1. Trang chủ
  2. Dùng Thuốc Nên Biết
  3. Đại cương và dược lý nhóm thuốc vitamin tan trong nước

Đại cương và dược lý nhóm thuốc vitamin tan trong nước

Đại cương và dược lý nhóm thuốc vitamin tan trong nước

Trungtamthuoc.com - Hiện nay, vitamin và bổ sung vitamin đang là vấn đề quan tâm của rất nhiều người. Chắc hẳn, bạn đã từng tự ý ra mua vitamin về uống mặc dù không biết cơ thể mình có bị thiếu hay không. Vậy, để biết rõ hơn về vai trò của các vitamin tan trong nước và khi nào cần bổ sung vitamin này, bạn hãy cùng chúng tôi tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé. 

1 Đại cương về vitamin

1.1 Định nghĩa

Vitamin là những hợp chất hữu cơ, có cấu trúc không giống với glucid, protid và lipid, rất cần thiết cho sự phát triển và duy trì sự sống bình thường của người và động vật. Khi thiếu hụt bất kỳ một vitamin nào trong cơ thể cũng sẽ biểu hiện những bệnh lý nhất định. Đại đa số cơ thể không tự tổng hợp được mà phải đưa từ ngoài vào. Hầu hết chúng được bổ sung qua thức ăn hoặc các nguồn thực phẩm bổ sung.

1.2 Vai trò

Tham gia vào cấu tạo enzym xúc tác cho các phản ứng chuyển hoá của cơ thể. Hầu hết các vitamin tan trong nước đều là coenzym của một enzym chuyên biệt. Do đó, khi cơ thể chúng ta bị thiếu vitamin thì sẽ bị rối loạn các quá trình chuyển hóa trong cơ thể.

Làm tăng sức đề kháng, chống oxy hóa, bảo vệ các tế bào thần kinh qua đó tham gia bảo vệ cơ thể. Ví dụ: vitamin C, A, E, B12,...

Vitamin có vai trò tương tác qua lại với các hormon. Ví dụ: vitamin C tương tác cùng hormon tuyến thượng thận, vitamin nhóm B tương tác cùng hormon sinh dục.

Các vitamin có tác động qua lại với nhau. Vì vậy khi thừa hoặc thiếu một vitamin nào đó sẽ kéo theo thừa hoặc thiếu các vitamin khác và gây bệnh cho cơ thể. Ví dụ: khi thiếu vitamin B12, cơ thể sẽ không tổng hợp được Acid folic gây bệnh thiếu máu...

1.3 Nhu cầu về vitamin của cơ thể

Nhu cầu về vitamin là lượng vitamin cần thiết để duy trì hoạt động bình thường của cơ thể. Nhu cầu về vitamin thay đổi tùy thuộc vào lứa tuổi, giới tính, tình trạng sinh lý của cơ thể. Khi thiếu hay thừa vitamin đều gây rối loạn chuyển hoá của cơ thể và gây bệnh.

Nhu cầu về vitamin của cơ thể
Nhu cầu về vitamin của cơ thể

1.3.1 Nguyên nhân thiếu vitamin

Do ăn uống không đầy đủ hoặc nhu cầu cơ thể táng như phụ nữ có thai, cho con bú, người mới ốm dậy, lao động nặng nhọc.

Do rối loạn hấp thu: có bệnh viêm loét dạ dày tá tràng hoặc cắt dạ dày, bệnh gan, tụy, tiêu chảy...

Do khuyết tật di truyền: thiếu enzym hoặc yếu tố cần để hấp thu như thiếu yếu tố nội không hấp thu được B12.

Do dùng các thuốc làm giảm hấp thu hoặc dùng các thuốc kháng sinh diệt vi khuẩn tổng hợp vitamin ở ruột.

Thường người ta thiếu nhiều vitamin một lúc nên khi điều trị nên phối hợp vitamin. Khi thiếu vitamin nhẹ có thể điều trị bằng cách dùng chế độ ăn các chất có chứa nhiều vitamin, nhưng khi thiếu vitamin nặng thì phải bổ sung dưới dạng thuốc. Trường hợp thiếu vitamin do rối loạn hấp thu ở ruột hoặc do thiếu yếu tố cần thiết để hấp thu vitamin qua ruột thì phải bổ sung vitamin bằng đường tiêm.

1.3.2 Thừa vitamin

Tình trạng dư thừa vitamin thường gặp ở nhóm vitamin tan trong dầu, vì chúng tích lũy trong cơ thể. Còn các vitamin tan trong nước thải trừ nhanh và không tích lũy nên hiếm khi bị thừa.

