Nguyên nhân, tác hại của bệnh đau cổ vai gáy và cách chữa cấp tốc tại nhà
Trungtamthuoc.com - Đau cổ vai gáy, đau mỏi cổ vai gáy là căn bệnh phổ biến và đau cổ vai gáy xuất hiện ở khá nhiều lứa tuổi khác nhau. Những cơn đau cổ, đau vai, đau gáy, đau cổ vai gáy bên trái, đau cổ vai gáy bên phải hay đau vai gáy,... gây ra khá nhiều bất tiện trong cuộc sống. Vậy đâu là nguyên nhân gây cổ vai gáy? Cách giảm đau cổ vai gáy là gì? Có bài tập giảm đau cổ vai gáy không? Hãy cùng Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
1 Đau cổ vai gáy là gì? Triệu chứng đau cổ vai gáy
Đau cổ vai gáy là tình trạng xảy ra đặc trưng bởi sự co cứng của các cơ ở vùng cổ vai và gáy gây ra triệu chứng đau, đặc biệt là giới hạn vận động vùng cổ, đặc biệt là cúi cổ, gập cổ. Biểu hiện thường gặp vào sáng sớm sau khi thức dậy và có thể là dấu hiệu cảnh báo các bệnh về cơ xương khớp cũng như mạch máu ở vùng cổ.
Các triệu chứng điển hình bao gồm:
- Người bệnh thường có cảm giác đau vùng cổ, vai và vùng gáy, xảy ra một cách đột ngột hoặc từ từ âm ỉ tăng dần.
- Bệnh thường xảy ra khi đứng hoặc ngồi quá lâu hoặc là có tư thế sai, duy trì kéo dài, hoặc sau một chấn thương, một tai nạn. Các triệu chứng thường tăng lên khi bệnh nhân cúi ngửa hoặc xoay cổ, khi vận động vùng vai. Thời tiết thay đổi cũng làm gia tăng tình trạng bệnh.
- Ở một số bệnh nhân khác triệu chứng đau có thể lan xuống vùng cánh tay, cẳng tay hoặc ngón tay gây ra triệu chứng tê bì khó chịu.
2 Nguyên nhân đau cổ vai gáy
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra đau mỏi vai gáy, trong đó có những nguyên nhân lành tính, tuy nhiên triệu chứng này cũng báo hiệu những bệnh lý nguy hiểm tiềm ẩn. Một số nguyên nhân đau vùng cổ vai gáy bao gồm:
- Khi ngồi lâu ở một tư thế, đặc biệt với dân văn phòng phải ngồi lâu trên máy tính sẽ làm phần cổ bị mỏi, cơ căng, máu lưu thông kém dẫn đến đau cổ vai gáy. Vì vậy sau khi ngồi khoảng 25-30 phút lên đổi tư thế
- Một số trường hợp do nghe điện thoại sai tư thế. Khi vừa nghe vừa kẹp điện thoại từ tai vào vai làm cổ phải dãn cơ, lâu ngày gây căng mỏi, do đó nên tránh nghe điện thoại cùng lúc với làm việc khác.
- Nằm ngủ sai tư thế, sử dụng gối ngủ cao quá, kê tay ngủ, hoặc nằm ngửa cổ, làm cổ vai gáy căng cứng và đau.
- Đau cơ vùng cơ vai gáy do chấn thương nặng gặp phải như tai nạn, cần thời gian dài để hồi phục hoàn toàn
- Thoái hoá cột sống cổ, thoái vị cột sống cổ cùng là nguyên nhân hàng đầu gây ra triệu chứng này. Bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi, khi các đốt sống thoái hoá, các dây thần kinh cột sống có nguy cơ thu hẹp, gây viêm rễ thần kinh, hình thành các cơn đau khó chịu lan từ cổ xuống vai. Các triệu chứng đi kèm khác như nóng, tê, sưng vùng cổ vai gáy. Đây là bệnh lý nguy hiểm, bệnh nhân nên tới bệnh viện khám để điều trị kịp thời.
