1. Trang chủ
  2. Tiêu hóa - Gan Mật Tụy
  3. Tá tràng và đại tràng: Đặc điểm giải phẫu và những bệnh lý thường gặp

Tá tràng và đại tràng: Đặc điểm giải phẫu và những bệnh lý thường gặp

Tá tràng và đại tràng: Đặc điểm giải phẫu và những bệnh lý thường gặp

Tá tràng và đại tràng là những bộ phận quan trọng tham gia vào quá trình tiêu hóa và hấp thu thức ăn. Am hiểu về đặc điểm giải phẫu của chúng giúp ích rất nhiều trong quá trình chẩn đoán và điều trị bệnh. Trong bài viết này, Trung Tâm Thuốc Central Pharmacy (trungtamthuoc.com) xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về tá tràng và đại tràng.

1 Thông tin về tá tràng

Một trong những điểm dừng đầu tiên trong hành trình của thức ăn là phần ruột non ngay dưới dạ dày, được gọi là tá tràng.

1.1 Tá tràng nằm ở vị trí nào?

Tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non, là phần nối tiếp với dạ dày tại môn vị; nối với túi mật, gan và tuyến tụy thông qua một lỗ được gọi là bóng Vater. [1] Về vị trí giải phẫu, tá tràng nằm trước cột sống nhưng hơi lệch về phía thành bụng sau và được chia làm 4 phần:

  • Phần trên: Là đoạn đầu tiên của tá tràng, tiếp nối trực tiếp với môn vị, chiếm ⅔ tổng chiều dài của tá tràng và được gọi là hành tá tràng. Phần này nằm hơi chếch lên một góc khoảng 45 độ. Vị trí hành tá tràng ở ngang mức đốt sống thắt lưng I, ngay dưới gan. Nó được nối với gan bằng dây chằng gan tá tràng .
  • Phần xuống: Đi xuống từ góc tá tràng trên, dọc theo bờ bên phải của đốt sống thắt lưng III, ôm sát quanh đầu tụy. Phần này nằm ngay phía trên tĩnh mạch chủ dưới và thận phải
  • Phần ngang: Từ góc tá dưới, hướng đi từ phải sang trái đến cột sống thắt lưng và dừng ở ngang mức sụn gian đốt sống thắt lưng III, IV. Phần này đè lên động mạch chủ bụng và tĩnh mạch chủ dưới, phía trước có động mạch mạc treo tràng trên
  • Phần lên: Chạy lên trên hơi chếch sang trái một góc 45 độ để tới góc tá hỗng tràng nằm bên trái cột sống, cạnh động mạch chủ. Mạc treo tiểu tràng bám vào góc tá hỗng tràng. 
Tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non
Tá tràng là đoạn đầu tiên của ruột non

1.2 Kích thước của tá tràng

Toàn bộ tá tràng dài khoảng 25cm, gần bằng chiều dài của 12 đốt ngón tay, có đường kính 3-4cm. Hành tá tràng có phần đầu phình to hơn, phần xuống hẹp ở giữa nơi có muốn ruột và phần ngang hẹp ở chỗ động mạch mạc treo tràng trên chạy qua.

1.3 Cấu trúc của tá tràng

Tá tràng có hình chữ C hoặc hình móng ngựa. Phần hành tá tràng có nhiều mạch máu và liên kết với động mạch gan, tĩnh mạch cửa và ống mật chung. 

Tại góc tá hỗng tràng, một nhóm cơ được gọi là cơ treo của tá tràng co lại, giúp mở rộng góc uốn. Việc mở rộng này cho phép thức ăn và dịch tiêu hóa di chuyển vào hỗng tràng một cách dễ dàng hơn.

Cấu tạo của tá tràng giống như một ống rỗng, có 4 lớp. Bốn lớp này giống như các lớp trong thành dạ dày. Các lớp từ phải sang trái là niêm mạc, dưới niêm mạc, cơ và thanh mạc.

