Đánh giá khuôn mặt trước khi thực hiện tiêm chất làm đầy
Bản dịch: Bs. Trương Tấn Minh Vũ
Tải PDF TẠI ĐÂY
1 Giới thiệu
Đối với con người, khuôn mặt là phương tiện giao tiếp quan trọng với thế giới bên ngoài. Khuôn mặt truyền tải những đặc điểm cá nhân như sức khỏe, cảm xúc, tuổi tác và ảnh hưởng mạnh mẽ đến lòng tự trọng. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi trong nhiều năm qua, các nhà khoa học, triết gia, nghệ sĩ, bác sĩ và các chuyên gia khác tìm kiếm định nghĩa và đặc điểm của một khuôn mặt hấp dẫn. Mặc dù cái đẹp dễ nhận biết nhưng lại khó lý giải vì nó là sự kết hợp của nhiều yếu tố khách quan, chủ quan và văn hóa.
Thẩm mỹ khuôn mặt là kết quả của sự kết hợp giữa kiểu xương, vị trí và thể tích mô dưới da, hình thái răng và thậm chí cả tính chất cá nhân. Theo một số nghiên cứu, con người thích sự trung bình (các đặc điểm trên khuôn mặt với các số đo khuôn mặt trung bình của dân số mà họ thuộc về), sự đối xứng hai bên, sự hài hòa, tỷ lệ và lưỡng hình giới tính (Hình 1.2–1.5).
2 Phân tích hộp sọ
Trong phân tích hộp sọ, môn khoa học nghiên cứu các kích thước sọ và mặt của đầu, các điểm mốc được sử dụng để làm tham chiếu căn bản. Những điểm này được gọi là điểm mốc sọ hoặc điểm mốc đo sọ và được nhiều tác giả xác định chính xác. Các điểm mốc nằm trong các vị trí giải phẫu hoặc ở các vị trí hình học và rất quan trọng trong da liễu để đánh giá khuôn mặt và mô tả các kỹ thuật tiêm chất làm đầy. Các mốc sau đây được thể hiện trong Hình 1.6:
▪ Cm (columella- trụ mũi)
▪ Gl (glabella- gian mày): tương ứng với điểm nổi bật nhất ở đường giữa, giữa hai lông mày và nằm trên xương trán.
▪ Gn (gnathion): nằm trên đường viền ngoài của khớp hàm dưới; điểm giữa trước nhất và dưới nhất của hàm dưới.
▪ Go (gonion): điểm sau nhất và dưới nhất của góc hàm dưới.
▪ Li (labial inferior point- điểm môi dưới): điểm giữa nằm trên đường viền môi dưới.
▪ Ls (labial superior point, điểm trên môi): điểm nằm ở đường viền môi trên.
▪ Me (menton): điểm thấp nhất ở hàm dưới.
▪ N (nasion): điểm trước nhất trên đường khớp trán mũi theo mặt phẳng dọc giữa.
▪ Na (nasal apex- đỉnh mũi): tương ứng với chóp mũi.
▪ Pg (pogonion): điểm trước nhất của đường viền trước hàm dưới.
Một số chuyên gia tin rằng cách đơn giản để tìm ra chiều rộng lý tưởng của cấu trúc khuôn mặt là chia khuôn mặt thành 5 phần theo chiều dọc, sao cho mỗi 1/5 tương ứng với chiều rộng của mắt (Hình 1.7).
Trên mặt phẳng thẳng đứng, khuôn mặt có thể được chia thành ba phần: 1/3 trên (giữa trichion và glabella), 1/3 giữa (giữa glabella và subnasal), và 1/3 dưới (giữa subnasal và cằm). Hơn nữa, 1/3 dưới có thể được chia thành hai phần: 1/3 từ dưới mũi đến stomion và 2/3 từ stomion đến cằm (Hình 1.8).
Tỉ lệ vàng
Tỷ lệ của một đoạn thẳng sao cho phần ngắn nhất tỉ lệ với phần dài nhất và phần dài nhất tỉ lệ với toàn bộ đoạn thẳng được gọi là tỉ lệ vàng. Nếu phần ngắn nhất được gán giá trị là 1,0, thì phần dài nhất sẽ bằng 1,618 lần chiều dài của phần ngắn nhất và phần ngắn nhất sẽ bằng 0,618 lần chiều dài của phần dài nhất. Số 1.618 được gọi là con số vàng, hay phi (Φ)— đừng nhầm lẫn với số pi (Π)—và có thể được thấy trong tỷ lệ của con người (ví dụ: kích thước của các đốt ngón tay), trong tự nhiên, và trong những tòa nhà được cho là đẹp. Mặt nạ Marquardt gây tranh cãi xuất phát từ tỷ lệ này (Hình 1.1).