Nguyên nhân khiến cơ thể bị dư thừa vitamin thường do lạm dụng thuốc. Khi cơ thể không thiếu vitamin trong chế độ ăn mà vẫn bổ sung thêm vitamin dưới dạng uống thông qua sử dụng các thực phẩm chức năng hoặc thuốc. Ngoài ra, trong một số ít trường hợp thừa vitamin cấp tính do tiêu thụ loại thức ăn có chứa lượng lớn vitamin tan trong dầu, ví dụ như ăn gan gấu trắng, gan cá thu...

1.4 Phân loại

Có nhiều cách phân loại vitamin khác nhau, thông thường dựa vào tính chất hòa tan trong nước hay trong dầu của vitamin mà phân thành 2 nhóm:

  • Vitamin tan trong dầu: gồm có 4 vitamin là vitamin A, D, E, K.
  • Vitamin tan trong nước: gồm có các vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12...), vitamin C, vitamin PP…[1]

2 Vitamin tan trong nước

2.1 Đặc điểm chung

Các vitamin tan trong nước có thể hấp thu qua thành ruột trực tiếp để vào máu, mà không phải chịu sự tác động của chất nhũ hóa.

Các vitamin này được lọc được qua cầu thận và thải trừ qua nước tiểu nếu thừa.

Vì chúng không tích luỹ trong cơ thể nên ít khi gây độc.

Các vitamin này cần được bổ sung hàng ngày bởi chúng thường không bền nên dễ bị thiếu.

2.2 Vitamin C (Acid ascorbic)

2.2.1 Nguồn gốc

Vitamin C có nhiều trong thực vật (trong các loại rau quả tươi như cam, Bưởi, ổi, cà chua, cà rốt,...). Trong động vật chỉ có một lượng rất nhỏ. Vitamin C tan rất tốt trong nước nhưng không bền với nhiệt độ cao, dễ bị phân hóa bởi các chất oxy hóa và trong môi trường kiềm.[2]

Vitamin C có nhiều trong rau quả tươi
Vitamin C có nhiều trong rau quả tươi

Hiện nay, vitamin C được tổng hợp thành dạng viên uống hoặc viên sủi, bột sủi và cả dạng tiêm.

2.2.2 Dược động học

Vitamin C hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, phân bố tới hầu hết các mô đặc biệt là tuyến yên, thượng thận, não và bạch cầu. Nó không tích luỹ trong cơ thể, thải trừ chủ yếu qua thận dưới dạng đã chuyển hoá là oxalat và urat và dạng chưa chuyển hóa.

2.2.3 Tác dụng và cơ chế

Vitamin C tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá của cơ thể như:

Tham gia tạo Collagen, proteoglycan và một số thành phần hữu cơ khác. Từ đó, tạo nên mô liên kết ở xương, răng, mạch máu. Vì vậy, khi cơ thể thiếu vitamin C, thành mạch máu không bền, gây chảy máu chân răng hoặc màng xương, sưng nướu răng, răng dễ rụng...

Tham gia vào các quá trình chuyển hoá của cơ thể như chuyển hóa lipid, glucid, protid.

Tham gia vào tổng hợp một số chất như các catecholamin, hormon thượng thận.

Có vai trò xúc tác quá trình chuyển Fe+++ thành Fe++, do đó sự hấp thu Sắt ở ruột được tăng lên (vì chỉ có Fe++ mới hấp thu được ở ruột). Vì vậy, khi thiếu vitamin C, cơ thể bị thiếu máu do thiếu sắt.

Tăng tổng hợp Interferon, làm cơ thể giảm nhạy cảm histamin, chống stress, làm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Vitamin C có khả năng chống oxy hóa do nó có thể trung hòa các gốc tự do sản sinh ra từ các phản ứng chuyển hoá, nhờ đó màng tế bào được bảo toàn (kết hợp với Vitamin AVitamin E).

2.2.4 Chỉ định

Phòng và điều trị thiếu Scorbut (hay bệnh thiếu vitamin C).

Chảy máu do thiếu vitamin C.

Tăng sức đề kháng của cơ thể khi nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

Thiếu máu.

Phối hợp với các thuốc chống dị ứng với những trường hợp bệnh nhân bị dị ứng.

Ngoài ra vitamin C còn dùng với những người nghiện rượu, nghiện thuốc lá.

