1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Dược lý hormon tuyến giáp, thuốc kháng giáp và hormon tuyến cận giáp

Dược lý hormon tuyến giáp, thuốc kháng giáp và hormon tuyến cận giáp

Dược lý hormon tuyến giáp, thuốc kháng giáp và hormon tuyến cận giáp

Trungtamthuoc.com - Tuyến giáp là một trong những tuyến nội tiết có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể. Nó tiết ra các hormon được gọi là hormon tuyến giáp. Vậy những hormon này có vai trò như thế nào? Phải làm sao khi các hormon này bị rối loạn? Sau đây Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy sẽ cung cấp những thông tin cần thiết về hormon tuyến giáp, các thuốc kháng giáp cùng các hormon tuyến cận giáp.

1 Hormon tuyến giáp

1.1 Hormon tuyến giáp là gì?

Hormon tuyến giáp hay còn gọi “hormon chuyển hoá” của cơ thể. Tuyến giáp của cơ thể sản xuất 2 loại hormon khác nhau  đó là:

Thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3): giúp cơ thể kiểm soát tốc độ chuyển hoá và quá trình oxy hóa của tế bào, có vai trò quan trọng trong sự phát triển bình thường của cơ thể.

Calcitonin: có vai trò chủ yếu điều hòa chuyển hóa calci và phospho.

Thuốc tuyến giáp (hormone tuyến giáp) được sử dụng để bổ sung lượng tuyến giáp thấp ở những người bị suy giáp. [1]. Các thuốc này không thể điều trị khỏi bệnh nhưng giúp kiểm soát tình trạng thiếu hormone tuyến giáp cho bệnh nhân. [2]

Hormone tuyến giáp T3 và T4

1.2 Hormon T3 và T4

1.2.1 Sinh tổng hợp hormon tuyến giáp

Hormon hướng giáp TSH được tiết ra từ thùy trước tuyến yên kích thích giúp tuyến giáp bài tiết ra hormon tuyến giáp là thyroxin và triiodothyronin. Cơ thể cần nguồn iod từ thức ăn để tổng hợp ra 2 hormon này. Iod từ thức ăn tồn tại dưới dạng muối iodid sau khi hấp thu vào máu sẽ chuyển tới tuyến giáp, và nhờ enzyme Peroxidase để xúc tác xảy ra quá trình oxy hoá iodid thành iod tự do. Cuối cùng, iod tự do sẽ kết hợp với các tiền chất của tuyến giáp là tyrosin nằm trong phức hợp thyroglobulin để tạo thành hormon tuyến giáp. Quá trình này cũng được thực hiện nhờ enzyme peroxidase.

1.2.2 Tác dụng của hormon tuyến giáp

Tế bào đích của hormon tuyến giáp bao gồm hầu hết các tế bào trong cơ thể, đặc biệt là cơ và tế bào thần kinh (trừ não và tinh hoàn người trưởng thành).

  •  Trên quá trình chuyển hóa:

Làm tăng quá trình chuyển hóa của cơ thể, đặc biệt là quá trình chuyển hóa của mô tim, gan, thận. Chúng có vai trò quan trọng trong việc tạo nhiệt và điều hòa thân nhiệt của động vật đẳng nhiệt.

  • Trong quá trình sinh nhiệt:

Hormon tuyến giáp làm tăng tiêu thụ oxy và sinh nhiệt ở hầu hết các mô.

  • Trong quá trình chuyển hoá hydrocacbon:

Chúng làm tăng cường sự hấp thu Glucose ở ruột, giảm tổng hợp glycogen ở gan và thúc đẩy tăng sử dụng glucose ở các mô.

  • Trong quá trình chuyển hoá protid:

Các hormon này kích thích cơ thể tăng sinh tổng hợp protein, thông qua quá trình hoạt hoá ARN - polymerase - đây là phương thức trực tiếp hoặc cũng có thể gián tiếp qua kích thích bài tiết hormon tăng trưởng GH. Liều cao gây tăng thoái hoá protein.

  • Trong quá trình chuyển hóa lipid:

Lipid bị phân hủy bởi sự tác động của các hormon tuyến giáp, trong đó đa phần là triglycerid, Phospholipid và cholesterol, tăng tạo acid mật từ cholesterol góp phần làm giảm cholesterol máu. Vì thế ở những người bệnh bị thiểu năng tuyến giáp thường bị tăng cholesterol máu.

