1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Dược lý thuốc gây tê: đại cương chung và nhóm thuốc cụ thể

Dược lý thuốc gây tê: đại cương chung và nhóm thuốc cụ thể

Dược lý thuốc gây tê: đại cương chung và nhóm thuốc cụ thể

Trungtamthuoc.com - Thuốc gây tê là những thuốc ức chế có hồi phục sự phát sinh và dẫn truyền xung động thần kinh từ ngoại vi về trung ương, từ đó làm mất cảm giác của một vùng cơ thể tại nơi đưa thuốc như cảm giác đau, nóng, lạnh…. Nếu dùng với liều cao, thuốc còn ức chế cả chức năng vận động.

1 Đại cương về thuốc gây tê

1.1 Hấp thu của thuốc gây tê

Thuốc gây tê thường được dùng bằng cách tiêm hoặc bôi trực tiếp vào nơi cần phong bế thần kinh. Quá trình xâm nhập thuốc gây tê vào tế bào thần kinh để tạo tác dụng thường phải trải qua 4 giai đoạn sau:

  • Khuếch tán vào mô: mức độ và tốc độ khuếch tán phụ thuộc vào tính chất lý hóa của từng thuốc.
  • Thủy phân trong dịch gian bào: trong lâm sàng, thuốc gây tê thường được dùng dưới dạng muối dễ tan, dạng này không qua màng tế bào ngay được. Dưới ảnh hưởng của môi trường kiềm nhẹ trong dịch gian bào, thuốc gây tê thủy phân tạo ra dạng base tự do, tan được trong lipid, dễ dàng qua được màng tế bào.
  • Xâm nhập vào tế bào thần kinh: dạng base dễ tan trong lipid nên dễ dàng qua được màng vào tế bào thần kinh.
  • Phát huy tác dụng: khi xâm nhấp vào tế bào thần kinh, do có tính phân cực nên thuốc gây tê sẽ gắn vào thành phần tương ứng của tế bào thần kinh làm ổn định màng nên có tác dụng giảm đau.
Hình ảnh thủ thuật gây tê
Hình ảnh thủ thuật gây tê

1.2 Tác dụng và cơ chế

Ở liều thấp, thuốc gây tê chỉ có tác dụng giảm đau, không làm mất các cảm giác khác.

Ở liều điều trị và liều cao: ngoài tác dụng giảm đau, thuốc gây tê còn làm mất các cảm giác khác (cảm giác nóng, lạnh, đụng chạm…), ức chế dẫn truyền vận động và có các tác dụng khác (tác dụng trên tim mạch…).

Tuy nhiên tác dụng của thuốc gây tê vẫn ưu tiên trên dây thần kinh cảm giác hơn vì kích thước sợi cảm giác nhỏ và ít myelin hơn (các dây thần kinh có độ nhạy cảm với thuốc gây tê khác nhau: sợi nhỏ nhạy cảm hơn sợi lớn, sợi ít myelin nhạy cả, hơn sợi nhiều myelin).

Cơ chế: thuốc gây tê gắn vào mặt trong của màng tế bào, từ đó làm giảm tính thấm của màng tế bào với ion Na+, vì vậy thuốc có khả năng làm ổn định màng, ngăn cản sự khử cực màng tế bào. Nhờ đó nên ngăn cản dẫn truyền xung động thần kinh, vì vậy có tác dụng gây tê.

1.3 Các cách gây tê

Gây tê bề mặt: Là gây tê phong bế ngọn sợi thần kinh bằng cách boi hoặc thấm thuốc lên bề mặt da hoặc niêm mạc. Phương pháp này thường dùng khi viêm miệng, viêm họng, chuẩn bị nội soi hay đặt nội khí quản…

Gây tê tiêm ngấm: Là tiêm thuốc gây tê vào dưới da để thuốc thấm vào thần kinh. Phương pháp này thường dùng khi nhổ răng, trích mụn nhọt, ápxe...

Gây tê dẫn truyền: tiêm thuốc vào cạnh đường dẫn truyền thần kinh hay mô thần kinh như: gây tê thân thần kinh, gây tê phong bế hạch, gây tê đám rối thần kinh, gây tê ngoài màng cứng, trong màng cứng, màng nhện và tủy sống.

1.4 Phân loại thuốc gây tê

Dựa vào cấu trúc chia thuốc gây tê thành 3 nhóm:

  • Cấu trúc ester: Procain, Cocain, Benzocain, Tetracain…
  • Cấu trúc amid: Lidocain, Mepivacain, Bupivacain, Etidocain, Prilocain, Ropivacain.
  • Cấu trúc khác: Fomocain, Ethylclorid, Pramoxin…[1]

2 Thuốc gây tê có cấu trúc ester

2.1 Procain (Novocain)

2.1.1 Dược động học

Procain ít hấp thu qua niêm mạc, do đó tác dụng gây tê bề mặt rất kém. Khi uống, thuốc được hấp thu nên vừa có tác dụng gây tê niêm mạc tiêu hóa vừa có tác dụng khác.