  • Lớp thanh mạc: là lớp ngoài cùng bao bọc tá tràng. Lớp này được đặc trưng bởi biểu mô vảy hoạt động như một rào cản bảo vệ cho tá tràng
  • Lớp cơ: Phần nông là lớp thớ cơ dọc, sâu hơn là lớp thớ cơ vòng. Lớp cơ giúp tạo ra nhu động ruột, đẩy nhũ trấp di chuyển.
  • Tấm dưới niêm mạc: Là tổ chức liên kết mỏng và nhão, cơ chứa tuyến Brunner có khả năng tiết ra chất nhầy có tính kiềm. Tấm dưới niêm mạc nơi các mạch máu và dây thần kinh đi qua.
  • Lớp niêm mạc: Là lớp lót bề mặt trong của tá tràng màu hồng mịn và được tạo thành từ các tế bào hình trụ với các vi nhung mao và nhiều tuyến nhầy.

1.4 Chức năng của tá tràng

Vai trò của tá tràng là tiếp tục quá trình tiêu hóa thức ăn sau khi đi xuống từ dạ dày. Tại tá tràng, dịch tiêu hóa từ dạ dày và các enzym do thành ruột non tiết ra phối hợp với nhau để phân hủy thức ăn khi chúng đi qua. Tá tràng cũng sử dụng một số hormone, enzyme từ gan, dịch tiết từ túi mật và tuyến tụy để tiêu hóa thức ăn. 

Đối với phần sau của ruột non, tá tràng  giúp điều phối lượng thức ăn, cũng như tốc độ và thể tích dịch mật được đổ vào ruột non. Trong quá trình xử lý và đưa thức ăn đến giai đoạn tiêu hóa tiếp theo, tá tràng cũng hấp thụ một số chất dinh dưỡng, đặc biệt là sắt.

Công việc của tá tràng rất phức tạp và cần được cung cấp máu ổn định. Nó nhận nguồn cung cấp máu này từ nhiều động mạch khác nhau, bao gồm cả những động mạch cung cấp máu cho tuyến tụy ở gần đó. Tá tràng cũng có hệ thống thần kinh khá phức tạp, giúp điều phối dòng thức ăn và chất lỏng thay đổi liên tục qua đường tiêu hóa. Hệ thống bạch huyết cũng được kết nối với tá tràng, giúp tăng khả năng miễn dịch của cơ thể và cho phép loại bỏ các độc tố khỏi hệ tiêu hóa.

1.5 Các bệnh lý thường gặp tại tá tràng

Vì là bộ phận nối tiếp với dạ dày, nên tá tràng rất dễ bị ảnh hưởng bởi độc tố trong thức ăn và axit dịch vị. 

1.5.1 Viêm tá tràng

Viêm loét tá tràng là một bệnh lý phổ biến với các triệu chứng như: đau bụng, đầy hơi, táo bón và tiêu chảy. Viêm loét tá tràng thường đi kèm với loét dạ dày. Các yếu tố gây tổn thương dạ dày như axit dịch vị, thức ăn, vi khuẩn,... cũng có thể là nguyên nhân gây ra viêm loét tá tràng, đặc biệt là viêm loét hành tá tràng

Viêm loét tá tràng thường đi kèm với loét dạ dày
Viêm loét tá tràng thường đi kèm với loét dạ dày

Nguyên nhân phổ biến nhất của viêm tá tràng là do nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori (H. pylori ) vi khuẩn. Những vi khuẩn này thường có sẵn trong hệ thống tiêu hóa và nếu chúng phát triển ngoài tầm kiểm soát, chúng có thể làm tổn thương lớp niêm mạch của tá tràng. 

Cả viêm dạ dày và viêm tá tràng cũng có thể do sử dụng hoặc lạm dụng một số loại thuốc. Các loại thuốc phổ biến nhất gây viêm tá tràng là thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Ibuprofen, Aspirin và naproxen.

Các nguyên nhân khác của viêm tá tràng bao gồm: nhiễm virus, hút thuốc lá, uống nhiều rượu, phẫu thuật, hóa trị hoặc xạ trị,...

Các phương pháp điều trị và thay đổi lối sống cho viêm tá tràng gần giống với các phương pháp sử dụng cho bệnh viêm loét dạ dày. 

1.5.2 Ung thư tá tràng

Ung thư tá tràng có khả năng xảy ra nhưng rất hiếm. Các triệu chứng cảnh báo ung thư tá tràng không quá rõ ràng như đau bụng và giảm cân không rõ nguyên nhân, tiêu chảy, mệt mỏi và buồn nôn. Các triệu chứng này tương tự như các triệu chứng của nhiều tình trạng bệnh lý tiêu hóa khác và khiến ung thư tá tràng trở nên khó chẩn đoán. 