2.2.5 Tác dụng không mong muốn

Do vitamin C ít tích luỹ trong cơ thể nên ít gặp tác dụng không mong muốn khi dùng dưới 1g trong ngày. Tuy nhiên, nếu dùng liều cao liên tục, kéo dài trong nhiều ngày có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:

  • Loét dạ dày, tá tràng, viêm bàng quang và tiêu chảy.
  • Tăng tạo sỏi thận oxalat (do tăng thải oxalat và urat qua thận).
  • Gây hiện tượng “bật lại”: khi dùng thường xuyên vitamin C, cơ thể đối phó bằng cách tăng phá hủy; khi ngừng cung cấp đột ngột dễ gặp hiện tượng thiếu.
  • Khi sử dụng vitamin C để tiêm tĩnh mạch với liều cao có thể khiến cơ thể bị tan máu, làm giảm độ bền của hồng cầu, nhất là ở người thiếu men G6PD. Ngoài ra, khi sử dụng vitamin C tiêm tĩnh mạch cũng có thể gây ra sốc phản vệ - Đặc biệt, phụ nữ mang bầu nếu sử dụng vitamin C liều cao nhiều ngày có thể gây bệnh Scorbut cho con.
Hình ảnh sản phẩm vitamin C
Hình ảnh sản phẩm vitamin C

2.3 Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm:

  • Viên nén, viên sủi 50, 100, 200 và 500 và 1000mg.
  • Viên sủi, gói bột sủi 1000mg.
  • Dung dịch tiêm 5% và 10% ông 1mL, 2mL và 5mL.
  • Ngoài ra còn có các dạng kẹo ngậm và nhiều dạng thuốc phối hợp với các vitamin khác.

Liều dùng:

  • Dự phòng: 50 - 100mg/24h.
  • Điều trị: 200 - 500mg/24h.
  • Chống stress, tăng sức đề kháng dùng liều cao hơn.
  • Nói chung không nên dùng quá 1g/24h.

2.4 Vitamin B1 (Thiamin)

2.4.1 Nguồn gốc - nhu cầu

Ở thực vật: vitamin B1 có nhiều trong cám gạo, mầm lúa mì và men bia.

Ở động vật: có nhiều trong thịt, trứng, nội tạng động vật như gan, thận.

Vi khuẩn ruột tổng hợp được một lượng nhỏ vitamin B1.

Hiện nay vitamin B1 đã được tổng hợp hoá học.

Ví dụ:

  • Cám gạo: 1,6 - 2,4mg/100g. Thịt lợn: 0,39 - 1,5mg/100g.
  • Men bia: 1,2 - 7,0 mg/100g. Bột mì: 0,4mg/100g.
  • Thịt bò: 0,03 - 0,09mg/100g. Lòng đỏ trứng: 0,25 - 0,3mg/100g.

Nhu cầu về vitamin của cơ thể hàng ngày trung bình từ 1 - 1,5mg. Nhu cầu này tùy thuộc nhiều vào chế độ ăn (với chế độ ăn nhiều glucid thì nhu cầu càng tăng).

2.4.2 Dược động học

Vitamin B1 hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hoá. Mỗi ngày có khoảng 1mg vitamin B1 được sử dụng.

Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

2.4.3 Tác dụng

Vitamin B1 tham gia vào quá trình chuyển hoá glucid. Nó là coenzym của enzym decarboxylase - enzyme khử nhóm carboxyl của acid alpha - cetonic.

Vitamin B1 cũng là coenzym của enzym transketolase - enzym tham gia chuyển hóa nhóm ceton trong chuyển hoá glucid, tức là gắn chu trình pentose vào chu trình hexose.

Do đó, khi thiếu vitamin B1 gây ra tình trạng ứ đọng các chất cetonic trong máu, dẫn đến rối loạn chuyển hoá, gây bệnh tê phù, suy tim, giãn mạch ngoại biên, viêm dây thần kinh ngoại biên...[3]

2.4.4 Tác dụng không mong muốn

Nhìn chung, vitamin B1 dễ dung nạp và không tích luỹ trong cơ thể, do đó không gây thừa.

Tác dụng không mong muốn dễ gặp là dị ứng, nguy hiểm nhất là sốc khi tiêm tĩnh mạch. Vì vậy, không nên tiêm tĩnh mạch vitamin B1 trừ khi thật cần thiết.

2.4.5 Chỉ định

Phòng và điều trị bệnh Beri - Beri.

Dùng kết hợp vitamin C với vitamin B6 và B12 để điều trị cho các bệnh nhân bị đau nhức dây thần kinh hông, lưng và dây thần kinh số V.

Các trường hợp mệt mỏi, kém ăn, suy dinh dưỡng và rối loạn tiêu hoá hoặc bệnh nhân có chế độ nuôi dưỡng nhân tạo.