Procain gây giãn mạch nơi tiêm, do đó thuốc được hấp thu nhanh, vì vậy khi gây tê bằng đường tiêm phải phối hợp với chất co mạch.

Thuốc chuyển hóa nhanh trong cơ thể chủ yếu bằng phản ứng thủy phân. Thải trừ phần lớn qua nước tiểu.

Hình ảnh thuốc Novocain chứa Procain
Hình ảnh thuốc Novocain chứa Procain

2.1.2 Tác dụng

Gây tê: Thuốc ít thấm qua niêm mạc nên tác dụng gây tê bề mặt kém, chủ yếu dùng gây tê bề sâu, gây tê tiêm thấm và thường phải phối hợp với chất co mạch để kéo dài tác dụng gây tê.

Trên thần kinh vận động: làm giảm chức năng vận động như giảm dẫn truyền thần kinh – cơ, liều cao gây liệt cơ.

Trên thần kinh thực vật: làm giảm chức năng thực vật như chậm nhịp tim, hạ huyết áp…

Trên tim mạch: giảm tính hưng phấn, giảm sức co bóp và giảm dẫn truyền nội tại, do đó thuốc có tác dụng chống loạn nhịp. Thuốc gây giãn mạch, giảm co bóp tim nên giảm huyết áp nhẹ.

2.1.3 Chỉ định

Procain được chỉ định để:

  • Gây tê tiêm thấm, gây tê dẫn truyền.
  • Chỉ định khác: phòng và điều trị lão hóa và một số bệnh tim mạch: loạn nhịp, co thắt mạch, xơ cứng mạch, viêm mạch…

2.1.4 Tác dụng không mong muốn

Hạ huyết áp đột ngột.

Nhưc đầu, chuột rút, co giật.

Dị ứng.

2.2 Các thuốc khác

Benzocain: thuốc hấp thu chậm nhưng đặc biệt nó ít gây độc. Có thể dùng thuốc để đắp trực tiếp lên các vết thương hở, vết loét. Chế phẩm thường dùng là dạng gel, thuốc mỡ 6-20%.

Tetracain: tác dụng gây tê mạnh hơn Procain khoảng 16 lần và cũng độc hơn Procain khoảng 10 lần. Thuốc có thể dùng để gây tê tủy sống. Tuy nhiên do độc tính cao nên Tetracain chủ yếu dùng gây tê bề mặt và phối hợp trong nước súc miệng, viên ngậm…để giảm đau, giảm ho, chống viêm.

Cocain: có tác dụng gây tê niêm mạc mạnh và gây co mạch nên được dùng gây tê trong khoa mắt và răng miệng. Tuy nhiên do kích thích thần kinh gây ảo giác và gây nghiện nên ngày nay ít dùng.

3 Thuốc gây tê có cấu trúc amid

3.1 Lidocain

Hình ảnh thuốc Lidocain
Hình ảnh thuốc Lidocain

3.1.1 Dược động học

Lidocain có thể hấp thu được khi dùng theo đường uống, tuy nhiên thuốc bị chuyển hóa bước một qua gan lớn. Khi dùng đường tiêm, thuốc gây giãn mạch nơi tiêm, vì vậy nếu dùng gây tê thì thường phối hợp với chất co mạch để giảm hấp thu thuốc.

Vào máu, thuốc liên kết với protein huyết tương khoảng 70%. Thuốc có ái lực cao với tổ chức hơn với huyết tương, đặc biệt là phổi, não sau đó đến tim, gan, lách, ruột, cơ và mô mỡ. Thuốc qua nhau thai khoảng 40%.

Khoảng 70% thuốc chuyển hóa qua gan, thông qua phản ứng alkyl hóa và hydroxyl hóa, thuốc được huyển hóa tạo ra hai chất chuyển hóa quan trọng là MEGX và GX vẫn còn hoạt tính chống loạn nhịp tim.

Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu dưới dạng đã chuyển hóa.