Khi được chẩn đoán,việc điều trị thường bao gồm việc loại bỏ khối u thông qua phẫu thuật. Các biện pháp điều trị ung thư tá tràng khác là hóa trị và xạ trị hoặc phương pháp điều trị mới hơn gọi là liệu pháp sinh học. 

Các yếu tố rủi ro làm tăng khả năng phát triển ung thư tá tràng bao gồm tuổi tác, các bệnh đường tiêu hóa như Crohn’s hoặc Celiac, ung thư ruột kết, hút thuốc, sử dụng rượu và chế độ ăn uống thiếu khoa học. Mặc dù khó khăn trong chẩn đoán nhưng điều trị sớm có thể mang lại tiên lượng tốt, vì vậy đừng ngần ngại nói chuyện với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào bạn gặp phải. 

1.5.3 Các bệnh lý khác tại tá tràng

Vì tá tràng là điểm kết nối giữa dạ dày và ruột nên có rất nhiều vấn đề về đường tiêu hóa liên quan đến tá tràng. 

  • Trào ngược dịch mật: Tình trạng này xảy ra khi dịch mật, có trong tá tràng để tiêu hóa, chảy ngược lên dạ dày và thực quản.
  • Tắc nghẽn tá tràng: Đó là khi ruột non bị tắc nghẽn một phần hoặc hoàn toàn, thức ăn không thể đi xuống ruột già được nữa. Kết quả dẫn đến tích tụ khí và chất thải tại tá tràng làm tổn thương niêm mạc tại đó. Các nguyên nhân phổ biến gây tắc nghẽn bao gồm mô sẹo, thoát vị, khối u và tổn thương các nếp gấp của ruột do các bệnh viêm ruột như bệnh Crohn hoặc viêm túi thừa .
  • Thủng tá tràng: Nếu tình trạng loét ở tá tràng không được điều trị hoặc vì một nguyên nhân khác nào đó, tá tràng có thể sẽ bị thủng. Đây là vấn đề nguy hiểm, có thể đe dọa đến cả tính mạng của bệnh nhân. Do đó, cần phải được cấp cứu và chữa trị sớm.
  • Túi thừa tá tràng: Bên cạnh túi thừa đại tràng thì túi thừa tá tràng cũng là tình trạng y khoa phổ biến trên lâm sàng. Túi thừa  thường xuất hiện ở phần xuống và phần ngang của tá tràng, hiếm khi xuất hiện ở phần trên. Túi thừa tá tràng thường có kích thước khoảng 2 – 3 cm, cũng có thể gặp túi thừa tá tràng có kích thước lớn hơn 10cm nhưng tỷ lệ này rất ít. Trong một số ít trường hợp, túi thừa tá tràng có thể gây tắc mật.

1.6 Có thể sống mà không có tá tràng không?

Trong trường hợp ung thư tá tràng cần thực hiện phẫu thuật Whipple, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ tá tràng của bệnh nhân. Bệnh nhân có thể sống và làm việc bình thường nếu không có tá tràng. Tuy nhiên, việc cắt bỏ tá tràng có thể gây ra một số vấn đề trong quá trình tiêu hóa hoặc hấp thu chất dinh dưỡng. Chế độ ăn của người đó cần thay đổi và bác sĩ có thể chỉ định truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để ngăn ngừa suy dinh dưỡng.

Khi tá tràng đẩy nhũ trấp đã qua xử lý đến hỗng tràng, tá tràng sẽ hấp thụ một số chất dinh dưỡng. Phổ biến nhất là sắt, ngoài ra còn có các dưỡng chất khác như Vitamin A, Vitamin B1, canxi, axit béo và axit amin,... Vì thế, người cắt bỏ tá tràng cần phải bổ sung Sắt và các nguyên tố vi lượng khác để duy trì sức khỏe.

