1. Trang chủ
  2. Sản phẩm
  3. Thuốc Lợi Tiểu

Dược lý về thuốc lợi tiểu và các thuốc lợi tiểu thông dụng được bác sĩ khuyên dùng

Cập nhật lần cuối: , 8 phút đọc

Nếu phát hiện nội dung không chính xác, vui lòng phản hồi thông tin cho chúng tôi tại đây

Trungtamthuoc.com - Từ lâu, các thuốc lợi tiểu đã được sử dụng rất nhiều trong các phác đồ điều trị bệnh cao huyết áp, các chứng phù ở bệnh tim mạch. Vậy thuốc lợi tiểu có những nhóm thuốc nào? Cơ chế tác dụng ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

1 Thuốc lợi tiểu có tác dụng gì?  

     Thuốc lợi tiểu là một trong những nhóm thuốc được ứng dụng rất rộng rãi trên lâm sàng. Chúng được định nghĩa là thuốc thúc đẩy quá trình bài tiết nước và chất điện giải (chủ yếu là Na+) qua thận, do đó làm tăng tốc độ dòng tiểu và thể tích nước tiểu. Vì vậy, thuốc lợi tiểu thường được sử dụng để điều trị phù nề (do các bệnh về tim, gan, thận,...), tăng huyết áp và suy tim.

2 Phân loại thuốc lợi tiểu

Thông thường, thuốc lợi tiểu bao gồm 5 loại: thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc lợi tiểu quai, thuốc lợi tiểu giữ kali, thuốc lợi tiểu thẩm thấu và thuốc ức chế carbonic anhydrase. Tùy vào mục đích phân loại mà các thuốc này được đưa vào các nhóm khác nhau.

Phân loại theo vị trí và cơ chế tác dụng:

  • Thuốc lợi tiểu thiazid: ống lượn xa
  • Thuốc lợi tiểu quai:  nhánh lên dày quai Henle
  • Thuốc lợi tiểu giữ kali: ống lượn xa và ống góp
  • Thuốc lợi tiểu thẩm thấu: ống lượn gần, nhánh xuống mỏng quai Henle, ống góp 
  • Thuốc ức chế carbonic anhydrase: ống lượn gần

Phân loại theo mục đích điều trị:

  • Thuốc lợi tiểu giảm K+ máu: thuốc lợi tiểu thiazid, thuốc lợi tiểu quai, thuốc ức chế carbonic anhydrase
  • Thuốc lợi tiểu giữ K+ máu: thuốc lợi tiểu chẹn kênh natri và thuốc đối kháng với thụ thể mineralocorticoid (thuốc kháng Aldosteron)
  • Ngoài ra còn các thuốc lợi tiểu thẩm thấu

Bên cạnh đó, theo nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy các thuốc đối kháng thụ thể vasopressin-2 hoặc thuốc ức chế SGLT2 cũng có tác dụng lợi tiểu nhưng không được đưa vào nhóm dược lý.

Ngoài ra, trong tự nhiên có rất nhiều vị thuốc dược liệu có tác dụng lợi tiểu, như: kim tiền thảo, bông mã đề, râu ngô,...

Sinh lý lọc cầu thận

3 Dược lý các thuốc lợi tiểu

3.1 Thuốc ức chế carbonic anhydrase (Acetazolamide, Dorzolamide,...)

3.1.1 Dược động học

Thuốc hấp thu tốt và nhanh qua đường tiêu hóa. Thuốc liên kết tương đối mạnh với enzym carbonic anhydrase (CA) nên tại các mô có chứa enzym này (đặc biệt trong hồng cầu và vỏ thận) thì nồng độ thuốc đạt giá trị tương đối cao. Bên cạnh đó, khoảng 95% phân tử thuốc liên kết với protein huyết tương. 

Trong dịch của mắt và trong sữa mẹ cũng phát hiện một hàm lượng thuốc nhất định. Thuốc được đào thải qua thận dưới dạng hoạt còn hoạt tính với thời gian bán thải từ 3 - 6 giờ.

3.1.2 Tác dụng dược lý và cơ chế

Cơ chế hoạt động của enzyme CA tại ống lượn gần 

Trong tế bào ống thận, enzyme carbonic anhydrase (CA) xúc tác cho việc giải phóng ion H+ theo phản ứng sau:

Phản ứng giải phóng H+

Sau khi được giải phóng, ion H+ sẽ được bài xuất vào trong lòng ống thận và trao đổi với ion Na+, từ đó ion Na+ được tái hấp thu.

Khi enzyme CA bị ức chế, phản ứng giải phóng H+ từ H2CO3 cũng bị ức chế dẫn đến số lượng ion H+ trong các tế bào biểu mô ống lượn gần giảm hoặc không được giải phóng, vì vậy mà ion Na+ cũng giảm hoặc không được tái hấp thu, mà được thải ra ngoài nước tiểu, quá trình này kéo theo nước nên có tác dụng lợi tiểu. Bên cạnh đó, quá trình này còn có sự tranh chấp bài xuất giữa H+ và K+ nên khi thiếu H+ thì K+ tăng thải trừ và hạn chế chuyển NH3 thành NH4+. Như vậy, thuốc ức chế CA làm tăng thải trừ các loại ion K+, Na+ và HCO3- qua nước tiểu và làm giảm lượng ion K+ trong máu. Nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây nhiễm toan chuyển hóa do đào thải quá mức HCO3- vào trong nước tiểu.

Sự toan chuyển hóa sau khi dùng thuốc được cho là có tác dụng trong điều trị bệnh động kinh. Tuy nhiên theo một số nghiên cứu khác, tác dụng ức chế lên enzym CA trong não của thuốc có thể dẫn đến tăng áp lực CO2, giảm dẫn truyền thần kinh và giải phóng adrenalin, những yếu tố này cũng có thể có liên quan đến cơ chế điều trị động kinh của thuốc.

