Dược lý các vitamin tan trong dầu: Đại cương và thuốc cụ thể
Trungtamthuoc.com - Vitamin là một trong những chất thiết yếu cho hoạt động sống của cơ thể. Vậy cụ thể vitamin tan trong dầu cần thiết với cơ thể chúng ta như thế nào? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
1 Đại cương về vitamin tan trong dầu
1.1 Vitamin tan trong dầu là gì?
Khi nhắc đến các vitamin tan trong dầu, thứ nhất chúng là các vitamin, thứ 2 là những chất này có đặc điểm tan trong dầu.
Như vậy, vitamin tan trong dầu là những hợp chất hữu cơ mà đa phần cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, chúng không tan trong môi trường nước, tan được trong dầu.
Những vitamin này được dùng với lượng rất nhỏ để đảm bảo cho sự phát triển và hoạt động bình thường của cơ thể.
Các vitamin tan trong dầu bao gồm các vitamin: A, D, E, K.
1.2 Đặc điểm chung của các vitamin tan trong dầu
Hấp thu cùng với các chất mỡ vào vòng tuần hoàn chung, do đó khi cơ thể không hấp thu được mỡ thì sẽ không hấp thu được các vitamin tan trong dầu.
Trong quá trình hấp thu các vitamin này, cần phải có acid mật làm chất nhũ hoá vì mỡ không tan được trong máu. Vậy nên, muốn hấp thu tốt các vitamin này thì nên uống trong hoặc ngay sau bữa ăn.
Các vitamin tan trong dầu tương đối bền vững với nhiệt, không bị phá hủy trong quá trình nấu nướng.
Các vitamin tan trong dầu có thể được tích lũy ở gan và mô mỡ.
Do chúng được tích lũy trong cơ thể nên các triệu chứng thiếu thường xuất hiện chậm, vì vậy không cần bổ sung hàng ngày dưới dạng thuốc.
1.3 Cơ thể sẽ ra sao khi bổ sung các vitamin tan trong dầu không đúng?
Vitamin là các chất thiết yếu cho sự sinh trưởng và hoạt động của cơ thể. Khi thiếu các vitamin tan trong dầu, khiến cho các hoạt động của cơ thể không còn khỏe mạnh và gây ra các bệnh như: khô mắt, quáng gà khi thiếu vitamin A, hay bệnh còi xương chậm lớn khi thiếu vitamin D, và nhiều bệnh khác cụ thể sẽ được nêu rõ ở phần dưới.
Khi dùng liều cao, kéo dài sẽ gây độc tính, cơ thể nhiễm độc, đặc biệt là vitamin A và D. Bởi vì khi quá liều, cơ thể sẽ không thể thải trừ hết qua thận, chúng sẽ tích lũy vào gan và các mô mỡ.
2 Các vitamin tan trong dầu cụ thể
2.1 Vitamin A (Retinol)
2.1.1 Nguồn gốc
Vitamin A có nhiều trong cả động vật và thực vật.
Trong động vật thì vitamin A có nhiều trong gan cá thu, trứng, thịt, cá, sữa...
Ở thực vật, vitamin A xuất hiện nhiều trong gấc, cà chua, cà rốt và rau xanh. Trong rau quả, chúng tồn tại dưới dạng caroten (còn gọi là tiền vitamin A). Hiện nay, có 3 loại caroten là alpha caroten, beta caroten và gamma caroten, trong đó phổ biến nhất và có hoạt tính mạnh nhất là beta-caroten. Khi đưa vào cơ thể, dưới sự xúc tác của enzym carotenase, các caroten chuyển thành vitamin A.[1]
Hiện nay vitamin A còn được tạo ra bằng phương pháp tổng hợp hóa học.
Hoạt tính của vitamin A được xác định bằng đơn vị quốc tế.
1 đơn vị quốc tế bằng 0,3 microgam vitamin A hoặc 0,6 microgam beta-caroten.
2.1.2 Dược động học
Vitamin A hấp thu có thể được qua đường uống và tiêm. Tuy nhiên, cơ thể phải có đủ acid mật làm chất nhũ hoá thì vitamin A mới hấp thu qua đường tiêu hoá được. Khả năng liên kết của Vitamin A với protein huyết tương thấp, chủ yếu là alpha- globulin, chúng phân bố vào các tổ chức của cơ thể. Được dự trữ nhiều nhất ở gan, thải trừ qua thận và mật.
