1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Thuốc kháng histamin: các nhóm thuốc và lựa chọn sử dụng thuốc hợp lý

Thuốc kháng histamin: các nhóm thuốc và lựa chọn sử dụng thuốc hợp lý

Thuốc kháng histamin: các nhóm thuốc và lựa chọn sử dụng thuốc hợp lý

Trungtamthuoc.com - Hiện nay thuốc kháng histamin là một trong những loại thuốc phổ biến được dùng để điều trị các bệnh lý dị ứng và miễn dịch. Kháng histamin đóng vai trò quan trọng trong việc giảm triệu chứng liên quan đến histamin và đảm bảo sự cân bằng histamin trong cơ thể. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về các loại thuốc kháng histamin và cách sử dụng thuốc như thế nào cho an toàn và hiệu quả. Hãy cùng Trung tâm thuốc tìm hiểu vấn đề này qua bài viết sau đây. 

1 Thuốc kháng histamin là gì?

Thuốc kháng histamin là một loại thuốc ngăn chặn hoạt động của histamin, một chất hóa học được hệ thống miễn dịch giải phóng khi gặp chất gây dị ứng. Histamin gây ra các triệu chứng như ngứa, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mắt, sưng và viêm. Thuốc kháng histamin có thể giúp giảm các triệu chứng này bằng cách ngăn chặn histamine liên kết với các thụ thể của nó trên tế bào.

Có nhiều loại thuốc kháng histamin khác nhau, tùy thuộc vào loại thụ thể histamin mà chúng ngăn chặn. Có bốn loại thụ thể histamin trong cơ thể: H1, H2, H3 và H4. Mỗi loại có chức năng và vị trí khác nhau. 

Thuốc kháng histamin là gì?
Thuốc kháng histamin là gì?

2 Các loại thuốc kháng histamin

2.1 Thuốc kháng histamin H1

2.1.1 Cấu trúc-phân loại

Có hai thế hệ thuốc kháng  H1 chính, tùy thuộc vào tính chọn lọc và khả năng vượt qua hàng rào máu não.

Thế hệ 1: gồm các thuốc ít chọn lọc hơn và có nhiều khả năng đi qua hàng rào máu não dễ dàng hơn. Điều này có nghĩa là chúng có thể chặn các thụ thể khác, chẳng hạn như thụ thể muscarinic và serotonin, đồng thời ảnh hưởng đến chức năng não. Do đó, chúng có thể gây ra tác dụng phụ như buồn ngủ, khô miệng, chóng mặt, mờ mắt và tăng cân.

Cấu trúc của thuốc kháng H1 thế hệ 1 gồm 5 nhóm:

(1) Ethanolamin: Diphenhydramin; Doxylamin; Dimenhydrinat.

(2) Ethylendiamin: Mepramin; Methapyrilen; Tripelenamin; Thonzylamin.

(3) Alkylamin: Chlopheniramin; Phenyramin; Tolpropamin.

(4) Piperazin: Buclizin; Cyclizin; Oxatomid; Cinnarizin.

(5) Phenothiazin: Promethazin; Propiomazin; Dimethothiazin…

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1

                                                          Liều dùng các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1

Tên gốcTên biệt dượcLiều lượng cho người lớn (mg)
AlimemazinAllerlene5-20
ClopheniraminChlor-Trimeton4-12
CyclizinMarexin50
DimenhydrinatDramamin50-100
DiphenhydraminBenadryl2.5-50
HydroxyzinAtarax25-100
PromethazinPhenergan10-25
Pyrilamin Nisaval 25-50

Thế hệ 2: gồm các thuốc có tính chọn lọc cao hơn và ít có khả năng vượt qua hàng rào máu não. Điều này có nghĩa là chúng chủ yếu chặn các thụ thể H1 ở các mô ngoại biên và ít ảnh hưởng hơn đến chức năng não.  Các thuốc trong thế hệ này có tác dụng chống histamin tương đối mạnh mẽ, nhưng ít gây buồn ngủ và không gây tác dụng kháng cholinergic. 