Ngoài ra, enzyme CA cũng được phát hiện trên dây thần kinh trung ương và mắt nên khi sử dụng các thuốc này còn có tác tác dụng làm giảm tiết dịch ở mắt, giảm tạo dịch não tủy ở thần kinh trung ương. Do đó, người ta thường sử dụng các thuốc này để điều trị bệnh tăng nhãn áp và các chứng động kinh hơn là tác dụng lợi tiểu.

3.1.3 Chỉ định

  • Điều trị phù với nguyên nhân từ các bệnh tim, gan hay thận,...
  • Dùng trong trường hợp bệnh nhân có tăng nhãn áp
  • Điều trị tình trạng nhiễm base chuyển hóa mạn sau khi dùng thuốc làm tăng đào thải base.
  • Dùng trong điều trị động kinh

3.1.4 Chống chỉ định

  • Nhiễm acid do thận hay tăng clo huyết vô căn. 
  • Đối với các bệnh lý tim phổi mạn tính, bệnh nhân có chức năng gan, thận suy giảm hoặc mắc bệnh Addison
  • Trường hợp bị mất hoặc rối cân bằng điện giải, đặc biệt là hạ kali hay natri huyết
  • Thận trọng: với những đối tượng có sỏi tiết niệu hoăc mẫn cảm với các dẫn xuất của sulfamid

3.1.5 Tác dụng không mong muốn

  • Gây rối loạn điện giải: hạ K+ và nhiễm toan chuyển hóa
  • Nguy cơ dẫn đến sỏi thận do làm tăng đào thải ion Ca2+ và phosphate niệu
  • Thuốc có thể làm rối loạn hoạt động của thần kinh trung ương (đặc biệt trên những đối tượng bị xơ gan) và có thể là nguyên nhân của biến chứng não gan
  • Các biểu hiện của quá mẫn/dị ứng: sốt, phát ban hoặc tổn thương thận giống như khi sử dụng các dẫn xuất của sulfamid

3.1.6 Tương tác thuốc

Kali máu có thể bị thải trừ quá mức khi sử dụng đồng thời với các thuốc lợi tiểu, Corticosteroid (Glucocorticoid, Mineralocorticoid), Corticotropin và Amphotericin B.

Tác dụng hạ đường huyết có thể bị giảm khi sử dụng đồng thời với các thuốc điều trị đái tháo đường bao gồm thuốc sử dụng đường uống và Insulin 

Sử dụng cùng với Lithi dẫn đến tăng thải trừ chất này nên cần theo dõi đáp ứng khi điều trị. 

Acetazolamid sử dụng cùng với Các Barbiturat, Carbamazepin, Phenytoin, Primidone có thể dẫn tới nhuyễn xương 

Làm tăng độc tính của Digitalis và có thể gây tử vong do loạn nhịp tim khi sử dụng kết hợp với Acetazolamide do làm hạ kali huyết

3.1.7 Chế phẩm và liều dùng

Một số chế phẩm thuộc nhóm thuốc ức chế enzyme CA

Acetazolamide (Diamox, Acetazolamide Pharmedic…):

Trên lâm sàng, thuốc có chứa hoạt chất Acetazolamide thường được sử dụng nhiều nhất. Biệt dược gốc nổi tiếng của Acetazolamide là Diamox do Sanofi sản xuất, hàm lượng Diamox là 250mg có giá bán khoảng 220.000đ/100 viên. Nếu Diamox hết, bạn có thể tham khảo thuốc Acetazolamid Pharmedic với hoạt chất và hàm lượng tương tự, giá bán trên trị trường khoảng 130.000đ/100 viên.

Liều dùng:

Lợi tiểu: 250mg - 500mg/ngày x 1 lần/ngày

Chữa tăng nhãn áp: 250mg/lần x 1-4 lần/ngày

Ngoài ra, nhóm thuốc ức chế carbonic anhydrase còn có một số hoạt chất khác như:

Dorzolamide (Trusopt,...)

Methazolamide (Neptazane, GlaucTabs, Glaumetax,...)

3.2 Thuốc lợi tiểu Thiazid (Hydrochlorothiazide, Chlorothiazide,...)

3.2.1 Dược động học

Hầu hết các thiazid đều có khả năng hấp thu tốt trong ống tiêu hóa, nhưng ở mức độ khác nhau. Thông thường, tác dụng của thuốc xuất hiện sau khi uống 1 giờ. 

Hydrochlorothiazide và Chlorothiazide duy trì tác dụng trong 6-12 giờ, trong khi  Chlorthalidone có thời gian tác dụng kéo dài từ 48-72 giờ.

Thuốc đi qua được hàng rào rau thai và sữa mẹ.

Các thuốc trong nhóm đều được thải trừ qua thận. Trong quá trình bài tiết tại thận, có sự cạnh tranh giữa các phân tử thuốc với acid uric do đó làm giảm bài xuất acid uric qua nước tiểu.

3.2.2 Tác dụng dược lý và cơ chế

Cơ chế tái hấp thu Na+ và Cl- tại ống lượn xa

Các thuốc lợi tiểu thiazid hoạt động tại các ống lượn xa và có tác dụng ức chế hệ thống đồng vận chuyển Na+/Cl-, dẫn đến làm tăng sự bài tiết ion Na+ và Cl-, quá trình này kéo theo nước gây lợi tiểu. 

Bên cạnh đó, các thuốc này cũng làm giảm hoạt tính của enzym CA dẫn đến làm tăng bài tiết ion HCO3- vào nước tiểu, tuy nhiên tác dụng này không đủ mạnh để làm thay đổi pH nước tiểu hay gây ra toan chuyển hóa.

Sự cạnh tranh giữa các phân tử thuốc với acid uric làm giảm bài xuất acid uric qua nước tiểu, do đó dùng nhóm thuốc lợi tiểu thiazid lâu ngày có thể làm nặng thêm tình trạng gout.

Ngoài ra, thuốc còn làm tăng tái hấp thu Ca2+ ở ống lượn xa nên có thể dùng để phòng sỏi thận trong trường hợp tăng calci niệu.

