Dị ứng thức ăn: triệu chứng và cách chữa trị ai cũng nên biết
Trungtamthuoc.com - Dị ứng thức ăn là tình trạng mà khá nhiều người gặp phải, đặc biệt là những người cơ địa nhạy cảm. Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy tìm hiểu nguyên nhân, triệu chứng và cách xử trí khi gặp phải tình trạng này qua bài viết sau!
1 Dị ứng thức ăn là gì?
Dị ứng thức ăn là các phản ứng miễn dịch bất thường của cơ thể với một vài loại thực phẩm nhất định. Loại thức ăn này vì một lý do nào đó mà bị hệ miễn dịch của cơ thể nhận nhầm là tác nhân có hại và bắt đầu kích thích phản ứng lại chúng gây ra tình trạng dị ứng.
Phản ứng dị ứng thức ăn có thể thông qua IgE, không IgE hoặc cả hai.[1]
2 Nguyên nhân dị ứng thức ăn
Nguyên nhân gây ra tình trạng dị ứng thức ăn thường là do trong các loại thực phẩm có chứa nhiều histamin và những chất hóa học trung gian làm giãn mao mạch, thoát huyết tương,... Kết quả là làm các chất đọng lại trong cơ thể và gây phù nề.
Theo nghiên cứu, những chất thường dễ gây ra dị ứng thức ăn là protein có nguồn gốc động vật hoặc thực vật. Bởi các loại protein này thường bền với nhiệt, khi nấu ở thiệt độ cao, chúng vẫn giữ được cấu trúc ban đầu hoặc các enzyme tiêu hóa không phân hủy được các protein này nên dễ gây dị ứng.
Khi hệ thống miễn xác nhận nhầm các chất trong thức ăn là có hại, chúng sẽ giải phóng ra kháng thể IgE nhằm vô hiệu hóa các chất này gây ra tình trạng dị ứng.
Một số phản ứng dị ứng không qua trung gian IgE thường biểu hiện trên đường tiêu hóa.
3 Biểu hiện của dị ứng thức ăn
Dị ứng thức ăn có biểu hiện rất đa dạng và phức tạp phụ thuộc vào độ tuổi, loại thức ăn, tình trạng sức khỏe,...
3.1 Dị ứng thức ăn qua trung gian IgE
Các dấu hiệu dị ứng phổ biến nhất khi bị dị ứng thức ăn qua trung gian IgE là:
Dị ứng thức ăn nổi mề đay: Biểu hiện lâm sàng trên da hay gặp nhất, thường xuất hiện sau ăn một vài phút tới 1 giờ và biến mất sau một thời gian nhất định.
Viêm mũi/viêm kết mạc dị ứng: Thường xuất hiện kèm theo các triệu chứng toàn thân. Bệnh nhân thường cảm thấy ngạt mũi, ngứa mũi, chảy nước mũi, ho,... kèm theo đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt,... Tình trạng này thường xảy ra sau khi ăn một vài phút tới 1 giờ.
Biểu hiện tại đường tiêu hóa: Các triệu chứng hay gặp bao gồm buồn nôn, nôn, đau bụng,... xuất hiện sau ăn 1 phút đến 2 giờ. Có thể tiêu chảy sau 2 - 6 giờ sau đó.
Sốc phản vệ do thức ăn: Tình trạng này chiếm tới 50% các trường hợp sốc phản vệ tại phòng cấp cứu. Bệnh nhân thường có dấu hiệu khó thở, tụt huyết áp nhanh, rối loạn nhịp tim, mất ý thức và có thể tử vong nếu không nhanh chóng được cấp cứu. Các tác nhân thường dễ gây sốc phản vệ là lạc, đậu, hải sản,...
Viêm da dị ứng: Có tới 40% trẻ em bị viêm da dị ứng là do mẫn cảm với đồ ăn.
Hen phế quản: Hay gặp ở những công nhân làm việc lâu trong nhà máy sản xuất thực phẩm.
