WHO: Rượu bia và tất cả đồ uống có cồn đều có thể gây ung thư!
Tất cả các loại đồ uống có cồn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. Sau khi uống, rượu bia bị phân hủy thành một hóa chất độc hại và ảnh hưởng đến đa cơ quan. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về nguy cơ mắc ung thư khi uống rượu bia.
1 Uống nhiều rượu bia gây ung thư gì?
Số liệu thống kê cho thấy, uống rượu bia làm tăng nguy cơ mắc 7 loại bệnh ung thư khác nhau, bao gồm: ung thư vú và dạ dày - ruột (hai loại phổ biến nhất), ung thư miệng, ung thư thực quản, ung thư thanh quản, ung thư yết hầu và ung thư gan. [1]
Trong đó, vấn đề uống nhiều bia rượu gây ung thư gan thường được nhắc tới thường xuyên nhất. Gan là cơ quan chính làm nhiệm vụ giải độc cho cơ thể. Gan có khả năng bù trừ rất tốt, ngay cả khi xuất hiện tổn thương, nó vẫn hoạt động hiệu quả mà không gây ra triệu chứng gì. Vì thế khi xuất hiện các triệu chứng liên quan đến gan thường đồng nghĩa với việc bệnh đã ở giai đoạn muộn và khó điều trị.
Trên thực tế, người mắc ung thư gan do uống nhiều rượu bia thường được chẩn đoán khi bệnh đã sang giai đoạn cuối. Khi đó, dù có ngừng uống rượu bia thì gan của người bệnh cũng không thể hồi phục hoàn toàn được.
>>>Xem thêm: Ung thư thanh quản: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
2 Tỷ lệ mắc ung thư do uống rượu bia
Các chuyên gia nói rằng, ngay cả một lượng nhỏ rượu bia cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Theo thống kê của Viện ung thư quốc gia Hoa kỳ: Uống rượu bia ở mức trung bình đến nặng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Cụ thể,ở những người uống rượu bia, nguy cơ mắc ung thư khoang miệng và thanh quản sẽ tăng từ 2 - 5 lần, nguy cơ mắc ung thư thực quản tăng 1,3 - 5 lần và nguy cơ mắc ung thư đại tràng cũng tăng 1,2 - 1,5 lần so với người bình thường. .
Uống rượu bia có liên quan nhiều đến nguy cơ phát triển ung thư gan, đặc biệt là ở những người có tiền sử bị viêm gan virus C. Bên cạnh đó, phụ nữ uống rượu bia từ trung bình đến nặng có nguy cơ bị ung thư vú cao gấp 1,23 - 1,6 lần so với người không uống. Ở những người nghiện rượu hoặc uống rượu bia trong nhiều năm thì nguy cơ ung thư tụy có thể tăng khoảng 1,7 lần. [2]
Ngoài ra, nguy cơ mắc ung thư khoang miệng, hầu họng, thanh quản và thực quản sẽ tăng gấp nhiều lần nếu bạn vừa uống rượu bia vừa hút thuốc.
Tuy nhiên, những nguy cơ trên còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, chế độ ăn uống, nồng độ cồn trong các sản phẩm bia rượu.
3 Tại sao uống rượu bia làm tăng nguy cơ ung thư?
Có nhiều cơ chế để giải thích cho việc uống bia, uống rượu gây ung thư. Hiện nay, các bằng chứng cho thấy rằng chính Ethanol là yếu tố làm tăng nguy cơ chứ không phải những thứ khác trong đồ uống. Cụ thể là:
3.1 Rượu bia làm tổn thương các mô cơ thể
Khi vào cơ thể, lượng cồn (ethanol) trong rượu bia sẽ được chuyển hóa và tạo thành acetaldehyde, một hợp chất có thể làm hỏng DNA bên trong tế bào và đã được chứng minh là nguyên nhân gây ung thư ở động vật thí nghiệm. Acetaldehyde có thể gây tổn hại cho các tế bào và ngăn các tế bào sửa chữa tổn thương này.
