Động thai: nguyên nhân, dấu hiệu, cách xử trí và phòng ngừa
Trungtamthuoc.com - Một trong những điều làm cho nhiều mẹ bầu hoảng hốt khi mang thai đấy chính là sự xuất hiện của các dấu hiệu động thai. Hiện tượng động thai (dọa sảy thai) thường diễn ra khi thai nhi trước 20 tuần tuổi. Động thai có thể dẫn đến sảy thai. Sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu: Động thai là gì, các dấu hiệu động thai, nguyên nhân và cách xử trí khi bị động thai.
1 Động thai là gì?
Động thai hay còn được biết đến là hiện tượng dọa sẩy thai, là hiện tượng khi âm đạo xuất hiện chút máu kèm theo tình trạng mỏi vai, đau bụng, bụng dưới trướng lên. Hiện tượng này thường xảy ra vào 3 tháng đầu của thai kỳ, đây là giai đoạn quan trọng cho sự làm tổ trong tử cung của thai nhi. [1]
2 Dấu hiệu và chẩn đoán động thai
2.1 Dấu hiệu động thai
Khi thai phụ xuất hiện những triệu chứng sau đây có thể cảnh báo động thai, mẹ nên cẩn thận và thăm khám bác sĩ kịp thời:
Hơi đau tức ở phần bụng dưới kèm theo cảm giác mỏi ở vùng thắt lưng. Có trường hợp, mẹ bầu có triệu chứng đau như đang trong giai đoạn hành kinh.
Khi thay đồ lót hoặc vệ sinh cơ thể, mẹ bầu có thể thấy có chảy một ít máu như giai đoạn sắp hết kỳ kinh, chỉ trừ một số bà mẹ chảy máu nhiều. Đây chính là lý do tại sao, các bà mẹ thường được khuyên nên lựa chọn những quần lót màu trắng trong suốt thời kỳ mang thai.
Có một số bà mẹ có thể xuất hiện dịch nhầy lẫn máu. nếu dịch nhầy này có mùi hôi, mẹ cần đi khám bác sĩ ngay. [2]
Xuất hiện các cơn co sớm khi thai nhi mới chỉ dưới 20 tuần.
Chảy máu âm đạo đi kèm với áp lực do thai nhi đè lên vùng chậu.
Khi siêu âm có hiện tượng bóc tách một phần của bánh nhau hay màng nhau.
2.2 Chẩn đoán động thai
Bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và sức khỏe và thực hiện xét nghiệm có thể bao gồm:
- Siêu âm.
- Theo dõi tim thai.
- Xét nghiệm máu HCG. [3]
3 Phân biệt động thai và sảy thai
Động thai và sảy thai khác nhau như thế nào? Động thai có xảy ra sẩy thai hay không?
3.1 Động thai
Khi bị động thai, thông thường lượng máu chảy ra từ âm đao chỉ một lượng ít, máu có màu đỏ hoặc màu đen và thường có lẫn với dịch nhầy. Thai phụ có đau bụng dưới. Tuy nhiên động thai thì thai nhi vẫn còn sống và chưa bị đẩy ra khỏi buồng tử cung.
Cổ tử cung có thể bị mở hoặc vẫn đóng kín, vẫn giữ được thai trong tổ. Tử cung to tương ứng với tuổi thai. Kèm theo, thai phụ có thể có cảm thấy mỏi vai.
3.2 Sảy thai
Sảy thai là hiện tượng thai nhi đã chết trong bụng mẹ. Có hai trường hợp xảy ra:
Sảy thai hoàn toàn: Xuất hiện những cơn đau quặn bụng cùng với xuất huyết âm đạo. Một thời gian sau, cả thai nhi và nhau thai cùng xổ ra ngoài tử cung. Sau đó, bệnh nhân hết đau quặn bụng, tuy nhiên máu vẫn có thể tiếp tục rỉ ra như kinh nguyệt.
Sảy thai không hoàn toàn: Đây là hiện tương mà thai nhi và nhau thai vẫn còn một phần trong tử cung. Sau khi sảy thai xảy ra, cơn đau quặn bụng đã giảm nhưng chảy máu vẫn xảy ra, thậm chí có băng huyết nguy hiểm.
4 Nguyên nhân gây động thai
Sự nhiễm trùng.
Tổn thương, chấn thương ở bụng.
Một số loại thuốc, hóa chất.
Tuổi mẹ cao trên 35 tuổi.
Béo phì và bệnh tiểu đường không kiểm soát được. [4]
5 Xử lý động thai
5.1 Xử trí ban đầu
Việc đầu tiên cần làm là nghỉ ngơi, thậm chí nghỉ ngơi tại giường, không vận động mạnh và di chuyển xa.
Ngoài ra, nên đến gặp bác sĩ để xác định mức độ động thai. Trong một số trường hợp cần thiết, thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định dùng thuốc co thắt hoặc khâu vòng cổ tử cung.
Khi bị đau bụng, tuyệt đối không được xoa bụng. Bởi vì khi xoa bụng sẽ kích thích đẩy thai nhi ra ngoài.
Kiêng hoàn toàn quan hệ vợ chồng để ổn định tử cung.
Chế độ ăn: Nên ăn các thực phẩm dễ tiêu hóa, ăn nhiều hoa quả và rau xanh, không nên ăn các đồ chiên rán, tránh xa các đồ uống có cồn và các chất kích thích.
Giữ tâm lý và tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress.
5.2 Dùng thuốc điều trị
Bác sĩ cũng có thể tiêm Progesterone để tăng nồng độ hormone.