Cấu trúc của thuốc kháng H1 thế hệ 2 gồm 3 nhóm:

(1) Alkylamin: Acrivastine.

(2) Piperazin: Cetirizin.

(3) Piperidin: Astemizol, Loratadin.

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2

                                                        Liều dùng các thuốc kháng histamin H1 thế hệ 2

Tên gốcTên biệt dượcLiều lượng cho người lớn (mg)
AcrivastinSemprex24; không dùng cho trẻ < 12 tuổi
CetirizinZyrtec5-10
DesloratadinAerius5
FexofenadinTelfast60
Loratadin Claritin10
MizolastinMizollen10

2.1.2 Tác dụng dược lý

Tác dụng kháng histamin thực thụ

Các thuốc kháng H1 tác dụng theo cơ chế: cạnh tranh vị trí gắn trên receptor H1 với histamin, vì vậy nó ngăn được tác dụng của histamin lên tế bào đích. Khi nồng độ histamin quá cao, chúng sẽ đẩy chất đối kháng ra khỏi receptor, dẫn đến làm giảm hoặc mất tác dụng của thuốc. 

Thuốc kháng H1 thường được dùng trong dự phòng hơn dùng để chữa. Tại sao lại như vậy? Đó là bởi vì khi Histamin được giải phóng, nó sẽ kéo theo hàng loạt các phản ứng, đồng thời sẽ giải phóng ra nhiều chất trung gian hóa học khác mà thuốc kháng H1 không đối kháng được. Tác dụng của các thuốc này thể hiện mạnh nhất trên cơ trơn phế quản, cơ trơn ruột. Hiệu quả của thuốc trong chữa hen hoặc các bệnh tắc nghẽn phế quản không thực sự rõ rệt. Để ức chế hoàn toàn tình trạng hạ huyết áp do Histamin gây ra, cần phối hợp hai loại kháng H1 và kháng H2.

Các tác dụng khác

  • Trên mạch và huyết áp: làm giảm hoặc mất các phản ứng viêm và dị ứng, giảm phù, giảm ngứa.
  • Trên cơ trơn: làm giảm các cơn co thắt cơ trơn đường tiêu hoá nên giảm đau bụng do dị ứng.
  • Trên tuyến ngoại tiết: Ức chế sự bài tiết của nước bọt, nước mắt... liên quan đến histamin.
  • Trên hệ thần kinh trung ương: Kháng Histamin H1 cũng vẫn được sử dụng để điều trị hội chứng serotonin, lo lắng, đau nửa đầu và các rối loạn thần kinh trung ương khác. 
  • Kháng cholinergic: Các thuốc kháng H1 thế hệ 1 được dùng để chống nôn, chống say tàu xe hoặc sử dụng phối hợp để điều trị Parkinson. 
  • Kháng alpha - adrenergic: Một số thuốc kháng H1, đặc biệt là dẫn xuất Phenothiazin (Promethazin) có tác dụng ức chế alpha - adrenergic nên có thể gây giãn mạch, hạ huyết áp thế đứng.  
  • Kháng serotonin: Một số thuốc kháng H1 thế hệ 1 có tác dụng kháng serotonin (điển hình là Cyproheptadin), do đó có thể dùng để để tăng cảm giác thèm ăn.
  • Gây tê tại chỗ: Một số thuốc có tác dụng gây tê tại chỗ, đặc biệt là Promethazin và Diphenhydramin có cơ chế tương tự như Procain hoặc Lidocain, có thể gây tê tại chỗ cho những bệnh nhân dị ứng với thuốc tê thông thường.

