Coronavirus - Những con đường lây nhiễm chính, cách phòng ngừa hiệu quả và tỷ lệ tử vong ước tính
Trungtamthuoc.com - Thời gian gần đây, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống toàn cầu. Trước tình hình đó, mọi người cần nắm được các thông tin đầy đủ về dịch bệnh cũng như các con đường lây truyền chính của chủng coronavirus mới này để chủ động có biện pháp phòng tránh, bảo vệ mình, những người thân yêu cũng như cộng đồng.
1 Virus Corona là gì?
Theo WHO, coronavirus là một họ virus lớn gồm nhiều chủng khác nhau. Cái tên corona bắt nguồn từ hình ảnh của nó khi được nhìn qua kính hiển vi, trông giống hình vương miện (“crown” nghĩa là vương miện).
Khi xâm nhập vào cơ thể người, virus này gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp như: Cảm cúm, viêm phổi cấp. Nhiều trường hợp, người bệnh có biểu hiện tương tự như dịch SARS và dịch MERS trước đây, bao gồm: Ho, sổ mũi, khó thở,... nghiêm trọng hơn là suy hô hấp cấp và dẫn đến tử vong.
Theo các nhà khoa học, chủng coronavirus mới này có cấu trúc rất gần với chủng SARS trước đây. Do đó, không quá khó hiểu khi triệu chứng bệnh do cả 2 loại virus này gây ra đều có nhiều điểm tương đồng.
2 Virus corona có thể lây truyền qua các con đường nào?
Ngay khi có những ca bệnh đầu tiên do chủng coronavirus mới gây ra, các chuyên gia y tế đã nhanh chóng đưa ra những cảnh báo đầu tiên về nguy cơ của nó. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, số ca lây nhiễm và tử vong do chủng virus mới này tăng nhanh đến chóng mặt. Trước thực trạng này, WHO đã ban bố tình trạng y tế khẩn cấp, tất cả các chuyên gia đầu ngành của thế giới đã cố gắng đi tìm hiểu nguyên nhân và cách thức lây truyền của virus. [1]
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được chính xác nguồn cơn đại dịch corona mới này bắt đầu từ đâu. Nhưng dựa trên những dữ liệu thu thập được, giới chuyên gia đưa ra những con đường lây nhiễm chính gồm:
2.1 Lây truyền từ động vật sang người
Như đã nói ở trên, các đại dịch mà chúng ta đã biết trước đó do chủng SARS, MERS, Ebola, H5N1... đều bắt nguồn từ động vật. Trong đó, SARS được tìm thấy ở dơi, cầy hương; MERS tìm thấy ở dơi, lạc đà, Ebola cũng được tìm thấy trên loài dơi, và ngay cả H5N1 cũng tìm thấy trên gà,...
Ban đầu, các virus này sống trên vật chủ là động vật hoang dã. Tuy nhiên, bằng cách nào để chúng xâm nhập được vào vật chủ “màu mỡ” hơn là cơ thể người thì vẫn chưa được xác định rõ. Nhưng hầu hết đều cho rằng, điều này bắt nguồn từ chính thói quen săn bắt, ăn thịt động vật hoang dã của con người.
Ngoài ra, theo những phân tích về cấu trúc và vật chủ của 2019 - nCoV, các nhà khoa học đã phát hiện 2019-nCoV có cấu trúc giống SARS - CoV đến 80%, và độ tương đồng về Protease của cả hai loại này lên đến 96%.
Do có “họ hàng” gần nhất với SARS, nên không quá khó hiểu khi chủng mới 2019 n-CoV (Novel coronavirus 2019) cũng được các chuyên gia đánh giá bước đầu có nguồn gốc từ động vật. Nhất là khi nơi phát hiện những ca bệnh đầu tiên là bắt nguồn từ chợ hải sản thuộc thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Chính vì thế, nghi ngờ dịch coronavirus có nguồn gốc từ động vật là điều hoàn toàn có cơ sở.
2.2 Lây truyền từ người sang người
Trong diễn biến của dịch bệnh, người ta nhận ra rằng dịch bệnh lây lan với tốc độ khó kiểm soát bởi nó lây truyền từ người sang người.
Hôm thứ 7, ngày 8/2/2020, một quan chức ở Thượng Hải cho biết: Các con đường lây nhiễm của chủng coronavirus mới bao gồm lây truyền trực tiếp, lây truyền do tiếp xúc, và lây truyền qua aerosol.