- Các bệnh lý ngoài hệ cơ xương khớp như nhồi máu cơ tim, khối u vùng đỉnh phổi cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng đau vai gáy.
Như vậy có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng đau cổ vai, gáy. Có nguyên nhân lành tính cũng có nguyên nhân gây nguy hiểm tới tính mạng, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để chẩn đoán chính xác và có hướng điều trị hiệu quả.
3 Chẩn đoán đau vai gáy
Chẩn đoán lâm sàng: bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử đau nhức như thế nào, thời gian đau, có thể thử làm các động tác cử động vai, cơ c xác định mức độ đau.
Xét nghiệm: Bác sĩ cũng có thể thực hiện các xét nghiệm máu để kiểm tra viêm khớp và chụp siêu âm. Thường chụp X-ray sẽ tìm các vết nứt, gãy xương, vôi hoá, hay tổn thương sụn. Chụp MRI và siêu âm để tìm ra các tổn thương phần mềm mà chụp X-ray không thấy được. Siêu âm đặc biệt hiệu quả trong chẩn đoán đứt dây chằng hay sưng tích nước không khớp vai do bác sĩ có thể vừa siêu âm vừa hỏi bệnh nhân cử động khớp vai để xem các cơ và dây chằng có bị đứt hay không.
4 Điều trị đau vùng cổ vai gáy như thế nào?
Tuỳ vào lý do gây ra cơn đau vai sẽ có cách chữa phù hợp . Nếu bạn chỉ bị đau nhức nhẹ và đau vai do chấn thương hay làm việc quá sức thì bác sĩ có thể kê uống thuốc giảm đau kết hơp nghỉ ngơi. Chườm nóng lạnh cũng là cách hữu hiệu để chữa đau vai. Với các bệnh lý đau vai do tổn thương khớp, dây chằng, phần mềm hay dây thần kinh, bác sĩ có thể sẽ cho bạn uống thuốc giảm đau kèm theo tập trị liệu hay chuyển đến chuyên viên vật lý trị liệu.
4.1 Thay đổi tư thế ngủ và gối ngủ
Tư thế ngủ đúng vừa giúp bạn có giấc ngủ ngon vừa ngăn ngừa đau mỏi vai gáy hiệu quả. Không nên nằm sấp hay nằm nghiêng quá lâu gây áp lực lớn lên cột sống và vai gáy, khả năng lưu thông máu cũng bị ảnh hưởng. Tư thế nằm thẳng được ưu tiên lựa chọn, giúp tuần hoàn qua các cơ, xương được thư giãn, cải thiện tốt hơn. Giảm được áp lực lên cổ, gáy rõ rệt.
Việc chọn gối ngủ cũng quan trọng như cách ngủ đúng tư thế do gối là nơi tiếp xúc với vai, gáy trực tiếp. Gối quá cứng có thể giảm tuần hoàn máu đến cơ, cơ dễ bị cứng và đau mỏi hơn.
4.2 Chườm nóng hoặc chườm lạnh
Chườm nóng hoặc chườm lạnh là cách làm đơn giản nhưng hiệu quả đạt được khá cao.
Chườm lạnh làm giảm tình trạng viêm, sưng mô mềm, thường dùng cho trường hợp viêm hoặc chấn thương. Còn chườm nóng có tác dụng giảm đau hiệu quả hơn, nới lỏng các cơ căng, thúc đẩy tuần hoàn, giảm các triệu chứng trong đau cơ vai gáy.
4.3 Xoa bóp massage
Xoa bóp vùng cổ vai gáy nhẹ nhàng, kết hợp bôi dầu nóng làm tăng lưu thông máu, giảm đau nhanh chóng. Nên được hướng dẫn bởi bác sĩ, kỹ thuật viên vì nếu là sau kỹ thuật có thể gây tác dụng ngược. Kết hợp các bài tập duy trì nhiều ngày liên tục sẽ nhận được kết quả rõ rệt.