2.1.3 Chỉ định

  • Điều trị dị ứng (Viêm mũi dị ứng; nổi mề đay; ban da, viêm da dị ứng): fexofenadin (Telfast), loratadin (Clarityne)). Các thuốc kháng histamin thường là lựa chọn hàng đầu để điều trị các trường hợp dị ứng và thường mang lại hiệu quả tốt. 
  • Chống say tàu xe: cinnarizin (Stugeron), dimenhydrinat (Vomina), , diphenhydramin (Nautamine).
  • Trên hệ thần kinh: cinnarizin(Stugeron), Betahistin (Betaserc)
  • Phối hợp để điều trị ho: alimemazin (Theralene). Tuy nhiên, thuốc kháng histamin H1 chỉ sử dụng cho trường hợp ho khan như là một thuốc ức chế ho, chứ không được sử dụng trong trường hợp ho có đàm. 

2.1.4 Chống chỉ định

  • Không dùng thuốc trên các đối tượng sau:
  • Mẫn cảm với thuốc.
  • Người mang thai, thời kỳ cho con bú, u xơ tiền liệt tuyến.
  • Nhược cơ.
  • Tăng nhãn áp.

2.1.5 Tương tác thuốc

ThuốcTương tác
Rượu Ethylic, thuốc ngủ, thuốc làm dịu, thuốc an thần, thuốc giảm đau nguồn gốc trung ươnglàm tăng tác dụng trung ương của thuốc kháng H1
Thuốc kháng cholinergic như loại atropin, scopolamin, thuốc an thần kinh ( trừ butyroph enon), thuốc chống trầm cảm 3 vòng, ức chế MAO, thuốc chống Parkinson, dispyramid, thuốc chống co thắtlàm tăng tác dụng kháng cholinergic của thuốc kháng H1
Thuốc cường phó giao cảm và ức chế cholinesterase gồm Ambenoniclorid, neostigminbromid, pyridostigminbromid, fluostigmin, paraoxonđối kháng với tác dụng kháng cholinergic của thuốc kháng H1

2.1.6 Tác dụng không mong muốn

Tác dụng không mong muốn hay gặp nhất của thuốc kháng histamin H1: thế hệ 1 là gây ngủ, an thần và kháng cholinergic. Ngoài ra, có mối lo ngại về nguy cơ ức chế hô hấp khi sử dụng promethazin ở trẻ dưới 2 tuổi. Năm 2004, Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA Hoa Kỳ) đã đưa ra cảnh báo trên nhãn thuốc liên quan đến vấn đề này. Theo trung tâm DI&ADR quốc gia: “Kể từ ngày 1 tháng 9 năm 2020, tất cả các sản phẩm OTC đường uống có chứa thuốc kháng histamin thế hệ 1 có tác dụng an thần được yêu cầu phải có cảnh báo “Không sử dụng cho trẻ em dưới 2 tuổi”. Các chế phẩm uống điều trị ho, cảm lạnh và cúm cũng phải có cảnh báo: “Không sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Chỉ nên sử dụng cho trẻ em từ 6 đến 11 tuổi theo khuyến cáo của bác sĩ, dược sĩ hoặc điều dưỡng””. 

Trên hệ tiêu hoá: ăn kém ngon, nôn, buồn nôn, tiêu chảy (thường do kháng H1 thế hệ 1 gây nên).

Các kháng H1 thế hệ 1 cũng có tác dụng kháng cholinergic nên gây khô miệng, họng và mũi. Ngoài ra còn gây căng ngực, hồi hộp, đau đầu, khó tiêu. Các tác dụng không mong muốn này không gặp ở các kháng H1 thế hệ 2.

Khi sử dụng thuốc kháng H1 cùng với kháng sinh nhóm macrolid (ví dụ: Erythromycin), các thuốc nhóm chống nấm như Ketoconazole có thể gây kéo dài khoảng QT dẫn đến loạn nhịp tâm thất.

2.2 Thuốc kháng histamin H2

2.2.1 Cấu trúc-phân loại

Thuốc đối kháng thụ thể H2 được sử dụng để điều trị loét được chia thành bốn nhóm cấu trúc chính:

  • Imidazole: Cimetidin
  • Furan: Ranitidin
  • Thiazole: Nizatidine
  • Guanidino-thiazole: Famotidine
  • Aminoalkylphenoxy: Roxatidine
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H2
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H2

2.2.2 Tác dụng dược lý

Thuốc kháng histamin H2 là một loại thuốc ngăn chặn hoạt động của histamin tại thụ thể H2, có liên quan đến việc tiết axit dạ dày và các chức năng khác.

