Cơn hen phế quản cấp ở trẻ: triệu chứng, xử trí và phác đồ điều trị
Trungtamthuoc.com - Hen phế quản là nguyên nhân thường xuyên nhất khiến trẻ em phải nhập viện ở Hoa Kỳ và là nguồn gốc của gần 500.000 trường hợp nhập viện chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ em (PICU) [1] Triệu chứng điển hình của cơn hen phế quản cấp là trẻ cảm thấy khó thở, như không thở được hay không đủ không khí để thở. Nếu triệu chứng này nặng thậm chí làm người bệnh hốt hoảng, không nói được rõ, vã mồ hôi. Đồng thời, cùng với nhịp thở đó là người bệnh hen cấp tính nghe thấy những tiếng rít khò khè.
1 Cơn hen phế quản cấp là gì?
Đợt cấp hen phế quản biểu hiện bởi một đợt trở nặng các triệu chứng và chức năng hô hấp cấp hoặc bán cấp so với tình trạng thường ngày của bệnh nhân, hoặc trong một số trường hợp, bệnh nhân đến khám lần đầu tiên trong đợt kịch phát. [2] Điều trị hiệu quả phụ thuộc vào việc đánh giá chính xác và nhanh chóng mức độ nghiêm trọng của bệnh khi biểu hiện. [3]
2 Các yếu tố nguy cơ của hen phế quản cấp
Các yếu tố nguy cơ gây tái phát ra những cơn hen phế quản cấp gồm 2 nhóm chính là do cơ địa và do môi trường.
Trước tiên, những người có cơ địa dị ứng được nhận thấy là có nguy cơ bị hen phế quản rất cao. Theo một số nghiên cứu cho thấy có đến 50% người bệnh hen phế quản là do cơ địa dị ứng.
Hen phế quản được xét thấy là có liên quan đến di truyền, những người da đen có nguy cơ mắc bệnh cao hơn người da trắng. Đồng thời cũng thấy bệnh hen phế quản gặp ở các bé nam nhiều hơn nữ.
Không những thế, dị nguyên trong môi trường sống như bụi nhà, khói thuốc, phấn hoa, lông động vật… Là tác nhân quan trọng trong việc tái phát hen phế quản, đặc biệt là các cơn cấp tính.
Các bé bị nhiễm trùng đường hô hấp cũng có thể dẫn đến hậu quả là các cơn hen phế quản.
3 Dấu hiệu hen phế quản cấp ở trẻ em
Trẻ thường bắt đầu bệnh bới các triệu chứng ban đầu là ho khan, sau đó có nhiều đờm rãi. Trẻ thường ho nhiều nửa đêm về sáng, đặc biệt là khi thay đổi thời tiết. Khi khạc đờm thấy màu trắng, hơi bóng và dính.
Triệu chứng điển hình tiếp theo là trẻ cảm thấy khó thở, như không thở được hay không đủ không khí để thở. Nếu triệu chứng này nặng thậm chí làm người bệnh hốt hoảng, không nói được rõ, vã mồ hôi. Đồng thời, cùng với nhịp thở đó là người bệnh hen cấp tính nghe thấy những tiếng rít khò khè.
Không những thế, trẻ hen phế quản cấp còn cảm giác nặng ngực, sốt do viêm tiểu phế quản.
Khi gõ phổi những trẻ hen phế quản cấp ta thấy tiếng vang hơn giống như lồng ngực bị giãn ra.
Khi chụp X quang thấy phổi bình thường ở giai đoạn đầu nhưng sau đó sẽ thấy khí bị ứ đọng, lồng ngực giãn rộng, hoặc tắc nghẽn nếu ho nhiều đờm.
4 Các mức độ của cơn hen cấp tính ở trẻ
Trong đánh giá mức độ nặng nhẹ của các cơn hen cấp tính người ta chia thành các mức độ nhẹ, trung bình và nặng.
Nếu hen cấp tính ở thể nhẹ thì trẻ vẫn có ý thức tỉnh, SaO2 đạt 94%, có thể nói bình thường. Lúc này trẻ có biểu hiện khò khè nhẹ, đo mạch thấy dưới 100 lần mỗi phút, khi xét nghiệm thấy cung lượng đỉnh và FEV1 cho giá trị trên 60% .
Nếu bệnh tiến triển nặng hơn đến mức độ trung bình thì trẻ chỉ nói được từng cụm từ, SaO2 có giá trị khoảng 90 đến 94%, ý thức vẫn tỉnh. Đồng thời mạch nhanh hơn, có giá trị khoảng 100 đến 200 lần mỗi phút, biểu hiện khò kè nặng hơn, cung lượng đỉnh và FEV1 trong khoảng từ 40 đến 60%.
Khi bệnh diễn biến nặng, trẻ sẽ không còn ý thức nữa mà bị kích thích, hơi lẫn, nồng độ SaO2 xuống dưới 90%. Khi này, trẻ không nói được, hoặc chỉ nói được từng từ, mạch rất nhanh đến trên 200 lần/phút. Không những thế, trẻ còn có biểu hiện tím tái, cung lượng đỉnh và FEV1 không thể đo được nữa.
5 Phác đồ điều trị hen phế quản cấp ở trẻ em
5.1 Nguyên tắc điều trị cơn hen phế quản cấp
Khi trẻ xuất hiện các cơn hen nặng phải hỗ trợ thở oxy và dùng thuốc điều trị hen phế quản cấp ở trẻ là thuốc giãn phế quản ngắn (SABA) cho trẻ ngay và thăm khám lâm sàng cũng như tiền sử bệnh.
