Dược lý nhóm thuốc kích thích thần kinh trung ương
Trungtamthuoc.com - Nhóm thuốc kích thích thần kinh trung ương có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lâm sàng. Hãy cùng tìm hiểu dược lý các thuốc kích thích thần kinh trung ương qua bài viết dưới đây.
1 Đại cương về thuốc kích thích thần kinh trung ương
1.1 Đặc điểm chung
Các thuốc trong nhóm đều có tác dụng kích thích thần kinh trung ương, kích thích trung tâm hô hấp, vận mạch, làm hồi phục các trung tâm khi bị suy yếu.
Hầu hết các thuốc không ảnh hưởng trực tiếp trên hệ tim mạch mà thông qua cơ chế hệ thần kinh giao cảm, kích thích làm tăng nhịp tim, tăng mức tiêu thụ oxy của cơ tim.
Tác dụng của các thuốc thường ngắn, nên được sử dụng chủ yếu cho các trường hợp suy hô hấp và tuần hoàn cấp ở thể vừa và nhẹ. [1]
Liều cao tất cả các Thuốc kích thích thần kinh trung ương đều có thể gây co giật, tuy nhiên mức độ và cách thức co giật có thể khác nhau.
1.2 Phân loại
Dựa vào vị trí tác dụng, thuốc kích thích thần kinh trung ương được chia làm 3 nhóm: [2]
- Thuốc tác dụng ưu tiên trên vỏ não, làm tăng hoạt động tự nhiên, giảm mệt mỏi, tạo cảm giác khoan khoái: cafein, emphetamin, pipradrol…
- Thuốc tác dụng ưu tiên trên hành não, tác dụng trên trung tâm hô hấp và tuần hoàn trực tiếp hoặc gián tiếp qua phản xạ: niketamid, pentylentetrazol, camphora, lobelin, bemegrid…
- Thuốc tác dụng ưu tirn trên tủy sống, làm tăng phản xạ tủy: strychnin.
Sự phân chia này chỉ dựa vào tác dụng chọn lọc ở liều điều trị. Khi dùng liều cao, các thuốc này có thể tác dụng trên toàn bộ hệ thống thần kinh.
2 Thuốc tác dụng ưu tiên trên vỏ não
Cafein, Theophylin và Theobromin là các chất thuộc dẫn xuất của xanthin, chúng được chiết từ cafe, chè, cacao hoặc được tổng hợp từ acid uric. Trong 3 chất đó, chỉ có Cafein là có tác dụng rõ rệt trên thần kinh trung ương, hai chất còn lại có tác dụng yếu.
2.1 Cafein
2.1.1 Dược động học
Thuốc hấp thu nhanh qua đường uống và đường tiêm, sinh khả dụng qua đường uống đạt trên 90%. Đạt nồng độ tối đa trong huyết tương sau khi uống thuốc khoảng 1 giờ.
Thuốc phân bố rộng rãi trong cơ thể, qua được hàng rào nhau thai và bài tiết vào sữa mẹ, thể tích phân bố 0,4-0,6 L/kg.
Thuốc được chuyển hóa ở gan bằng phản ứng demethyl và oxy hóa. Thải trừ qua nước tiểu chủ yếu dạng đã chuyển hóa. Thời gian bán thải khoảng 3-7 giờ, kéo dài hơn ở trẻ sơ sinh và trẻ đẻ non. [3]
2.1.2 Tác dụng
Trên thần kinh trung ương: ưu tiên tác dụng trên vỏ não, làm vỏ não bị kích thích, dẫn đến làm giảm các cảm giác mệt mỏi và buồn ngủ, đồng thời làm tăng hưng phấn vỏ não, tăng nhận cảm của các giác quan Do đó làm tăng khả năng làm việc và làm việc minh mẫn hơn. Tuy nhiên, nếu dùng liên tục và trong thời gian kéo dài thì sau giai đoạn hưng phấn sẽ đến giai đoạn ức chế, cơ thể sẽ lờ đờ, mệt mỏi. Liều cao, cafein tác dụng lên toàn bộ hệ thần kinh gây cơn rung giật.
Trên hệ tuần hoàn: kích thích tim, làm tăng nhịp tim, đồng thời tim đập mạnh hơn, tăng lưu lượng tim và lưu lượng mạch vành nhưng tác dụng kém thophylin. Ở liều điều trị, thuốc ít ảnh hưởng tới huyết áp.
Trên hệ hô hấp: kích thích trung tâm hô hấp, làm giãn phế quản và giãn mạch phổi. Tác dụng này càng rõ khi trung tâm hô hấp bị ức chế.
Trên hệ tiêu hóa: thuốc làm giảm nhu động ruột, gây táo bón và tăng tiết dịch vị (có thể gây loét dạ dày- tá tràng).
Trên cơ trơn: Thuốc có tác dụng làm giãn cơ trơn mạch máu, mạch vành, cơ trơn phế quản và cơ trơn tiêu hóa. Đặc biệt, tác dụng giãn cơ trơn nay càng thấy rõ hơn khi cơ trơn ở trạng thái bị co thắt. [4]
Trên thận: cafein làm giãn mạch máu thận, đồng thòi làm tăng sức lọc của cầu thận, cùng với đó, nó làm giảm tái hấp thu Na+, vì vậy thuốc mang lại tác dụng lợi tiểu.