Uống rượu bia cũng có thể dẫn đến các stress oxy hóa trong tế bào, khiến cho các phản ứng oxy hóa trong tế bào xảy ra ồ ạt. Điều này làm phá hủy các tế bào và có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Rượu và các sản phẩm chuyển hóa của nó có thể gây hại cho tế bào gan, dẫn đến viêm gan và xơ gan. Khi các tế bào gan cố gắng sửa chữa các tổn thương, chúng có thể trở nên rối loạn và dẫn đến ung thư.
3.2 Rượu bia làm tăng độc tính của các hóa chất độc hại khác
Rượu bia có thể giúp các hóa chất độc hại khác, chẳng hạn như khói thuốc lá, xâm nhập vào các tế bào lót đường tiêu hóa trên dễ dàng hơn. Điều này có thể giải thích tại sao sự kết hợp giữa hút thuốc và uống rượu có nhiều khả năng gây ung thư miệng hoặc cổ họng hơn là chỉ hút thuốc hoặc uống rượu.
Rượu bia làm tăng nguy cơ tổn thương tế bào gan khi dùng cùng với các thuốc có độc tính trên gan (chẳng hạn như Paracetamol)
Trong những trường hợp khác, rượu bia có thể làm chậm khả năng chuyển hóa và đào thải của cơ thể đối với một số thuốc hoặc hóa chất độc hại.
3.3 Rượu bia ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng
Đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ một số chất dinh dưỡng của cơ thể, chẳng hạn như folate. Folate là một loại vitamin mà các tế bào trong cơ thể cần để duy trì sức khỏe. Đặc biệt nồng độ folate thấp đóng một vai trò quan trọng trong việc làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, chẳng hạn như ung thư vú và ung thư đại trực tràng.
3.4 Rượu bia làm thay đổi nội tiết tố
Rượu bia có thể làm tăng nồng độ của một số hormone như estrogen và Insulin. Ở nồng độ cao hơn, các hormone này có thể làm cho các tế bào phân chia một cách ồ ạt, và tạo điều kiện các tế bào ung thư phát triển. Cụ thể, estrogen là một loại hormone quan trọng trong sự tăng trưởng và phát triển của mô vú. Vì thế, nồng độ estrogen cao có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ.
3.5 Rượu bia làm thay đổi các tế bào trong miệng và cổ họng
Rượu bia có thể làm cho các tế bào trong miệng và cổ họng dễ hấp thụ các hóa chất độc hại hơn. Điều này làm cho các chất gây ung thư (ví dụ như những chất có trong khói thuốc lá) dễ dàng xâm nhập vào tế bào hơn và gây ra tổn thương.
3.6 Rượu bia ảnh hưởng đến trọng lượng cơ thể
Uống quá nhiều rượu bia đồng nghĩa với việc bổ sung thêm một lượng lớn calo vào chế độ ăn uống và dẫn đến tình trạng tăng cân ở một số người. Và thừa cân, béo phì được biết đến là một trong những yếu tố nguy cơ chính dẫn đến nhiều loại ung thư. [3]
4 Nguy cơ ung thư do rượu bia có liên quan đến gen không?
Nguy cơ ung thư do uống rượu bia đã được biết đến từ lâu nhưng không phải ai uống rượu bia cũng mắc phải căn bệnh này. Có một số người nghiện rượu nặng không bao giờ phát triển ung thư, trong khi những người uống rượu ở mức độ ít đến vừa phải thì đôi khi cuối cùng lại phát triển ung thư liên quan đến rượu. Các nhà nghiên cứu cho rằng điều này có thể bị ảnh hưởng bởi sự khác biệt về gen quyết định cách cơ thể chúng ta phân hủy rượu.
Ví dụ, những người gốc Đông Á có thể mang một dạng enzyme có hoạt tính cao gọi là alcohol dehydrogenase (ADH), làm tăng tốc độ chuyển hóa rượu thành acetaldehyde có liên quan đến ung thư. Những người Nhật Bản mang phiên bản enzyme này được phát hiện có tỷ lệ mắc ung thư tuyến tụy cao hơn.