4.4 Vật lý trị liệu
Tập trị liệu giảm đau là một trong những cách chữa trị và ngăn ngừa đau vai hiệu quả nhất. Tuy nhiên, bệnh nhân thường quên và ít dùng trị liệu này khi về đến nhà. Nên tập thói quen tập trị liệu cho khớp vai thường xuyên, cho dù đã hết đau vai.
Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ có những bài tập tuỳ theo mức độ đau và độ tuổi người bệnh. Các bài tập thường có công dụng kéo giãn các mô mềm xung quanh khớp, làm giãn cơ, duỗi ngực, lưng. Phương pháp giúp phục hồi tổn thương nhanh, giảm sự chèn ép dây thần kinh, loại bỏ cơn đau nhức nhanh chóng.
4.5 Uống thuốc
Nếu tình trạng đau kéo dài, các liệu pháp điều trị tại nhà không thuyên giảm bác sĩ sẽ chỉ định một vài loại thuốc. Chủ yếu là thuốc giảm đau, thuốc giãn cơ, thuốc chống viêm và các loại vitamin tăng cường sức khỏe xương khớp.
- Thuốc giảm đau thông thường paracetamol: sử dụng cho bệnh nhân đau từ nhẹ đến trung bình, thuốc tương đối an toàn và lành tính, có thể gây độc gan khi sử dụng quá liều và lạm dụng thường xuyên. Vì vậy không dùng thuốc khi dùng kèm với bia hoặc rượu.
- Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) : nhóm thuốc này thường sử dụng khi không đáp ứng với Paracetamol. Ngoài tác dụng giảm đau, còn có khả năng chống viêm nhờ ức chế enzyme cyclooxygenase. Tác dụng phụ của thuốc làm tăng nguy cơ loét dạ dày, xuất huyết tiêu hoá. Các thuốc hay dùng như Diclofenac hàm lượng 50mg, Meloxicam hàm lượng 7.5mg, Celecoxib hàm lượng 200mg..
- Thuốc giãn cơ: thuốc được kê đơn hầu hết khi bị đau mỏi vai gáy. Cơ chế thuốc hoạt động là ức chế dẫn truyền thần kinh, tái hấp thu Ca2+ làm thư giãn các nhóm cơ. Thuốc không dùng cho trẻ em, phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú. Một số thuốc hay dùng như Tolperisone hàm lượng 150 mg, Eperisone hàm lượng 50mg…
- Thuốc giảm đau thần kinh: cải thiện các cơn đau do chèn ép thần kinh, tê cứng vùng cổ. Thuốc tác động trực tiếp lên hệ thần kinh nên gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ.. Nên không dùng cho người lái xe, phụ nữ có thai và trẻ em.
- Vitamin nhóm B: các vitamin nhóm này có tác dụng tăng cường tuần hoàn máu, giảm co cứng, phục hồi sự tổn thương của dây thần kinh. Các Vitamin B12, B9, B1, và B6 được chỉ định cho bệnh nhân đau cổ vai gáy thường xuyên. Là nhóm thuốc hỗ trợ nên sử dụng thời gian dài nhưng không được lạm dụng, cần tuân theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc giảm đau tại chỗ: khi bị đau mức độ nhẹ, bệnh nhân thường tìm mua các miếng dán, kem bôi giảm đau vừa an toàn mà đem lại hiệu quả nhanh chóng. Không sử dụng trên các vết thương hở, các loại thuốc hay sử dụng như: Miếng dán Salonpas, Voltaren Emugel…
4.6 Phẫu thuật
Phẫu thuật thường là biện pháp cuối cùng để chữa đau vai gáy, nhất là tổn thương đau vai là do đứt dây chằng hay viêm thoái hóa khớp đến mức không chịu được. Thường các phẫu thuật vai ngày này ít xâm lấn và khả năng phục hồi khá cao. Phẫu thuật thay khớp vai cũng là một biện pháp hữu hiệu chữa đau nhức vai kinh niên do thoái hoá, không cải thiện với thuốc hay vật lý trị liệu
5 5 bài tập giảm đau mỏi vai gáy chỉ sau 10 giây
5.1 Bài tập xoay cổ
Bài tập khá đơn giản nhưng cần phải làm đúng cách để có hiệu quả. Bài tập giúp toàn bộ cơ vùng cổ được thư giãn và hạn chế đau cổ vai gáy, cũng như làm cơ khoẻ hơn.
