1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Hiệu ứng giả dược (Placebo) là gì? Cơ chế hoạt động và ứng dụng thực tiễn

Hiệu ứng giả dược (Placebo) là gì? Cơ chế hoạt động và ứng dụng thực tiễn

Hiệu ứng giả dược (Placebo) là gì? Cơ chế hoạt động và ứng dụng thực tiễn

Trungtamthuoc.com - Hiệu ứng giả dược hay placebo được ứng dụng nhiều trong các thử nghiệm lâm sàng, giúp người bệnh cải thiện sức khỏe của mình ngay cả khi dùng thuốc không chứa hoạt chất. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu về giả dược và ứng dụng của nó  trong y dược học ở bài viết bên dưới.

1 Giả dược là gì?

Thuật ngữ Placebo được bắt nguồn từ tiếng Latin với ý nghĩa là “tôi sẽ làm bạn vui lòng”, và sử dụng nó trong y học từ thế kỷ 18 nhưng các kết quả nghiên cứu thời kỳ đầu không có hiệu quả. Vào những năm 1950, các nghiên cứu của y học hiện đại mới nhận thấy sự giảm nhẹ triệu chứng ở bệnh nhân khi sử dụng thuốc không có tác dụng.

Giả dược là thuốc không có chứa thành phần hoạt tính nhưng được thiết kế hình dạng như thuốc điều trị thông thường. Các ví dụ về can thiệp giả dược bao gồm viên đường,  thuốc tiêm trợ (như nước muối), phẫu thuật giả. Bên cạnh đó, tá dược cũng được sử dụng dưới dạng giả dược để đánh giá tác dụng thuốc thử nghiệm. Như vậy, trong các thử nghiệm lâm sàng, sử dụng giả dược là điều không thể thiếu. Ngoài đối tượng sử dụng thuốc, người không dùng thuốc, thì người dùng giả dược góp phần đánh giá thử nghiệm được toàn diện. Nếu một loại thuốc tạo ra tác dụng lớn hơn so với giả dược sẽ được phê duyệt trong quy trình kiểm soát chất lượng. [1]

Định nghĩa giả dược
Định nghĩa giả dược

Hiệu ứng giả dược hay Placebo effect là một can thiệp y tế giả tạo khiến tình trạng của bệnh nhân được cải thiện do các yếu tố liên quan đến nhận thức của bệnh nhân, kích thích quá trình hoá học của cơ thể để giảm đau và giảm triệu chứng bệnh. Nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu ứng Placebo tạo ra sự thay đổi về nhịp tim, huyết áp, các bệnh mãn tính như bệnh trầm cảm, rối loạn ruột kích thích, đau mãn tính hưởng nhiều lợi ích từ hiệu ứng này.

2 Các loại thuốc giả dược phổ biến

Hai loại thuốc giả dược được công nhận là: [2].

Thuốc giả hoàn toàn : Một chất hoặc phương pháp điều trị không có tác dụng điều trị nào và được thiết kế để trông giống với các phương pháp điều trị thực sự, chẳng hạn như viên đường, thuốc tiêm nước muối và thiết bị điều trị giả.

Thuốc giả không tinh khiết : Một chất hoặc phương pháp điều trị có một số tác dụng điều trị đã biết nhưng được trình bày là có tác động đáng kể hơn thực tế, chẳng hạn như thực phẩm bổ sung thảo dược, vitamin, thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng do vi-rút và các liệu pháp bổ sung chưa được chứng minh

===> Xem thêm bài viết:  Sử dụng thuốc ở người cao tuổi - Dược Thư Quốc Gia Việt Nam 2022

3 Hiệu ứng Placebo hoạt động như thế nào?

Hiệu ứng giả dược là hiện tượng một số người bệnh cảm thấy khỏe hơn sau khi được điều trị bằng giả dược. Hiệu ứng này bắt nguồn từ sức mạnh của niềm tin và kỳ vọng vì khi một người tin rằng họ đang được điều trị bệnh, cơ thể họ có thể phản ứng theo cách tạo ra những thay đổi thực sự về thể chất và tâm lý từ đó cải thiện triệu chứng bệnh, mặc dù tác dụng dược lý của giả dược là không có. Các cơ chế đằng sau hiệu ứng giả dược vẫn là chủ đề đang được nghiên cứu và các chuyên gia tin rằng nó liên quan đến sự tương tác phức tạp giữa tâm trí và cơ thể. 

Hiệu ứng Placebo hoạt động như thế nào?
Hiệu ứng Placebo hoạt động như thế nào?