  • Trong quá trình chuyển hóa muối và nước:

Các hormon này làm tăng sức lọc ở cầu thận, giảm tái hấp thu ở ống thận. Do đó chúng có tác dụng lợi tiểu.

Ngoài ra các vitamin thì hormon tuyến giáp làm tăng sử dụng các vitamin như Thiamin, Riboflavin, Acid AscorbicCyanocobalamin. Vì thế với người bệnh ưu năng tuyến giáp cần phải bổ sung các vitamin này.

  • Trên quá trình tăng trưởng và phát triển của cơ thể:

Hormon tuyến giáp kiểm soát quá trình tổng hợp protein cũng như sự phát triển của hệ thần kinh. Đặc biệt cần cho sự phát triển của não trong giai đoạn hình thành, giúp phát triển xương, răng, dinh dưỡng da, lông, tóc, móng (kết hợp với GH). Vì vậy, trong giai đoạn phát triển, nếu thiếu hormon này sẽ gây chậm phát triển trí tuệ, trẻ đần độn, chậm lớn, người lùn, chi ngắn, bắp thịt mềm nhũn...

  • Trên các cơ quan

Trên tim: Các hormon T3, T4 làm tăng sức co bóp của tim, giúp làm tăng nhịp tim và tăng nhạy cảm của tim với catecholamin. Vì vậy, những bệnh nhân cường tuyến giáp thì tim dễ bị kích thích.

Trên hệ thần kinh: Các hormon này kích thích thần kinh trung ương có thể khiến người bệnh bồn chồn, bứt rứt, nóng nảy, hay lo lắng và mất ngủ. Ngoài ra còn gây ra tình trạng tăng phản xạ, run chân tay.

Những người bị ưu năng tuyến giáp sẽ gây bệnh Basedow: biểu hiện nổi bật của bệnh là bệnh nhân dễ bị xúc động, lo lắng, nóng nảy, tăng chuyển hoá cơ bản, tăng nhịp tim, da nóng, giảm cân, lồi mắt và phì đại tuyến giáp. Lúc này, người bệnh cần được điều trị bằng các thuốc kháng giáp.

1.2.3 Chỉ định

Hormone tuyến giáp được sử dụng trong hai trường hợp:

  • Để thay thế chức năng của tuyến giáp hoạt động kém hoặc đã được phẫu thuật cắt bỏ (liệu pháp thay thế): thiểu năng tuyến, sau khi cắt tuyến giáp, viêm tuyến giáp. 
  • Để ngăn chặn sự phát triển thêm của mô tuyến giáp (liệu pháp ức chế ). Liệu pháp ức chế được sử dụng chủ yếu ở bệnh nhân ung thư tuyến giáp để ngăn ngừa sự tái phát hoặc tiến triển của khối u như bệnh bướu cổ đơn thuần. [3] 

Ngoài ra còn dùng trong chẩn đoán bệnh tuyến giáp, điều trị phối hợp với các thuốc hủy mô tuyến giáp (để tránh suy giảm chức năng tuyến giáp quá mức).

1.2.4 Chống chỉ định

Không dùng cho những trường hợp bị cường tuyến giáp, suy tim mất bù.

2 Một số thuốc hormone tuyến giáp

2.1 Levothyroxine (Levoxyl, Synthroid, Levothroid)

Hình ảnh thuốc Levothyroxin

Levothyroxin là chế phẩm tổng hợp, so với chế phẩm tự nhiên thì dạng chế phẩm này có nhiều ưu điểm hơn, có hoạt lực mạnh hơn, thời gian bán thải kéo dài nên ngày chỉ cần dùng 1 lần, thuốc ít gây dị ứng và có thể dùng điều trị lâu dài.

Chế phẩm: viên nén 25microgam, ống tiêm l00 microgam/mL dùng tiêm tĩnh mạch.

Liều dùng: khởi đầu 75 microgam/24h sau đó duy trì 100microgam/24h.

