Nguyên nhân, biến chứng và cách điều trị đau thần kinh tọa
Trungtamthuoc.com - Bệnh nhân bị đau thần kinh tọa thường có những cơn đau ở cột sống thắt lưng, đau liên tục hoặc từng cơn. Một đặc điểm phổ biến của đau thần kinh tọa là người bệnh bị đau lan tới tứ chi bị ảnh hưởng. Thông thường, người bệnh thường đau hoặc có cảm giác nóng rát ở sâu trong mông, có thể kèm theo đó là triệu chứng dị cảm.
1 Đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa là tình trạng suy nhược trong đó bệnh nhân đau hoặc dị cảm trong dọc theo dây thần kinh tọa hoặc một rễ thần kinh thắt lưng - cùng. Thông thường, đau thần kinh tọa thường đau một bên và trong độ tuổi từ 30 đến 50 tuổi, và nam thường mắc nhiều hơn nữ.
Dây thần kinh tọa được tạo thành từ rễ thần kinh L4 đến S2 kết hợp trong khoang xương chậu, đường kính lên tới 2cm, là dây thần kinh lớn nhất cơ thể. Nó chi phối chức năng vận động trực tiếp cho gân kheo, nhóm cơ đùi trong, gián tiếp đến cơ bắp chân, cơ trước chi dưới và một số cơ chân khác. Ngoài ra, qua các nhánh cuối của dây thần kinh tọa, nó chi phối cảm giác cho cơ chân sau và cơ chi dưới cũng lưng. Đau thần kinh tọa thường trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh trong trạng thái uốn cong của cột sống thắt lưng, xoắn hoặc ho.
Đau dây thần kinh tọa có thể kéo dài từ lưng dưới, qua mặt sau của đùi, đến bàn chân của bạn. Cơn đau có thể đến và đi, đôi khi kéo dài nhiều ngày, thậm chí vài tuần. Bệnh gây ra khó khăn khi ngồi, lái xe hoặc chơi thể thao hoặc làm những công việc đơn giản nhất. [1]
2 Các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ gây đau dây thần kinh tọa
2.1 Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa
Bất kỳ yếu tố nào tác động đến cấu trúc hoặc chèn ép dây thần kinh tọa đều có thể gây triệu chứng đau cho người bệnh.
Có khoảng 90% trường hợp đau thần kinh tọa là do chèn ép rễ thần kinh và thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đĩa đệm bị phình ra. Bệnh cũng có thể xảy ra do sự co thắt cơ thắt lưng hoặc xương chậu hay viêm ảnh hưởng đến rễ thần kinh thắt lưng, xương chậu.
Ở người cao tuổi, hẹp ống sống thắt lưng cũng có thể gây ra các triệu chứng đau dây thần kinh tọa.
Sự thoái hóa cột sống hoặc sự sai lệch tương đối của một đốt sống so với một đốt sống khác cũng có thể dẫn đến các triệu chứng đau thần kinh tọa.
Ngoài ra, đau thần kinh tọa còn do mắc bệnh cột sống ác tính, tụ máu ngoài màng cứng hoặc áp xe ngoài màng cứng...
Những người có nghề nghiệp mang vác tạo nhiều áp lực lên lưng, tiểu đường, hút thuốc nhiều, cao tuổi có nguy cơ bị đau dây thần kinh tọa nhiều hơn.
2.2 Các yếu tố nguy cơ của bệnh đau thần kinh tọa
- Tuổi: Những thay đổi liên quan đến tuổi tác ở cột sống, chẳng hạn như đĩa đệm thoát vị và gai xương, là những nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa.
- Béo phì: Bằng cách tăng căng thẳng lên cột sống, trọng lượng cơ thể dư thừa có thể góp phần vào những thay đổi cột sống gây ra đau thần kinh tọa.
- Nghề nghiệp: Công việc đòi hỏi phải vặn lưng, mang vác nặng hoặc lái xe cơ giới trong thời gian dài có thể dẫn đến chứng đau thần kinh tọa.
- Ngồi lâu: Những người ngồi trong thời gian dài hoặc có lối sống ít vận động có nhiều khả năng bị đau thần kinh tọa hơn những người năng động.
- Bệnh tiểu đường: Tình trạng này ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng lượng đường trong máu, làm tăng nguy cơ tổn thương thần kinh. [2]
3 Chẩn đoán đau thần kinh tọa như thế nào?
đau thần kinh tọa chủ yếu được chẩn đoán bằng cách kiểm tra thể chất của người bệnh dựa vào triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng.