2.1.3 Tác dụng và cơ chế
Với mắt
Vitamin A có vai trò quan trọng trong hoạt động thị giác, giúp mắt nhìn được trong điều kiện thiếu ánh sáng. Đó là do vitamin A giúp tạo ra sắc tố võng mạc. Đây cũng chính là tác dụng quan trọng nhất của vitamin A.
Cơ chế: Khi ở trong bóng tối vitamin A sẽ kết hợp với opsin hình thành nên sắc tố võng mạc có tên là rhodopsin. Đây là sắc tố nhạy cảm với ánh sáng có cường độ thấp ở tế bào hình nón của võng mạc, sẽ giúp mắt ta nhận được các hình ảnh trong điều kiện thiếu ánh sáng. Và khi ra ánh sáng, rhodopsin lại phân hủy giải phóng ra opsin và trans - retinal. Sau đó trans - Retinal lại chuyển thành dạng cis - retinal hoặc dạng trans - retinal và tiếp tục đi vào chu kỳ của sự nhìn. Do đó nếu thiếu vitamin A, khả năng quan sát trong bóng tối sẽ giảm, gây ra bệnh quáng gà, nếu như không điều trị kịp thời có thể dẫn đến nguy cơ mù lòa.
Trên biểu mô và tổ chức da
Vitamin A rất cần thiết cho quá trình biệt hoá ở các tế bào biểu mô ở da và niêm mạc. Kích thích biệt hóa tế bào biểu mô, sinh tăng tiết nhầy và ức chế sự sừng hóa ở tế bào biểu mô.
Nếu thiếu vitamin A, cơ thể sẽ giảm hoặc mất cơ chế bài tiết chất nhầy, đồng thời biểu mô bị teo lại, cùng với đó các lớp keratin dày, lên làm da trở lên khô, nứt nẻ và sần sùi. Ngoài ra, ở những người này còn tăng nhạy cảm với các chất gây ung thư. Không những thế, các tế bào nền của biểu mô tăng sản rõ rệt, giảm khả năng biệt hóa.
Trên xương: vitamin A và vitamin D, có vai trò quan trọng cho sự phát triển xương và tham gia vào quá trình phát triển cơ thể, đặc biệt là ở trẻ em. Do đó, nếu thiếu vitamin A thì trẻ em sẽ còi xương, chậm lớn.
Trên hệ miễn dịch: vitamin A làm tăng sức đề kháng của cơ thể với vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng. Khi thiếu vitamin A cơ thể dễ bị nhiễm khuẩn và dễ nhạy cảm với tác nhân gây ung thư.
Ngoài ra, khi thiếu vitamin A còn dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp, tiết niệu, sinh dục.
2.1.4 Chỉ định
Dự phòng và điều trị các bệnh do thiếu vitamin A như:
- Bệnh khô mắt, quáng gà, viêm loét giác mạc...
- Các bệnh về da như khô da, trứng cá, vảy nến, chậm lành vết thương...
- Trẻ em chậm lớn, còi xương, suy dinh dưỡng, sức đề kháng của cơ thể kém…
- Bệnh trứng cá.
- Dùng trong những trường hợp phòng chống lão hóa.
- Dùng bổ sung vitamin A cho người xơ gan nguyên phát do tắc mật hay gan ứ mật mạn tính.
2.1.5 Tác dụng không mong muốn
Chủ yếu gặp khi dùng liều cao hoặc dùng dài ngày.
Ngộ độc cấp tính: khi dùng liều rất cao. Người lớn với liều trên 1.500.000 IU mỗi ngày. Trẻ em với liều trên 300.000 IU mỗi ngày. Người bị ngộ độc có các biểu hiện sau: hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, nôn, kích thích, nhức đầu, mê sảng, co giật, tiêu chảy. Trẻ nhỏ có thể phồng thóp, co giật. Các triệu chứng thường xuất hiện sau khi dùng thuốc từ 4 - 6 giờ.