Famotidine là thuốc đối kháng thụ thể H2 mạnh, chọn lọc nhất hiện có để điều trị loét. Xét về trọng lượng, famotidin mạnh hơn khoảng 8 lần so với Ranitidine và mạnh hơn cimetidin 40 lần. Hơn nữa, nó làm tăng lưu lượng máu đến niêm mạc dạ dày, dẫn đến tăng tác dụng cầm máu. Famotidine có thời gian tác dụng dài hơn ranitidine hoặc cimetidine. Vì famotidine không tương tác với cytochrom P450 của hệ thống men gan nên dường như không ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa của các thuốc được chuyển hóa bởi hệ thống này.   

Thuốc kháng histamin H2 thường dùng để điều trị các bệnh lý dạ dày
Thuốc kháng histamin H2 thường dùng để điều trị các bệnh lý dạ dày

2.2.3 Chỉ định

Các thuốc kháng histamin H2 như Cimetidine (Tagamet), ranitidine (Zantac), famotidine (Pepcid), nizatidine (Axid) được chỉ định trong các trường hợp:

  • Phòng và điều trị loét dạ dày - tá tràng
  • Phòng và điều trị ợ nóng, ăn khó tiêu do tăng acid dạ dày.
  • Điều trị viêm thực quản trào ngược.
  • Điều trị hội chứng Zollinger - Ellison.
Một số chỉ định sử dụng thuốc kháng histamin H2
Một số chỉ định sử dụng thuốc kháng histamin H2

2.2.4 Chống chỉ định

  • Không dùng thuốc trên các đối tượng sau:
  • Dị ứng, mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc
  • Phụ nữ có thai hoặc cho con bú: Cần thận trọng khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hoặc cho con bú vì có thể gây tác dụng phụ cho thai nhi hoặc trẻ bú. 
  • Rối loạn chức năng gan hoặc thận: Cần thận trọng khi sử dụng ở những bệnh nhân bị rối loạn chức năng gan hoặc thận vì có thể cản trở quá trình chuyển hóa và bài tiết thuốc. 
  • Sử dụng kéo dài hoặc liên tục: Cũng cần thận trọng nếu việc sử dụng các loại thuốc này kéo dài hoặc liên tục là cần thiết vì chúng có thể che giấu các tình trạng nghiêm trọng tiềm ẩn.

2.2.5 Tương tác thuốc

ThuốcTương tác
Thuốc kháng acidDùng đồng thời thuốc kháng acid với thuốc kháng thụ thể H2 có thể làm giảm hấp thu thuốc kháng thụ thể H2. 
Cyclophosphamid, cloramphenicolsử dụng cùng thuốc kháng H2 có thể làm tăng hiện tượng giảm bạch cầu trung tính hoặc rối loạn tạo máu khác.
Nizatidincó thể làm tăng nồng độ salicylat huyết thanh khi sử dụng đồng thời với Acid Acetylsalicylic liều cao.
Sucrafatlàm giảm hấp thu của các thuốc kháng H2, phải uống hai thuốc cách nhau ít nhất là 2 giờ.

2.2.6 Tác dụng không mong muốn 

  • Hệ thần kinh trung ương: Chóng mặt, lú lẫn , nhức đầu, buồn ngủ.
  • Tim mạch: Rối loạn nhịp tim.
  • Hệ tiêu hóa: Tiêu chảy, buồn nôn, chán ăn.
  • Toàn thân: Phát ban da.

2.3 Thuốc kháng histamin H3

2.3.1 Cấu trúc - phân loại

Cấu trúc phân loại Histamine [1] 

Dẫn xuất imidazole: thioperamide, proxyfan, ciproxyfan, clobenpropit, iodopenpropit. Đây là các chất được phát triển dựa trên cấu trúc của chất chủ vận H3 đầu tiên là thioperamide.