Cụ thế các yếu tố chính tác động đến hiệu quả của hiệu ứng giả dược, bao gồm:

3.1 Tính kỳ vọng và niềm tin

Bệnh nhân luôn hy vọng và mong muốn thuốc điều trị có tác dụng đối với sức khỏe, hỗ trợ giảm bệnh. Do đó, cơ thể sẽ có tác động đến não bộ giải phóng các chất hoá học mang lại tác dụng trong điều trị. Thông thường sẽ có sự tăng tiết thụ thể dopamin và opioid, hỗ trợ giảm đau và tác dụng tích cực đến tâm lý bệnh nhân. Tuy nhiên cũng có những trường hợp người bệnh lo lắng về tác dụng phụ của thuốc, không tin tưởng liệu pháp điều trị gây phản tác dụng, lúc này sẽ xảy ra hiện tượng nocebo.

3.2 Tính điều kiện 

Các nghiên cứu cũng đã cho thấy hiệu ứng giả dược có hiệu quả nhờ tính điều kiện hoá. Chẳng hạn như người bệnh đã được điều trị khỏi bệnh trong một môi trường nào đó ở quá khứ, thì khi họ uống thuốc tại môi trường trước đây sẽ cảm thấy tốt hơn. Sự tạo ra nhiều endorphin nội sinh- các chất tự nhiên trong não có tác dụng giảm đau, cũng đã thấy được ở những trường hợp này.

Như vậy mối liên hệ giữa cơ chế của giả dược với sự kỳ vọng, lạc quan và kinh nghiệm điều trị trong quá khứ đóng vai trò quan trọng. Các bệnh lý về thần kinh hay rối loạn chức năng tim mạch như hồi hộp, ngoại tâm thu… đặc biệt có hiệu quả với phương pháp này. Tuy sử dụng giả dược không điều trị dứt điểm được nguyên nhân gây bệnh, chúng chỉ hỗ trợ giảm triệu chứng ở một mức độ cụ thể nhưng không có tác dụng phụ nên vẫn được sử dụng như phương pháp điều trị bệnh.

4 Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của giả dược

Dưới đây là một vài yếu tố được phát hiện có ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng giả dược ở bệnh nhân, cụ thể như:

Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của giả dược
Yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả của giả dược
  • Hình thức viên dạng viên nang có hiệu quả hơn khi sử dụng viên nén, đặc biệt những viên nang màu sẽ tạo cảm giác điều trị mạnh mẽ hơn.
  • Uống 2 viên thuốc nhiều lần trong ngày sẽ có tác dụng tốt hơn 1 viên và ít lần sử dụng.
  • Những viên thuốc có kichs thước lớn sẽ tạo ấn tượng về tác dung mạnh hơn.
  • Thuốc đường tiêm sẽ có tác dụng mạnh hơn viên uống.
  • Biệt dược gốc hay thuốc thuộc nhãn hiệu lớn, nước ngoài sẽ có hiệu ứng mạnh hơn.
  • Những viên thuốc màu sắc sặc sỡ như màu đỏ, vàng, cam kích thích cao hơn, còn viên thuốc màu xanh lam, xanh lá cây sẽ giúp người bệnh cảm thấy an thần hơn.
  • Tác dụng của hiệu ứng Placebo có sự khác nhau giữa các nền văn hoá, các nước châu Âu thường cho thấy hiệu quả điều trị cao hơn.

5 Thuốc giả dược sử dụng như thế nào?

Hiệu ứng giả dược đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực kiểm soát các nghiên cứu thực nghiệm, cho phép nhà nghiên cứu xác định hiệu quả của một phương pháp điều trị cụ thể. Ví dụ, một nghiên cứu liên quan đến sử dụng thuốc mới giảm rối loạn ruột kích thích, thì sẽ có người dùng thuốc điều trị, có người dùng giả dược nhưng không ai trong số họ biết được thuốc đang sử dụng là gì. Từ đó, các nhà khoa học sẽ đánh giá hiệu quả thuốc và tìm ra các tác dụng phụ khi so sánh thuốc và giả dược ở những người tình nguyện tham gia.

Trong các thử nghiệm lâm sàng, phương pháp mù đôi thường được sử dụng và có ý nghĩa hơn các phương pháp khác. Cụ thể ở phương pháp này cả bệnh nhân và nhà nghiên cứu đều không biết ai là người đang được điều trị bằng thuốc, ai là người sử dụng giả dược. Điều này giúp các nhà nghiên cứu xác định rõ ràng hơn tính hiệu quả của phương pháp điều trị.

Thuốc giả dược sử dụng như thế nào?
Thuốc giả dược sử dụng như thế nào?