Ngộ độc mãn tính: khi dùng liều cao > 100.000 IU/ngày liên tục 10 - 15 ngày. Khi người bệnh bị ngộ độc mãn tính sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau là: mệt mỏi, dễ bị kích thích, chán ăn, sụt cân, nôn, rối loạn tiêu hoá, sốt, gan to, lách to, da khô tróc vảy, rụng tóc, tóc, chảy máu, thiếu máu, nhức đầu, tăng calci máu, phù nề, đau nhức xương khớp.
Trẻ em có thể tăng áp lực nội sọ, ù tai, ngừng hoặc giảm khả năng phát triển xương dài, chậm lớn do các đầu xương bị cốt hoá quá sớm.
Phụ nữ có thai dùng liều cao, liên tục có thể gây quái thai.
2.1.6 Chống chỉ định
Không dùng với những trường hợp thừa vitamin A và người mẫn cảm với vitamin A.
Tránh dùng vitamin A liều cao hoặc kéo dài đối với phụ nữ có thai.
2.1.7 Chế phẩm và liều dùng
Chế phẩm
- Retinol, viên nang cứng, nang mềm 5.000 IU, 50.000 IU.
- Ống tiêm mL và 2mL hàm lượng 20.000, 100.000 và 500.000 IU. Viên nang phối hợp với vitamin D (5.000 IU vitamin A + vitamin D 400IU).
Liều dùng: tùy thuộc vào tình trạng của người bệnh.
Phòng ngừa thiếu vitamin A: 5.000 - 10.000 IU/ngày. Điều trị: 30.000 IU/ngày dùng trong 1 tuần.
Với những trường hợp bệnh nhân thiếu nặng, có tổn thương dùng với liều 20.000 IU/kg/ngày, và dùng ít nhất 5 ngày liên tục.
Có thể dùng liều cao cách quãng như sau:
- Dự phòng: 3 - 6 tháng uống 1 liều 200.000 IU (trẻ dưới 1 tuổi uống 1/2 liều trên).
- Điều trị: tùy vào mức độ và tình trạng bệnh.
2.2 Vitamin D (Calciferol)
Vitamin D được coi như là 1 hormone vì chúng được tổng hợp dưới da, đi vào máu và tới các cơ quan đích gây nên tác dụng thông qua receptor đặc hiệu.
2.2.1 Nguồn gốc
Vitamin D có nhiều trong thức ăn từ động vật như sữa, bơ, dầu gan cá.. Ngoài ra còn có trong một số loài cây như cây họ cà, đặc biệt là solanum glaucophyllum.
Trong cơ thể người, vitamin D3 (Cholecalciferol) được tổng hợp từ 7- dehydrocholesterol ở các tế bào dưới da nhờ vào ánh sáng tử ngoại. Nếu da được tiếp xúc đủ với ánh sáng mặt trời thì lượng vitamin D3 được tạo ra từ các tế bào dưới da có thể cung cấp đủ nhu cầu về vitamin D cho cơ thể.
Vitamin D2 (Ergocalciferol) có nguồn gốc tổng hợp từ ergosterol - chất tiền thân của vitamin D2 - có trong nấm và men bia.
Về hoạt tính thì nhìn chung không có sự khác nhau nhiều giữa vitamin D2 và D3.
2.2.2 Dược động học
Hấp thu: Vitamin D được hấp thu tốt ở ruột non nhờ muối mật và lipid.
Phân bố: Trong cơ thể, vitamin D liên kết với alpha globulin huyết tương, và được tích lũy ở gan, mô mỡ.
Chuyển hóa: vitamin D sau khi hấp thu được chuyển hóa ở gan và thận thông qua enzym hydroxylase. Quá trình chuyển hóa tạo thành 1,25 - dihydroxycholecalciferol - chất chuyển hoá có hoạt tính.
Thải trừ: vitamin D được thải trừ chủ yếu qua mật, một phần nhỏ thải qua nước tiểu. Chất mẹ và chất chuyển hóa có chu kỳ gan ruột.
2.2.3 Tác dụng và cơ chế
Tham gia vào quá trình tạo xương: vitamin D tham gia vào quá trình chuyển hoá calci và phosphat, vì vậy chúng có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xương. Vitamin D làm tăng tích tụ calci trong xương và giảm bài tiết phosphat ở ruột, giúp chuyển hóa phosphat hữu cơ thành phosphat vô cơ. Do đó, vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển bình thường của trẻ em.