2.2 Liothyronine & Cynomel

Liothyronine là dạng muối của L - triiodothyronine. Chế phẩm có thời gian bán thải ngắn nhưng hoạt tính lại mạnh hơn khoảng 4 lần so với levothyroxin, độc tính với tim cũng cao hơn. Với những trường hợp cần tác dụng nhanh hoặc dùng chuẩn bị cho chiếu xạ ở bệnh nhân u tuyến giáp thì nên dùng thuốc này.

Chế phẩm: viên nén 25microgam.

Liều dùng: 25 – 100microgam/24h.

2.3 Liotrix (Euthyroid, Thyrolar)

Liotrix là hỗn hợp của levothyroxin (T4) và liothyronine (T3) được phối hợp theo tỉ lệ 4:1. Sự phối hợp theo cách này làm cho tác dụng của thuốc giống với hormon tuyến giáp tự nhiên trong cơ thể hơn, do đó có lợi cho điều trị hơn. Các chỉ định, tác dụng không mong muốn và chống chỉ định giống như levothyroxin.

Chế phẩm: viên nén 25microgam liothyronin và l00 microgam thyroxin.

Liều dùng: khởi đầu 1/2 viên/24h, sau tăng dần, liều duy trì 1 - 1,5 viên/24h.

2.4 Thyroglobulin và thyroid

Là các chất có nguồn gốc tự nhiên được chiết xuất từ tuyến giáp của các loài động vật có tỉ lệ T4 và T3 khoảng 2,5:1, hiện nay ít dùng vì hay gây dị ứng và tỉ lệ T4 và T3 không ổn định giữa các loài.

Liều dùng:

Thyroid: khởi đầu 15 microgam/24h sau tăng dần - duy trì 60 microgam/24h.

Thyroglobulin: khởi đầu 30mg/24h sau tăng dần, duy trì 60 - 180 p.g/24h.

2.5 Calcitonin

Tác dụng

Calcitonin là hormon làm hạ calci máu, do tế bào C của tuyến giáp bài tiết ra, có tác dụng ngược với hormon cận giáp trạng. Calcitonin là một chuỗi peptid, gồm 32 acid amin, có tác dụng chính ở 3 nơi: 

Ở xương: chúng ức chế hoạt tính của tế bào hủy xương do đó ức chế quá trình tiêu xương, đồng thời kích thích tạo cốt bào dẫn đến làm tăng tạo xương.

Ở thận: Calcitonin tác dụng trực tiếp gây tăng thải trừ calci và phosphat qua nước tiểu. Tuy nhiên, như trên Calcitonin ức chế tiêu xương nên làm giảm bài tiết Ca2+, Mg2+, và hydroxyproline qua nước tiểu.

Ở ống tiêu hóa: Calcitonin làm tăng hấp thu calci.

Thuốc ít liên kết với protein huyết tương, chuyển hoá nhanh ở gan và thận. Thời gian bán thải khoảng 20 phút.

Chỉ định

Điều trị tăng calci máu và phosphat máu trong các trường hợp:

  • Cường cận giáp trạng, tăng calci máu không rõ nguyên nhân ở trẻ em.
  • Nhiễm độc vitamin D.
  • Tiêu xương do di căn ung thư.
  • Bệnh Paget (viêm xương biến dạng cả thể đồng hóa và dị hóa của xương).
  • Ngoài ra còn dùng trong các bệnh loãng xương: sau mãn kinh, người cao tuổi, người dùng corticoid kéo dài.

Tác dụng không mong muốn

Thường gặp là các phản ứng như sau:

  • Trên hệ tiêu hóa: Người bệnh có thể buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, co thắt ống tiêu hoá…
  • Trên thận: Người bệnh có thể bị đi tiểu nhiều lần, hay đa niệu.
  • Trên mạch máu: Người bệnh có thể gặp các triệu chứng nóng mặt, đỏ mặt, nóng chi và có cảm giác như kiến bò.
Calcitonin cá hồi

Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm:

  • Calcitonin (Calcitar) có các dạng chế phẩm tự nhiên chiết từ động vật và dạng tổng hợp. Nói chung dạng tổng hợp có tác dụng mạnh hơn và thời gian tác dụng kéo dài hơn.
  • Dạng tiêm: Calcitonin cá hồi, 200UI/mL, ống 2mL.
  • Calcitonin người, ống tiêm 0,5mg.
  • Dạng xịt mũi: lọ 2mL chia liều 200 UI/lần xịt.