Cách làm:
- Nghiêng đầu sát vai
- Xoay từ trước ra sau
- Lặp lại 5 lần và xoay vòng lại
5.2 Bài tập cánh bướm
Bài tập này tác động vào cả phần cổ và vai , giãn cơ khu vực này , giảm mỏi và co cứng hiệu quả
Cách làm:
- Đưa đầu ngón tay chạm vào vai
- Ép ra phía trước cho 2 khuỷu tay chạm vào nhau, sau đó dang ra
- Khi ép hít vào, khi dang thở ra , từ 5-10 lần
5.3 Bài tập nhún vai + xoay vai
Cách làm
- Thả lỏng tay, nhúng vai lên xuống
- Đẩy vai lên hướng tai
- Xoay vai ra phía sau và tiếp tục xoay về phía trước
- Thực hiện 5-10 lần sẽ giúp cơ ở cổ vai gáy giảm mỏi và căng.
5.4 Bài tập chữa đau mỏi vai gáy của người Nhật Bản
Cách trị đau nhức vai gáy của người Nhật rất đơn giản, hoàn toàn có thể thực hiện tại nhà mà không cần máy móc thiết bị hỗ trợ.
Cách làm:
- Ngồi thẳng lưng, giữ đầu thẳng, cằm hướng về phía trước.
- Nghiêng đầu từ từ về bên trái, cố gắng nghiêng hết sức rồi kéo đầu đến khi thấy đau thì ngưng
- Di chuyển đầu từ từ về tư thế thẳng cũ
- Làm tương tự với bên còn lại, lặp lại động tác tầm 10 lần vào buổi sáng, chiều hoặc những lúc cảm thấy mỏi cơ
Chú ý: mặt để thẳng mà không quay sang ngang.
5.5 Bài tập giảm đau vai gáy bằng khăn tắm
Sử dụng các dụng cụ đơn giản trong nhà như khăn tắm để giãn cơ cũng đem lại hiệu quả rõ rệt.
Cách làm:
- Đứng thẳng người, hai chân dang rộng bằng vai, chuẩn bị 1 khăn tắm dài cỡ 20-30 cm
- Nắm 2 tay vào 2 đầu của khăn tắm. Từ từ nâng 2 tay lên đầu, hít hơi vào (giống như nâng tạ)
- Nhẹ nhàng thở ra, siết cánh tay, giữ khăn căng. Rồi hạ khăn ra đằng sau ngang tầm vai
Chú ý khi dùng các bài tập giảm đau cơ vai gáy:
- Để cảm nhận được sự hiệu quả cần thực hiện đều đặn thời gian dài, nếu chỉ làm 1-2 ngày sẽ không có tác dụng
- Kết hợp với tập thể dục nhẹ hàng ngày, duy trì ít nhất 30 phút mỗi ngày
- Đây chỉ là các bài tập hỗ trợ giảm triệu chứng, nếu bệnh vẫn kéo dài khi đã dùng các biện pháp trên thì nên đi thăm khám bác sĩ xác định nguyên nhân gây bệnh.
6 Ngăn ngừa đau cơ vai gáy tại nhà
Quan trọng nhất trong chữa trị đau vai là ngăn ngừa đau vai trước khi bị đau nặng thêm hay ngăn ngừa đau vai tái phát. Dưới đây là các cách hay dùng để ngăn ngừa đau vai tái phát hay nặng hơn.