2.4.6 Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm (dạng muối hydroclorid): Viên nén, hàm lượng từ 5 - 500mg. Thuốc tiêm ống 100 và 200mg.

Hình ảnh sản phẩm chứa vitamin B1
Hình ảnh sản phẩm chứa vitamin B1

Liều dùng:

  • Trị bệnh beri - beri: 40 - 100mg/24h.
  • Đau dây thần kinh: 100 - 500mg/24h.

2.5 Vitamin B6 (Pyridoxin)

2.5.1 Nguồn gốc - nhu cầu

Vitamin B6 có nhiều trong thịt, gan, sữa, lòng đỏ trứng, mầm ngũ cốc, cũng có trong rau quả nhưng ít hơn.

Vitamin B6 tồn tại ở 3 dạng pyridoxin, pyridoxal và pyridoxamin. Chúng có nhóm chức và nhóm thế gắn vào carbon số 4 của nhân pyridin là khác nhau, tuy nhiên đều có chung tác dụng sinh học. Khi vào cơ thể cả 3 dạng đều chuyển thành pyridoxal phosphat nhờ enzym pyridoxal kinase.

Nhu cầu về vitamin B6 tăng khi ăn nhiều protid.

2.5.2 Dược động học

Vitamin B6 hấp thu nhanh qua đường tiêu hoá, sau khi bị thủy phân tách phosphat. Chúng tồn tại trên 60% ở dưới dạng pyridoxal phosphat trong máu. Được chuyển hoá ở gan tạo thành chất chuyển hoá không còn hoạt tính, thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

2.5.3 Tác dụng

Trong cơ thể vitamin B6 được chuyển thành Pyridoxal phosphat có hoạt tính sinh học. Là coenzym của các enzym cần thiết cho sự chuyển hóa acid amin của cơ thể như: transaminase, decarboxylase, deaminase.

Vitamin B6 tham gia quá trình tạo máu: tham gia chuyển hóa vitamin B12, Acid folic.

Ngoài ra vitamin B6 còn tham gia vào quá trình chuyển hoá lipid, glucid và chuyển protid thành glucid và lipid.

Khi thiếu vitamin B6 có thể gây các bệnh ở da và thần kinh như viêm da, lưỡi, khô môi, dễ bị kích thích. Nếu thiếu nặng gây viêm dây thần kinh ngoại biên, thiếu máu, co giật.

Hình ảnh sản phẩm chứa vitamin B6
Hình ảnh sản phẩm chứa vitamin B6

2.5.4 Chỉ định

Phòng và điều trị các trường hợp thiếu vitamin B6.

Dùng trong các trường hợp bệnh nhân bị xơ vữa động mạch, viêm dây thần kinh ngoại vi và thị giác.

Dùng trong trường hợp động kinh, say tàu xe và nôn do mang thai.

Phòng và điều trị một số bệnh ở hệ thần kinh do các thuốc khác (như Isoniazid) gây ra.

2.5.5 Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm: viên nén từ 5mg - 500mg, dung dịch tiêm 100mg/mL.

Liều dùng:

  • Phòng bệnh: người lớn 2 - 2,5mg/24h. Trẻ em 0,5 - 2mg/24h.
  • Điều trị: từ 50mg - 1000mg/24h tùy thuộc vào mức độ thiếu.

Không nên dùng đồng thời với L - Dopa vì làm giảm tác dụng của L - Dopa khi điều trị bệnh Parkinson.

2.6 Acid folic (vitamin B9)

2.6.1 Nguồn gốc - nhu cầu

Acid Folic có nhiều trong các thực phẩm như thịt cá, gan, trứng và rau quả tươi. Tuy nhiên trong quá trình chế biến, chúng rất dễ bị phân hủy.

Nhu cầu:

  • Đối với người lớn 180 – 200 microgam/ ngày.
  • Đối phụ nữ có thai cần 400 microgam/ ngày.

2.6.2 Dược động học

Trong tự nhiên, Acid folic tồn tại dưới dạng polyglutamat. Khi vào cơ thể, nó bị thủy phân dưới tác dụng của carboxypeptidase, sau đó bị khử bằng DHF reductase ở niêm mạc ruột, cuối cùng methyl hoá tạo MDHF, chất này được hấp thu vào máu.

Sau khi hấp thu, thuốc phân bố nhanh vào các mô trong cơ thể, vào dịch não tủy, nhau thai và sữa mẹ. Và được thải trừ qua nước tiểu.