1.7 Giải tích tên gọi tá tràng

Nhiều người thắc mắc, vì sao gọi đoạn đầu ruột non là tá tràng và tá ở đây có liên quan đến số 12 hay không. Điều này được các chuyên gia giải thích như sau:

  • Trước hết cần tìm hiểu về khởi nguồn của hệ số 12: Đây là một cách đếm bắt nguồn từ phương Tây. Người La Mã cổ đại khi tính toán thường dùng ngón cái đếm đốt tay trên những ngón còn lại, tổng cộng 12 đốt gom lại thành một nhóm. Từ đó, hệ số 12 này ngày càng phổ biến. Vì vậy, khi khám phá ra chu kỳ của Trái Đất quanh Mặt Trời, người ta đã chia một năm thành 12 tháng. Các khoảng thời gian còn lại cũng được quy đổi bằng một bội số của 12: Ví dụ 1 ngày bằng 24 giờ, 1 giờ bằng 60 phút, 1 phút bằng 60 giây. Hệ số 12 đặc biệt được ưa chuộng ở nước Anh. Họ dùng nó trong cả đo lường, buôn bán và tiền tệ: 12 cái = 1 dozen, 12 dozens = 1 gross, 12 pence = 1 shilling, 12 inches = 1 foot,…
  • Khi người Anh lập thuộc địa ở khu Quảng Đông, Hong Kong, Thượng Hải, người Tàu nhặt chữ dozen và phiên âm thành “đả thần” (âm Hán Việt). Từ từ về sau đó, người ta bỏ âm “thần” đằng sau đi và gọi tắt là “đả”. Chữ này truyền vào Việt Nam theo bước chân những người Hoa đi buôn. Người Quảng Đông đọc chữ “đả” bằng âm “tá”. Thế là từ đó tiếng Việt chúng ta có chữ “tá”. Từ tá trở nên khá phổ biến ở Việt Nam.
  • Đối với tá tràng: Phần đầu của ruột non này có chiều dài gần bằng 12 đốt ngón tay và có tên tiếng Latin là duodenum digitorum, tức dài 12 khoát ngón tay. Vì thế, người Hoa dựa trên đó gọi là “thập nhị chỉ tràng”, nhưng người Việt ta đã vận dụng thông minh từ “tá” để có cách gọi ngắn gọn “tá tràng” như một danh từ giải phẫu hiện nay.

2 Thông tin về đại tràng

Đại tràng là phần cuối cùng của quá trình tiêu hóa, trước khi thức ăn được đổ vào trực tràng và đào thải ra ngoài. Đôi khi, cụm từ đại tràng cũng được sử dụng để mô tả toàn bộ ruột già.

 Đại tràng nối tiếp từ ruột non và đi đến trực tràng. 
Đại tràng nối tiếp từ ruột non và đi đến trực tràng.

2.1 Đại tràng nằm ở vị trí nào trong bụng?

Đại tràng nằm bên dưới gan và dạ dày, từ thắt lưng trở xuống, đi dọc theo ổ bụng và bao quanh ruột non. Từ phải sang trái, đại tràng bao gồm các phần sau:

  • Manh tràng: Là phần đầu của đại tràng, nối với ruột non ở góc hồi manh tràng. Manh tràng giống như một cái túi với phần đáy nằm trong hố chậu phải và phần miệng liên tiếp với đại tràng lên. Trong một số trường hợp hiếm gặp, manh tràng có thể ở các vị trí khác, chẳng hạn như ngay dưới gan hoặc ở hố chậu trái (trong trường hợp bị đảo ngược phủ tạng)
  • Đại tràng lên: Là phần ruột phía dưới bên phải của bụng, có hướng đi lên từ manh tràng cho đến khi nó gặp thùy phải của gan. Phần đại tràng lên kết thúc ở góc quay được gọi là góc đại tràng phải hoặc góc gan.
  • Đại tràng ngang: Bắt đầu từ góc đại tràng phải, hơi chếch lên trên và đi về phía lá lách. Phần đại tràng ngang kết thúc ở góc quay được gọi là góc đại tràng trái (hoặc góc lách). Tại góc lách, đại tràng được gắn với cơ hoành nhờ các dây chằng. Do ít được cố định, đại tràng ngang là phần có thể thay đổi vị trí dễ dàng nhất của đại tràng. Phần ruột ở vị trí này có thể lõm vào khung xương chậu hoặc lồi lên phía trên tùy cơ địa và tình trạng bệnh lý. Khác với đại tràng lên và đại tràng xuống, đại tràng ngang nằm trong phúc mạc và được bao bọc bởi mạc treo đại tràng ngang.
  • Đại tràng xuống: Tại góc lách, đại tràng hướng xuống dưới và di chuyển xuống về phía mỏm chậu trái. Đa phần đại tràng xuống nằm ở sau phúc mạc và trước thận trái. 
  • Đại tràng sigma: Vị trí đại tràng sigma nằm ở ¼ phần bụng dưới bên trái, uốn cong từ hố chậu trái đến ngang mức đốt sống S3, tạo thành một hình chữ “S” đặc trưng. Đại tràng sigma có thể di động xung quanh khung xương chậu nhưng vẫn được giữ bởi một mạc treo (mesocolon sigmoid)
  • Trực tràng: Phần cuối cùng của ruột già, ngay trước hậu môn.