Hiệu ứng giả dược thường được sử dụng với bệnh nhân mắc các triệu chứng sau:

  • Giảm đau: đã có báo cáo về sự giảm nhẹ tình trạng bệnh khi sử dụng giả dược ở người mắc bệnh đau mãn tính. 
  • Rối loạn lo âu, trầm cảm: các cải thiện về tâm trạng đã được báo cáo khi điều trị giả dược ở các bệnh nhân trầm cảm, lo âu, đặc biệt ở các nghiên cứu ngắn hạn.
  • Bệnh Parkinson: sự cải thiện về khả năng vận động ở một số người bệnh đã được báo cáo.
  • Bệnh rối loạn ruột kích thích: yếu tố tâm lý là một trong những nguyên nhân gây rối loạn ruột kích thích, nên sử dụng giả dược có thể sẽ tác động hạn chế sự căng thẳng lên hệ tiêu hoá.

6 Hiệu ứng placebo có vi phạm tính đạo đức không?

Hiệu ứng giả dược bản chất có sự lừa dối người bệnh trong quá trình điều trị nên vẫn gây tranh cãi về mặt đạo đức trong y học. Dù phương pháp có tác dụng thật sự thì bệnh nhân vẫn đang tin rằng họ đang được điều trị trong khi không phải. Bên cạnh đó, với những căn bệnh nghiêm trọng, việc sử dụng thuốc giả dược trong điều trị có thể gây nhiều hệ lụy nguy hiểm. 

Hiệu ứng placebo hiện nay coi là biện pháp điều trị có hiệu quả nếu được sử dụng đúng người bệnh, đúng tình huống và đúng cách thì vẫn mang lại lợi ích cho bệnh nhân. Tuy nhiên việc không thông báo cho đối tượng tham gia nghiên cứu có thể vi phạm nguyên tắc đạo đức. Do đó, trong một số trường hợp có thể cho bệnh nhân biết đang sử dụng giả dược trong các thử nghiệm giả dược công khai.

===> Xem thêm bài viết: Chất độc Xyanua có trong thực phẩm nào? Cách xử trí khi ngộ độc Xyanua

7 Nhược điểm của hiệu ứng giả dược

Trong khi hiệu ứng giả dược có thể mang lại nhiều lợi ích tích cực, thì cũng có thể có tác dụng phụ. Một trong tác dụng phụ nổi bất nhất là hiệu ứng nocebo- xảy ra do kỳ vọng tiêu cực về biện pháp điều trị khiến tình trạng bệnh xấu đi. Chẳng hạn người bệnh tin rằng thuốc không có tác dụng điều trị hoặc lo lắng về tác dụng phụ của thuốc nhiều khả năng sẽ gặp phải các triệu chứng này, ngay cả khi thuốc không gây ra triệu chứng đó.

Một đánh giá có hệ thống và phân tích tổng hợp 12 thử nghiệm lâm sàng về vắc-xin COVID-19 cho thấy 76% các tác dụng phụ (triệu chứng) được những người tham gia tiêm vắc-xin giả dược báo cáo là do phản ứng nocebo. Các triệu chứng như đau đầu, mệt mỏi không phải do vắc-xin mà do suy nghĩ tiêu cực của họ. [3] 

8 Ví dụ về hiệu ứng giả dược từ các nghiên cứu thực tế

Dưới đây là ba ví dụ về hiệu ứng giả dược đem lại hiệu quả trong điều trị

8.1 Đau nửa đầu

Một nghiên cứu năm 2014 tiến hành ở 66 người bệnh bị đau nửa đầu từng cơn với mục tiêu đánh giá hiệu quả dán nhãn thuốc có tác động đến giảm triệu chứng đau hay không. [4].

Cách thức tiến hành như sau:

  • Đầu tiên cho người bệnh uống 1 viên thuốc khi bị các cơn đau nửa đầu và trong những viên thuốc này có giả dược hoặc thuốc điều trị tên là Maxalt.
  • Trong quá trình nghiên cứu, lần lượt thay đổi dán nhãn là giả dược, Maxalt hoặc trung tính (chứa chất bất kỳ bên trong).
  • Đánh giá người tham gia ở những mốc thời gian gồm 30 phút sau uống thuốc, 2,5 giờ sau uống thuốc.

Kết quả thu được: 

  • Thuốc Maxalt mang lại hiệu quả giảm đau nhiều hơn giả dược. Tuy nhiên, viên thuốc giả dược được quan sát thấy có hiệu quả giảm đau nhiều hơn so với nhóm đối chứng không điều trị.
  • Nhóm sử dụng thuốc Maxalt giảm được triệu chứng nhiều hơn nhóm giả dược, và nhóm giả dược lại có hiệu quả cao hơn nhóm không sử dụng thuốc điều trị.
  • Về sự thay đổi nhãn thuốc, hiệu quả với thuốc được dán nhãn Maxalt là cao nhất, trung tính là ở giữa và giả dược là thấp nhất. Thậm chí, những giả dược được dán nhãn là Maxalt cho thấy mức độ giảm đau tương đương với Maxalt được dán nhãn là giả dược .