Hình ảnh sản phẩm chứa Acid folic
Hình ảnh sản phẩm chứa Acid folic

2.6.3 Tác dụng và cơ chế

Acid folic được khử thành tetrahydrofolate, nó là coenzym của nhiều quá trình chuyển hoá như:

  • Cùng với sự tham gia của vitamin B6, giúp chuyển serin thành glycine.
  • Chuyển deoxyuridylat thành thymidylate để tạo ADN - thymine.
  • Tham gia quá trình tổng hợp các nucleotid có nhân purin và pyrimidin, vậy nên ảnh hưởng tới quá trình tổng hợp ADN.
  • Đặc biệt Acid folic là chất không thể thiếu trong quá trình tạo hồng cầu. Khi thiếu Acid folic, xảy ra tình trạng thiếu máu nguyên hồng cầu khổng lồ.

2.6.4 Chỉ định

Dùng để phòng và điều trị trong các trường hợp thiếu Acid folic như thiếu máu hồng cầu to, thiếu máu tan máu.

Bổ sung trong trường hợp những người đang điều trị bằng các thuốc kháng Acid folic (Methotrexate), thuốc chống động kinh Hydantoin.

Bệnh nhân sốt rét, phụ nữ mang thai hay khi nhu cầu Acid folic tăng...

2.6.5 Tác dụng không mong muốn

Acid folic dung nạp tốt, ít tác dụng không mong muốn. Tuy nhiên có thể gặp tình trạng ngứa, nổi ban, mày đay hoặc các chứng rối loạn tiêu hoá khi dùng thuốc.

2.6.6 Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm:

  • Viên nén, viên nang 0,4; 0,8; 1 và 5mg.
  • Ống tiêm 2,5 và 5mg/mL, tiêm dưới da, tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch.

Liều dùng:

Điều trị thiếu máu hồng cầu to:

  • Người lớn và trẻ em trên 1 tuổi: 5mg/24h.
  • Trẻ em dưới 1 tuổi: 500microgam/kg/24h.

Bổ sung cho phụ nữ mang thai: 200 - 400 microgam/24h.

2.7 Vitamin B12

Vitamin B12 là tên chung dùng để chỉ các Cobalamin hoạt động trong cơ thể như: Cyanocobalamin, Hydroxocobalamin, Methylcobalamin, 5 - deoxyadenosylcobalamin... Trong số các Cobalamin thì quan trọng nhất là Cyanocobalamin và Hydroxocobalamin.

Vitamin B12
Vitamin B12

2.7.1 Nguồn gốc và nhu cầu

Vitamin B12 chủ yếu có trong động vật như thịt, cá, trứng, gan... Ngoài ra, chúng ta có thể lấy từ môi trường nuôi cấy Streptomyces griseus.

Nhu cầu hàng ngày đối với người lớn khoảng 2 microgam.

2.7.2 Dược động học

Vitamin B12 có thể hấp thu qua đường tiêu hoá và đường tiêm. Để hấp thu qua đường tiêu hoá, cần có yếu tố nội đó glycoprotein ở tế bào niêm mạc dạ dày bài tiết ra. Khi vào máu, vitamin B12 gắn với transcobalamin II để vận chuyển tới các mô.

Vitamin B12 được tích trữ nhiều ở gan (khoảng 90%), tế bào thần kinh trung ương, tim và nhau thai. Chúng thải trừ nhanh qua nước tiểu, và phần lớn được thải trừ trong vòng 8 giờ đầu.

2.7.3 Tác dụng và cơ chế

Các Cobalamin có chức năng là các enzym đồng vận chuyển, tham gia vào nhiều quá trình chuyển hoá quan trọng của cơ thể, đặc biệt là 2 quá trình sau: B5- Methyl tetrahydro folate + homocysteine => Methionin + Tetrahydro folat.

Phản ứng này liên quan đến quá trình chuyển hoá Acid folic và tổng hợp ADN, do đó rất cần cho sự sinh sản của hồng cầu.

Ngoài ra nó còn tham gia trong chuỗi các phản ứng chuyển hoá ceton để đưa vào chu trình Kreb, rất cần cho quá trình chuyển hóa lipid và hoạt động bình thường của hệ thần kinh.

Khi thiếu vitamin B12 sẽ gây tình trạng thiếu máu hồng cầu to và rối loạn thần kinh như: viêm đa dây thần kinh, rối loạn cảm giác, rối loạn vận động khu trú ở chân, tay, hoặc rối loạn trí nhớ và tâm thần.[4]

2.7.4 Chỉ định

Bệnh thiếu máu ưu sắc hồng cầu to.

Viêm, đau dây thần kinh.

Dự phòng các trường hợp thiếu máu hoặc tổn thương thần kinh ở những người phẫu thuật cắt dạ dày hoặc bị viêm ruột mạn tính.