3 Các dạng khuôn mặt ở nam và nữ
Sự khác biệt giữa khuôn mặt nam và nữ trở nên rõ ràng hơn ở tuổi dậy thì. Ở nam giới, testosterone kích thích sự phát triển của xương hàm dưới, xương gò má, gờ trên ổ mắt và râu trên khuôn mặt. Nam giới có lông mày dày và môi mỏng hơn. Ở nữ giới, estrogen tạo ra nhiều mỡ hơn, làm cho vùng má tròn hơn và mang lại đôi môi đầy đặn hơn (Hình 1.9).
Các kiểu khuôn mặt
Ba kiểu khuôn mặt khác nhau được định nghĩa thường gặp trong y văn (Hình 1.10).
Kiểu mặt trung bình (mesofacial) thể hiện sự cân bằng, trong khi kiểu mặt ngắn (brachyfacial) và mặt dài (dolichofacial) ở hai đầu của thang đo sinh trắc học của khuôn mặt. Kiểu mặt trung bình có kích thước ngang và dọc tương ứng, còn kiểu mặt ngắn và kiểu mặt dài có các đặc điểm đối lập về mặt đường kính, nghĩa là, những người kiểu mặt ngắn có khuôn mặt ngắn hơn và rộng hơn so với những người thuộc kiểu mặt dài. Điều quan trọng cần nhớ là sự phân loại này mang tính học thuật; vì vậy hàng ngày người ta sẽ gặp những bệnh nhân có đặc điểm trung gian giữa kiểu này và kiểu khác.
4 Góc nghiêng hàm dưới
Vị trí của hàm dưới ở với hộp sọ ảnh hưởng đến khả năng cắn răng, nhai, phát âm và thẩm mỹ khuôn mặt. Hầu hết mọi người thấy sự hấp dẫn của góc nghiêng. Góc nghiêng hàm dưới thụt về phía sau thường được chấp nhận nhiều hơn ở phụ nữ và góc nghiêng nhô về phía trước ở nam giới.
Góc nghiêng loại II cho thấy khuôn mặt lồi nhiều hơn do thừa hàm trên (hiếm gặp) hoặc thiếu hàm dưới. Thông thường, hàm trên được chú ý hơn khi nhìn, trong khi phần dưới bị thiếu và bệnh nhân có đường cằm-cổ ngắn. Góc nghiêng loại III cho thấy độ lồi của khuôn mặt giảm, góc nghiêng phẳng hoặc hiếm gặp hơn là góc nghiêng lõm do thiếu hàm trên, lồi hàm dưới hoặc kết hợp cả hai. 1/3 giữa của khuôn mặt có xu hướng thiếu hụt và 1/3 dưới có xu hướng nhô ra, chủ yếu là nhô hàm dưới (Hình 1.11).
5 Kết luận
Vẻ đẹp không thể được giải thích bằng một nguyên tắc hay một công thức toán học đơn lẻ. Đôi khi, vẻ đẹp được phản ánh qua những đặc điểm phi vật lý, hoặc vẻ đẹp được cảm nhận ở một người mà người ta quý trọng. Những người hạnh phúc cũng được cho là xinh đẹp hơn. Dữ liệu được trình bày trong chương này có thể được sử dụng để giúp chẩn đoán, tiên lượng và lập kế hoạch điều trị.
6 Tài liệu tham khảo
1. Sands NB, Adamson PA. Global facial beauty: approaching a unified aesthetic ideal. Facial Plast Surg 2014;30(2):93–100
2. Grammer K, Thornhill R. Human (Homo sapiens) facial attrac- tiveness and sexual selection: the role of symmetry and ave- rageness. J Comp Psychol 1994;108(3):233–242
3. Swift A, Remington K. BeautiPHIcationTM: a global approach to facial beauty. Clin Plast Surg 2011;38(3):347–377
4. Jefferson Y. Skeletal types: key to unraveling the mystery of facial beauty and its biologic significance. J Gen Orthod 1996;7(2):7–25
5. Reis SAB, Abrão J, Capelozza Filho L, Claro CAA. Análise facial subjetiva. Rev Dent Press Ortodon Ortop Facial 2006; 11(5):159–172