Bệnh nhân bị đau thần kinh tọa thường có những cơn đau ở cột sống thắt lưng, đau liên tục hoặc từng cơn. Một đặc điểm phổ biến của đau thần kinh tọa là người bệnh bị đau lan tới tứ chi bị ảnh hưởng. Thông thường, người bệnh thường đau hoặc có cảm giác nóng rát ở sâu trong mông, có thể kèm theo đó là triệu chứng dị cảm. Một số trường hợp người bệnh có thể yếu chân cùng bên bị ảnh hưởng. Tùy theo vị trí tổn thương mà người bệnh có cảm giác đau ảnh hưởng khác nhau. Nếu bệnh nhân bị tổn thương ở rễ thần kinh L4 thường đau lan xuống khoeo chi dưới. Khi đau lan xuống mu bàn chân đến ngón chân cái tức là tổn thương rễ thần kinh L5. Còn khi đau đã lan xuống đến gan bàn chân đến hết ngón út thì người bệnh bị tổn thương rễ thần kinh S1. Đôi khi có một số bệnh nhân không đau cột sống thắt lưng, mà chỉ đau theo chiều chân.
Có một số người bệnh có hội chứng chèn ép khi đau thần kinh tọa là đau tăng lúc ho, rặn, hắt hơi, một số yếu cơ. Nếu để bệnh nghiêm trọng kéo dài có thể bị teo cơ tứ đầu đùi, hạn chế đi lại, khó cúi, co cứng cơ cạnh cột sống.
Để chẩn đoán đau thần kinh tọa, người ta còn dựa vào một số nghiệm pháp như sau:
- Dấu hiệu hệ thống điểm đau Valleix tức là khi ấn dọc theo dây thần kinh tọa thấy các điểm đau nhói. Khi ấn ngón cái vào giữa các mỏm gai của L4,L5 hay giữa L5, S1 thấy đau dọc theo các rễ thần kinh, gọi là dấu hiệu chuông bấm.
- Người bệnh có dấu hiệu Lasègue, tức là khi nằm ngửa, đưa chân lên cao, duỗi thẳng chân, sẽ thấy đau khắp dây thần kinh tọa, đau giảm khi hạ thấp chân.
- Hoặc bệnh nhân có dấu hiệu khác tương đương với dấu hiệu Lasègue, đều làm khi người bệnh nằm như: Dấu hiệu Chavany nhưng chân nâng lên và dạng ra hoặc dấu hiệu Bonnet cũng nằm ngửa, nâng chân và khép đùi từng bên cũng thấy đau.
- Khi làm phản xạ gân xương ở những bệnh nhân này, phản xạ gân bánh chè giảm nếu tổn thương rễ L4, phản xạ gân gót giảm nếu tổn thương rễ S1.
Người bệnh nghi ngờ đau dây thần kinh tọa cần đánh giá tổn thương bằng cách chụp X-quang, chụp CT, chụp cộng hưởng từ hoặc điện cơ. Nếu có nghi ngờ đau dây thần kinh tọa có bệnh lý viêm nhiễm, ác tình có thể làm xét nghiệm huyết học, sinh hóa.
Cần phân biệt đau dây thần kinh tọa với các bệnh lý giả như đau thần kinh đùi hay bì đùi, đau khớp háng, viêm khớp cùng chậu...
4 Cách điều trị đau dây thần kinh ở mông
Điều trị đau dây thần kinh tọa cần điều trị nguyên nhân kết hợp giảm đau và phục hồi vận động cho người bệnh. Với những người bị đau thần kinh tọa thể nhẹ và vừa có thể điều trị nội khoa để khắc phục, nhưng khi có biến chứng cần phải can thiệp ngoại khoa. Riêng trường hợp người bệnh đau dây thần kinh tọa có bệnh lý ác tính cần giải nén cột sống phối hợp chuyên khoa ung bướu.
4.1 Thuốc điều trị đau dây thần kinh tọa
Những bệnh nhân bị đau dây thần kinh tọa cần có chế độ nghỉ ngơi hợp lý không nằm võng, giường nhún hay ghế. Đồng thời người bệnh cần tránh tác động mạnh đột ngột, không mang nặng hay giữ lâu tư thế đứng hoặc ngồi.