3.2.3 Chỉ định

  • Hiệu quả trong điều trị tăng huyết áp (thường phối hợp với các loại thuốc huyết áp khác như thuốc chẹn kênh Canxi (Amlodipin,...), thuốc ức chế men chuyển (Enalapril,…))
  • Điều trị trong trường hợp tăng Canxi niệu không rõ nguyên nhân (phòng sỏi thận)
  • Điều trị phù có nguyên nhân từ các bệnh lý như suy tim, gan, thận, hoặc do sử dụng  corticosteroid, estrogen.

3.2.4 Chống chỉ định

  • Trường hợp bệnh nhân xơ gan có tình trạng hạ K+ huyết (mục đích để đề phòng hôn mê gan).
  • Thuốc lợi tiểu thiazid sẽ làm tăng độc tính của các hoạt chất trong nhóm digitalis do đó không sử dụng kết hợp 2 loại thuốc này.
  • Bệnh nhân mắc bệnh gout hoặc suy gan/suy thận nặng.

3.2.5 Tác dụng không mong muốn

Dùng lâu dài dẫn đến rối loạn điện giải (cụ thể: giảm số lượng ion Na+, K+, Mg2+ và tăng ion Ca2+ trong máu) dẫn đến các biểu hiện: buồn nôn, nhức đầu, chuột rút, mệt mỏi.

Nhiễm base chuyển hóa.

Rối loạn chuyển hóa dẫn đến mắc một số bệnh hoặc làm nặng thêm tình trạng bệnh, cụ thể: có thể dẫn đến bệnh gout hoặc làm bệnh nặng thêm do làm tăng acid uric máu; ức chế tiết Insulin và làm tăng giải phóng catecholamin nên làm tăng Glucose máu là nguyên nhân làm nặng thêm bệnh đái đường.

Thuốc có thể gây dị ứng: sốt, phát ban, mẩn đỏ,...

3.2.6 Tương tác thuốc

Dưới đây là một số tương tác bất lợi khi sử dụng đồng thời thuốc lợi tiểu thiazid với các thuốc sau:

Hạ huyết áp thế đứng có thể xuất hiện khi sử dụng đồng thời với rượu, Barbiturat hoặc thuốc ngủ gây nghiện.

Giảm hiệu quả điều trị của thuốc điều trị đái tháo đường (đường uống và Insulin)

Sử dụng cùng với các thuốc hạ huyết áp khác dẫn tới hiệp đồng tác dụng dẫn tới hạ huyết áp quá mức. 

Mất cân bằng điện giải (đặc biệt làm hạ kali máu) khi kết hợp với Corticosteroid, ACTH, Salbutamol, Carbenoxolon, Amphotericin B hoặc Reboxetine.

Có thể làm tăng tác dụng với thuốc giãn cơ.

Các thuốc chống đông và thuốc điều trị Gout có thể bị giảm tác dụng khi sử dụng kết hợp với thuốc lợi tiểu thiazid.

Sử dụng cùng thuốc gây mê, Glycosid, Vitamin D làm tăng tác dụng của các thuốc này.

Làm tăng độc tính của của các thuốc như Allopurinol và Tetracyclin khi sử dụng đồng thời.

3.2.7 Chế phẩm và liều dùng

Một số chế phẩm thuộc nhóm thuốc lợi tiểu thiazid

Chlorothiazide (Diuril,...): uống 0,5 – 1g/ngày chia 2 lần.

Hydrochlorothiazide (Esidrix, Hydrodiuril,...): uống 0,025 – 1g/ngày chia 2 lần.

Indapamide (Lozol, Indapen,...): uống 2,5 – 10 mg/ngày chia 2 lần

Đối với điều trị tăng huyết áp, trên lâm sàng thường có sự kết hợp giữa thuốc lợi tiểu thiazid với các thuốc huyết áp khác (Amlodipin,...) để đáp ứng hiệu quả điều trị. Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều sản phẩm có thể biết đến như: Coirbevel 150/12,5 với 2 hoạt chất Hydrochlorothiazide và Irbesartan do Công Ty TNHH Hasan Dermapharm sản xuất có giá khoảng 185.000đ /28 viên hay Coversyl Plus 10mg/2.5mg có xuất xứ từ Ireland với giá khoảng 300.000đ /30 viên,... 

3.3 Thuốc lợi tiểu quai (Furosemid, Bumetanid...)

3.3.1 Dược động học

Hấp thu tốt qua đường uống, mức độ hấp thu có sự khác nhau tùy thuộc vào loại thuốc, Sinh khả dụng đường uống tương đối cao, đối với Furosemid là 60% và Bumetanide khoảng 100%. 

Tỷ lệ các phân tử thuốc liên kết với protein huyết tương tương đối lớn (khoảng 90 – 98%).

Tác dụng xuất hiện nhanh, cụ thể: đối với Furosemid là từ 3 – 5 phút sau tiêm tĩnh mạch, từ 10 – 20 phút sau khi uống; với Bumetanide, tác dụng xuất hiện sau uống 30 phút.

Furosemid có thời gian tác dụng kéo dài từ 4 – 6 giờ và có thể lên đến 8 giờ đối với Bumetanid. 

Thời gian bán thải (t1/2) của thuốc khoảng từ 1 – 1,5 giờ. 

Các thuốc trong nhóm được thải trừ chủ yếu qua thận (65-80%) và một lượng khoảng 18-30% được thải trừ qua mật. 

3.3.2 Tác dụng dược lý và cơ chế

Cơ chế tái hấp thu Na+, K+, Cl- ở nhánh lên quai Henle

Các thuốc có tác dụng chủ yếu lên nhánh dày lên của quai (đoạn phình to của quai). 

Cơ chế gây lợi tiểu bao gồm:

Thuốc ức chế trực tiếp lên kênh đồng vận chuyển Na+/K+/2Cl- ở đoạn dày của nhánh lên quai Henle, làm tăng thải trừ những ion này kéo theo tăng bài xuất nước từ đó dẫn đến tác dụng lợi tiểu. Thêm vào đó, thuốc cũng có tác động lên ống lượn xa và ống lượn gần làm giảm tái hấp thu Na+, Cl- và tăng thải trừ K+.

Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng làm giãn mạch máu ở thận, làm giảm sức cản ở mạch thận và làm tăng lưu lượng máu đến thận kết hợp với tăng tốc độ lọc cầu thận và phân phối máu tới các vùng sâu ở vỏ thận, kháng ADH (Antidiuretic Hormon - Hormon chống bài niệu) tại ống lượn xa. Từ các yếu tố đó dẫn đến tác dụng lợi tiểu của thuốc.

Do có tác dụng lợi tiểu mạnh và thời gian tác dụng ngắn nên thuốc thường dùng trong các trường hợp cấp cứu với cơn phù cấp. Đồng thời, thuốc có thể dùng điều trị tăng canxi máu do làm tăng đào thải Ca2+ và Mg2+ niệu.

3.3.3 Chỉ định

  • Trong các trường hợp cấp cứu như: cơn tăng huyết áp cấp, phù nặng hay phù phổi cấp
  • Bệnh nhân mắc suy tim trái cấp và suy tim mạn tính có phù đã kháng với các thuốc lợi tiểu khác
  • Điều trị phù do các bệnh lý về gan, thận, phổi và phòng/điều trị sản giật ở phụ nữ có thai 
  • Hiệu quả trong điều trị tăng canxi máu và trong điều trị suy thận có nồng độ ure trong máu cao

3.3.4 Chống chỉ định

Trong các bệnh lý như: gout, xơ gan, tình trạng tiền hôn mê gan hoặc hôn mê gan có kèm xơ gan.

Mẫn cảm với dẫn chất sulfonamid, ví dụ như sulfamid hạ đường huyết (Gliclazide,...).

Bệnh nhân có các tình trạng như: mất nước, thể tích máu giảm, hạ kali hoặc natri huyết nặng.

Trường hợp bệnh nhân sử dụng thuốc gây độc đối với thận dẫn đến vô niệu hoặc suy thận 

Phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu của thai kỳ không được sử dụng Bumetanide

3.3.5 Tác dụng không mong muốn

Rối loạn điện giải (giảm Cl-, giảm K+, giảm Ca2+, giảm H+ máu), mất nước, nhiễm base chuyển hóa gây ra các biểu hiện như chuột rút, mỏi mệt, hạ huyết áp thế đứng và có thể dẫn đến tiền hôn mê gan. 

Rối loạn chuyển hóa: tăng acid uric máu, tăng glucose máu, tăng cholesterol máu 

Dẫn đến rối loạn hoạt động của các bộ phận khác trong cơ thể như hoạt đông tạo máu (giảm số lượng bạch cầu và tiểu cầu); chức năng gan/thận; hoạt động tiêu hóa (có thể gây xuất huyết).

Gây độc đối với dây thần kinh số VIII - dây thần kinh tiền đình ốc tai (có thể gây điếc) 

Phản ứng quá mẫn/dị ứng: nổi mẩn, ban đỏ, đau cơ/khớp. 

3.3.6 Tương tác thuốc

Kết hợp với kháng sinh nhóm aminosid làm tăng độc tính trên thính giác 

Tăng nguy cơ rối loạn nhịp tim khi dùng cùng với các thuốc gây xoắn đỉnh như: Quinidin, Amiodarone, Disopyramide, Astemizol, Terfenadin, Erythromycin.

Cơn hạ huyết áp đột ngột xuất hiện nếu dùng phối hợp với các thuốc ức chế men chuyển.

Tác dụng lợi tiểu của thuốc giảm khi có sự xuất hiện của Phenytoin.

Làm tăng độc tính của các Glycosid trợ tim loại digitalis 

Khi sử dụng đường uống, Bumetanide bị giảm hâp thu qua Đường tiêu hóa khi dùng kết hơpj với các antacid

3.3.7 Chế phẩm và liều dùng

Một số chế phẩm thuộc nhóm thuốc lợi tiểu quai

Trong nhóm thuốc lợi tiểu quai, Furosemid là hoạt chất được sử dụng phổ biến nhất với biệt dược gốc đường uống là là Lasix 40 - sản phẩm của hãng Sanofi với hàm lượng 40mg. 

Trường hợp thuốc này hết hàng, bạn có thể thay thế bằng Urostad 40 sản xuất bởi Stella hoặc Furosemid 40mg của Công ty Cổ phần Hoá - Dược phẩm Mekophar có giá khoảng 70.000đ/300 viên. 

Ngoài ra, Furosemid còn được bào chế dưới dạng dung dịch dùng để tiêm bắp/tiêm tĩnh mạch với một số sản phẩm như:  Furosemidum Polpharma (xuất xứ Balan, hàm lượng: 20mg/2ml/ống, giá: 300.000đ/50 ống), Vinzix (sản phẩm của Dược phẩm Vĩnh Phúc, hàm lượng: 20mg/2ml/ống, giá: 70.000đ/10 ống),...

Liều dùng: 

Furosemid (Lasix, Urostad 40,...): uống 20mg - 80mg/ngày; tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch: 20-40mg/lần/ngày.

Bumetanid (Bumex,...): uống 0,5 - 2mg/ngày; tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch: 0,5-1g/ngày.

3.4 Nhóm thuốc lợi giữ kali (Spironolactone, Triamterene,...)

Các thuốc lợi tiểu thuộc nhóm này có tác dụng chủ yếu tại ống lượn xa và ống góp. Dựa vào cơ chế, có thể chia nhóm này thành 2 loại:

  • Thuốc lợi tiểu chẹn kênh natri, bao gồm: Amiloride và Triamterene
  • Thuốc đối kháng với thụ thể mineralocorticoid (thuốc kháng Aldosteron), bao gồm: Spironolactone và Eplerenone.

Trong đó, tiêu biểu nhất trong nhóm này là Spironolacton và dưới đây là các thông tin dược lý của Spironolacton.

3.4.1 Dược động học

Dễ hấp thu qua đường uống (khoảng 70-90%). 