3.1.2 Tác dụng

Gây tê:

  • Lidocain thấm tốt qua niêm mạc, do đó thuốc có tác dụng gây tê bề mặt hiệu quả. Đồng thời, thuốc cũng thể hiện tác dụng gây tê bề sâu (gây tê dẫn truyền, gây tê tiêm thấm).
  • So với Procain, tác dụng của Lidocain mạnh hơn khoảng 4 lần nhưng độc tính lại cao hơn. Cùng với đó, Lidocain xuất hiện tác dụng nhanh và kéo dài hơn.
  • Do Lidocain gây giãn mạch tại vị trí tiêm thuốc nên thường phải sử dụng phối hợp với các chất co mạch như Noradrenalin, adrenalin ở tỷ lệ 1/80.000 hoặc 1/100.000, nhằm mục đích kéo dài thời gian tác dụng gây tê, đồng thời hạn chế các tác dụng phụ của thuốc.

Trên thần kinh vận động và thần kinh thực vật: tác dụng tương tự Procain.

Tác dụng chống loạn nhịp: Lidocain làm ổn định màng tế bào, do đó giảm tính tự động, đồng thời giảm thời kỳ trơ của tim. Có một điểm đặc biệt, thuốc không ảnh hưởng tới dẫn truyền nội tại tim, ít ảnh hưởng tới sức co bóp của tim và mạch ngoại vi.

3.1.3 Chỉ định

Lidocain được chỉ định dùng để:

  • Trong gây tê: bằng các phương pháp gây tê khác nhau như gây tê niêm mạc, gây tê tiêm thấm và gây tê dẫn truyền.
  • Chống loạn nhịp tim: tác dụng chống loạn nhịp do các nguyên nhân như ngộ độc digtalis, huyết khối cơ tim, thuốc gây mê và ngoại tâm thu.

3.1.4 Tác dụng không mong muốn

Khi dùng để gây tê có thể xảy ra các phản ứng tại chỗ tiêm như viêm tắc tĩnh mạch tại nơi đưa thuốc, viêm màng nhện, nặng có thể gây shock phản vệ.

Dùng với mục đích chống loạn nhịp (toàn thân): có thể gặp chóng mặt, buồn ngủ, lú lẫn, chậm nhịp tim, hạ huyết áp, co giật.

Trong trường hợp quá liều, bệnh nhân có thể bị trụy tim mạch, rung tâm thất, rối loạn nhịp hoặc ngừng tim, ngừng hô hấp, thậm chí có thể gây tử vong.

3.1.5 Chống chỉ định

Mẫn cảm với Lidocain hoặc bất cử thành phần nào của thuốc.

Hội chứng Adam-Stokes, rối loạn xoang-nhĩ nặng, block nhĩ-thất, suy tim nặng.

Bệnh nhược cơ.

Rối loạn chức năng gan.

3.1.6 Tương tác thuốc

Lidocain được chuyển hóa chủ yếu ở gan, do đó nếu sử dụng phối hợp với các thuốc ức chế enzym gan như thuốc kháng H2 (Cimetidin) làm tăng tác dụng và kéo dài tác dụng của Lidocain.

Dùng đồng thời Lidocain với thuốc ức chế beta-adrenergic có thể làm chậm chuyển hóa lidocain do nó làm giảm lưu lượng máu tới gan, dẫn đến tăng nguy cơ ngộ độc Lidocain.

3.2 Các thuốc khác

3.2.1 Bupivacain

Tác dụng gây tê tương tự Lidocain nhưng mạnh hơn, thời gian xuất hiện tác dụng chậm và duy trì lâu hơn, có thể kéo dài tới 12 giờ nếu được kết hợp với chất co mạch Adrenalin hoặc Noradrenalin. Vì vậy, Bupivacain thích hợp cho các phẫu thuật kéo dài. Liều cao thuốc gây giãn cơ và ức chế vận động. Chỉ định chủ yếu là gây tê dẫn truyền, gây tê tủy sống.

Thuốc chứa hoạt chất Bupivacain
Thuốc chứa hoạt chất Bupivacain

3.2.2 Mepivacain

Tác dụng gây tê tương tự Lidocain nhưng không gây tê bề mặt và yếu hơn Lidocain khoảng 2 lần. Tác dụng xuất hiện nhanh hơn và kéo dài hơn. Thuốc ít gây giãn tĩnh mạch nên khi gây tê có thể không cần dùng chất co mạch. Thuốc chủ yếu dùng gây tê tiêm thấm và gây tê dẫn truyền.

3.2.3 Etidocain

Có thời gian tác dụng kéo dài hơn Lidocain 2-3 lần, hoạt tính gây tê mạnh hơn. Thường dùng gây tê tiêm thấm và gây tê dẫn truyền (không dùng gây tê tủy sống). Thuốc gây kích thích thần kinh trung ương, liều cao có thể gây co giật nên không dùng cho bệnh nhân động kinh.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: PGS. TS Mai Tất Tố. Thuốc Gây Tê, Dược lý học Tập 1, nhà xuất bản Y học. Truy cập ngày 01 tháng 10 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      hotline
      0868 552 633
      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633