Tác dụng khác: tăng hoạt động của cơ vân, tăng chuyển hóa.
Cơ chế: Dẫn chất xanthin ức chế cạnh tranh với enzym phosphodiesterase, do đó nó ngăn phân hủy AMPv. AMPv không bị phân hủy, nồng độ sẽ tăng lên, điều đó kéo theo thúc đẩy các phản ứng làm tăng calci nội bào, tăng hoạt động của cơ vân, cơ tim, tăng chuyển hóa, tăng phân hủy lipid, tăng Glucose máu.
2.1.3 Chỉ định
Khi cơ thể mệt mỏi, suy nhược: sử dụng để kích thích thần kinh trung ương.
Bệnh nhân bị suy hô hấp, suy tuần hoàn.
Các chỉ định khác: hen phế quản, suy tim trái cấp, lợi tiểu (nay ít dùng).
2.1.4 Chống chỉ định
Mẫn cảm với cafein hay bất cứ thành phần nào khác có trong thuốc.
Bệnh nhân bị suy mạch vành, nhồi máu cơ tim.
Các đối tượng có nhịp tim nhanh, hay bị ngoại tâm thu.
2.1.5 Chế phẩm và liều dùng
Ống tiêm 1ml dung dịch 0,7%.
Dung đường uống: Uống với liều 0,1-0,2g/ lần, mỗi ngày uống 2 lần.
Dùng đường tiêm dưới da với hàm lượng 0,25g/lần, mỗi ngày tiêm 1-2 lần. [5]
3 Thuốc kích thích ưu tiên trên hành não
3.1 Niketamid
Là thuốc tổng hợp, là diethylamid của acid nicotinic. Thuốc hấp thu qua đường uống và tiêm. Cấu trúc của Niketamid được mô tả dưới đây [6]
3.1.1 Tác dụng
Thuốc kích thích trực tiếp và gián tiếp qua phản xạ xoang cảnh lên trung tâm hô hấp và tuần hoàn ở hành não, do đó làm tăng nhịp, tăng biên độ hô hấp, tăng nhạy cảm của trung tâm hô hấp với CO2. Đồng thời, thuốc kích thích khiến tim đập nhanh hơn, tăng sức co bóp của tim và tăng nhẹ huyết áp. Thuốc không có tác dụng trực tiếp trên hệ tim mạch.
Liều cao, thuốc tác dụng lên toàn bộ hệ thần kinh trung ương gây co giật.
3.1.2 Chỉ định
Bệnh nhân bị suy tuần hoàn.
Suy hô hấp vừa và nhẹ.
Tác dụng không mong muốn
Tác dụng không mong muốn xuất hiện khi sử dụng với liều cao, có thể gây cơn co giật.
3.1.3 Chống chỉ định
Không chỉ định dùng thuốc đối với:
Bệnh nhân bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với thuốc.
Người có tiền sử động kinh.
Các đối tượng bị tăng huyết áp. [7]
3.1.4 Chế phẩm và liều dùng
Coramin, Cordiamin, dung dịch 25% lọ 15mL dùng để uống, ống tiêm 1 mL.
Uống: 10-20 giọt/ lần, ngày 2-3 lần.
Tiêm dưới da, tiêm bắp 1 ống/lần, 1-3 lần/24h.
Một số chế phẩm chứa Nikethamide có sẵn tại Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy có thể kể đến như Nikethamide Kabi 25%, Nikepha, Nikethamid, Meko Coramin...
3.2 Pentylentetrazol
3.2.1 Tác dụng
Pentylentetrazol có tác dụng kích thích trung tâm hô hấp và tuần hoàn ở hành não. Tác dụng của thuốc thể hiện rõ khi các trung tâm hô hấp và tuần hoàn bị ức chế. Thuốc kích thích làm thở nhanh, thở sâu, tăng hoạt động của tim, tăng huyết áp. Không tác dụng trực tiếp lên tim mạch. Liều cao gây tình trạng co giật. [8]
3.2.2 Chỉ định
Trợ tim mạch, trợ hô hấp khi trung tâm hô hấp và vận mạch bị ức chế.
Gây cơn co giật để điều trị bệnh tâm thần.
3.2.3 Chế phẩm và liều dùng
Biệt dược: pentetrazol, cardiazol, corazol.
Uống, tiêm bắp: 0,1-0,2 g/24h.
Tiêm tĩnh mạch 2-5 ml dung dịch 10%.
3.3 Bemegrid
3.3.1 Tác dụng
Bemegrid là chất tổng hợp có cấu trúc hóa học tương tự như barbiturat nhưng có tác dụng đối kháng với barbiturat. Nó kích thích trực tiếp lên trung tâm hô hấp và tuần hoàn ở hành não, từ đó làm tăng nhịp tim, tăng huyết áp, tăng biên độ và tần số hô hấp.