Theo dõi liên tục trong quá trình điều trị, dùng nhắc lại SABA khi cần thiết. Nếu hen chưa được kiểm soát thì mỗi 20 phút lại nhắc lại 1 lần đến khi ổn định.
Cuối cùng là cho trẻ sử dụng các thuốc phòng ngay trong cơn hen cấp.
5.2 Điều trị cơn hen cấp ở trẻ mức độ nhẹ
Cho trẻ dùng Salbutamol xịt định liều theo lứa tuổi, những bé dưới 6 tuổi thì bóp 6 nhát còn với trẻ trên 6 tuổi thì bóp 12 nhát
Với các bé dưới 6 tuổi, hay kỹ thuật hít ở trẻ kém cần dùng Salbutamol dạng bình hít định liều phối hợp với buồng đệm. Còn các bé trên 6 tuổi, đồng thời kỹ thuật hít tốt hơn thì chỉ dùng bình hít định liều.
Cần khám lại cho trẻ sau mỗi 20 phút để cân nhắc điều trị và đánh giá mức độ hen.
Trong trường hợp này, bác sĩ có thể cân nhắc dùng Corticoid toàn thân bằng đường uống với liều 1mg/kg, tối đa là 60mg một ngày. Nếu trẻ uống được hoặc chống chỉ định dùng corticoid đường uống, thì cân nhắc sử dụng khí dung Budesonide với liều 1mg/ lần, mỗi ngày sử dụng 2 lần.
Trước khi cho trẻ về, cần đợi khám lại sau khi dùng liều Salbutamol cuối cùng.
5.3 Cách điều trị cho trẻ có cơn hen mức độ trung bình
Cần phải cho trẻ nhập viện để điều trị, bước đầu cho trẻ dùng Salbutamol như hướng dẫn với hen mức độ nhẹ.
Nếu liều ban đầu chưa cho đáp ứng với trẻ thì nhắc lại 2 lần sau mỗi 20 phút. Sau đó cứ cách 1 đến 4 giờ thì cho dùng thuốc
Theo dõi nồng độ oxy bão hòa, cho trẻ dùng các thiết bị hỗ trợ thở oxy khi cần thiết.
Đồng thời cho trẻ sử dụng Prednisolon với liều mỗi ngày uống 1mg/kg. Nếu trẻ trẻ không dung nạp được thuốc hoặc không được sử dụng steroid bằng đường uống thì cân nhắc cho trẻ dùng khí dung Budesonide: với liều mỗi ngày 2mg, chia đều trong 2 lần.
Nếu bé không thể nhập viện để điều trị cần theo dõi trẻ thêm 1 giờ kể từ khi dùng thuốc lần cuối.
5.4 Liệu pháp cho trẻ có cơn hen mức độ nặng
Trường hợp này bắt buộc phải cho trẻ nhập viện để theo dõi hồi sức tích cực.
Cho trẻ dùng thuốc đồng vận β2 tác dụng ngắn dạng khí dung với oxy, khi thở oxy phải duy trì độ bão hòa oxy trong khoảng từ 94 đến 98%.
Cân nhắc kết hợp Ipratropium bromide dạng khí dung để trẻ nhanh chóng thuyên giảm tình trạng hen nặng.
Cho trẻ dùng corticoid toàn thân bằng prednisolon uống trong vòng 5 ngày, với liều mỗi ngày 1mg/kg, tối đa là 60mg một ngày. Hoặc cho trẻ dùng Methylprednisolon tiêm tĩnh mạch với liều 1mg/kg một lần, không được vượt quá 60mg. Ngày đầu tiên cho trẻ dùng Methylprednisolon với liều như trên và nhắc lại sau mỗi 6 giờ. Sang ngày thứ 2 thì nhắc lại sau 12 giờ, và giảm xuống còn mỗi ngày 1 lần kể từ ngày thứ 3 trở đi.
Trường hợp trẻ trên 2 tuổi có kết quả điều trị kém thì cân nhắc truyền tĩnh mạch trên 20 phút MgSO4 với liều 50mg/kg, không được dùng quá 2g. Còn các bé dưới 2 tuổi thì dùng Aminophylline tĩnh mạch chậm..
5.5 Trường hợp điều trị cho trẻ bị hen rất nặng, đe dọa tính mạng
Trường hợp này cho trẻ cấp cứu tại khoa hồi sức với Aminophylline tiêm tĩnh mạch chậm. Hoặc tiêm tĩnh mạch chậm 10 phút Salbutamol liều 15mcg/kg, rồi giảm xuống liều duy trì 1 mcg/kg trong 1 phút đến khi không còn khó thở.
Nếu bệnh vẫn diễn biến xấu đi và có dấu hiệu suy hô hấp nặng cân nhắc đặt nội khí quản đồng thời duy trì thuốc giãn phế quản theo hướng dẫn bằng đường tĩnh mạch.
Hy vọng bài viết này giúp ích cho các bạn khi trẻ tái phát cơn hen cấp tính.
Tài liệu tham khảo
- ^ Tác giả: Mannino DM, Homa DM, Akinbami LJ, Moorman JE, Gwynn C, Redd SCAcute severe asthma exacerbations in children younger than 12 years: Intensive care unit management, Uptodate. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Chuyên gia của Global Initiative for Asthma, Global Strategy for Asthma Management and Prevention 2021, Global Initiative for Asthma. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021
- ^ Tác giả: Oliva Ortiz-Alvarez , Angelo Mikrogianakis, Managing the paediatric patient with an acute asthma exacerbation, NCBI. Truy cập ngày 11 tháng 11 năm 2021