Bác sĩ của bạn cũng sẽ sử dụng globulin miễn dịch Rh nếu thai phụ có nhóm máu Rh âm tính và thai nhi đang phát triển của bạn có nhóm máu Rh dương tính. [5]
6 Các tư thế nằm khi động thai và hạn chế động thai thai phụ không thể bỏ qua
6.1 Tư thế nằm khi bị động thai
Nằm bất động trên giường để giảm các tác động đến thai nhi, đảm bảo an toàn cao nhất cho em bé. Với tư thế nằm này, đậtps lực của tử cung lên các tĩnh mạch, dồn lượng máu phần dưới cơ thể chảy ngược về tim. Khi thai phụ thấy các cảm giác mệt mỏi đã giảm, có thể đi lại nhẹ nhàng.
Trong suốt quá trình mang thai, tư thế nằm nghiêng sang trái, chân trái duỗi còn chân phải gấp là tư thế tốt cho quá trình mang thai. Tư thế này giúp tim hoạt động dễ dàng hơn bởi nó giúp cho sức nặng của thai nhi không đè lên các tĩnh mạch vận chuyển máu từ chân trở về tim, cũng như lưu thông máu dễ dàng đến dạ con, bào thai và thận. Tư thế này giúp thai nhi thoải mái, phát triển ổn định không bị động thai.
6.2 Tư thế nằm giúp hạn chế động thai
6.2.1 Giai đoạn tam cá nguyệt thứ nhất
Đây là giai đoạn nhạy cảm nhất giúp thai nhi ổn đinh trong tổ, giai đoạn rất dễ bị động thai, do đó mẹ cần một tư thế nừm sao cho thoải mái nhất. Tuy nhiên ở giai đoạn này, thai nhi chưa phát triển nhiều nên mẹ có thể nằm ở mọi tư thế, trừ nằm sấp.
6.2.2 Giai đoạn tam cá nguyệt thứ 2
Giai đoạn này mẹ đã thoải mái hơn nhiều, và ít xảy ra động thai ở giai đoạn này. Tuy nhiên với một số bà mẹ tình trạng dọa sẩy có thể xảy ra trong suốt thai kỳ, vì vậy vẫn cần nằm ở một tư thế tốt cho con và thoải mái cho mẹ.
Giai đoạn này, thai nhi đã khá lớn, tránh các tác động từ bên ngoài, hạn chế gây áp lực lên thai nhi. Các bà mẹ có thể nằm nghiêng trái, hoặc cũng có thể nằm ngửa nhưng chân kê cao lên để tuần hoàn được lưu thông tốt hơn.
6.2.3 Giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3
Giai đoạn 3 tháng cuối của thai kỳ, tử cung thường xoay về phía bên phải, vì vậy tư thế nằm nghiêng về bên trái sẽ giúp giảm bớt áp lực lên động mạch cản trở lưu thông máu đến thai nhi và vùng xương chậu. Trong giai đoạn này, nếu có sự cản trở lưu thông máu sẽ giảm sự cung cấp dưỡng chất từ mẹ cho thai nhi. Bên cạnh đó, khi nằm nghiêng sẽ giúp mẹ bầu giảm hiện tượng sưng phù ở chân.
7 Phòng, tránh hiện tượng động thai
Luôn lạc quan, giữ cho mình tư tưởng thoải mãi, thư giãn, tránh stress, căng thẳng.
Duy trì chế độ ăn uống đủ chất trong suốt thai kì, ăn các loại thức ăn dễ tiêu hoá, ít dầu mỡ, chú ý đến việc kết hợp giữa rau xanh, hoa quả và tinh bột, không được ăn những loại có chất kích thích, nghiêm cấm hút thuốc lá, uống rượu, bia, thức ăn tái sống. Ngoài ra, mẹ bầu có thể sử dụng một số món ăn an thai giúp bồi bổ cho thai nhi như cháo gà, cháo cá chép, nước hạt Sen,…
Chú ý nghỉ ngơi hợp lý và không thức quá khuya.
Tránh lao động, vận động mạnh, làm việc nặng.
Hạn chế quan hệ và quan hệ quá mạnh bạo trong tam cá nguyệt đầu tiên
Tuyệt đối không hút thuốc lá và uống các thức uống chứa chất kích thích như bia, rượu, cà phê…
Tuyệt đối không nghe theo những lời dân gian truyền miệng mà uống đủ các loại thuốc nam thuốc bắc không rõ nguồn gốc hay ăn các loại lá, thảo mộc được cho là có công dụng an thai mà không được kiểm chứng rõ ràng
Khám thai định kì để theo dõi sức khỏe mẹ và thai nhi.
Tài liệu tham khảo
- ^ LaQuita Martinez (Ngày đăng 12 tháng 2 năm 2020). Miscarriage - threatened, Medline Plus. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021
- ^ Alexandros Sotiriadis, Stefania Papatheodorou ,và George Makrydimas. Threatened miscarriage: evaluation and management, NCBI. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021
- ^ Krissi Danielsson (Ngày đăng 13 tháng 09 năm 2021). Signs and Risks of a Threatened Miscarriage, Verywell Family. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021
- ^ Jaime Herndon (Ngày đăng 18 tháng 1 năm 2016). Threatened Abortion (Threatened Miscarriage), Healthline. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021
- ^ Jaime Herndon (Ngày đăng 18 tháng 1 năm 2016). Threatened Abortion (Threatened Miscarriage), Healthline. Truy cập ngày 15 tháng 11 năm 2021