Tùy theo mức độ đau, mà người bệnh đau dây thần kinh tọa được dùng thuốc giảm đau riêng lẻ hoặc kết hợp như sau:
Thuốc chống viêm không Steroid
Có thể dùng NSAID không chọn lọc hay thuốc ức chế chọn lọc COX-2 theo hướng dẫn như Ibubrofen, Naproxen, Diclofenac, Piroxicam, Meloxicam...Nhóm thuốc chủ đạo trong điều trị đau dây thần kinh tọa hay các bệnh lý xương khớp khác. Nên sử dụng liều thấp nhất có đáp ứng điều trị, không sử dụng kéo dài nhiều tuần. Các tác dụng của thuốc chủ yếu trên hệ tiêu hoá và tăng dần theo thời gian sử dụng. Trường hợp cấp có thể dùng đường tiêm nhưng cần sự hỗ trợ của nhân viên y tế. Liều dùng các thuốc chống viêm điển hình:
- Ibubrofen (400 mg x 3-4 lần/ngày)
- Naproxen (500 mg x 2 lần/ngày
- Diclofenac (75-150 mg/ngày)
- Piroxicam (20 mg/ngày)
- Meloxicam (15 mg/ngày)
- Celecoxib (200 mg/ngày)
- Etoricoxib (60 mg/ngày)
Thuốc giảm đau
Tuỳ mức độ đau của bệnh để kê loại thuốc thích hợp, nhưng cần tuân thủ phác đồ điều trị đau của Tổ chức Y tế thế giới.
- Thuốc giảm đau bậc 1: paracetamol được chỉ định đầu tay điều trị giảm đau mức độ vừa và nhẹ. Liều lượng ngày 4-6 viên chia 2-3 lần uống trong ngày. Thuốc có tác dụng trên gan khi sử dụng liều kéo dài và cũng cần cẩn trọng ở bệnh nhân suy thận.
- Thuốc giảm đau bậc 2: opioid hỗ trợ giảm đau mạnh hơn khi sử dụng paracetamol không đáp ứng. Tuy nhiên thuốc có nhiều tác dụng phụ nên chỉ dùng liều thấp đến trung bình và cần có sự kê đơn của bác sĩ. Hoặc người bệnh đau dây thần kinh tọa có thể được tiêm bắp bằng Tramadol với liều 100 mg, mỗi ngày từ 2 đến 3 lần. Với những người bệnh đau nhiều, nghiêm trọng có thể cần giảm đau bằng thuốc gây nghiện như morphine. Các thuốc thường gặp:
- Paracetamol kết hợp codein (Efferalgan Codeine) dùng liều 4-6 viên/ngày
- Paracetamol kết hợp Tramadol (Ultracet) dùng liều từ 1-2 viên/lần nhưng không được vượt quá 8 viên/ngày.
Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ có tác dụng giảm các triệu chứng bệnh đau dây thần kinh tọa cũng như các bệnh lý xương khớp khác. Tuy nhiên có nhiều tác dụng phụ khi sử dụng cùng như chóng mặt, buồn ngủ, chóng mặt.. Vì vậy chỉ nên dùng trong thời gian ngắn.
- Tolperisone (100-150 mg x 3 lần uống/ngày), thuốc giãn cơ tác dụng trung ương
- Eperisone (50 mg x 2-3 lần/ngày) tác dụng cơ trơn và cơ vân, cải thiện tuần hoàn
- Thiocolchicosid 4 mg sử dụng ngày 2 lần, là thuốc giãn cơ mạnh.
Khi người bệnh bị đau nhiều, mạn tính có thể kết hợp với các thuốc giảm đau thần kinh như Gabapentin, Pregabalin khởi đầu với liều thấp. Hay những người bệnh bị đau do rễ trong bệnh thần kinh tọa có thể tiêm corticoid ngoài màng cứng hoặc cạnh cột sống.
Bệnh nhân đau dây thần kinh tọa có thể được bổ sung thêm một số thuốc khác như Vitamin 3B, Methycobal.
Phương pháp vật lý trị liệu cũng làm giảm đau rất tốt cho người bệnh đau dây thần kinh tọa bao gồm: Massage để làm tăng tuần hoàn máu, giãn cơ hay những bài tập kéo giãn, ấn cột sống, để tăng bền cột sống, cơ, dây chằng và gân.
4.2 Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng
Bao gồm massage liệu pháp như chườm nóng, chườm đá, siêu âm, thuỷ liệu pháp, kích điện, xoa bóp, thể dục trị liệu như tác động cột sống, kéo giãn, xà đơn..
Kết hợp đeo đai giảm quá tải lên cột sống làm chèn ép nặng hơn.
Phục hồi chức năng: Nghỉ ngơi hoàn toàn trong 2-3 ngày và nghỉ ngơi tương đối sau đó. Thường điều trị nội khoa 5-10 ngày bệnh nhân sẽ đỡ đau. Lúc này có thể bắt đầu các động tác phục hồi chức năng để, thay đổi tư thế cột sống đúng, giảm sự chèn ép vào thần kinh tọa. Các bài tập kéo dãn cơ kết hợp thể dục nhịp điệu, từ nhẹ đến tăng dần. Cần tránh tuyệt đối vận động quá mạnh, các hoạt động thể thao như bóng đá bóng chuyển..làm tăng áp lực vào cột sống thắt lưng và không tập luyện quá sức.