Một loại enzyme khác, được gọi là aldehyde dehydrogenase 2, giúp chuyển đổi acetaldehyde độc hại thành các chất không độc hại. Nhưng một số nhóm người, đặc biệt là người gốc Đông Á, lại không có hoặc có ít loại enzyme này. Vì vậy, ở nhóm người này, acetaldehyde có xu hướng tích tụ trong cơ thể khi họ uống rượu. Kết quả là những người nghiện rượu nặng mang khiếm khuyết enzyme này dễ bị ung thư thực quản cũng như ung thư đầu và cổ hơn. [4]
5 Bị ung thư có nên uống bia rượu nữa không?
Việc uống rượu bia trong quá trình điều trị ung thư có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng, ngay cả với một lượng rất nhỏ. Chẳng hạn như, rượu bia có thể khiến các vết loét, do một một số phương pháp điều trị ung thư, trở nên tồi tệ hơn.
Rượu bia có thể gây ra tương tác với một số loại thuốc được sử dụng trong quá trình điều trị ung thư, điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ có hại.
Đáng chú ý, ở những người đã được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hoặc đang được điều trị thì uống rượu bia có thể ảnh hưởng đến nguy cơ phát triển bệnh ung thư mới. Vì thế, người mắc bệnh ung thư nên tránh sử dụng rượu bia.
Nhiều nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa việc sử dụng rượu bia và nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Nhưng không rõ liệu việc sử dụng rượu bia sau khi điều trị có thể làm tăng nguy cơ tái phát các bệnh ung thư này hay không. Về lý thuyết, việc sử dụng rượu bia có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư sau điều trị. [5]
6 Uống bao nhiêu rượu bia là an toàn?
Để giảm nguy cơ mắc ung thư khi uống rượu bia, bạn cũng cần hiểu kỹ về chúng. Nguyên nhân gây ung thư chủ yếu trong rượu bia là hàm lượng cồn trong mỗi sản phẩm. Một đơn vị cồn được quy ước là 10g cồn (ethanol) nguyên chất chứa trong bia hoặc rượu.
Công thức tính đơn vị cồn trong bia rượu là: Đơn vị cồn = Dung tích (ml) * Nồng độ (%) * 0,79 (hệ số quy đổi) / 10
Vì vậy, một lon bia 330ml với nồng độ cồn là 5% thì sẽ tương đương với 1,3 đơn vị cồn. Ngược lại, một đơn vị cồn tương đương với 1 lon nước trái cây có cồn 330ml (nồng độ cồn 4,5%), 1 ly rượu vang 100ml (nồng độ cồn 13,5%) hoặc một cốc rượu mạnh 40ml (nồng độ cồn 30%).
Viện sức khỏe quốc gia Hoa Kỳ khuyến cáo rằng: nam giới không nên uống quá 2 đơn vị cồn/ ngày và nữ giới không nên uống quá 1 đơn vị cồn/ ngày. Ở mức độ uống trên 4 đơn vị cồn/ ngày với nam giới và trên 3 đơn vị cồn/ ngày với nữ giới được coi là nhiều. Phụ nữ nên uống ít rượu bia hơn nam giới vì kích thước cơ thể nhỏ hơn và khả năng phân hủy rượu bia của cơ thể chậm hơn so với nam giới. [6]
Hiện nay, một số người cho rằng, uống một ít rượu mỗi ngày giúp tăng cường sức khỏe và tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, chưa có khuyến cáo chính thức về lợi ích này của rượu với sức khỏe và không cơ ngưỡng nào được coi là an toàn với rượu bia. Điều quan trọng là thành phần ethanol trong rượu bia gây ung thư thông qua cơ chế sinh học khi hợp chất này bị phân hủy trong cơ thể. Tức là bất kỳ loại đồ uống nào có chứa cồn, bất kể giá cả và chất lượng, đều có nguy cơ phát triển ung thư. Vì thế, hạn chế rượu bia ở mức thấp nhất có thể là cách tốt nhất để ngăn chặn ung thư. [7]
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi bạn ngừng uống rượu, nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến rượu sẽ giảm dần theo thời gian. Có thể mất nhiều năm để loại bỏ hoàn toàn rủi ro đó; tuy nhiên, bỏ rượu bia và thuốc lá là một bước rất quan trọng để cải thiện sức khỏe của bạn và giảm nguy cơ ung thư.
