Dị ứng thời tiết: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Trungtamthuoc.com - Dị ứng thời tiết là bệnh lý thường gặp, có thể xảy ra quanh năm, nhất là thời điểm giao mùa. Khi cơ thể chúng ta tiếp xúc với sự thay đổi đột ngột của môi trường, các tác nhân bên ngoài… sẽ gây ra hiện tượng dị ứng. Các triệu chứng có thể gặp như: phát ban, nổi mề đay thậm chí có thể gây bội nhiễm, khó thở.
1 Dị ứng thời tiết là gì?
Dị ứng thời tiết là hiện tượng thường gặp với cơ thể chúng ta khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là các thời khắc giao mùa. Khi nhiệt độ môi trường thay đổi đột ngột hoặc do sự phát triển của vi khuẩn, nấm mốc hay khói bụi trong không khí tác động lên hệ miễn dịch của cơ thể sẽ gây ra hiện tượng dị ứng. Do vậy, dị ứng thời tiết hay gặp ở những người có hệ miễn dịch kém đặc biệt là người già, trẻ em và những người bị suy giảm miễn dịch.
2 Cơ chế dị ứng thời tiết
Khi nhiệt độ môi trường quá cao hoặc quá thấp, trung tâm điều nhiệt vùng dưới đồi của não bộ chưa kịp thích nghi với sự thay đổi đột ngột của môi trường sẽ gây nên tình trạng rối loạn hệ thống miễn dịch trong cơ thể.
Cơ thể chúng ta luôn có cơ chế tự bảo vệ mình, khi đó sẽ tự động sản sinh hàng loạt các phản ứng dị ứng, các kháng thể để chống lại các tác nhân có hại từ môi trường bên ngoài.
Mỗi người sẽ có những phản ứng trước các tác nhân dị ứng khác nhau và mức độ dị ứng cũng sẽ khác nhau. Tình trạng dị ứng sẽ tăng lên khi gặp các yếu tố thuận lợi như độ ẩm cao, môi trường ẩm ướt.
Dị ứng thời tiết được chia ra làm hai loại: dị ứng thời tiết do nóng và dị ứng thời tiết do lạnh.
- Vào mùa hè, nhiệt độ môi trường cao, cơ thể tăng tiết mồ hôi làm cho làn da luôn ở trong tình trạng ẩm ướt, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm, vi khuẩn phát triển và cơ thể dễ rơi vào tình trạng thiếu nước. Đây chính là những yếu tố thuận lợi giúp cho bệnh dị ứng tiến triển nặng hơn.
- Vào mùa đông, nhiệt độ môi trường thấp, không khí hanh khô làm cho làn da trở nên khô, thiếu nước cũng khiến tình trạng dị ứng tăng lên.
3 Nguyên nhân bị dị ứng thời tiết
Nguyên nhân chính của bệnh dị ứng thời tiết là do rối loạn hệ thống miễn dịch của cơ thể người bệnh. Các tác nhân chủ yếu như chuyển mùa, thời tiết thay đổi đột ngột, nắng nóng, mưa ẩm, gió lạnh…
Dị ứng thời tiết lạnh: Triệu chứng của hiện tượng dị ứng thời tiết do lạnh xuất hiện ngay sau khi da tiếp xúc đột ngột với nhiệt độ lạnh, không khí lạnh hoặc nước lạnh. Tình trạng này có thể mang đến những triệu chứng ngứa ngáy, nổi mề đay, khó thở…[1]
Ngày có mưa hoặc ẩm ướt: Độ ẩm tạo điều kiện thuận lợi nấm mốc phát triển dễ dàng hơn. Đây là yếu tố làm tăng nguy cơ gây dị ứng, cũng như làm cho bệnh dị ứng tiến triển nặng hơn.
Thời tiết nóng bức: Thời tiết nóng bức làm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, da luôn ở trong tình trạng ẩm ướt là một trong các nguyên nhân gây viêm nhiễm, sẩn ngứa.
Thời tiết khô hanh, nhiều gió: Gió thổi phấn hoa, bụi mốc, bụi mạt,… bay trong không khí và dễ tiếp xúc với da gây ngứa ngáy, mẩn đỏ.
4 Bệnh dị ứng thời tiết có triệu chứng gì?
Khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, những người có hệ thống miễn dịch kém, cơ địa dị ứng sẽ có những biểu hiện của bệnh dị ứng.
Tùy theo mức độ dị ứng mà các triệu chứng xuất hiện ở mức độ ít hay nhiều, ở một, hai hay tất cả các triệu chứng như sau:
Phát ban: Phát ban là hiện tượng trên bề mặt da nổi những mẩn đỏ nhất là ở vùng cánh tay, chân thậm chí có thể xuất hiện ở mặt. Khi đó, cơ thể có cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Khi gãi làm cho mẩn đỏ ngày càng lan rộng và nổi từng đám trên khắp bề mặt da.