4.3 Các thủ thuật can thiệp xâm lấn tối thiểu trong đau thần kinh tọa
Trong điều trị can thiệp tối thiểu ở đau thần kinh tọa đa số là giải áp đĩa đệm bằng kim chọc. Như vậy sẽ lấy hay làm tiêu tổ chức ở vùng trung tâm đĩa đệm dẫn đến giảm áp lực nén ép của đĩa đệm thoát vị với rễ thần kinh. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ áp dụng với trường hợp người bệnh bị thoát vị đĩa đệm dưới dây chằng, nghĩa là chưa lọt qua dây chằng dọc sau.
Trong phương pháp này, người bệnh được tiến hành tiêm chất Chymopapain để tiêu nhân đệm, hay sử dụng sóng cao tần để giải ép plasma.
4.4 Đau thần kinh tọa với điều trị ngoại khoa
Chỉ định ngoại khoa với những người bệnh đau thần kinh tọa điều trị nội khoa không mang lại hiệu quả hay bị chèn ép nặng như hội chứng đuôi ngựa...
Can thiệp phẫu thuật đau thần kinh tọa tập trung vào việc loại bỏ thoát vị đĩa đệm, một phần đĩa đệm hoặc hẹp ống dẫn tinh để loại bỏ nguyên nhân. [3]
Tùy theo tình trạng của người bệnh mà sử dụng các phương pháp phẫu thuật khác nhau như nội soi, vi phẫu, mổ hở, làm vững cột sống... Trong đó, thường sử dụng nhất là phẫu thuật lấy nhân đệm và phẫu thuật cắt bản sống.
Sau khi phẫu thuật, người bệnh đau thần kinh tọa cần được đeo đai lưng tối thiểu 1 tháng khi đi lại hay ngồi lâu, đồng thời tái khám định kỳ theo yêu cầu.
5 Các câu hỏi thường gặp về bệnh đau dây thần kinh tọa
5.1 Biến chứng đau dây thần kinh tọa là gì?
Đau dây thần kinh tọa kéo dài nếu không được chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như teo cơ dọc đường đi của dây thần kinh tọa, rối loạn tiểu tiện, thậm chí tàn phê. Vì vậy nếu phát hiện sớm nên đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được điều trị kịp thời.
5.2 Đau dây thần kinh tọa nên ăn gì?
Các chất mà người đau dây thần kinh tọa nên bổ sung trong chế độ ăn hàng ngày như:
- Vitamin B6: tham gia tạo hồng cầu, dẫn truyền thần kinh, giảm đau và chữa lành tổn thương trên dây thần kinh hiệu quả. Các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin này như đậu nành, óc chó, rau bina, chuối, thịt gà..
- Vitamin B9: có vai trò tái tạo máu và hồng cầu, phát triển tế bào thần kinh làm giảm triệu chứng đau dây thần kinh. Các loại thực phẩm chứa Vitamin B9 như củ cải xanh, trái cây, nấm…
- Vitamin B12: cải thiện chức năng dẫn truyền thần kinh giúp giảm các triệu chứng đau nhanh chóng. Các thực phẩm chứa như thịt bò, hải sản, trứng…
5.3 Bệnh đau dây thần kinh tọa có chữa được không?
Việc chữa khỏi bệnh đau dây thần kinh toạ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, bệnh nền.. Các biện pháp điều trị chủ yếu giảm triệu chứng bệnh bằng cách tự chăm sóc tại nhà như dùng thuốc, giảm đau, tập thể dục nhẹ, chườm nóng, lạnh…
Đối tượng người cao tuổi bệnh dễ tái phát do sự thoái hóa khớp theo độ tuổi nên bệnh có thể trở thành mãn tính, cần kết hợp chăm sóc tại nhà và hỗ trợ y tế, thậm chí phẫu thuật sẽ được chỉ định trong trường hợp đau dây thần kinh tọa do tổn thoái vị đệm nặng.
Trên đây là các thông tin cơ bản về nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị đau thần kinh tọa, hy vọng sẽ hữu ích với bạn đọc.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Brian James Neuman, MD, 5 Questions to Answer Before Considering Sciatica Surgery, John Hopkinsmedicine. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Mayoclinic, Sciatica, Mayoclinic. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2021
- ^ Tác giả: BW Koes, M W van Tulder, WC Peul, Diagnosis and treatment of sciatica, NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 12 năm 2021