Ngoài ra vitamin B12 còn được dùng phối hợp với các vitamin khác khi cơ thể bị suy nhược, trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng, phụ nữ mang thai và cho con bú, nhiễm khuẩn, nhiễm độc.

2.7.5 Chống chỉ định

Người bị ung thư do vitamin B12 có thể làm tăng sự tiến triển của khối u.

Người mẫn cảm với các thành phần của thuốc.

2.7.6 Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm

  • Cyanocobalamin (Redisol) ống 30, 100, 500 và 1000 microgam.
  • Hydroxocobalamin (Codroxomin) ống tiêm các hàm lượng từ 50 - 5000 microgam, dạng viên 200, 500 và 1000 microgam.
  • Ngoài ra có nhiều dạng chế phẩm phối hợp với vitamin B1, B6 (Nevramin, H5000) hoặc Acid folic, sắt (Ferimax), Calci gluconat (Arphos)...
Sản phẩm chứa Vitamin B12
Sản phẩm chứa Vitamin B12

Liều dùng

  • Điều trị thiếu máu: liều ban đầu 100 – 1000 microgam/24h, dùng hàng ngày hoặc cách ngày, liên tục trong 1 - 2 tuần; duy trì: 100 – 1000 microgam/lần/tháng.
  • Điều trị viêm dây thần kinh: thường phải dùng liều cao và dùng dạng tiêm từ 500 – 5000 microgam/ngày.

2.8 Vitamin B2 (Riboflavin)

2.8.1 Nguồn gốc và nhu cầu

Vitamin B2 có nhiều trong ngũ cốc, rau quả và các sản phẩm sữa, men bia, thịt, lòng trắng trứng, thượng thận.

Hiện nay, đã có các chế phẩm vitamin B2 tổng hợp.

2.8.2 Dược động học

Vitamin B2 hấp thu nhanh sau khi uống nhờ cơ chế vận chuyển đặc hiệu. Sau đó, chúng sẽ hấp thu nhanh vào các mô, không có hiện tượng tích lũy. Vitamin B2 được thải trừ qua phân và nước tiểu, làm nước tiểu có màu vàng.

Vitamin B2 ở trong phân có thể cao hơn lượng uống vào cơ thể vì vi khuẩn ở ống tiêu hóa có khả năng tổng hợp vitamin B2.[5]

2.8.3 Tác dụng

Vitamin B2 là coenzym của khoảng 20 loại enzym khác nhau, tham gia vào các phản ứng oxi hóa khử carbohydrate và acid amin. Quan trọng đó là coenzym của 2 enzym: Flavin mononucleotide (FMN) và Flavin Adenine nucleotide (FAD) là dạng enzym hoạt động, rất cần cho sự hô hấp của mô.

Vitamin B2 tham gia vào quá trình hô hấp tế bào, các quá trình chuyển hoá glucid, protid và lipid.

Ngoài ra chúng còn có vai trò quan trọng trong việc điều hòa chức phận thị giác, dinh dưỡng da và niêm mạc.

Khi thiếu B2 sẽ gây tổn thương da và niêm mạc: lưỡi đỏ, sẫm, nứt, loét miệng, mũi và tổn thương mắt, đó là các dấu hiệu muộn của bệnh. Còn các dấu hiệu sớm của bệnh như: đau bụng, viêm lưỡi và viêm miệng.

Thông thường, rất khó để phân biệt thiếu vitamin B2 đơn thuần, vì thường sẽ đồng thời thiếu nhiều vitamin nhóm B như vitamin PP.

Vitamin B2
Vitamin B2

2.8.4 Chỉ định

Dùng với những người bị thiếu B2 làm tổn thương da, niêm mạc, viêm giác mạc mắt, viêm kết mạc, loét miệng, suy nhược cơ thể...

2.8.5 Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm: viên nén 5, 250mg. Ống tiêm 10mg.

Liều dùng: 5 - 30mg/ngày, chia thành các liều nhỏ.

2.9 Vitamin PP (Niacin, vitamin B3)

2.9.1 Vitamin PP (Pellagra Prevention)

Niacin chính là Acid nicotinic, thường dùng dạng Nicotinamid để làm thuốc.

Vitamin PP có nhiều trong gan, thận, thịt cá, ngũ cốc, men bia và các loại rau xanh.

Vitamin PP hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sau khi uống, chúng phân bố rộng rãi vào các mô, tập trung nhiều ở gan.