Khả năng liên kết với protein huyết tương cao, khoảng 90%.

Tác dụng xuất hiện chậm (sau uống 2-4 giờ) nhưng kéo dài (48-72 giờ).

Tỷ lệ lớn thuốc bị chuyển hóa lần đầu qua gan. 

Thuốc đi qua được rau thai và sữa mẹ.

Thuốc được thải trừ qua thận và phân với thời gian bán thải khoảng 12-24 giờ.

3.4.2 Tác dụng dược lý và cơ chế

Cơ chế tác dụng của thuốc lợi tiểu kháng Aldosteron

Spironolacton có bản chất là một steroid và có cấu trúc giống với aldosteron (hormon được tiết ra từ tuyến thượng thận). Thuốc được biết đến là chất đối kháng thụ thể mineralocorticoid (kháng aldosteron) và cũng có tác dụng đối kháng thụ thể androgen và Progesterone

Tác dụng tại thận: Spironolacton ức chế cạnh tranh với aldosteron trên ống lượn xa và ống góp, cụ cụ thể: thuốc ngăn aldosteron tiếp xúc với thụ thể của chúng trên các kênh trao đổi Na+ và K+, từ đó làm tăng bài tiết Natri clorid và nước và làm giảm bài tiết các Ion Kali. Do đó, các thuốc này thường dùng phối hợp với thuốc lợi tiểu làm giảm kali máu trong điều trị bệnh lý tim mạch.

3.4.3 Chỉ định

Sử dụng liều thấp để điều trị đối với bệnh nhân suy tim có phân suất tống máu thất trái < 35% (EF < 35%) và suy tim nặng NYHA III-IV. 

Điều trị phù do tăng quá mức aldosteron hoặc phù vô căn, phù do xơ gan, suy tim sung huyết, hội chứng thận hư. Trên lâm sàng, để đạt hiệu quả điều trị người ta thường phối hợp với các thuốc lợi tiểu khác

Điều trị tăng huyết áp nhưng có tác dụng kém trong đơn trị liệu nên thường cần phối hợp thuốc.

3.4.4 Chống chỉ định

Đối với bệnh nhân có tình trạng  tăng kali máu, giảm natri máu, vô niệu, suy thận cấp hoặc suy thận nặng, bệnh Addison hoặc mẫn cảm với thuốc.

3.4.5 Tác dụng không mong muốn

Biểu hiện toàn thân: ngủ gà, mệt mỏi, lú lẫn, nhức đầu, ngủ gà.

Rối loạn nội tiết với các biểu hiện: vú to, liệt dương ở đàn ông, rối loạn kinh nguyệt, mất kinh, chảy máu sau mãn kinh, tăng tiết sữa ở phụ nữ cho con bú.

Tiêu hóa: chán ăn, nôn và buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy.

3.4.6 Tương tác thuốc

Tình trạng tăng kali máu vừa đến nặng, đe dọa tính mạng có thể xảy ra khi sử dụng đồng thời với các chất ức chế men chuyển (ACE ) hoặc thuốc đối kháng thụ thể Angiotensin II (đặc biệt ở người bị suy thận)

Giảm tác dụng chống đông của Coumarin, dẫn chất Indandion hoặc Heparin khi sử dụng đồng thời.

Làm giảm tác dụng hạ huyết áp và làm tăng độc tính trên thận khi dùng đồng thời với các thuốc chống viêm không steroid (đặc biệt là Indomethacin).

Làm giảm Độ thanh thải của Lithi có thể dẫn đến ngộ độc khi sử dụng đồng thời.

3.4.7 Chế phẩm và liều dùng

Một số chế phẩm thuộc nhóm thuốc lợi tiểu giữ kali

Spironolactone (Aldactone, Verospiron,...): phù do các bệnh tại thận, gan, tim: 25-200 mg/ngày chia 2 lần; tăng huyết áp: 50-100mg/ngày chia 2 lần.

Ngoài ra, Triamteren và Amilorid cũng là 2 thuốc thuộc nhóm này. Tuy nhiên chúng không tranh chấp với aldosteron mà chúng làm giảm tính thấm của ống lượn xa với Na+ nên tăng thải Na+ kéo theo nước nên có tác dụng lợi tiểu. Thuốc nhóm này thường được kết hợp với các thuốc lợi tiểu thiazid (Hydroclorothiazid) để đạt hiệu quả trong điều trị cao huyết áp hoặc phù, một số sản phẩm có mặt trên thị trường bao gồm: Dyazide, Maxzide,...

3.5 Lợi tiểu thẩm thấu (Mannitol, Sorbitol,...)

Các thuốc này bao gồm các chất hòa tan có thể lọc tự do qua cầu thận, khi qua ống thận thì được hấp thu có giới hạn. Và gần như chúng không có tác dụng dược lý. Thường dùng trong trường hợp sau khi mổ, bệnh nhân đi tiểu ít. Hoặc người bệnh bị nhiễm độc, cần tăng lợi niệu để đào thải chất độc.

Thuốc được dùng nhiều nhất trong nhóm này là Mannitol và dưới đây là thông tin về dược lý của Mannitol.

3.5.1 Dược động học

Khoảng 7-10% lượng Manitol vào trong cơ thể bị chuyển hóa. Chúng chủ yếu được đào thải qua thận dưới dạng không đổi và kéo theo một lượng nước tương ứng vào nước tiểu.

3.5.2 Cơ chế tác dụng

Cơ chế tác dụng của Mannitol

Sau khi tiêm vào tĩnh mạch, manitol phân bố vào các khoảng gian bào và đi theo máu đến thận. Tại đây do Mannitol có kích thước phân tử lớn nên ít bị hấp thu qua ống thận, dẫn đến làm tăng áp lực thẩm thấu ở ống thận, kéo nước từ máu di chuyển qua ống thận vào lòng ống rồi được bài tiết ra ngoài nên có tác dụng lợi tiểu.