Ngoài ra, bemegrid còn kích thích thần kinh vận động, làm tăng dẫn truyền xung động thần kinh nên còn được dùng để điều trị chứng đau dây thần kinh, đau thắt lưng. Liều cao, thuốc gây co giật nhưng mức độ nhẹ hơn pentetrazol. [9]
3.3.2 Chống chỉ định
Mẫn cảm với bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
Những đối tượng bị tăng huyết áp.
Bệnh nhân bị bệnh động kinh.
Không phối hợp với glycosid tim, reserpin.
3.3.3 Chế phẩm và liều dùng
Điều trị viêm dây thần kinh: 0,025-0,05g/24h.
Điều trị ngộ độc barbiturat: 0,05g/lần, dùng nhiều lần trong ngày.
3.4 Camphora
Camphora có tác dụng kích thích trung tâm hô hấp và vận mạch ở hành não, làm tăng sức co bóp của tim, tăng huyết áp. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng giãn mạch da và giảm đau. Thuốc được dùng để kích thích hô hấp tuần hoàn khi bị suy yếu và dùng ngoài để giảm đau.
4 Thuốc tác dụng ưu tiên trên tủy sống
4.1 Strychnin
4.1.1 Tác dụng
Strychnin là alcaloid của hạt mã tiền. Khi sử dụng ở liều điều trị, thuốc mang đến các tác dụng sau:
Tác dụng của thuốc ưu tiên trên tủy sống. Thuốc kích thích phản xạ tủy, làm tăng dẫn truyền thần kinh - cơ, tăng dinh dưỡng và hoạt động cơ, do đó thuốc thường được sử dụng trong điều trị các trường hợp tê liệt, suy nhược, đái dầm, liệt dương.
Bên cạnh đó, thuốc cũng gây kích thích tiêu hóa, làm tăng phản xạ tiết dịch vị, đồng thời làm tăng nhu động ruột, kích thích giúp ăn ngon, dễ tiêu.
Ngoài ra, thuốc kích thích vào trung tâm nghe, nhìn, ngửi, từ đó làm tăng nhạy cảm của các cơ quan cảm giác. [10]
Khi sử dụng với liều cao:
Liều cao kích thích cả vỏ não, hành não. làm tăng biên độ và tần số hô hấp, tăng tuần hoàn khi các trung tâm này bị ức chế. Liều độc, kích thích mạnh tủy sống, làm tăng phản xạ và gây cơn co giật giống như co giật do uốn ván.
Cơn co giật gây ra bởi strychnin có tính chất phản xạ, nó chỉ xuất hiện khi có kích thích từ bên ngoài như tiếng động, ánh sáng… Vì vậy, khi bệnh nhân bị ngộ độc strychnin, cần bình tĩnh xử lý bằng cách: đưa bệnh nhân vào buồng tối để tránh xa mọi kích thích, cùng với đó, sử dụng các thuốc cức chế cơn co giật như ether, thuốc ngủ....
Cơ chế tác dụng: Tại liều điều trị, Strychnin đối kháng cạnh tranh và chọn lọc với glycin chủ yếu thông qua các thụ thể của glycin ở tủy sống. Khi dùng với liều cao, strychnin còn tác động lên cả thụ thể của glycin ở não.
4.1.2 Chỉ định
Điều trị nhược cơ.
Mệt mỏi, mới ốm dậy, ăn kém ngon.
Yếu cơ thắt, liệt dương.
4.1.3 Chống chỉ định
Mẫn cảm với thuốc
Tăng huyết áp
Động kinh
Viêm gan
4.1.4 Chế phẩm và liều dùng
Ống tiêm 1ml dung dịch 0,1%
Uống 1ml/ lần, 2-3 lần/ 24h. Tiêm dưới da 1mg/lần, 2mg/ 24h.
Tài liệu tham khảo
- ^ John A. Gray. Chapter 21: Introduction to the Pharmacology of CNS Drugs, AccessMedicine. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
- ^ PSG.TS Mai Tất Tố, TS Vũ Thị Trâm (Xuất bản năm 2007). Sách Dược lý học tập 1. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2021
- ^ National Academy of Sciences( Đăng năm 2021). Pharmacology of Caffeine, NCBI. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
- ^ DrugBank. Caffeine: Uses, Interactions, Mechanism of Action, DrugBank. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
- ^ Philip Thornton, DipPharm, Ngày đăng 19 tháng 3 năm 2021. Caffeine, Drugs.com. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
- ^ PubChem. Nikethamide, PubChem. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
- ^ MIMS. Nikethamide, MIMS. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
- ^ PSG.TS Mai Tất Tố, TS Vũ Thị Trâm (Xuất bản năm 2007). Sách Dược lý học tập 1. Truy cập ngày 6 tháng 10 năm 2021
- ^ DrugBank. Bemegride: Uses, Interactions, Mechanism of Action, DrugBank. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021
- ^ Eur J Pharmacol (Ngày đăng 9 tháng 5 năm 2006). Pharmacological characterisation of strychnine and brucine analogues at glycine and alpha7 nicotinic acetylcholine receptors, PubMed. Truy cập ngày 7 tháng 10 năm 2021