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H3
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H3 dẫn xuất imidazole

Dẫn xuất non-imidazole: GSK 189254, BF.2649, pitolisant, ABT-239, JNJ-6207852. Các thuốc non-imidazole H3 đang được phát triển và nghiên cứu về các rối loạn, chủ yếu là ở não.

Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H3 dẫn xuất non-imidazole
Cấu trúc hóa học một số hoạt chất thuốc kháng histamin H3 dẫn xuất non-imidazole

2.3.2 Tác dụng dược lý

Bằng cách ngăn chặn thụ thể H3, thuốc kháng histamin H3 có thể tăng cường hoặc làm giảm tác dụng của histamin và các chất dẫn truyền thần kinh khác lên các chức năng này. Ví dụ, thuốc kháng histamin H3 có thể kích thích các tế bào thần kinh histaminergic ở vùng dưới đồi, giúp thúc đẩy sự tỉnh táo và tỉnh táo. Nhóm thuốc này cũng có thể điều chỉnh hoạt động của các vùng não khác liên quan đến học tập, trí nhớ, sự chú ý, động lực và cảm xúc. 

2.3.3 Chỉ định

Thuốc kháng histamin H3 như clobenpropit, ciproxifan, GSK 189254, BF.2649 và pitolisant được nghiên cứu sử dụng để điều trị các các tình trạng ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, chẳng hạn như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson, tâm thần phân liệt, trầm cảm, lo âu, béo phì và chứng ngủ rũ. Tuy nhiên các thuốc này đang trong giai đoạn thử nghiệm và nghiên cứu, chưa được sử dụng rộng rãi.

2.3.4 Chống chỉ định

Dị ứng, mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc.

2.3.5 Tương tác thuốc

Thụ thể Histamin H3 có liên quan đến sự dẫn truyền thần kinh, nên không sử dụng đồng thời thuốc với các thuốc dưới đây [2]

ThuốcTương tác
Thuốc an thầngây ức chế thần kinh trung ương, làm giảm hiệu quả của thuốc.
Thuốc kích thích thần kinh trung ươngtăng hiệu quả của nhóm kháng histamin H3.
Thuốc kháng H1, H2không sử dụng đồng thời, có thể gây  giảm hiệu quả hoặc mất cân bằng hoạt động liên quan đến Histamin.
Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs)tăng nồng độ chất dẫn truyền monoamine như dopamine và norepinephrine, nguy cơ tăng huyết áp hoặc hội chứng serotonin.
Thuốc chống trầm cảmnguy cơ kích thích quá mức hoạt động serotonin. 
Thuốc kháng cholinergicgiải hiệu quả của các thuốc này.
Chất ức chế CYPlàm tăng nồng độ của thuốc  kháng histamin H3, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Chất cảm ứng CYPgiảm nồng độ của thuốc kháng histamin H3, làm giảm hiệu quả điều trị của chúng.

2.3.6 Tác dụng không mong muốn

Thuốc kháng histamin H3 thường được dung nạp tốt và có ít tác dụng phụ so với các loại thuốc kháng histamin khác. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như nhức đầu, buồn nôn, mất ngủ hay mệt mỏi. Chúng cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác ảnh hưởng đến não và hệ thần kinh, chẳng hạn như thuốc chống trầm cảm, thuốc chống loạn thần hoặc thuốc kích thích. 

2.4 Thuốc kháng histamin H4

Các thuốc đối kháng thụ thể H4 vẫn đang trong quá trình nghiên cứu, với phần lớn  đang ở giai đoạn thử nghiệm hoặc giai đoạn đầu trong lâm sàng. Thụ thể histamin H4 không giống thụ thể khác, nó được tìm thấy ở các tế bào mast, bạch cầu ái toan, tế bào dendrit và tế bào lympho T.[3]

2.4.1 Tác dụng dược lý

Thuốc có tính đối kháng với thụ thể histamin H4, nên ức chế sự kích hoạt tế bào miễn dịch, ức chế các quá trình như chemotaxis, giải phóng cytokine, giảm được các triệu chứng trong dị ứng, viêm.