3.5.3 Chỉ định

  • Điều trị tăng nhãn áp, phù não do tăng áp lực nội sọ.
  • Dùng trong trường hợp nhiễm độc
  • Duy trì chức năng tạo nước tiểu của thận trong các trường hợp suy thận cấp, hoại tử ống thận hoặc thiểu niệu sau mổ hoặc sau chấn thương
  • Dự phòng hoại tử thận cấp xuất phát do hạ huyết áp

3.5.4 Chống chỉ định

  • Không dùng khi cơ thể mất nước.
  • Trong các tình trạng bệnh lý về tim như suy tim sung huyết, các bệnh tim nặng hay bệnh lý về phổi như phù phổi, sung huyết phổi.
  • Chảy máu nội sọ sau chấn thương sọ não (ngoại trừ trong lúc phẫu thuật mở hộp sọ)

3.5.5 Tác dụng không mong muốn

  • Biểu hiện toàn thân: sốt, nhức đầu, rét run
  • Rối loạn điện giải, mất cân bằng nước  và mất cân bằng kiềm - toan
  • Tiêu hóa: nôn, buồn nôn, tiêu chảy.

3.5.6 Tương tác thuốc

Làm giảm tác dụng của Lithi khi sử dụng đồng thời nên cần theo dõi đáp ứng trong quá trình điều trị

3.5.7 Chế phẩm và liều dùng

Dung dịch Mannitol 10-20% truyền nhỏ giọt tĩnh mạch. VD: Osmitrol, Osmofudin 20%,...

Một số chế phẩm thuộc nhóm thuốc lợi tiểu thẩm thấu

3.5.8 Một số lưu ý khi phối hợp thuốc

Thuốc lợi tiểu chủ yếu được sử dụng điều trị tình trạng phù từ các nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, hiện nay trong điều trị tăng huyết áp và suy tim, phương pháp đơn trị liệu bằng thuốc lợi tiểu thường kém hiệu quả nên trên lâm sàng người ta thường phối hợp với thuốc điều trị tăng huyết áp và điều trị suy tim khác để đạt hiệu quả điều trị. 

===> Xem thêm các thuốc điều trị tăng huyết áp: Thuốc điều trị tăng huyết áp: Dược lý và ứng dụng trên lâm sàng

Phối hợp thuốc điều trị tăng huyết áp và suy tim có hạ K+ máu với thuốc lợi tiểu giảm K+ máu có thể gây hạ K+ máu quá mức. Để khắc phục tình trạng này, có thể phối hợp các thuốc lợi tiểu giảm K+ máu với thuốc lợi tiểu giữ K+ máu.

Không nên phối hợp hai thuốc cùng cơ chế để tránh tăng tác dụng không mong muốn trong khi tác dụng lợi tiểu cũng không tăng thêm.

Phối hợp thuốc lợi tiểu “quai” như Furosemid với kháng sinh độc với thính giác (Aminoglycosid: Amikacin, Gentamycin,...) có thể gây điếc không hồi phục.

3.6 Kết luận

Bảng tóm tắt dược lý nhóm thuốc lợi tiểu

Nhóm thuốc lợi tiểu

Cơ chế

Đích tác dụngVị trí tác độngXu hướng bài tiết K+Chỉ định chínhHoạt chất thường dùng

Thuốc ức chế carbonic anhydrase

Tăng bài tiết Na+ niệu

enzyme carbonic anhydraseỐng lượn gầnTăng

Tăng nhãn áp

Động kinh

Acetazolamide (Diamox,...)

Thuốc lợi tiểu Thiazid

Tăng bài tiết Na+ niệu

Chất đồng vận Na+/Cl-Ông lượn xaTăng

Tăng huyết áp

Phù

Suy tim

tăng canxi niệu

 

Hydrochlorothiazide (Esidrix,...)
 

Thuốc lợi tiểu quai

Tăng bài tiết Na+ niệu

Chất đồng vận Na+/K+/2Cl-

Quai HenleTăngPhù kết hợp với suy tim, thiểu niệu, tăng huyết ápFurosemid (Lasix,...)

Thuốc lợi tiểu giữ kali

Tăng bài tiết Na+ niệu

- Kênh Na+ biểu mô

- Thụ thể  mineralocorticoid


 
Ống lượn xa
Ống
 
Giảm

Triamterene: lợi tiểu bổ sung kali để giảm nguy cơ hạ kali máu; tăng huyết áp

Spironolactone: suy tim, phù, giảm nguy cơ hạ kali máu

Triamterene (Dyazide,...)

Spironolactone (Aldactone)

Thuốc lợi tiểu thẩm thấuThẩm thấu (tăng bài tiết nước)Không xác địnhỐng lượn gần
Nhánh xuống mỏng quai Henle
Ống góp
Tăng

Suy thận cấp

Phù não

Tăng nhãn áp

Mannitol (Osmitrol,..)

4 Một số thuốc lợi tiểu có nguồn nguốc từ dược liệu

Ngoài các thuốc lợi tiểu thông dụng trên, trong dân gian ta cũng lưu truyền rất nhiều bài thuốc đông y lợi tiểu. Trong bài viết này, chúng tôi đề cập đến một số bài thuốc tiêu biểu nhất cho bạn đọc tham khảo.

4.1 Kim tiền thảo - dược liệu có tác dụng lợi tiểu

Kim tiền thảo là một trong những thảo dược quý của nước ta. Theo đông y, kim tiền thảo có vị ngọt mặn, tính hơi hàn, dẫn vào các tạng thận, bàng quang, gan và mật. Loài cây này có tác dụng thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu độc. Do đó, nó được ứng dụng trong các bài thuốc lợi tiểu, sỏi thận, sỏi mật và tiêu ung nhọt. Cơ chế của tác dụng này, là kim tiền thảo làm lợi tiểu, tăng lượng nước tiểu do đó làm bào mòn sỏi và hạn chế sự gia tăng kích thước của sỏi.