Liều dùng:

Calcitonin cá hồi: 50 -100UI X 1 - 3 lần/24h.

Calcitonin người: 0,5mg X 1 - 2 lần/24h.

3 Thuốc kháng giáp tổng hợp

Thuốc kháng giáp đều có nguồn gốc tổng hợp hóa học. Quá trình tổng hợp có 4 giai đoạn như sau:

Gắn iodid vô cơ vào tuyến.

Oxy hóa iodid thành iod tự do.

Tạo mono- và diiodotyrosine.

Ghép 2 iodotyrosine thành L-thyroxin-tetraiodo thyroxin, T4.

Nhóm thuốc này có tác dụng ức chế tổng hợp và giải phóng hormon tuyến giáp, vì vậy được dùng điều trị ưu năng tuyến giáp (bệnh basedow).

Các thuốc trong nhóm bao gồm:

3.1 Các chất ức chế giải phóng hormon hướng giáp của tuyến yên

3.1.1 Dung dịch Lugol mạnh (5%)

Thành phần gồm có: 5g iod + l0g kali iodid/l00mL nước.

Iod trong dung dịch iodid sau khi được hấp thu vào máu sẽ được tập trung vào tuyến giáp, rồi sau đó thải trừ chậm qua nước tiểu.

Tác dụng: ở nồng độ cao hơn nồng độ sinh lý, iod sẽ ức chế hormon hướng giáp, làm giảm tổng hợp hormon tuyến giáp, vì vậy, làm giảm thể tích tuyến giáp và co nhỏ mạch máu của tuyến giáp. Thường dùng trước khi phẫu thuật tuyến giáp.

Liều dùng: 2 -6 giọt/lần X 3 lần/24h, trước bữa ăn, dùng liên tục 10 ngày trước khi phẫu thuật.

3.1.2 Các thuốc khác: kali iodid, natri iodid.

3.2 Các chất ức chế tổng hợp hormon tuyến giáp

3.2.1 Propylthiouracil (PTU)

Hình ảnh thuốc chứa Propylthiouracil
  • Dược động học

Propylthiouracil được hấp thu qua đường tiêu hoá. Sau khi uống 1-2 giờ, thuốc sẽ đạt nồng độ tối đa trong huyết tương. Thuốc tập trung nồng độ cao tại tuyến giáp. Thời gian bán thải khoảng 1 giờ. Chuyển hoá nhanh và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu. Ngoài ra thuốc có thể qua được nhau thai và sữa mẹ.

  • Tác dụng

Propylthiouracil có tác dụng ức chế quá trình oxy hóa iodid thành iod tự do và ức chế quá trình gắn phân tử iod vào tiền chất của tuyến giáp do đó quá trình tổng hợp hormon tuyến giáp bị ức chế. Ngoài ra nó còn có tác dụng ức chế quá trình chuyển T4 thành T3 ở ngoại vi...

  • Chỉ định

Dùng điều trị trong các trường hợp bệnh nhân bị ưu năng tuyến giáp.

  • Tác dụng không mong muốn

Khi sử dụng Propylthiouracil số ít trường hợp bệnh nhân có thể gặp tình trạng suy tuyến giáp (có thể tạo bướu), giảm bạch cầu, mất bạch cầu hạt, chảy máu, xung huyết. Ngoài ra gây rối loạn tiêu hoá, độc với gan, tăng tiết dịch ở đường hô hấp.

  • Liều dùng

Khởi đầu: 300 - 400mg/24h, chia 3 lần. Duy trì: 100 - 150mg/24h.

3.2.2 Methimazole

Methimazole là thuốc có tác dụng và cơ chế tương tự như PTU  tuy nhiên tác dụng của nó mạnh gấp khoảng 10 lần PTU, thời gian tác dụng cũng kéo dài hơn. Thời gian bán thải của thuốc là khoảng 5 giờ.

Liều dùng:

Khởi đầu, 15 - 60mg/24h chia 3 lần.

Liều duy trì 5 - 15mg/24h.

3.2.3 Các thuốc khác

  • Methylthiouracil (MTU), thiamazol (tiasolan), carbimazol (Neomercazole)

Tác dụng tương tự propylthiouracil (PTU).