Vitamin PP được chuyển hoá và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

2.9.2 Tác dụng

Vitamin PP là thành phần của 2 enzym quan trọng NAD và NADP. Các coenzym này tham gia vào các phản ứng oxi hoá khử với vai trò vận chuyển hydro và điện tử. Chúng tham gia vào quá trình chuyển hoá cholesterol, acid béo và tạo ra năng lượng ATP để cung cấp cho chuỗi hô hấp tế bào.

Khi dùng liều cao Niacin làm giảm LDL và tăng HDL, gây giãn mạch ngoại vi.

Khi cơ thể thiếu hụt vitamin PP, người bệnh có cảm giác chán ăn, cơ thể bị suy nhược. Đồng thời cơ thể dễ bị kích thích, dễ xảy ra phản ứng viêm ở lưỡi, miệng, da, đặc biệt là viêm da vùng hở như mặt, chân, tay. Khi thiếu vitamin này trầm trọng sẽ gây ra bệnh Pellagra, 3 triệu chứng điển hình của bệnh bao gồm viêm da, tiêu chảy và rối loạn thần kinh, tâm thần.

Hình ảnh sản phẩm vitamin PP
Hình ảnh sản phẩm vitamin PP

2.9.3 Tác dụng không mong muốn

Niacin có thể gây giãn mạch ở mặt và nửa trên cơ thể, dẫn đến bốc hỏa, buồn nôn, hồi hộp, đánh trống ngực. Các phản ứng này xuất hiện ngay sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên chúng sẽ tự hết sau 30 - 40 phút.

Nicotinamide không gây tác dụng này.

2.9.4 Chỉ định

Phòng và điều trị bệnh Pellagra.

Dùng phối hợp với các thuốc khác trong điều trị rối loạn tiêu hoá và rối loạn thần kinh.

Phối hợp với thuốc khác trong bệnh tăng lipid huyết, tăng cholesterol, xơ vữa động mạch: dùng dạng Niacin (Acid nicotinic).

2.9.5 Chế phẩm và liều dùng

Chế phẩm:

Viên nén, viên nang 25 - 750mg.

  • Cồn ngọt 50mg/5mL.
  • Dung dịch tiêm 100mg/mL.
  • Có trong thành phần của nhiều biệt dược phối hợp.

Liều dùng:

  • Phòng bệnh: 50 - 200mg/24h.
  • Điều trị: 200 - 500mg/24h.

2.10 Vitamin B5 (Acid pantothenic)

2.10.1 Nguồn gốc

Acid pantothenic có trong hầu hết các loại thực phẩm, đặc biệt có nhiều trong lòng đỏ trứng gà, thận, gan và thịt bò.

Vitamin B5 dễ hấp thu qua đường tiêu hoá, nó khuếch tán tới tất cả các mô. Đặc tính của vitamin B5 dễ dàng bị phân hủy bởi nhiệt và môi trường base. Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

Vitamin B5
Vitamin B5

2.10.2 Tác dụng

Pantothenic là một trong những thành phần quan trọng của coenzym A, góp phần tham gia vào những phản ứng oxy hoá nhóm hydrat carbon, tái tạo Glucose, phân hủy acid béo, tổng hợp sterol, hormon steroid, porphyrin.

Ngoài ra chúng còn có vai trò trong sự định vị tế bào, sự ổn định và hoạt tính của protein.

Chưa thấy hiện tượng thiếu acid pantothenic ở người, chủ yếu là gặp tình trạng thiếu coenzyme A. Khi thiếu coenzyme A thường có các chứng như thoái hóa thần kinh, thiểu năng tuyến thượng thận với các biểu hiện như mệt mỏi, nhức đầu, rối loạn giấc ngủ, đau bụng, đầy hơi, dị cảm tay chân, co thắt cơ.

Acid pantothenic thường được dùng phối hợp trong các chế phẩm đa sinh tố, các sản phẩm dinh dưỡng.

2.11 Vitamin B8 (vitamin H, Biotin)

2.11.1 Nguồn gốc

Vitamin B8 hay là Biotin có nhiều trong các phủ tạng như gan bò, sữa bò, cá, lòng đỏ trứng, và các loại hạt.

Vitamin B8 bền ở nhiệt độ cao nhưng không bền trong môi trường base.

Trong cơ thể vitamin H được tổng hợp một phần nhờ vi khuẩn ruột

Hiện đã tổng hợp được bằng phương pháp hoá học.

Hình ảnh sản phẩm Biotin
Hình ảnh sản phẩm Biotin

2.11.2 Tác dụng

Biotin là cofactor của enzyme carboxylase tham gia vào phản ứng khử carboxyl giúp cho sự chuyển hóa glucid và lipid.