2.4.2 Chỉ định

Hiện tại các thuốc kháng histamtin H4 chưa được sử dụng ngoài thị trường do gặp nhiều độc tính và các tác dụng phụ nghiêm trọng trong thử nghiệm lâm sàng.  Tuy nhiên nhóm thuốc này được kỳ vọng sẽ điều trị các bệnh lý miễn dịch. 

2.5 Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin 

Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin
Lưu ý khi sử dụng thuốc kháng histamin 

Thuốc kháng histamin chỉ điều trị được triệu chứng bệnh chứ không điều trị được nguyên nhân gây bệnh.

Một số thuốc kháng histamin (thuốc kháng histamin H1 thế hệ 1) có thể làm bạn buồn ngủ hoặc mệt mỏi. Khi sử dụng thuốc, tránh lái xe hoặc làm bất kỳ việc gì đòi hỏi sự tập trung cao. Đồng thời, hạn chế việc uống cồn cùng lúc sử dụng thuốc này.

Không dùng quá liều quy định: Sử dụng chính xác số lượng và tần suất được đề ra trên hướng dẫn sử dụng. Không tăng liều lượng hoặc sử dụng thuốc kháng histamin trong thời gian dài hơn được khuyến nghị, trừ khi có sự chỉ định của bác sĩ.

Thông báo cho bác sĩ về tiền sử bệnh: Nếu có bất kỳ vấn đề sức khỏe nào hoặc đang dùng bất kỳ loại thuốc hoặc bổ sung nào khác, hãy thông báo cho bác sĩ. Hiểu rõ về tình trạng sức khỏe sẽ giúp bác sĩ đưa ra quyết định phù hợp về liều lượng và loại thuốc.

Theo dõi tác dụng phụ: Theo dõi xem liệu có xuất hiện tác dụng phụ nào sau khi sử dụng thuốc. Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu khó chịu nào, hãy thông báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Tương tác thuốc: Thuốc kháng histamin có thể tương tác với một số thuốc khác. Do đó trong quá trình thăm khám bệnh, bệnh nhân phải nói cho bác sĩ về bất kỳ thuốc nào bạn đang sử dụng để tránh tương tác không mong muốn.

Trẻ em và người già: Đối với trẻ em và người già, cần thận trọng hơn khi sử dụng thuốc kháng histamin. Tư vấn và hướng dẫn của bác sĩ đối với nhóm tuổi này là rất quan trọng.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Henk Timmerman, ... Henk van der Goot (Ngày đăng: năm 2017), H3 Receptor Agonist - an overview | ScienceDirect Topics , Science direct. Truy cập ngày  tháng  năm 2023
  2. ^  Tác giả Shuichi Terasaka và cộng sự (ngày đăng tháng 7 năm 2021) Drug-drug interaction potential and clinical pharmacokinetics of enerisant, a novel potent and selective histamine H3 receptor antagonist. Pubmed. Truy cập ngày 11 tháng 4 năm 2024
  3. ^  Paul J Dunford và cộng sự (Ngày đăng tháng 1 năm 2007) Histamine H4 receptor antagonists are superior to traditional antihistamines in the attenuation of experimental pruritus. Pubmed. Truy cập ngày 4 tháng 11 năm 2024

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 6 Thích

    Diphenhydramin có tác dụng gì?


    Thích (6) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Thuốc kháng histamin: các nhóm thuốc và lựa chọn sử dụng thuốc hợp lý 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Thuốc kháng histamin: các nhóm thuốc và lựa chọn sử dụng thuốc hợp lý
    Q
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhân viên giao hàng thân thiện, giao hàng nhanh, gói hàng cẩn thận

    Trả lời Cảm ơn (4)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595