2.2 Kích thước của đại tràng

Đại tràng có hình dạng của một dấu hỏi vuông lớn, với phần đuôi của dấu chấm hỏi kết thúc ở hậu môn. Trung bình, đại tràng thường có chiều dài khoảng 120-150cm, đường kính khoảng 6-7cm tùy thuộc vào cơ thể của mỗi người. 

  • Manh tràng: dài khoảng 6cm (khoảng bằng một phần ba chiều dài của chiếc bút), đường kính rộng khoảng 6-8cm. Có thể nói manh tràng là phần rộng nhất của ruột già.
  • Đại tràng lên dài khoảng 10-15 cm
  • Đại tràng ngang dài khoảng 50-60 cm
  • Đại tràng xuống dài khoảng 10-15 cm
  • Đại tràng sigma có chiều dài khoảng 50-60cm
  • Trực tràng có chiều dài khoảng 15 cm

Trong một số trường hợp hiếm gặp, đại tràng dài hơn mức bình thường. Khi đó, đại tràng phải xoắn lại để vừa với ổ bụng.

2.3 Cấu trúc của đại tràng

Đại tràng bao gồm bốn lớp, mỗi lớp có một chức năng cụ thể. Các lớp từ trong ra ngoài bao gồm:

  • Lớp niêm mạc: Niêm mạc cung cấp chất bôi trơn, giúp hỗ trợ quá trình di chuyển phân qua ruột kết.
  • Lớp dưới niêm mạc: Tại đây rất giàu mạch máu và dây thần kinh. Lớp dưới niêm mạc là lớp mô liên kết giữa lớp niêm mạc và lớp cơ.
  • Lớp cơ: Bao gồm các sợi cơ vòng và cơ dọc, cơ vòng ở trong, cơ dọc ở ngoài. Nếu khối ung thư xuyên qua lớp này, sẽ có nhiều khả năng chúng có thể di căn đến các bộ phận khác của cơ thể.
  • Lớp thanh mạc: Đây là lớp ngoài cùng của đại tràng, do lá tạng của phúc mạc ổ bụng tạo thành có vai trò bảo vệ.
Thành đại tràng có 4 lớp
Thành đại tràng có 4 lớp

 

2.4 Cung cấp mạch máu cho đại tràng

Việc phân bố các mạch máu và hệ thống thần kinh cho đại tràng có liên quan chặt chẽ với vị trí giải phẫu của nó. Thông thường sẽ được chia làm 2 phần: Đại tràng phải (bao gồm đại tràng lên và đoạn đầu 2/3 của đại tràng ngang), Đại tràng trái (1/3 xa của đại tràng ngang, đại tràng xuống và đại tràng sigma).

  • Cung cấp từ động mạch

Theo nguyên tắc chung, các cấu trúc có nguồn gốc từ ruột giữa (đại tràng phải) được cung cấp bởi động mạch mạc treo tràng trên và các cấu trúc có nguồn gốc từ ruột sau (đại tràng trái) được cung cấp bởi động mạch mạc treo tràng dưới.

Đại tràng lên nhận máu từ hai nhánh của động mạch mạc treo tràng trên, các động mạch hồi-đại tràng và đại tràng phải. 

Đại tràng ngang có nguồn gốc từ cả ruột giữa và ruột sau, do đó nó được cấp máu bởi các nhánh của động mạch mạc treo tràng trên và động mạch mạc treo tràng dưới. 