Giúp cho sự chuyển hóa carbohydrate và tổng hợp acid béo ngoài ty thể, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tích lũy mỡ ở gan. Do đó chức năng chính của biotin là tham gia chuyển hóa mỡ, chống tiết mỡ và bã nhờn ở da, dinh dưỡng da và niêm mạc.[6]

Khi thiếu Biotin gây viêm da, viêm lưỡi, đau cơ, mệt mỏi, chán ăn thiếu máu, tăng tiết mỡ ở da, rụng tóc...

2.11.3 Chỉ định

Trị các bệnh da: tăng tiết bã nhờn, trứng cá, viêm lưỡi, miệng.

Phối hợp với thuốc khác trong điều trị hói đầu.

Bệnh thiếu hụt enzym phụ thuộc biotin có tính di truyền.

Ngoài ra còn dùng trong những trường hợp bệnh nhân có chế độ ăn nhân tạo.

2.11.4 Chế phẩm và liều dùng

Viên nén 5mg, ống tiêm 5mg/mL. Dùng 5 - 20mg/24h.

2.12 Các vitamin tan trong nước khác

2.12.1 Carnitine

Carnitine có nhiều trong thịt và sữa. Trong cơ thể thì Carnitine được tổng hợp từ gan và thận.

Carnitine có vai trò oxi hóa các acid béo, tham gia vào quá trình vận chuyển các chất béo này tới ty thể để tạo năng lượng. Làm quá trình chuyển hoá kị khí của glucid xảy ra thuận lợi hơn, giúp tăng khả năng phosphoryl hoá và kích thích thải trừ các acid hữu cơ.

Khi thiếu Carnitine sẽ gây các rối loạn chuyển hóa lipid làm rối loạn cơ vân và cơ tim. Rối loạn chức năng gan và hạ đường huyết khi đói.

2.12.2 Vitamin P

Vitamin P bao gồm các chất thuộc nhóm Flavonoid, chúng xuất hiện nhiều trong hoa hoè, Chè Xanh và các loại cam quýt.

Tác dụng cơ bản của vitamin P là làm giảm tính thấm thành mạch và giảm độ giòn của mạch máu. Kết hợp vitamin C có tham gia vào phản ứng oxy hóa khử. Vitamin P thường dùng phối hợp với vitamin C để điều trị các bệnh có kèm theo tăng tính thấm thành mạch.

Vitamin P
Vitamin P

Qua bài viết này, chúng tôi đã chia sẻ cho các bạn những kiến thức chung về nhóm vitamin tan trong nước. Hi vọng sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn về vai trò của các vitamin trong cơ thể, đồng thời biết cách sử dụng vitamin hợp lý hơn. Chúc các bạn thật nhiều sức khỏe.

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả: Meagan Bridges, RD (Ngày đăng: ngày 11 tháng 3 năm 2021. Vitamins, Medline Plus. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
  2. ^ Tác giả: Cerner Multum (Ngày đăng: ngày 9 tháng 11 năm 2020. Ascorbic acid, Drugs.com. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
  3. ^ Tác giả: Chuyên gia của NIH (Ngày đăng: Ngày 26 tháng 3 năm 2021. Thiamin, NIH. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
  4. ^ Tác giả: Robert Oh, David L Brown (Ngày đăng: Ngày 1 tháng 3 năm 2003. Vitamin B12 deficiency, PubMed. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
  5. ^ Tác giả: Basil V. Peechakara, Mohit Gupta (Ngày đăng: Ngày 26 tháng 6 năm 2021. Vitamin B2 (Riboflavin), NCBI. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.
  6. ^ Tác giả: Cerner Multum (Ngày đăng: Ngày 6 tháng 12 năm 2019. Biotin, Drugs.com. Truy cập ngày 4 tháng 10 năm 2021.

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
  • 4 Thích

    cho tôi hỏi một số loại vitamin tan trong nước?


    Thích (4) Trả lời
(Quy định duyệt bình luận)
Đại cương và dược lý nhóm thuốc vitamin tan trong nước 5/ 5 1
5
100%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%
Chia sẻ nhận xét
Đánh giá và nhận xét
  • Đại cương và dược lý nhóm thuốc vitamin tan trong nước
    LP
    Điểm đánh giá: 5/5

    nhà thuốc an huy uy tín, thuốc chất lượng, giá cả hợp lý, tôi sẽ tiếp tục đến đây mua thuốc

    Trả lời Cảm ơn (4)
vui lòng chờ tin đang tải lên

Vui lòng đợi xử lý......

0 SẢN PHẨM
ĐANG MUA
hotline
0985.729.595