7 Sử dụng thuốc giải rượu có làm giảm nguy cơ mắc ung thư không?
Uống rượu bia đã trở thành một phần cuộc sống của nhiều người, đặc biệt là nam giới. Vì thế, nhiều người tìm đến các loại thuốc giải độc rượu để giảm sự ảnh hưởng của rượu bia với sức khỏe.
Hiện nay, trên thị trường, các sản phẩm giải rượu bia rất đa dạng và được quảng cáo với công dụng như giảm ảnh hưởng của rượu bia, giúp uống rượu bia không bị say,... Điều này khiến nhiều người lầm tưởng các sản phẩm này có thể làm tác hại của rượu bia đến sức khỏe và trên hết là giảm nguy cơ mắc ung thư. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, nhận định này là hoàn toàn sai lầm và gây hệ lụy nghiêm trọng.
Thực tế, một số sản phẩm giải rượu hoạt động bằng cách làm chậm quá trình hấp thụ lượng cồn trong dạ dày vào máu khiến cảm giác say đến muộn hơn. Tuy nhiên, điều này không làm ảnh hưởng đến lượng chất độc acetaldehyde được tạo ra. Tức là nguy cơ ung thư dường như không thay đổi. [8]
Bên cạnh đó, việc ỷ lại vào các sản phẩm giải rượu có thể dẫn đến tâm lý uống nhiều rượu bia hơn. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tóm lại, uống rượu bia gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đặc biệt là với những đối tượng có nền tảng sức khỏe yếu. Ung thư do rượu bia không còn là lời cảnh báo mà nó đã trở thành số liệu thực tế với hàng nghìn ca mắc ung thư mỗi năm. Vì vậy, hãy bảo vệ sức khỏe bản thân bằng các ngừng hoặc giảm thiểu tối đa việc tiêu thụ rượu bia.
Tài liệu tham khảo
- ^ Cancer Resear Chuk (Ngày đăng: Ngày 31 tháng 03 năm 2021). Does alcohol cause cancer?, Cancer Resear Chuk. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.
- ^ Sức khỏe và đời sống (Ngày đăng: Ngày 17 tháng 08 năm 2021). Ngoài gan, rượu bia còn gây ra một loạt bệnh ung thư khác, Sức khỏe và đời sống. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.
- ^ The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày đăng: Ngày 09 tháng 06 năm 2020). Alcohol Use and Cancer, American Cancer Society. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.
- ^ Megan Schmidt (Ngày đăng: Ngày 21 tháng 08 năm 2019). Can One Beer a Day Increase Your Cancer Risk? The Science Says Yes, Discover. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.
- ^ The American Cancer Society medical and editorial content team (ngày đăng: Ngày 09 tháng 06 năm 2020). Alcohol Use and Cancer, American Cancer Society. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.
- ^ DANIELLE UNDERFERTH (Ngày đăng: Ngày 16 tháng 07 năm 2020). 7 things to know about alcohol and cancer, MD Anderson Cancer Center. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.
- ^ WHO (Ngày đăng: Ngày 04 tháng 01 năm 2023). No level of alcohol consumption is safe for our health, WHO. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.
- ^ Sức khỏe và đời sống (Ngày đăng: Ngày 17 tháng 08 năm 2021). Ngoài gan, rượu bia còn gây ra một loạt bệnh ung thư khác, Sức khỏe và đời sống. Ngày truy cập: Ngày 08 tháng 05 năm 2023.