Đại tràng xuống được cấp máu bởi một nhánh duy nhất của động mạch mạc treo tràng dưới; động  mạch đại tràng trái. 

Đại tràng sigma nhận nguồn cung cấp máu từ các động mạch sigmoid (các nhánh của động mạch mạc treo tràng dưới).

  • Cung cấp từ tĩnh mạch

Dẫn lưu tĩnh mạch của đại tràng tương tự như cung cấp động mạch:

Đại tràng lên: Các tĩnh mạch hồi-đại tràng và đại tràng phải đổ vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên.

Đại tràng ngang: Tĩnh mạch đại tràng giữa đổ vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên.

Đại tràng xuống: Tĩnh mạch đại tràng trái, đổ vào tĩnh mạch mạc treo tràng dưới.

Đại tràng sigma: Được các tĩnh mạch sigma dẫn lưu vào tĩnh mạch mạc treo tràng dưới.

Các tĩnh mạch mạc treo tràng trên và mạc treo tràng dưới cuối cùng đổ vào tĩnh mạch cửa gan . Điều này cho phép các chất độc hấp thụ từ ruột kết được gan xử lý để giải độc

2.5 Chức năng của đại tràng

Manh tràng là nơi đầu tiên nhận lượng thức ăn đã qua xử lý từ ruột non đến ruột già. Khi manh tràng đầy, nó sẽ kích hoạt các chuyển động cơ của đại tràng bắt đầu.

Khi đại tràng nhận thức ăn từ ruột non, thức ăn đã được hóa lỏng bởi quá trình tiêu hóa và hầu hết các chất dinh dưỡng đã được hấp thụ. Công việc của đại tràng là hấp thụ nước, một số dưỡng chất còn lại của thức ăn và tạo thành phân. Quá trình này diễn ra song song với việc đẩy chất thải đi về phía hậu môn. 

Trong khi đó, vi khuẩn sống trong ruột kết tiếp tục ăn chất thải hoặc các thức ăn chưa được phân hủy hết. Chẳng hạn như các lợi khuẩn ăn chất xơ giúp phần mềm và xốp hơn, còn các hại khuẩn ăn thức ăn và thải ra lượng khí độc gây đầy hơi. 

Các hại khuẩn trong đại tràng có thể gây đầy hơi
Các hại khuẩn trong đại tràng có thể gây đầy hơi

Giống như ruột non, ruột già nhào trộn thức ăn và đẩy chúng di chuyển về phía trước thông qua các nhu động ruột. Nhưng quá trình này diễn ra chậm hơn nhiều và thường mất khoảng 24 giờ. 

Cuối cùng, chất thải được đưa đến đại tràng sigma, đến trực tràng và tạo thành phân. Khi phân đi vào trực tràng, nó sẽ gây ra cảm giác muốn đi đại tiện. 

2.6 Các bệnh lý thường gặp liên quan đến đại tràng

  • Polyp đại tràng: Polyp đại tràng là một khối mô thừa phát triển từ niêm mạc đại tràng. Kích thước và số lượng khối polyp khá đa dạng. Mặc dù hầu hết các trường hợp là vô hại, nhưng một số ít có thể tiến triển thành ung thư. Khi khối polyp phát triển lớn hơn (khoảng hơn 1cm), nó có nhiều khả năng trở thành ung thư hơn.
  • Ung thư đại trực tràng: Ung thư đại trực tràng có thể phát triển từ polyp đại tràng đã trở thành ung thư.
  • Bệnh viêm đại tràng: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm loét đại tràng. Chẳng hạn như nhiễm khuẩn, nhiễm virus, ăn uống không khoa học, thức khuya,... Tình trạng này có thể là cấp tính hoặc trở thành bệnh mãn tính cần dùng thuốc và điều trị.
  • Bệnh Crohn: Bệnh Crohn là một bệnh tự miễn của đường tiêu hóa gây viêm (sưng) ở ruột non hoặc một phần khác của hệ thống tiêu hóa, có thể là ruột già.
  • Hội chứng ruột kích thích (IBS): IBS là một bệnh lý đường tiêu hóa phổ biến đặc trưng bởi đầy hơi, chuột rút, tiêu chảy và đau bụng.