Kim tiền thảo - Thảo dược có tác dụng lợi tiểu
Kim tiền thảo - Thảo dược có tác dụng lợi tiểu

Trong dân gian lưu truyền cách sử dụng cây kim tiền thảo với tác dụng lợi tiểu trị sỏi thận như sau:

Chuẩn bị lá cây kim tiền thảo rửa sạch.

Đun sôi với nước khoảng 30 đến 60 phút rồi lấy thuốc uống.

Lưu ý, mỗi ngày dùng không được nhiều hơn 40 gam lá. Đồng thời, khi dùng bạn chú ý không dùng vào buổi tối để tránh tiểu đêm nhiều gây mất ngủ.

===> Xem thêm thông tin về dược liệu Kim tiền thảo: Cây Kim tiền thảo - Vị thuốc trị sỏi thận, sỏi tiết niệu hiệu quả

4.2 Bông mã đề giúp lợi tiểu

Mã Đề hay còn gọi là xa tiền, là cây cỏ sống lâu năm, có trên khắp đất nước ta. Cây mã đề có tính hàn, vị ngọt, dẫn vào các tạng gan, thận với tác dụng lợi tiểu, thanh can - phế… Do đó, trong dân gian, cây mã đề được vận dụng trong rất nhiều bài thuốc.

Bài thuốc bông mã đề giúp lợi tiểu
Bài thuốc bông mã đề giúp lợi tiểu

Trong đó, bài thuốc thông tiểu được tiến hành như sau:

Chuẩn bị: Hạt mã đề, Cam Thảo phơi hoặc sấy khô.

Cách làm: Dùng 10gam hạt mã đề và 2 gam cam thảo sắc với 600ml nước. Đun sôi rồi giữ nhỏ lửa khoảng 30 phút.

Cách sử dụng: Gạn nước sắc thu được, chia làm 3 lần uống trong ngày.

Lưu ý, những người hay đi tiểu quá nhiều, đại tiện táo bón, thận hư thì không nên dùng.

4.3 Uống nước râu ngô - lợi tiểu cho cả phụ nữ mang thai

Râu Ngô cũng là một trong những vị thuốc được sử dụng rộng rãi trong dân gian ra. Bởi có tác dụng lợi tiểu, làm tăng sự bài tiết của mật nên râu ngô được dùng làm thuốc thông tiểu tiện.

Uống nước râu ngô giúp lợi tiểu
Uống nước râu ngô giúp lợi tiểu

Để sử dụng râu ngô, ta có các cách sau:

Dùng 10 gam râu ngô khô, cắt thành các khúc ngắn. Đun sôi với 200ml nước, gạn lấy nước để uống. Cứ cách khoảng 3 đến 4 giờ lại uống từ 1 đến 3 thìa súp.

Chế râu ngô thành cao lỏng, đóng lọ nhỏ giọt 20 gam. Sử dụng hàng ngày, mỗi ngày uống từ 2 đến 3 lần, mỗi lần uống khoảng 30 đến 40 giọt trước bữa ăn.

5 Các thắc mắc thường gặp của người bệnh khi sử dụng thuốc lợi tiểu

5.1 Thuốc lợi tiểu giảm cân - có phải không?

Như phần trên đã trình bày, thuốc lợi tiểu làm cho thận bài tiết ra nhiều muối và nước qua đường nước tiểu. Bởi, cơ thể của chúng ta có đến 70% là nước, do đó nhiều người tận dụng cơ chế mất nước để giảm cân. Tất nhiên, khi cơ thể chúng ta đa phần là nước, thì mất nước sẽ làm giảm cân. Tuy nhiên, đây là hiện tượng giảm cân giả và đem đến nhiều tác hại nguy hiểm.

Các thuốc lợi tiểu chỉ sử dụng cho những người bệnh bí tiểu tiện, và những bệnh nhân có chứng phù, cao huyết áp. Các thuốc này khi sử dụng lâu, hoặc sử dụng không đúng cách sẽ gây mất cân bằng chuyển hóa và nước - điện giải trong cơ thể.

Đặc biệt, với người bình thường, nếu sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm cân có thể làm khô môi, thiếu nước, tim đập nhanh, khó thở…

Như vậy, với liệu pháp sử dụng thuốc lợi tiểu để giảm cân được coi là “lợi bất - cập hại”.

5.2 Uống thuốc lợi tiểu nhiều có hại gì không?

Đây cũng là một trong những câu hỏi được nhiều bạn đọc quan tâm. Đầu tiên, chúng tôi xin lưu ý rằng khi sử dụng bất kể thuốc gì, nếu sử dụng quá liều hay sử dụng không đúng cách đều có thể gây hại cho cơ thể bạn.

Các thuốc lợi tiểu là thuốc được ứng dụng để điều trị các bệnh lý về tim mạch, huyết áp. Bạn phải sử dụng các thuốc này theo đúng chỉ định của bác sĩ. Bởi, nếu sử dụng không đúng mục đích hay chỉ dẫn sẽ gây hại cho cơ thể của chính bản thân mình.

Khi sử dụng thuốc lợi tiểu ở số ít người bệnh có thể gây ra một số tác hại như sau:

Mất cân bằng nước và điện giải, gây tê chân tay, co cơ thậm chí có thẻ gây ra tình trạng hôn mê, co giật, nguy cơ tử vong cao.

Bởi tác dụng lợi tiểu, nên khi sử dụng buổi tối người bệnh có thể gây ra chứng tiểu đêm, gây mất ngủ cho người bệnh.

Đồng thời, các thuốc này còn có thể gây ra các nguy cơ tăng mỡ máu, tiểu đường và mắc bệnh gút.

5.3 Ăn gì lợi tiểu cho bà bầu?

Ở một số phụ nữ mang thai, có thể gặp tình trạng bí tiểu tiện. Tình trạng này khiến cho người mẹ cảm thấy khó chịu, bứt rứt không yên, ăn uống không ngon miệng.