  • Các chất ức chế nhập iod vào tuyến giáp

Kali Clorat là thuốc làm sự giảm hấp thu iod của tuyến giáp. Thuốc được dùng trong những trường hợp bệnh nhân bị bệnh ưu năng tuyến giáp nhẹ hoặc trung bình. Mất bạch cầu hạt là tác dụng không mong muốn thường gặp nhất của thuốc.

  • Các chất phá hủy mô tuyến giáp

Iod phóng xạ (I131): là hoạt chất phá hủy mô tuyến giáp, thuốc có thời gian bán thải dài (lên đến 8 ngày). Dùng điều trị ưu năng tuyến giáp ở liều thấp, liều cao dùng điều trị cho bệnh nhân ung thư tuyến giáp. Ngoài ra, nó còn được dùng trong các trường hợp chẩn đoán chức năng tuyến giáp.

Ngoài ra, hiện nay có thể sử dụng biện pháp chiếu tia gamma, tia beta để phá huỷ các tế bào tuyến giáp. Tuy nhiên phương pháp này ít khi được thực hiện, vì bệnh nhân có thể dễ bị phù niêm dịch, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Vì vậy chỉ áp dụng phương pháp này cho bệnh nhân trên 45 tuổi.

4 Hormon tuyến cận giáp

4.1 Parathyroid hormone (PTH)

4.1.1 Tác dụng

Hormon của tuyến cận giáp (PTH) là một peptid, có 84 gốc acid amin. PTH cùng với calcitonin của tuyến giáp và Vitamin D có vai trò điều hòa nồng độ Ca++ máu. PTH có tác dụng làm tăng nồng độ Ca++ máu theo 3 cách:

Tác dụng trực tiếp trên thận làm tăng tái hấp thu calci và giảm tái hấp thu phosphate.

Tác dụng trực tiếp trên xương làm tăng huy động calci từ xương vào máu.

Tác dụng gián tiếp tăng hấp thu calci thông qua kích thích chuyển hóa vitamin D thành 1,2,5- dihydroxy Cholecalciferol là dạng vitamin D có hoạt tính. Ở nồng độ sinh lý, PTH có tác dụng duy trì nồng độ Ca++ máu. Ở nồng độ cao, PTH làm tăng Ca++ máu và tăng tiêu xương. Nhược năng tuyến cận giáp gây giảm calci máu, gây các triệu chứng khác như chân tay co quắp, dị cảm, co thắt cơ trơn, nhịp tim nhanh... Ưu năng tuyến cận giáp gây tăng calci máu, tăng calci niệu và các triệu chứng khác như rụng tóc, dễ gãy móng tay, hỏng men răng, dễ xúc động, lo lắng...

4.1.2 Chỉ định

Điều trị các bệnh do giảm calci máu như bệnh tetani, các trạng thái co quắp cơ. Hiện nay thường dùng trực tiếp calci, có thể phối hợp với vitamin D để điều trị.

Trên đây là những thông tin cần biết về hormon tuyến giáp, tuyến cận giáp và các thuốc kháng giáp. Hi vọng các bạn sẽ phần nào có cái nhìn cụ thể hơn về những hormon cũng như nhóm thuốc này.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Chuyên gia của drug.com, Thyroid drugs, drug.com. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2021
  2. ^ Tác giả: Stephanie Watson, Treating Hypothyroidism WebMD,  Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2021
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của American Thyroid Association, Thyroid Hormone Treatment, thyroid.com. Truy cập ngày 4 tháng 1 năm 2021

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 0 Thích

    cho tôi hỏi tôi bị tuyến giáp có cần kiêng đồ ăn gì không?


    Thích (0) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Dược lý hormon tuyến giáp, thuốc kháng giáp và hormon tuyến cận giáp 5/ 5 2
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Dược lý hormon tuyến giáp, thuốc kháng giáp và hormon tuyến cận giáp
    MP
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhà thuốc an huy tuyệt vời, tôi sẽ giới thiệu bạn bè đến đây mua thuốc

    Trả lời Cảm ơn (0)
  • Dược lý hormon tuyến giáp, thuốc kháng giáp và hormon tuyến cận giáp
    S
    Điểm đánh giá: 5/5

    Nhà thuốc rất uy tín

    Trả lời Cảm ơn (0)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
1900 888 633