Điều hòa nồng độ calci trong máu: giúp cho nồng độ calci máu luôn hằng định (cũng theo các cơ chế trên). Nếu các quá trình trên không cung cấp đủ calci, làm nồng độ calci máu giảm thì vitamin D (kết hợp với hormon tuyến cận giáp) sẽ huy động calci từ xương ra.
Ngoài ra, vitamin D còn tham gia quá trình biệt hoá tế bào biểu mô và gần đây đang nghiên cứu về tác dụng ức chế tăng sinh tế bào ung thư như ung thư tuyến tiết melanin, ung thư vú....
Khi thiếu vitamin D, làm giảm hấp thu calci trong ruột, dẫn đến giảm calci máu. Lúc này, cơ thể có cơ chế bù trừ bằng cách huy động calci từ xương ra để ổn định nồng độ calci máu. Do đó, có thể khiến trẻ em bị còi xương, chậm lớn, người lớn nguy cơ loãng xương… Phụ nữ mang thai khi thiếu vitamin D có thể sinh ra trẻ khuyết tật ở xương.
2.2.4 Chỉ định
Vitamin D được chỉ định trong các trường hợp sau:
- Dự phòng và ngăn ngừa ngừa nguy cơ còi xương do thiếu vitamin D ở trẻ em.
- Phòng chống và hạn chế tình trạng loãng xương, nhuyễn xương, dễ gãy xương ở người lớn.
- Phòng và chống co giật do suy cận giáp.
- Hội chứng Fanconi.
- Một số bệnh ngoài da như chứng xơ cứng bì.[2]
2.2.5 Tác dụng không mong muốn
Một số tác dụng không mong muốn có thể xuất hiện trên lâm sàng trong quá trình sử dụng sản phẩm vitamin D:
- Dùng quá liều có thể gây nên các biểu hiện tăng calci huyết, calci niệu, có thể dẫn đến đau nhức xương khớp.
- Nguy cơ sỏi thận, tăng huyết áp… khi sử dụng kéo dài.
- Ngoài ra, có thể gặp suy nhược, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, giòn xương...
2.2.6 Chống chỉ định
Tăng calci máu.
Bệnh cấp tính ở gan thận.
Lao phổi đang tiến triển.
Mẫn cảm với vitamin D.
2.2.7 Chế phẩm và liều dùng
Chế phẩm:
- Vitamin D3 (Cholecalciferol), dung dịch uống, tiêm 300.000 IU và 600.000IU.
- Vitamin D2 (Ergocalciferol), viên bao đường, nang 500 và 1000 IU. Dung dịch dầu uống 25.000, 50.000 và 200.000 IU. Dung dịch dầu tiêm 600.000 IU (15mg).
- Calcifediol (25 hydroxycholecalciferol), viên nang 20, 50 microgam.
- Calcitriol (1, 25 - dihydroxycholecalciferol), viên nang 0,25; 0,5microgam, dung dịch tiêm 1 - 2 microgam/mL. 1 IU Cholecalciferol = 0,025microgam.
Liều dùng:
- Phòng còi xương: 500 - 1.000 IU/ngày vào bữa ăn hoặc 6 tháng tiêm bắp hoặc uống 1 ống (300.000 IU) vitamin D3.
- Trị còi xương: 10.000 - 20.000 IU chia 2 - 3 lần X 6 - 8 tuần.
- Trị loãng xương: 600.000 IU cứ 6 tháng tiêm 1 lần. Trị tạng dễ co giật: 50.000 - 200.000 IU/24h x 2 lần/tuần hoặc uống 1 - 3 ống/tuần (ống 600.000 IU).
2.3 Vitamin E (Tocoferol)
Vitamin E gồm có 3 dạng là alpha, beta, gamma - tocoferol. Chúng có cấu trúc và tác dụng dược lý tương tự nhau. Trong đó alpha - tocoferol có hoạt tính mạnh nhất, chiếm 90% lượng tocopherol trong mô. Hoạt tính của 1 mg alpha - tocoferol bằng 1 đơn vị vitamin E.
2.3.1 Nguồn gốc
Vitamin E có nhiều trong các loại hạt ngũ cốc, lúa mì, dầu ô liu, rau xanh, lòng đỏ trứng...
Hàm lượng vitamin E trong:
- Dầu cám: 3,2mg/g.
- Dầu bột lúa mì: 2,55mg/g.
