T3) chiếm 10% và thyroxine (T4) chiếm tới 90%. Tuy nhiên khi đến mô ngoại vi, phần lớn T4 được chuyển thành T3. Trong máu T3 có nồng độ thấp hơn và thời gian tồn tại ngắn hơn nhưng tác dụng lại mạnh gấp 4 lần T4. Các hormon tuyến giáp được tổng hợp tại tế bào nang giáp, quá trình này trải qua 4 giai đoạn:
Quá trình bắt iod: Iod của thức ăn được hấp thu vào máu, từ máu iod vào tế bào tuyến giáp bằng cơ chế vận chuyển tích cực do màng đáy tế bào nang giáp có bơm Na+/I- có khả năng bơm Iod vào trong tế bào. Do đó, nồng độ Iod trong tế bào nang giáp thường cao gấp 30 lần nồng độ trong máu (tối đa có thể lên đến 250 lần).
Oxy hóa ion Iodua thành dạng Iod hóa của iod nguyên tử nhờ sự xúc tác của enzym peroxydase. Sau đó Iod gắn vào tyrosin để tạo monoiodotyrosin (MIT) và di-iodotyrosin (DIT), cũng nhờ sự xúc tác của enzym peroxydase.
Trùng hợp MIT và DIT thành tri-iodothyronin (T3) và tetraiodothyronin (T4). Sau khi được tạo thành, T3 và T4 gắn với thyroglobulin rồi được vận chuyển qua màng đỉnh của tế bào nang giáp vào trong lòng nang để dự trữ. T3 có số lượng gấp 5 lần T4 nhưng 75% hormon sau tổng hợp được chuyển về T4.
Giải phóng T3 và T4 vào máu: Khi cơ thể cần sử dụng, hormon được tách ra khỏi thyroglobulin nhờ men và giải phóng vào máu để đi tới cơ quan đích. Khi đến cơ quan đích, phần lớn hormon lại được chuyển thành T3.
3 Nhu cầu iod và phân bố iod trong tuyến giáp
Nhìn chung, Iod của tuyến giáp và của cơ thể được cung cấp từ thức ăn hàng ngày. Một tuần, một người trưởng thành cần khoảng 1,5mg iod để tạo hormon giáp. Trẻ em và phụ nữ có thai, nhu cầu iod cao hơn bình thường. Để đề phòng thiếu iod, trong muối ăn có thể cho thêm một lượng iod với tỉ lệ NaI/NaCl là 1/100.000.
Iod được hấp thu từ thức ăn vào máu. Bình thường, phần lớn lượng này sẽ được đào thải qua đường nước tiểu và chỉ khoảng 1/5 lượng Iod ăn vào được vận chuyển vào tế bào nang giáp để tổng hợp hormon tuyến giáp. Lượng Iod được dự trữ trong tuyến giáp khoảng 10mg, đủ để duy trì tình trạng bình thường từ 2 - 3 tháng. Trong đó, 95% lượng Iod được dự trữ dưới dạng chất keo trong lòng nang giáp và 5% lượng Iod còn lại nằm trong tế bào nang giáp.[2]
4 Các bệnh lý tuyến giáp thường gặp
Tuyến giáp có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Khi bị rối loạn do các nguyên nhân khác nhau có thể gây nên những bệnh lý nguy hiểm sau:
- Suy giáp: là tình trạng tuyến giáp giảm chức năng, từ đó khiến cho sự tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp. Nguyên nhân suy giáp có thể do khẩu phần ăn thiếu iod, cắt tuyến giáp, sử dụng các thuốc kháng giáp...[3]
- Cường giáp: Là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mạnh với nguyên nhân phổ biến nhất được biết đến là bệnh tự miễn basedow. Cường giáp có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên thường gặp nhất là phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh nở.
- Ung thư tuyến giáp: Ung thư xảy ra khi các tế bào tuyến giáp hoạt động bất thường. Đây là bệnh lý về tuyến giáp nguy hiểm nhất, tuy nhiên lại có một điều khá may mắn, đây là loại ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao, lên đến 90%.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia y tế Cleveland Clinic (Ngày đăng: ngày 19 tháng 4 năm 2020). Thyroid Disease, Cleveland Clinic. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: Hye Rim Chung, MD (Ngày đăng: ngày 31 tháng 3 năm 2014). Iodine and thyroid function, NCBI. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: By Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: ngày 19 tháng 11 năm 2020). Hypothyroidism (underactive thyroid), Mayo Clinic. Truy cập ngày 15 tháng 10 năm 2021.