Viêm mũi dị ứng: Khi gặp các tác nhân như thời tiết, phấn hoa, khói bụi… sẽ làm cho niêm mạc vùng mũi, họng bị kích thích gây ngứa ngáy, hắt hơi dẫn đến ngạt mũi, chảy nước mũi, mất ngủ, mệt mỏi, không tập trung. Tùy vào mức độ dị ứng nặng hay nhẹ mà mức độ xuất hiện các đợt viêm mũi dị ứng sẽ nhiều hay ít khác nhau. Mỗi đợt viêm mũi dị ứng sẽ khiến cho người bệnh rất khó chịu, đặc biệt là vùng mũi và thường kéo dài khoảng 15-30 phút.
Nổi mề đay cấp tính: Ở giai đoạn nặng, người bệnh sẽ xuất hiện đột ngột các nốt mề đay trên khắp cơ thể cùng với các biểu hiện khó thở, tụt huyết áp nhanh gây shock phản vệ và có thể dẫn đến tử vong. Đây là một triệu chứng đặc trưng và nguy hiểm đối với người bệnh bị dị ứng.[2]
Trong số các triệu chứng do dị ứng thời tiết thì viêm mũi dị ứng là tình trạng có tỉ lệ người gặp phải cao nhất. Ngoài ra, người bệnh có thể có các biểu hiện như người bị hen suyễn như ho, khò khè, khó thở.
5 Điều trị viêm mũi do dị ứng thời tiết như thế nào?
Các loại thuốc chữa dị ứng thời tiết thường được sử dụng là:
- Thuốc thông mũi và thuốc kháng histamin không kê đơn chẳng hạn như Cetirizine (Zyrtec) và thuốc kết hợp có chứa Acetaminophen, Diphenhydramine và Phenylephrine.
- Thuốc xịt mũi steroid (có kê đơn).
Tùy vào tình trạng bệnh của bệnh nhân, bác sĩ có thể đề nghị tiêm phòng dị ứng. Đây là một loại liệu pháp miễn dịch có thể giúp làm dịu hệ miễn dịch khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng.
Ngoài việc sử dụng thuốc, tình trạng viêm mũi dị ứng cũng được cải thiện bằng cách bổ sung một số dưỡng chất giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể như các loại trái cây và rau củ chứa Quercetin, Lactobacillus acidophilus có mặt trong sữa chua, Apirulina trong tảo xanh lục, các loại thực phẩm giàu Vitamin C,...
6 Cách phòng tránh viêm mũi do dị ứng thời tiết
Cách tốt nhất để phòng tránh bị viêm mũi dị ứng là tránh xa các yếu tố nguy cơ gây dị ứng.
Với mỗi người, cơ địa sẽ dị ứng với các tác nhân khác nhau. Vì vậy, cần phải hiểu cơ thể mình để có biện pháp bảo vệ phù hợp. Ví dụ, vào những ngày giao mùa hạn chế ra ngoài, bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân mưa, nắng, lạnh bằng các biện pháp phù hợp.
Ngoài ra, cần có một chế độ ăn uống hợp lý, tập luyện thể dục thể thao để có một hệ miễn dịch khỏe mạnh, chống lại các tác động xấu từ môi trường.
Trên đây là một số kiến thức về căn bệnh viêm mũi dị ứng rất hay gặp vào thời điểm giao mùa. Hy vọng bài viết bổ ích cho việc chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh trong những ngày thời tiết thất thường.
7 Mẹo chữa dị ứng thời tiết tại nhà
Khi xuất hiện dị ứng thời tiết ở mức độ nhẹ, người bệnh có thể áp dụng một số cách chữa dị ứng thời tiết đơn giản tại nhà đơn giản, lành tính, nguyên liệu lại dễ tìm như:
- Chữa dị ứng thời tiết bằng cách tắm với nước muối loãng.
- Chữa dị ứng thời tiết tại nhà bằng cách tắm hoặc xông nước lá khế.
- Chữa dị ứng thời tiết với Lá Lốt.
- Chữa dị ứng thời tiết tại nhà bằng phương pháp tắm với nước lá Trà Xanh.
- Chữa dị ứng thời tiết tại nhà hiệu quả bằng cách uống nước rau má.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: By Mayo Clinic Staff (Truy cập ngày: Ngày 02 tháng 10 năm 2019). Cold urticaria, MayoClinic. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021.
- ^ Tác giả: Chuyên gia của University Hospitals (Truy cập ngày: Ngày 8 tháng 10 năm 2020). Yes, You Really Can Be Allergic To Cold Weather, University Hospitals. Truy cập ngày 21 tháng 9 năm 2021.