- Dầu đậu nành: 1,18 mg/g.
2.3.2 Dược động học
Cũng như các vitamin khác cùng nhóm, Vitamin E được hấp thu tốt qua niêm mạc ruột nhờ tác dụng nhũ hóa của acid mật. Sau khi vào cơ thể, vitamin E liên kết với lipoprotein huyết tương, phân bố rộng rãi vào các mô, tích lũy nhiều ở gan và các mô mỡ. Thải trừ chủ yếu qua phân.
2.3.3 Tác dụng và cơ chế
Vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, giúp bảo vệ màng tế bào trước sự oxy hóa của các gốc tự do, nhờ đó đảm bảo được tính toàn vẹn của màng tế bào. Vitamin E hiệp đồng tác dụng với các vitamin và hợp chất khác như vitamin C, selen, vitamin A và các caroten. Đặc biệt vitamin E làm bền vững vitamin A, giúp bảo vệ nó trước các tác nhân oxy hóa.[3]
Khi thiếu vitamin E, người bệnh dễ mắc các chứng: rối loạn thần kinh, yếu cơ, nhãn cầu bị rung giật, xúc giác giảm độ nhạy cảm, dễ tổn thương da, dễ vỡ hồng cầu, dễ tổn thương cơ và tim. Đặc biệt, khi thiếu vitamin E trên cơ quan sinh sản, thấy tổn thương cơ quan sinh dục, gây vô sinh. Vì vậy ngày nay thường phối hợp vitamin E với các thuốc khác để điều trị vô sinh ở nam và nữ, sẩy thai, rối loạn kinh nguyệt, rối loạn tim mạch...
Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng minh các tổn thương trên chỉ là do thiếu vitamin E gây nên và cũng chưa chứng minh được hiệu quả điều trị của vitamin E trên các bệnh này.
2.3.4 Chỉ định
Dùng phòng và điều trị với những trường hợp thiếu vitamin E.
Kết hợp với vitamin A, Vitamin C và selen dùng làm thuốc chống oxy hóa trong các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, tăng lipoprotein huyết....
Ngoài ra có thể dùng phối hợp điều trị doạ sẩy thai, sẩy thai liên tiếp, vô sinh, thiểu năng tạo tinh trùng, rối loạn thời kỳ tiền mãn kinh, cận thị tiến triển, thiếu máu tan máu, teo cơ, loạn dưỡng cơ; dùng ngoài để ngăn tác hại của tia cực tím.
2.3.5 Tác dụng không mong muốn
Vitamin E ít khi gây tác dụng không mong muốn.
Các phản ứng có thể gặp là buồn nôn, nôn, đầy hơi, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt.
2.3.6 Chế phẩm và liều dùng
Chế phẩm:
- Viên nén, viên bao đường, viên nang mềm chứa 10, 50, 100, 200, 250, 400mg.
- Dung dịch tiêm: 30, 100 và 200mg/mL.
- Thuốc mỡ, kem dùng ngoài các loại hàm lượng phối hợp với các thuốc khác.
Liều dùng:
- Người lớn uống 10 - 100mg/24h, tiêm bắp 30 - 200mg/lần/tuần.
- Trẻ em: uống 10 - 50mg x 2 - 3 lần/tuần hoặc tiêm bắp 30 – 100mg/tuần.
2.4 Vitamin K
2.4.1 Nguồn gốc
Vitamin K là một trong những vitamin tan trong dầu, được tổng hợp ở gan. Có 4 loại vitamin K như sau:
- Vitamin K1 (Phytomenadione): có nhiều ở các loài thực vật như bắp cải, cà chua...
- Vitamin K2: do loại vi khuẩn ruột ở cơ thể tổng hợp.
- Vitamin K3 và vitamin K4: là dạng vitamin được tổng hợp. Vào cơ thể vitamin K3 chuyển thành Vitamin K2 có hoạt tính vì thế vitamin K3 có tác dụng chậm.
2.4.2 Dược động học
Vitamin K là vitamin tan trong dầu, hấp thu qua ruột nhờ tác dụng nhũ hóa của acid mật, dịch tụy. Loại vitamin K tổng hợp tan được ở trong nước, vào được tuần hoàn. Thuốc qua máu tới gan. Xuất hiện tác dụng sau tiêm 1 - 2 giờ hoặc sau uống 6 - 12 giờ và kéo dài 8 - 12 giờ. Vitamin K thải qua mật, dưới dạng liên hợp với acid glucuronic và một phần thải qua thận (15%).