8.2 Mệt mỏi sau điều trị ung thư

Thêm một nghiên cứu khác vào năm 2018 nhằm đánh giá tác dụng giả dược so với thuốc điều trị thông thường, được thực hiện ở 74 bệnh nhân ung thư bị mệt mỏi.  [5]

Cách tiến hành như sau:

Trong 3 tuần đầu, 1 số  người tham gia được cho sử dụng 1 viên thuốc có dán nhãn công khai giả dược, số còn lại được điều trị như bình thường. Sau đó 3 tuần tiếp tiếp, người dùng giả dược ngưng sử dụng thuốc, còn người dùng thuốc điều trị uống giả dược trong 3 tuần.

Kết quả thu được:

Sau 3 tuần đầu tiên, nhóm người dùng giả dược có giảm triệu chứng như người đang được điều trị bằng thuốc, và sự cải thiện này vẫn kéo dài sau khi ngưng dùng thuốc. Còn những người dùng tiếp giả dược trong 3 tuần tiếp theo cũng báo cáo giảm triệu chứng mệt mỏi.

8.3 Trầm cảm

Trong một nghiên cứu năm 2015, trên 35 đối tượng bị trầm cảm đang không sử dụng thuốc điều trị nào trước đó, thực hiện nghiên cứu giả dược. [6]

Cách tiến hành như sau:

  • Mỗi người tham gia được uống viên giả dược, nhưng một số được dán nhãn là thuốc chống trầm cảm tác dụng nhanh trong khi một số người khác được dùng thuốc dán nhãn là giả dược. Sử dụng kéo dài trong 1 tuần thì sau đó họ được tiến hành quét PET- đo hoạt động của não và trong quá trình quét, nhóm dùng thuốc dãn nhãn trầm cảm được tiêm một mũi giả dược và được thông báo có thể cải thiện tâm trạng người bệnh. Nhóm còn lại không được tiêm.
  • Sang tuần sau thì đổi loại thuốc cho 2 nhóm và lặp lại như trên. 
  • 10 tuần tiếp theo tiến hành điều trị bằng thuốc chống trầm cảm cho 35 người tham gia.

Kết quả thu được là:

Đối tượng dùng giả dược dán nhãn thuốc chống trầm cảm đã có báo cáo giảm triệu chứng trầm cảm và khi quét PET có sự gia tăng hoạt động não ở trung khu điều hoà cảm xúc, giảm căng thẳng. Những đối tượng có hoạt động não tăng lên này khi dùng thuốc chống trầm cảm điều trị có hiệu quả cải thiện triệu chứng cao hơn.

9 Kết luận

Giả dược hay Placebo là phương pháp dùng thuốc không có chứa hoạt chất để điều trị cho người bệnh. Biện pháp này được ứng dụng phổ biến trong các thử nghiệm lâm sàng. Hiện tượng giả dược đem lại hiệu quả trong các bệnh liên quan đến tâm lý, thần kinh chẳng hạn như đau đầu, mệt mỏi, trầm cảm, lo âu. Cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn về tác động, lợi ích và rủi ro lâu dài của hiệu ứng này trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Swapna Munnangi; và cộng sự (ngày đăng 13 tháng 11 năm 2023) Placebo Effect. Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024
  2. ^ Tác giả Aujla, Ravinder Singh và cộng sự (ngày đăng năm 2014) Perception and practice of placebo use among physicians in Mangalore. Journal of Family Medicine and Primary Care. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024
  3. ^ Tác giả Julia W. Haas, PhD và cộng sự (ngày đăng 18 tháng 1 năm 2022) Frequency of Adverse Events in the Placebo Arms of COVID-19 Vaccine Trials: A Systematic Review and Meta-analysis. JAMA Netw Open. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024
  4. ^ Tác giả Slavenka Kam-Hansen và cộng sự (ngày đăng 8 tháng 1 năm 2014) Labeling of Medication and Placebo Alters the Outcome of Episodic Migraine Attacks. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024
  5. ^ Tác giả Sriram Yennurajalingam và cộng sự (ngày 9 tháng 12 năm 2018) Open-Label Placebo for the Treatment of Cancer-Related Fatigue in Patients with Advanced Cancer: A Randomized Controlled Trial. Pubmed. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024
  6. ^ Tác giả Marta Peciña và cộng sự (ngày đăng tháng 11 năm 2015) Placebo-Activated Neural Systems are Linked to Antidepressant Responses .NIH. Truy cập ngày 14 tháng 11 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633