Hiện tượng này là do, khi đứa trẻ đang lớn dần lên trong bụng sẽ chèn ép bàng quang của người mẹ. Từ đó, sẽ làm đường tiểu bị cản trở, khiến người mẹ bị bí tiểu tiện. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày có thể làm viêm đường tiết niệu, viêm - sỏi bàng quang. Nhiều mẹ bầu khi gặp phải tình trạng này gây ra tâm lý sợ uống nước, sợ đi tiểu. Không những thể, hậu quả của tình trạng này làm người mẹ yếu cả về thể chất và tinh thần, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi. Do đó, khi gặp tình trạng này, người mẹ phải tích cực bổ sung đủ nước trong ngày, không được tự ý uống ít nước. Đồng thời mẹ bầu cần lưu ý:

Hạn chế tối đa, tốt nhất là không sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà, rượu, bia…

Tập cho mình thói quen đi tiểu theo các khung giờ, để tăng phản xạ đi tiểu tự nhiên.

Luôn giữ tinh thần thoải mái, ăn uống điều độ, đủ no, đủ chất dinh dưỡng.

Đồng thời, người mẹ có thể chườm ấm bụng dưới, lăn đều khắp bụng để dễ đi tiểu hơn. Không được dùng nước quá nóng, có thể kích ứng làm bỏng da.

Phụ nữ khi mang thai hay gặp tình trạng bí tiểu
Phụ nữ khi mang thai hay gặp tình trạng bí tiểu

Ngoài ra, trong dân gian, còn lưu truyền các món ăn giúp mẹ bầu lợi tiểu như sau:

Chuẩn bị: 10 gam bột đậu tương, 10 gam đỗ trọng, cật lợn khoảng 50 gam. Cùng các gia vị khác như:  gừng, giấm, rượu, muối…

Cách làm: 

- Chế biến cật lợn, bỏ lớp trắng bên trong, ngâm với nước muối khoảng 15 phút và rửa sạch.

- Nấu đặc Đỗ Trọng rồi thêm rượu, bột đậu tương, dầu ăn cùng với tỏi băm nhuyễn vào.

- Thái cật lợn thành các miếng mỏng, xào cùng với Gừng. Cho vào nồi nấu đỗ trọng, thêm chút nước nêm sao cho vừa khẩu vị.

Sử dụng: Ăn trực tiếp mỗi ngày 1 lần, ăn liên tục như vậy trong vòng 10 ngày.

Kết hợp với phương pháp trên, người bệnh có thể kết hợp với nước uống râu ngô. Hoặc sử dụng đậu đỏ 30 gam và táo tàu 15 quả để sắc nước uống.

Ở bài viết này chúng tôi đã cung cấp cho bạn đọc các kiến thức về thuốc lợi tiểu. Cùng với đó là một số bài thuốc dân gian lợi tiểu được lưu truyền từ xa xưa. Hi vọng qua bài viết này, sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình lựa chọn sử dụng các thuốc.

6 Tài liệu tham khảo

  1. Dược thư quốc gia Việt Nam (Xuất bản lần thứ 3, ban hành ngày 23 tháng 12 năm 2022), Chuyên luận Acetazolamide (109-111), Furosemide (702-704), Hydrochlorothiazide (Trang 777-779 ), Mannitol (931-933), Spironolactone (1301-1303), NXB Khoa học và Kỹ thuật.
  2. Chủ biên PGS.TS Nguyễn Văn Hùng và PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương (2020), Thuốc tác dụng trên hệ tim mạch (Trang 261-268), Giáo trình Dược lý học Trường Đại học Y Dược Hải Phòng.
  3. Miriam C. A. Kehrenberg and Hagen S. Bachmann (Ngày đăng: 16 tháng 03 năm 2022), Diuretics: a contemporary pharmacological classification, NCBI. Truy cập ngày: 22 tháng 8 năm 2023
  4. David H. Ellison (Ngày đăng: 01 tháng 04 năm 2019), Clinical Pharmacology in Diuretic Use, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 08 năm 2023
  5. Pegah Akbari; Arshia Khorasani-Zadeh (Ngày cập nhật: 23 tháng 1 năm 2023), Thiazide Diuretics, NCBI. Truy cập ngày 22 tháng 8 năm 2023.
Xem thêm chi tiết

Có tổng: 30 sản phẩm được tìm thấy

Spinolac 50mg
Spinolac 50mg
Liên hệ
Entacron 25
Entacron 25
Liên hệ
UB – SOL
UB – SOL
160.000₫
STONIL Plus
STONIL Plus
195.000₫
Kim Tiền Thảo IsoPharco
Kim Tiền Thảo IsoPharco
Liên hệ
Spinolac fort 50mg/40mg
Spinolac fort 50mg/40mg
Liên hệ
Spironolacton 25mg Khapharco
Spironolacton 25mg Khapharco
Liên hệ
Miclacol Blue - F
Miclacol Blue - F
Liên hệ
Urostad 40
Urostad 40
Liên hệ
Furosemidum Polpharma 10mg/ml
Furosemidum Polpharma 10mg/ml
Liên hệ
Furosan 40mg
Furosan 40mg
Liên hệ
Franilax (Hộp 30 viên)
Franilax (Hộp 30 viên)
Liên hệ
Furosemide STADA 40mg
Furosemide STADA 40mg
Liên hệ
Diamox 250mg
Diamox 250mg
Liên hệ
Acetazolamid Pharmedic
Acetazolamid Pharmedic
Liên hệ
Furosemid 20mg/2ml Vinphaco
Furosemid 20mg/2ml Vinphaco
Liên hệ
Verospiron 50mg
Verospiron 50mg
Liên hệ
Verospiron 25mg
Verospiron 25mg
Liên hệ
12 1/2
* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 6 Thích

    Tôi có đơn thuốc bệnh suy tim cần mua thuốc. Nhờ nhà thuốc gọi lại tư vấn giùm tôi


    Thích (6) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • TA
    Điểm đánh giá: 5/5

    Thuốc ở Trung Tâm Thuốc dùng tốt, mình từng dùng thấy hiệu quả, ok lắm, cảm ơn dược sĩ nhà thuốc đã tư vấn tận tình

    Trả lời Cảm ơn (6)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595