3.2 Dị ứng thức ăn không qua trung gian IgE
Kiểu dị ứng thức ăn không qua trung gian IgE thường là phản ứng dị ứng bán cấp hoặc mạn tính, có các triệu chứng chủ yếu trên đường tiêu hóa.
Viêm ruột: Hay gặp ở trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi, đặc biệt là từ 1 tuần đến 3 tháng. Các triệu chứng điển hình là nôn, tiêu chảy, phân đen, kém hấp thu sau ăn,... Không gặp ở những trẻ được nuôi bằng sữa mẹ. Phần lớn trẻ bị bệnh sẽ dung nạp với thức ăn sau 3 tuổi.
Viêm trực tràng: Hay gặp ở tháng đầu sau sinh với biểu hiện chủ yếu là có hồng cầu trong phân. Thường là do cho trẻ uống sữa bò, đậu nành.
Bệnh Celiac: Do ruột non nhạy cảm với gluten có trong thức ăn. Hay gặp ở người từ 10 - 40 tuổi do yếu tố di truyền. Tỉ lệ mắc chiếm tới 0,5 - 1% dân số. Các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mạch,... chứa nhiều gluten là những tác nhân thường gặp nhất. Bệnh biểu hiện chủ yếu tại đường tiêu hóa như đau bụng, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, nôn, đi ngoài ra máu,...
Bệnh phổi nhiễm sắt: Hiếm gặp, nguyên nhân chủ yếu là do uống sữa bò. Biểu hiện cụ thể là giảm Sắt huyết thanh, tăng thâm nhiễm sắt tại phổi, viêm phổi tái diễn nhiều lần ở trẻ nhỏ.
Viêm thực quản tăng bạch cầu ái toan: Hay gặp ở trẻ với triệu chứng nôn, khó nuốt, đau bụng,... Loại thức ăn hay gặp là sữa bò, đậu nành, ngô, lúa mì, và thịt bò.
Viêm dạ dày- ruột tăng bạch cầu ái toan: Có thể gặp ở mọi lứa tuổi với biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy, kém hấp thu, giảm cân,... có kèm theo viêm da dị ứng, hen phế quản, viêm mũi dị ứng.[2]
4 Các xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm cơ bản để đánh giá toàn trạng và các bệnh lý phối hợp.
Xét nghiệm đặc hiệu để xác định nguyên nhân dị ứng thức ăn và mức độ bệnh.
Xét nghiệm lẩy da với dị nguyên thức ăn: Đây là phương pháp đơn giản để đánh giá khi nghi ngờ dị ứng qua trung gian kháng thể IgE.
Định lượng IgE đặc hiệu với dị nguyên thức ăn: Xét nghiệm sàng lọc dị ứng thức ăn, tuy nhiên chi phí cao.
Xét nghiệm áp với dị nguyên thức ăn: Nhằm đánh giá khi nghi ngờ dị ứng thức ăn không qua trung gian IgE.
Xét nghiệm kích thích với thức ăn: Tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán dị ứng thức ăn.
5 Chẩn đoán dị ứng thức ăn
Để biết được tiền sử dị ứng, bác sĩ có thể hỏi bệnh nhân các câu hỏi như sau:
Thời gian xảy ra phản ứng dị ứng cụ thể sau khi ăn?
Thường gặp sau khi ăn loại thực phẩm nào?
Có ai có triệu chứng tương tự sau khi ăn không?
Đã từng xất hiện phản ứng tương tự trước đây chưa, mức độ phản ứng có phụ thuộc vào lượng thức ăn không?
Thực phẩm đã ăn có được nấu chín không hay còn tươi sống?
Các loại thức ăn ăn cùng thời điểm với thức ăn nghi ngờ gây dị ứng?