- Tập thể dục và trị liệu khớp vai thường xuyên. Có thể tập theo bài giảm đau cơ vai gáy thường xuyên, dù không bị đau vai để ngăn ngừa đau
- Ngồi đúng tư thế khi làm việc liên quan đến vùng vai. Nhiều cơn đau vai xảy ra khi chúng ta ngồi sai tư thế và cố làm việc.
- Đi thẳng và khiêng đồ đúng cách.
- Ngủ nằm ngửa hay trách nằm bên vai bị đau nhức
- Hạn chế căng thẳng, stress, lưu thông tuần hoàn máu dễ dàng hơn
- Uống đủ nước, các tế bào cơ hạn chế khô ráp, các cơn co cơ cũng giảm đi đáng kể.
7 Mẹo dân gian chữa đau vai gáy
7.1 Dùng gừng tươi
Gừng tươi được dùng phổ biến trong chế biến món ăn cũng như các bài thuốc đông y. Gừng là một vị thuốc có tính ấm, nóng mang lại tác dụng giãn cơ, giảm co cứng ở các cơn đau vai gáy.
Cách làm
- Sử dụng gừng tươi, rửa sạch , bỏ vỏ. Rồi đem giã nát, thêm muối
- Lấy gừng vào một miếng gạc y tế, sau đó đắp lên vùng vai gáy bị đau.
- Đắp trong 20-30 phút mỗi lần x 2 lần/ngày
7.2 Chữa đau vai gáy bằng lá lốt
Lá Lốt theo đông y có vai trò lưu thông khí huyết, chống viêm, giảm tê mỏi vùng vai gáy. Đây là một mẹo được sử dụng lâu đời trong dân gian vì nguyên liệu dễ kiếm.
Cách làm:
- Hái một nắm lá lốt, đem rửa sạch, để ráo nước
- Đem sao trên lửa lớn, rồi thêm muối hạt to. Sao trong khoảng 2-3 phút.
- Bọc vào khăn mỏng rồi chườm lên khu vực đau mỏi đến khi nguội,
- Mỗi ngày duy trì làm từ 2-3 lần
7.3 Ngải cứu trị đau vai gáy
Ngài cứu cũng được đánh giá là dược liệu giảm đau xương khớp hiệu quả.
Cách làm
- Hái một nắm Ngải Cứu, chọn lá to, già có chứa nhiều tinh chất.
- Sao ngài cứu trong chảo đến nóng thì cho hạt muối to vào sao cùng. Dùng gạc mỏng đựng tất cả hỗn hợp trên vào, đắp lên vị trí đau đến khi nguội thì dừng
- Dùng ngày 2-3 lần, sẽ cảm nhận được hiệu quả nhanh chóng
8 Kết luận
Đau cổ vai gáy là tình trạng gặp phải của rất nhiều người, ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt và công việc của người bệnh. Bệnh tuy không quá nguy hiểm, nhưng nếu sử dụng các biện pháp điều trị tại nhà mà không cải thiện thì đó có thể cảnh báo nguy cơ của bệnh lý tiềm ẩn. Nguyên nhân thường gặp là do chế độ sinh hoạt chưa hợp lý, lười vận động, đặc thù công việc của người bệnh..Mong rằng bài viết trên đã cung cấp thông tin và phương pháp điều trị hiệu quả, phù hợp với độc giả.
9 Tài liệu tham khảo
- Tác giả Gunnel Peterson, Nicklas Pihlström (Ngày đăng 12 tháng 10 năm 2021),Factors associated with neck and shoulder pain: a cross-sectional study among 16,000 adults infive county councils in Sweden. PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024
- Tác giả Chuyên gia NIH,(Ngày đăng 13 tháng 2 năm 2020), Overview: Shoulder pain. NIH. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024
- Tác giả Ran Schwarzkopf , Amir Oron, Mark Loebenberg (Ngày đăng tháng 1 năm 2008), [Shoulder pain: assessment, diagnosis and treatment of common problems], PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 6 năm 2024