Các dấu hiệu và biểu hiện của bệnh đại tràng phổ biến bao gồm:

  • Chảy máu đại tràng: Bạn có thể thấy máu ở quần lót hoặc trên giấy vệ sinh sau khi đi đại tiện.
  • Xuất hiện máu trong phân: Máu có thể làm cho phân có màu đen hoặc có thể xuất hiện dưới dạng các vệt đỏ trong phân của bạn.
  • Đau bụng: Một khối polyp lớn có thể làm tắc nghẽn đường ruột, gây chuột rút và táo bón. Đặc biệt, khối polyp bị viêm có thể dẫn đến những cơn đau bụng dữ dội. 
  • Táo bón hoặc tiêu chảy liên tục: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài hơn một tuần cũng có thể là dấu hiệu của tắc ruột.

2.7 Phòng ngừa các bệnh liên quan đến đại tràng

Hiện nay, các bệnh liên quan đến đại tràng khá phổ biến và việc chữa trị dứt điểm cũng không dễ dàng. Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích nên chủ động phòng ngừa các bệnh lý này bằng cách[2]:

  • Ăn nhiều thực phẩm chứa Canxi và folate: Những khoáng chất này đã được chứng minh là làm giảm kích thước và số lượng polyp đại tràng. Thực phẩm giàu canxi bao gồm sữa, phô mai và bông cải xanh. Thực phẩm giàu folate bao gồm đậu xanh, các loại hạt và rau bina.
  • Ăn ít chất béo: Hạn chế ăn các thực phẩm nhiều dầu mỡ như đồ chiên rán. Đặc biệt hạn chế chất béo bão hòa từ nguồn động vật như thịt đỏ.
  • Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt: Đây là những thực phẩm tốt cho đại tràng nói riêng và đường ruột nói chung. Sự có mặt của chất xơ giúp tăng cường hoạt động của vi sinh vật có lợi, giúp di chuyển thức ăn qua ruột kết nhanh hơn và giảm thời gian đại tràng tiếp xúc
  • với bất kỳ chất có hại nào.Tập thể dục hàng ngày: Vận động là cách thúc đẩy nhu động đại tràng hoạt động tốt. Từ đó hỗ trợ di chuyển thức ăn qua ruột kết nhanh hơn.
  • Hạn chế uống nhiều rượu bia: Phụ nữ uống nhiều hơn một ly rượu mỗi ngày và nam giới uống nhiều hơn hai ly rượu mỗi ngày làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết.
  • Bỏ thuốc lá: Nếu bạn không thể ngừng hút thuốc, hãy hạn chế ở mức tối đa.
  • Uống nhiều nước hơn: Uống thêm nước giúp thức ăn di chuyển trong đại tràng nhanh hơn và niêm mạc đại tràng hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn.

Tóm lại, tá tràng và đại tràng đều là những bộ phận quan trọng của ống tiêu hóa. Nếu duy trì lối sống không lành mạnh, những cơ quan này rất dễ bị tổn thương dẫn đến các bệnh lý viêm nhiễm. 

>>> Xem thêm: Ung thư đại trực tràng: nguyên nhân và hướng điều trị

Tài liệu tham khảo

  1. ^ Tác giả Jason T. Collins và cộng sự (Ngày đăng 8 tháng 8 năm 2023). Anatomy, Abdomen and Pelvis, Small Intestine, PubMed. Truy cập ngày 27 tháng 11 năm 2023
  2. ^ Julie Wilkinson (Ngày đăng: Ngày 19 tháng 09 năm 2022). The Colon and Its Function, Verywell Health. (Ngày truy cập: Ngày 20 tháng 06 năm 2023

* SĐT của bạn luôn được bảo mật
* Nhập nếu bạn muốn nhận thông báo phẩn hồi email
Gửi câu hỏi
Hủy
    (Quy định duyệt bình luận)
    0/ 5 0
    5
    0%
    4
    0%
    3
    0%
    2
    0%
    1
    0%
    Chia sẻ nhận xét
    Đánh giá và nhận xét
      vui lòng chờ tin đang tải lên

      Vui lòng đợi xử lý......

      0 SẢN PHẨM
      ĐANG MUA
      hotline
      1900 888 633