Việc chẩn đoán không thể chỉ dựa vào tiền sử bệnh, khi đó bác sĩ cần dựa vào các xét nghiệm cận lâm sàng hoặc cho bệnh nhân thử nghiệm ăn các loại thực phẩm nghi ngờ dưới sự giám sát chặt chẽ và có chuẩn bị cấp cứu kịp thời.
6 Điều trị dị ứng thức ăn
6.1 Không ăn thực phẩm bị hoặc nghi ngờ bị dị ứng
Đây vừa là cách điều trị vừa là các phòng tránh tốt nhất cho người bị dị ứng thức ăn. Người có cơ địa dễ dị ứng nến tránh ăn thực phẩm lạ, thực phẩm dễ gây dị ứng. Khi ăn đồ ăn bên ngoài, đồ ăn đóng hộp,... nên tìm hiểu kĩ thành phần trong thức ăn. Tốt nhất là nên tự chuẩn bị đồ ăn cho mình.
6.2 Điều trị triệu chứng do phản ứng dị ứng với thức ăn
Dị ứng thức ăn bao lâu thì hết? Thông thường, phản ứng dị ứng thường xảy ra sau khi ăn từ nửa giờ đến 1 giờ. Nếu điều trị sớm và đúng phương pháp, các triệu chứng có thể hết sau 2 - 3 ngày.
Tùy thuộc vào mức độ dị ứng và triệu chứng cụ thể, bệnh nhân có thể được chỉ định sử dụng thuốc theo phác đồ điều trị dị ứng thức ăn như sau:
Kháng histamin: điều trị triệu chứng ngứa, mày đay, viêm mũi - kết mạc,...
- Kháng H1: Diphenhydramine, Hydroxyzine, Loratadine, Fexofenadine, Desloratadine,...
- Kháng H2: Raniditine,...
Corticosteroid đường toàn thân: dùng trong những trường hợp phản ứng dị ứng nặng theo đường uống hoặc tiêm tính mạch. Liều dùng Methylprednisolone là 0,5-1 mg/kg/ngày, liều tối đa là 80mg/ngày. Giảm liều khi triệu chứng các triệu chứng được cải thiện.[3]
Adrenaline: dùng cấp cứu khi bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn. Dùng theo đường tiêm bắp với liều cụ thể:
- Trẻ em 10 - 25kg: 0,15mg.
- Trẻ > 25kg: 0,3mg.
- Người lớn: 0,001mg/kg/lần, tối đa 0,5mg/lần (loại adrenalin 1:1000).
- Adrenaline cần tiêm nhắc lại sau mỗi 5 - 15phút nếu cần.
Thuốc giãn phế quản: Dùng dạng xịt định liều hoặc khí dung
Các thuốc co mạch khác khi điều trị thất bại với Adrenaline: Glucagon với liều 20-30 µg/kg ở trẻ em, 1-5ml ở người lớn.
Kết hợp dùng thuốc với thở oxy nếu có suy hô hấp, truyền dịch cân bằng điện giải.
7 Dự phòng dị ứng thức ăn
Nên cho trẻ bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
Tiêm vacxin phòng dị ứng cho trẻ nếu có.
Lưu ý tìm hiểu các loại thực phẩm trẻ dễ dị ứng để nhắc người trông trẻ.
Ghi nhớ cách phòng tránh và xử trí nhanh khi bị dị ứng.
Hướng dẫn sử dụng Adrenalin bơm tiêm tự động cho người bệnh hoặc gia đình có người đã từng bị dị ứng thức ăn gây sốc phản vệ.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: By Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 02 tháng 11 năm 2019). Food allergy, Mayo Clinic. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của U.S Food & Drugs (Ngày đăng: Ngày 05 tháng 5 năm 2021). Food Allergies, U.S Food & Drugs. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: Bruce J. Lanser, Benjamin L. Wright, Kelly A. Orgel, Brian P. Vickery, David M. Fleischer (Ngày đăng: Ngày 02 tháng 8 năm 2016). Current Options for the Treatment of Food Allergy, NCBI. Truy cập ngày 17 tháng 9 năm 2021.