Các chuyên gia giải thích rằng, lây truyền trực tiếp tức là lây từ người sang người do hít phải không khí gần nơi bệnh nhân hắt hơi và ho.
Còn lây truyền tiếp xúc xảy ra khi ai đó vô tình chạm vào một vật mà người bệnh đã chạm vào, tức là tiếp xúc với mầm bệnh, sau đó theo thói quen lại đưa tay sờ lên mắt, miệng, mũi, khiến virus từ tay xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Do đó, việc xử lý chất thải của người bệnh cần thực hiện theo đúng quy trình để không phát tán dịch bệnh.
Trong cuộc họp báo hàng ngày của chính quyền thành phố về những nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus Corona, ông Zeng Quan, phó phòng dân sự Thượng Hải cho biết một con đường lây truyền khác ngoài các con đường đã được liệt kê trước đó, và được giới chuyên gia gọi là lây truyền aerosol: “Lây truyền qua aerosol liên quan đến việc virus hòa quyện trong các giọt không khí để tạo thành các aerosol. Vì vậy chúng tôi kêu gọi công chúng nâng cao nhận thức của họ về việc phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh do các cuộc họp mặt gia đình gây ra.”
Mặc dù vậy, con đường lây truyền qua aerosol vẫn chưa được xác nhận bởi trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc.
Vậy lây truyền qua aerosol là hiện tượng gì?
Theo định nghĩa, aerosol tức là các giọt huyền phù trong không khí, được tạo ra bởi các hạt lỏng và rắn có kích thước nhỏ với tốc độ lắng thấp, có khả năng duy trì trong không khí một thời gian dài. Các hạt này lớn hơn các phân tử khí nhưng nhỏ hơn các hạt bụi, vì vậy chúng lơ lửng khá lâu trong không khí trước khi rơi xuống đất.
Ho hoặc hắt hơi tạo ra một lượng đáng kể các hạt nhỏ có đường kính dưới 0,1 mm. Chúng tạo thành các aerosol, do đó vi khuẩn và virus có thể lây lan trên một khu vực rộng.
Tổ chức y tế thế giới WHO đã chỉ ra việc truyền virus bằng aerosol thông qua việc hắt hơi, khạc nhổ, thậm chí thở, nói và xả nước trong nhà vệ sinh mà không che đậy, có thể lây lan dịch bệnh từ người này sang người khác.
Đó là lý do tại sao chúng ta cần cảnh giác cao rằng việc lây truyền qua aerosol là một con đường lây truyền có khả năng cao. Tuy nhiên không cần quá hoang mang và hoảng sợ về điều này, bởi lẽ các hạt aerosol cũng có những hạn chế nhất định. Chúng chỉ tồn tại lâu trong không gian kín, nơi có luồng không khí hạn chế. Trong môi trường tự nhiên, gió và nước có thể tập trung các hạt nhỏ thành các hạt lớn hơn, làm tăng tốc độ phân rã của chúng. Trong nhà, cách tốt nhất để loại bỏ aerosol chính là duy trì luồng không khí, mở thoáng phòng để tăng sự trao đổi khí, hạn chế tình trạng virus phát tán. [2]
3 WHO và Bộ Y tế khuyến cáo các nguyên tắc cơ bản giúp phòng dịch hiệu quả
Với những nguồn lây nhiễm như vậy, làm thế nào để người dân có thể phòng dịch hiệu quả? Dưới đây là những khuyến cáo của các chuyên gia y tế mà mỗi người đều có thể thực hiện hàng ngày, cụ thể như sau:
Tránh tiếp xúc gần (giữ khoảng cách tối thiểu 1 mét) với những người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính như ho, sổ mũi, khó thở…
Đeo khẩu trang y tế đúng cách theo hướng dẫn của bộ y tế.
Hạn chế tụ tập ở những nơi đông người.
Thực hành vệ sinh cá nhân tốt như vệ sinh tay chặt chẽ, thường xuyên, đặc biệt ngay sau khi tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường của họ bằng xà phòng và nước hoặc các dung dịch nước rửa tay khô như Ecoclean, VN Herb Clean...
Mở cửa sổ để thông gió, thoáng khí, giúp nhà cửa luôn được trao đổi không khí với bên ngoài.