2.4.3 Tác dụng và cơ chế
Vitamin K giúp cho gan tổng hợp các yếu tố đông máu như yếu tố II (prothrombin), VII, IX, X. Vitamin K kích hoạt hệ thống enzym microsom gan, carboxyl hoá PIVKA để chuyển thành các yếu tố đông máu II, VII, IX, X có hoạt tính. Các yếu tố đó kết hợp với Ca++ trên bề mặt tiểu cầu, chuyển fibrinogen thành fibrin cùng với xúc tác của thrombin tạo nên quá trình đông máu..[4]
2.4.4 Chỉ định
Dùng cho những người thiếu vitamin K do các nguyên nhân khác nhau như:
- Chảy máu do giảm prothrombin máu thứ phát như: sau ngộ độc các thuốc Coumarin, Indandion, Salicylat...
- Chảy máu ở trẻ sơ sinh.
- Chảy máu do dùng thuốc chống đông.
- Đề phòng chảy máu trong và sau phẫu thuật.
- Cơ thể kém hấp thu vitamin K (bệnh gan, mật... ) hoặc thiếu vitamin K do loạn khuẩn.
- Ngộ độc dẫn xuất Coumarin.
2.4.5 Tác dụng không mong muốn
Vitamin K3 có liều độc gấp 100 lần liều điều trị. Tuy nhiên, ở trẻ em dưới 30 tháng tuổi nếu sử dụng vitamin K có thể gặp thiếu máu tan máu và chết do vàng da tan máu.
Tiêm bắp: có thể gây chai cứng vùng tiêm.
Tiêm tĩnh mạch: phải tiêm thật chậm, nếu nhanh sẽ gây co thắt khí quản, tim đập nhanh, tím tái, tụt huyết áp, toát mồ hôi, đỏ bừng mặt.
Trẻ sơ sinh thiếu tháng dùng liều cao (> 5mg/ kg/ngày) gây tăng bilirubin huyết, thiếu máu tan máu.
Vitamin K3, K4 hay gây rối loạn tiêu hoá: chúng gây kích ứng niêm mạc đường tiêu hoá, dẫn đến cảm giác buồn nôn, nôn. Kích ứng niêm mạc thận gây xuất hiện Albumin niệu và làm nặng thêm bệnh gan ở người suy gan. Gây tan máu ở những người thiếu G6PD.
2.4.6 Chống chỉ định
Không dùng trong những trường hợp chảy máu mà nguyên nhân không phải do thiếu vitamin K, ví dụ như: chảy máu mất máu trong chấn thương, trong chảy máu đường tiêu hóa nặng do viêm, loét dạ dày - tá tràng hoặc thủng dạ dày; sốc mất máu...
2.4.7 Chế phẩm
Phytonadione (Vitamin K1, Phylloquinone, Phytomenadione) viên nén 5mg, ống tiêm 2mg/ mL, 10mg/mL. Tùy theo từng chỉ định mà sử dụng với liều khác nhau. Trung bình 10 - 20mg/ngày.
Menadione (Vitamin K3): viên nén 5mg, ống tiêm 2mg/lmL.
Menadiol natri diphosphat (Vitamin K4): viên nén 5mg, ống tiêm 2mg/ lmL. Uống, tiêm dưới da, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch, liều trung bình 15 - 20mg/ngày.
Hy vọng với những thông tin trong bài viết sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vai trò cũng như các chế phẩm vitamin tan trong dầu. Chúc các bạn biết cách bổ sung vitamin phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Chuyên gia Mayo Clinic (Đăng ngày 13 tháng 11 năm 2020). Vitamin A, Mayo Clinic. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Drugs.com (Đăng ngày 20 tháng 1 năm 2021). Vitamin D, Drugs.com. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: Saliha Rizvi, Syed T. Raza, Faizal Ahmed, Absar Ahmad, Shania Abbas và Farzana Mahdi (Đăng ngày 4 tháng 7 năm 2014). The Role of Vitamin E in Human Health and Some Diseases, NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của NIH. vitamin K, NIH. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.