Tránh tiếp xúc với các trang trại và động vật hoang dã.
Thực hành ăn chín, uống sôi, chú ý không ăn trứng với thịt khi còn sống.
Chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, bổ sung các sản phẩm tăng cường sức đề kháng cho cơ thể như Tebexerol Immunoxel 125ml, Vitamin C - OPV...
Thường xuyên khử trùng nhà cửa, đặc biệt là các khu vực như nắm tay cửa, bàn ăn, nhà vệ sinh.
Những người có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp, khi ho hoặc hắt hơi nên duy trì khoảng cách với những người xung quanh và sử dụng khăn giấy dùng 1 lần để che chắn dịch tiết hô hấp bắn ra không khí.
Trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe, tăng cường tiến hành kiểm soát và phòng ngừa nhiễm trùng theo tiêu chuẩn của bệnh viện.
Với các khách du lịch, nếu bị nhiễm bệnh, WHO khuyến khích họ tìm kiếm sự chăm sóc y tế và chia sẻ lịch sử du lịch của họ để có biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
4 Tỷ lệ tử vong do virus corona liên quan đến tuổi, giới tính và trên nền bệnh khác.
Tỉ lệ tử vong = số người chết / số trường hợp khảo sát.
4.1 Tỷ lệ tử vong theo độ tuổi
Dựa trên dữ liệu khảo sát 72.314 trường hợp, bao gồm đã xác nhận nhiễm, nghi ngờ và cả các trường hợp không biểu hiện triệu chứng liên quan đến Covid -19 ở Trung Quốc kể từ ngày 11 tháng 2. Một bài báo của CCDC Trung Quốc phát hành vào ngày 17 tháng 2, được công bố trên Tạp chí dịch tễ học Trung Quốc đã phát hiện ra rằng, tỷ lệ tử vong do Covid - 19 tăng dần khi độ tuổi càng cao. Cụ thể tỉ lệ tử vong cao tập trung ở những người cao tuổi, và nhìn chung một tín hiệu lạc quan, tương đối ít trường hợp tử vong xảy ra đối với trẻ em, và đặc biệt độ tuổi từ 0 - 9 tuổi chưa có ca tử vong nào được ghi nhận.
Tỷ lệ tử vong khác nhau tùy thuộc vào nhóm tuổi, bảng tỉ lệ dưới đây đại diện cho nguy cơ tử vong của 1 người trong một nhóm tuổi nhất định nếu bị nhiễm Covid - 19:
4.2 Tỷ lệ tử vong theo giới tính
Bảng thế hiện tỷ lệ tử vong theo giới tính khi bị nhiễm Covid - 19:
Khi nhìn những con số này, phải tính đến việc ở Trung Quốc, tỉ lệ nam giới hút thuốc phổ biến hơn. Và việc hút thuốc làm tăng nguy cơ các biến chứng hô hấp. Đó là lý do lý giửi vì sao, tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn ở nữ giới bởi vì Covid - 19 cũng gây bệnh trên đường hô hấp.
4.3 Tỷ lệ tử vong trên nền bệnh khác
Những bệnh nhân báo cáo không có bệnh khác trước đó có tỷ lệ tử vong chiếm 0,9%. Những bệnh mắc kèm trước đó khiến bệnh nhân có nguy cơ tủ vong cao hơn khi nhiễm Covid - 19:
Các dữ liệu trên chỉ đại diện cho tỷ lệ tử vong của một bệnh nhân trên nền bệnh có sẵn từ trước khi bị nhiễm Covid -19.
Các dữ liệu, các con số trên đây chỉ mang tính ước tính để xác định để tính xác suất tử vong của một bệnh nhân khi không may bị nhiễm Covid - 19. [3]
Tài liệu tham khảo
- ^ Zhou Wenting (Ngày đăng 08 tháng 02 năm 2020). Shanghai officials reveal novel coronavirus transmission modes, China daily. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022
- ^ Tác giả Sun Siqing (Ngày đăng 10 tháng 2 năm 2020). Aerosol transmission should prompt precautions, not panic, China daily. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022
- ^ Chuyên gia của Worldometer (Ngày đăng 13 tháng 5 năm 2021). Age, Sex, Existing Conditions of COVID-19 Cases and Deaths, Worldometer. Truy cập ngày 5 tháng 1 năm 2022